Tên tiếng Việt: Huyền hồ sách; Diên hồ sách; Sanh diên hồ; Vũ hồ sách; Nguyên hồ.
Tên khoa học: Corydalis yanhusuo W.T.Wang.
Họ: Papaveraceae (thuốc phiện).
Cây thân cỏ, nhẵn, sống lâu năm chỉ cao từ 10 – 20 cm. Thân rễ bao gồm nhiều củ nhỏ dẹt, chắc, dày 1,3 cm, đường kính 1,5 cm, màu vàng nâu. Lá kép xẻ hình lông chim.
Cụm hoa mọc dạng chùm; hoa màu đỏ hồng hoặc đỏ tía; đài hoa có 2 răng; tràng bao gồm 4 cánh thẳng không đều, 1 cánh dài hơn; nhị 6; bầu 2 ô.
Quả dạng nang, thuôn hẹp. Mùa hoa từ tháng 4 đến tháng 5, sau đó từ tháng 6 tới tháng 7 là thời kỳ có quả.
Huyền hồ chủ yếu phân bố ở vùng ôn đới ấm khu vực Đông Á, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và có thể bao gồm Triều Tiên.
Theo Phạm Hoàng Hộ (1991 và 2000), chi Corydalis Vent, ở Việt Nam có hai loài là Corydalis balansae Prain phân bố ở Lạng Sơn và Ninh Bình; loài C.tenuifolia Franch. ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Huyền hồ ở Việt Nam là loại thuốc được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Huyền hồ sử dụng rễ củ để làm thuốc. Rễ củ sau khi khai thác thác về đem rửa sạch phơi hay sấy khô. Có thể sao tẩm với rượu để có tác dụng hành huyết; với giấm để cầm máu hoặc sao không tẩm để điều huyết.
Rễ Huyền hồ chứa các alcaloid như d. corydalin, dl tetrahydropalmatin, dehydrocorydalin, columbamin, d. corybunbin, protopin, d. yanhunin, allocryptopin, d. glaucin, d. N methyl laurotetanin, leonticin, dihydro sanguinarin, L ambinin, Nor. glaucin, d. thaliporphin. (TDTH 1.2151).
Huyền hồ có vị đắng hơi cay, tính ấm, không độc khi vào ba kinh can, phế, tỳ, có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, lợi khí, giảm đau.
Giảm đau và an thần là hai tác dụng chính của Huyền hồ. Hoạt chất tetrahydropalmatin, khi tiêm tĩnh mạch với liều 5mg/kg cho chuột nhắt trắng giúp kéo dài thời gian phản xạ có điều kiện và làm tăng sự củng cố, nhưng sự phân biệt không thay đổi.
Với liều 10mg/kg, chuột mất hoàn toàn phản xạ có điều kiện, trong khi thời gian phản xạ không điều kiện vẫn như trước. Thí nghiệm cho thấy sự giảm lượng dopamin, noradrenalin và serotonin trong não với tỷ lệ tương ứng 70%, 50% và 30% trên chuột cống trắng khi tiêm tetrahydropalmatin với liều 60mg/kg.
Chứng bắt thế gây bởi tetrahydropalmatine khi tiêm phúc mạc cho chuột cống trắng với liều 70 – 100 mg/kg kết hợp với sự tăng mức acid 5 – hydroxyindolacetic, cho thấy hệ thần kinh đáp ứng với serotonin có vẻ tham gia vào tác dụng gây chứng giữ nguyên tư thế của tetrahydropalmatin. Tetrahydropalmatin khi uống một liều 60mg/kg hấp thụ nhanh và hầu như hoàn toàn ở chuột nhắt trắng.
Khi điều trị 36 trường hợp đau tim vùng trước tim, ở bệnh nhân có bệnh động mạch vành với những thay đổi thường xuyên trong điện tâm đồ bằng nước sắc hai dược liệu Huyền hồ, đan sâm và dung dịch acid nicotinic bằng liệu pháp ion hóa ở vùng trước tim, và có 30 ca đối chứng được điều trị bằng các loại thuốc thông thường là giãn mạch và hạ lipid máu.
Một liệu trình bao gồm 15 lần điều trị liên tục, mỗi lần 15 – 30 phút, mỗi bệnh nhân làm ít nhất hai liệu trình. Kết quả thu được cho thấy hiệu quả ở 52,8% trường hợp điều trị vối phương pháp ion hóa nước sắc Huyền hồ, đan sâm, so vói 23,3% trường hợp trong nhóm đối chiếu. Các trường hợp nhẹ có kết quả tốt hơn so với các trường hợp nặng.
Huyền hồ được dùng để điều trị khí huyết ứ trệ, đau khắp người, đau bụng kinh, đau bụng do ứ huyết sau sinh, sưng đau do chấn thương. Huyền hồ được dùng dưới dạng thuốc sắc, hoặc thuốc viên với liều lượng từ 6g đến 12g. Huyền hồ thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Chữa u xơ tuyến vú: 12g mỗi loại bao gồm Huyền hồ, đương quy, xích thược, lá quất, hồng hoa, sài hồ, đào nhân, hương phụ chế, xuyên luyện tử kết hợp với 16g đan sâm. sắc uống mỗi ngày một thang.
Chữa viêm phần phụ: 8g Huyền hồ 8g; 16g mỗi loại kê huyết đằng, ý dĩ; bồ công anh, kim ngân hoa, mỗi vị 12g; xuyên khung 10g; 4g mỗi loại bao gồm nhũ hương, một dược, cam thảo. sắc uống ngày một thang.
Lưu ý khi sử dụng Huyền hồ:
Kiêng kỵ: Không dùng cho phụ nữ có thai và người có huyết hư nhưng không ứ trệ. Tác dụng chủ yếu của Huyền hồ khi đưa vào bài thuốc là giảm đau, trị thấp khớp, điều kinh theo y học cổ truyền Trung Quốc.
Nguồn Tham Khảo:
1. //tracuuduoclieu.vn/huyen-ho.html.
2. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi: //drive.google.com/file/d/11HYLqPu7eW-p5LePwUl4L2z18YnIRfQH/view?usp=sharing.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.