Tên tiếng Việt:
Đình lịch (Hạt).
Tên khác:
Hạt ngũ hoa.
Tên khoa học: Hygrophyla salicifolia (Vahl) Nees – Ruellia salicifolia Vahl. Họ thực vật: Acanthaceae.
Đình lịch là loài cây thảo rất đa dạng, cao đến 1m, không lông hay có rất ít lông nhất là dưới cụm hoa; thân vuông, mọc đứng hay mọc nằm, phình ở các mấu. Lá có phiến xoan, thường thon dài hay thuôn, nguyên hay khía tai bèo.
Hoa thành xim co ở nách lá, tiền diệp hẹp; lá đài 6 – 10mm, dính nhau đến ½ hay toàn bộ; tràng màu tim tím, dài 12 – 18mm; nhị sinh sản 4. Quả nang nâu đậm, chứa 20 – 35 hạt có lông hút nước.
Hạt Đình lịch nhỏ như hạt vừng màu nâu sáng. Khi ngâm với nước nóng thì nó có 1 lớp nhầy bao quanh hạt và khiến các hạt kết dính với nhau. Các hạt đều có các lông để hút nước.
Cây mọc hoang ở ruộng, đất trống, bờ mương, bãi hoang khắp nơi. Mùa ra hoa vào khoảng tháng 5 – 12.
Cây Đình lịch mọc phổ biến khắp nơi, phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaixia, Indonexia.
Mùa quả chín bắt đầu khoảng tháng 8 đến tháng 10. Người dân thu hoạch bằng cách nhổ cả cây đem về rồi phơi khô; Đập lấy hạt. Hạt đem phơi khô để làm thảo dược.
Bộ phần dùng của cây gồm hạt và toàn cây – Semen et Herba Hygrophilae Salicifoliae.
Lá chứa 18% tro giàu kalium. Hạt chứa 25% dầu béo và có vết của một alcaloid đắng. Theo nghiên cứu hàm lượng alcaloid đắng trong hạt Đình lịch rất cao, có tác dụng trong việc điều trị sưng tấy, giảm viêm nhiễm tốt. Bên cạnh việc hút mủ các vết thương bị viêm thì hạt Đình lịch còn có thể điều trị máu bầm.
Theo đông y, Đình lịch có vị ngọt, hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hóa ứ chỉ thống.
Công dụng làm đẹp
Không phải đến bây giờ người ta mới dùng hạt Đình lịch làm đẹp mà nó đã được áp dụng từ cách đây rất lâu. Một số công dụng của hạt Đình lịch đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị:
Giảm sưng viêm và tình trạng mụn trên da.
Không chỉ hút mụn mủ mà nó còn làm sạch dầu thừa rất tốt.
Làm mặt nạ giúp cho da săn chắc, mịn màng và hồng hào hơn.
Kết hợp điều trị các bệnh ho gà, ho ra máu
Người ta nghiên cứu được rằng hạt Đình lịch có thể giải độc và hạ nhiệt tốt. Do đó người ta thường kết hợp để điều trị các bệnh thổ huyết, ho gà hay các tình trạng người bị đau nhức.
Ở Vân Nam (Trung Quốc), dây của cây Đình lịch được dùng trị viêm hầu họng, viêm tuyến vú, thổ huyết, chảy máu cam, ho gà; dùng ngoài trị gãy xương, đòn ngã tổn thương và rắn độc cắn.
Giảm sưng viêm, tốt cho các vết thương có mủ và tụ máu
Hạt Đình lịch có hàm lượng alcaloid đắng rất cao. Đây là chất được đánh giá là kháng viêm, giảm vi khuẩn, ngăn ngừa sưng tấy cực tốt. Do đó mà nó có thể được dùng để giảm tình trạng mủ hay máu bầm.
Ở Malaixia, lá thường được dùng làm thuốc đắp chữa vết thương và sưng phù. Ở Malaixia, dịch lá hơi se dùng làm thuốc lọc máu và làm săn da. Hạt dùng ở Giava làm thuốc đắp trị đau đầu và sốt.
Dùng hạt đình lịch làm mặt nạ hút mủ
Dùng khoảng 2 thìa to hạt Đình lịch rồi cho vào cốc nước ấm cỡ 40 – 50°C để ngâm, 5 phút sau thì gạn bớt nước và trộn đều hỗn hợp này lên. Sau đó đắp lên mặt chỗ da có mụn mủ, công dụng giúp giãn nở các lỗ chân lông, dần dần các nốt mụn sưng lên rồi vỡ ra và dịch mủ chảy ra ngoài.
Mủ chảy ra cùng với cồi mụn khi lấy mặt nạ ra. Lưu ý cần sát trùng cẩn thận rồi rửa mặt lại bằng nước ấm và chăm sóc da cẩn thận để các vết thương hở không bị viêm nhiễm.
Dùng hạt đình lịch giảm tình trạng viêm nhiễm hoặc chăm sóc da
Khi ngâm hạt Đình lịch với nước ấm, hạt sẽ nở ra và keo thành cục. Dàn mỏng hỗn hợp rồi đắp lên chỗ da cần điều trị khoảng 30 phút.
Khi gỡ mặt nạ sẽ có mủ ra cùng. Làm sạch mủ và sát trùng vết thương. Tùy tình trạng mụn hoặc muốn giảm sưng viêm nhanh thì tần suất dùng có thể từ 1 đến 2 lần.
Chưa có thông tin.
Điều cần lưu ý là hạt Đình lịch có kích thích mạnh với niêm mạc dạ dày. Do đó tuyệt đối không ăn hay uống hạt Đình lịch.
Nguồn Tham Khảo:
Từ điển cây thuốc Việt nam – Võ Văn Chi.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Tập 1).
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.