Tên Tiếng Việt: Hạt kê, Kê, Lúa kê, Lang vỉ, Khẩu phảng (Tày).
Tên khoa học: Setaria italica (L.) P. Beauv. Họ: Hòa thảo (Poaceae).
Cây thảo hàng năm, có thân mọc thành túm, có khi to, đơn hay hơi phân nhánh, cao 0,5 – 1,8m. Lá phẳng, mềm, mọc đứng, hình dải, nhọn dài, có mép ráp hay có gai nhỏ, dài 15 – 50cm, rộng 1 – 2cm.
Chùy hoa dạng bông, nhiều lần kép, khúc khuỷu, ở ngọn thòng xuống và hình trụ, dày đặc, tròn hay thót ngắn ở đỉnh, dài 10 – 35cm, rộng 2 – 3cm. Quả thóc hình bầu dục, dạng cầu, màu trăng trắng.
Đây là loài cây trồng, mọc nhanh; có thể mọc trên các loại đất cát vùng đồng bằng và cả ở trên đất vùng núi, trên ruộng cũng như trên nương rẫy. Thời gian trồng cây kê rất nhanh. Người dân gieo hạt vào tháng 1 âm lịch, chăm sóc rồi đến khoảng tháng 4 là thu hoạch.
Cây kê trồng nhiều nơi ở Việt Nam, từ Bắc vào Nam, nhất là các tỉnh miền Trung. Ngoài ra, cây kê còn trồng ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaixia, Indonexia.
Mùa hoa quả của cây kê từ tháng 5 đến tháng 7.
Bộ phận sử dụng của hạt kê, gồm: Hạt và mầm hạt (Cốc nha hay Túc nha) – Semen Setariae et Fructus Setariae Germinatus.
Sau khi sấy vỏ, hạt chứa 73% hydrat carbon, 10,8% protein và 2,9% lipid. Các acid amin từ protein được giải phóng do sự lên men thấp hơn ở sữa và lúa mì.
Trong đông y, kê có vị ngọt, tính bình, có tác dụng hòa trung, ích thận, trừ nhiệt, giải độc. Ở Ấn Độ, cây kê được xem như là lợi tiểu và thu liễm. Cốc nha có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng tiêu thực hòa trung, kiện tỳ khai vị; cốc nha sao lại tiêu thực, còn cốc nha tiêu (sao cháy) có tác dụng làm tiêu tích trệ.
Kê thuộc loại lương thực thường dùng trong nhân dân. Người ta lấy hạt kê về, phơi khô, tách vỏ, dùng làm lương thực cho người, gia súc. Tùy theo từng nhu cầu cụ thể mà kê nấu thành nhiều món ăn ngon hay hình thành một số bài thuốc chữa bệnh hữu hiệu, như: Kê được dùng làm thuốc chữa lậu nhiệt, ho nhiệt, ho khan.
Tác dụng tốt cho não bộ
Hạt kê có tác dụng giúp duy trì hoạt động của não bộ hiệu quả, nhờ lượng vitamin dồi dào, cùng khả năng cung cấp các khoáng chất thiết yếu. Đặc biệt phải kể đến vai trò của chất lecithine và choline tự do, bảo vệ tế bào não, tăng cường trí nhớ, giảm lão hóa.
Tác dụng an thần, dễ ngủ
Thành phần của hạt kê có chứa nhiều melatonin, điều chỉnh giấc ngủ. Ăn cháo kê buổi tối giúp giải tỏa được căng thẳng, dễ đi vào giấc ngủ. Vì vậy, những người khó ngủ, thường hay trằn trọc lựa chọn hạt kê để nấu cháo.
Tác dụng tốt cho tim mạch, hệ thần kinh
Không chỉ tốt cho não, chất choline trong hạt kê còn có chức năng ức chế nguyên nhân làm cứng động mạch, cân bằng âm dương thần kinh.
Tác dụngthanh nhiệt cơ thể
Các hoạt chất ở hạt kê gồm hydrat carbon, lipid, protein, Ca, P, Fe, sinh tố nhóm B, các loại đường giúp thanh lọc cơ thể, lợi tiểu, bổ thận.
Ở Trung Quốc, nhân hạt kê dùng trị tỳ vị hư nhiệt, phản vị ẩu thổ, tiêu khát, tiết tả.
Tác dụng hỗ trợ hoạt động tiêu hóa
Những người có hệ tiêu hóa không ổn định, gặp chứng dạ dày nóng nên sử dụng loại hạt này sẽ thấy tình hình được cải thiện đáng kể.
Hạt dùng nấu cháo cho người đau dạ dày và bột các hạt đã rang, pha với nước mật dùng cho trẻ em bị bệnh nhọt.
Tác dụng bổ thận dương
Hạt kê được khuyến khích bổ sung cho người thận yếu, bị đau lưng, mỏi gối, suy giảm trí nhớ, sinh lý yếu, người gặp chứng mộng tinh, di tinh, xuất tinh sớm,…
Ở Ấn Độ, người ta dùng ngoài trị thấp khớp và là vị thuốc gia dụng làm dịu các cơn đau do sinh đẻ.
Tác dụng chữa hôi miệng
Những hợp chất quan trọng của hạt kê ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi bên trong khoang miệng, chống lại tình trạng mùi hôi khó chịu, giảm bệnh lý liên quan đến răng miệng.
Cốc nha dùng chữa ăn uống không tiêu, đầy bụng, hôi miệng, tỳ vị hư yếu, kém ăn; cốc nha sao dùng trị kém ăn; cốc nha tiêu dùng trị tích trệ không tiêu. Liều dùng 9 – 15g.
Chữa âm hư hao khát, mỏi mệt bải hoải sau những buổi thức đêm mất ngủ hay lao động, phòng dục quá độ, trong người hấp nóng, ho, mồ hôi trộm, khó ngủ
Dùng hạt kê nấu chè; ăn thì mát khỏe, lại sức.
Chữa trẻ nhỏ sài kê, khắp mình nổi mụn đỏ như hạt kê
Dùng hạt kê nấu nước tắm.
Cầm đi lỵ
Hạt kê để lâu năm, đem đun sôi cùng với nước rồi uống. Dùng liên tục trong 3 – 5 ngày.
Trẻ nhỏ tiêu hóa kém, bị cam tích
Dùng 100g kê, khoai mài lượng vừa đủ. Kết hợp nấu thành cháo cho trẻ ăn vào buổi sáng, tối. Dùng kéo dài trong 10 ngày.
Trị chứng tỳ vị hư yếu, đau bụng nôn mửa
Hạt kê nghiền thành bột (lượng 150 – 200g), hòa cùng nước. Sau đó, viên lại thành viên như đầu đũa. Ăn 30 – 50 viên/lần bằng cách chưng chín, thêm chút muối, ăn không hoặc dùng với canh.
Lưu ý: Không ăn kèm hạt kê với hạnh nhân vì có thể gây nôn ói, tiêu chảy.
Nguồn Tham Khảo:
Từ điển cây thuốc Việt nam – Võ Văn Chi.
Tracuuduoclieu.vn://bongketamtre.com/cac-dau-hieu-me-can-phai-tam-bong-ke-cho-be/.
Suckhoedoisong.vn://suckhoedoisong.vn/hat-ke-mon-an-truong-tho-169100101.htm.
- Caythuocdangian.com: //caythuocdangian.com/hat-ke/.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.