Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Hoa bia: Những tác dụng chữa bệnh có thể bạn chưa biết cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Hoa bia hay hublông (danh pháp hai phần: Humulus lupulus) là thực vật dạng dây leo trong họ Cannabaceae. Công dụng: Thuốc bổ, tiêu thực, chữa ăn uống không tiêu, trướng bụng, mất ngủ, lao phổi, viêm màng phổi, tràng nhạc, bạch đói, bệnh ngoài da (Hoa). Dùng ngoài chữa thấp khớp, thống phong, áp xe.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Húp lông, Hương bia, Hoa bia.
Tên khác:
Hublông; Hoa Houblo.
Tên khoa học: Humulus lupulus L. Họ thực vật: Canabaceae.
Đặc điểm tự nhiên
Loài này được Carl von Linné miêu tả khoa học đầu tiên năm 1753. Chúng là cây sống lâu năm (30 – 40 năm), có chiều cao trung bình từ 10 – 15m. Hoa houblon có hoa đực và hoa cái riêng cho từng cây. Trong sản xuất bia chỉ sử dụng hoa cái chưa thụ phấn.
Cây hoa bia là loài cây thảo sống hằng năm có thân quấn, cao đến 6m. Lá có phiến dài 4 – 8cm, hình tim ở gốc và chia sâu thành 3 – 8 thùy hình trái xoan, nhọn ở đỉnh và có răng ở mép. Cây có hoa khác gốc. Các hoa đực màu vàng lục xếp thành chùm phân nhánh ở nách các lá; các hoa cái tụ họp thành nón 1 – 2cm, xếp thành chùm ở đầu các nhánh; mỗi nón hình trứng gồm nhiều lá bắc dạng lá, màu vàng lợp lên nhau. Ở nách mỗi lá bắc đính hai hoa cái; về sau mỗi hoa sẽ cho một quả bế.
Phân bố, thu hái, chế biến
Cây hoa bia là loài cây của các nước ôn đới châu Âu; được nhập trồng ở vùng khí hậu mát. Cây được trồng bằng cách giâm của năm trước, dài 12 – 20cm; đâm rễ nhanh. Khi cây trưởng thành, người ta bỏ bớt các gốc đực để tránh việc tạo thành quả.
Cây thường ra hoa từ tháng 4 đến tháng 5.
Các nguồn sản xuất hoa bia chính: Hallertau (Đức, năm 2006 là nơi có diện tích trồng hoa bia lớn nhất so với tất cả quốc gia khác), vùng Yakima (bang Washington, Hoa Kỳ) và thung lũng Willamette (bang Oregon, Hoa Kỳ), và vùng phía tây Canyon County, Idaho (bao gồm các vùng Parma, Wilder, Greenleaf và Notus), trung tâm sản xuất chính ở Anh là Kent (sản xuất hoa bia Kent Goldings) và Worcestershire. Nhìn chung tất cả hoa bia được sử dụng trong việc sản xuất bia.
Ở Việt Nam, cây hoa bia thường được trồng ở Sơn La, Lạng Sơn, Lâm Đồng.
Bộ phận sử dụng
Cụm hoa cái (nón cái) – Flos Lupuli, thường gọi là Tị tửu hoa, mà lupulin là bụi nhựa (tức là các tuyến tiết tích trữ dưới lớp cuitn của các lông tiết bao ngoài lá bắc).
Để làm thuốc, ta thu hái hoa cái vào cuối mùa hạ, trước khi chín hoàn toàn. Trên các lá bắc có những lông tuyến màu nâu có hoạt tính cao hơn hoa. Sau đó, người ta đem đi phơi khô ở nhiệt độ thấp hơn 60 độ. Mùi thơm sẽ tăng thêm khi bảo quản và gợi lên mùi của valerian.
Nếu đập các nón hoa này, các lông tuyến tách ra, ta lấy được khoảng 10 – 12% lupulin. Đó là một thứ bột màu vàng, dạng hạt, dễ dính với nhau, nhưng không thấm nước. Quan sát dưới kính hiển vi thì đó là những lông tiết dài 150 – 250 micron, có chân ngắn đa bào và đỉnh là một phần rộng dạng chén gồm một dãy tế bào có tầng cuticun giãn ra dần do sự tích lũy nhựa dầu.
Thành phần hoá học
Nón cái của Hoa bia chứa allantoinase, 3 – 5% một tanin riêng biệt là acid humulotannic, trimethylamin, các muối kalium, lupulin. Lupulin chứa 1 – 2% tinh dầu, nhựa, các chất đắng, sáp, các base, một alcaloid. Tinh dầu màu lục hay nâu tùy thuộc vào nón hoa tươi hay khô, rất thơm và chứa:
-
Một ether valerianic là valerol, khi oxy hóa sẽ cho acid valerianic tạo ra mùi khó chịu của nón hoa khô.
-
Một sesquiterpen là humulen, tương đương với α-caryophyllen.
-
Một terpen aliphatic là mycen. Humulen và myrcen chiếm đến 80 – 90% tinh dầu.
Trong lupulin có một chất đắng khi bị tác dụng của các acid sẽ tạo ra lupuliretin có liên quan tới nhựa của Hoa bia và acid lupulinic tạo ra vị đắng của nó. Từ nhựa vô định hình, màu nâu có thể xem như chất cơ bản, người ta đã tách được một chất khá xác định, có vị đắng là humulol và một chất khác không đắng là xanthohumol; nhựa còn chứa các acid béo và 3 este.
Các chất đắng, được gọi là các acid đắng, là humulon và các lupulon. Nhựa còn chứa acid lactaric và những lượng nhỏ sáp, alcol cerylic và acid cerotic.
Trong lupulin có các base có N sau đây: Adenin, I-asparagin, acid aspartic, betain, cholin, histidin và hypoxanthin, arginin. Còn có một alcaloid bay hơi, tương đương với conicine và nicotine mà người ta gọi là lupuline.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Hoa bia từ lâu được xem như liều thuốc lợi tiêu hóa, bổ đắng, giúp ăn ngon miệng, làm tan đờm, chặn ho, làm dịu thần kinh, gây ngủ nhẹ. Ngoài ra, người ta còn cho rằng hoa bia còn có tính gây động dục.
Trong đông y, hoa bia được xem như có vị đắng và thơm, tính bình; có tác dụng kiện vị, hóa đàm, chỉ khái, an thần.
Theo y học hiện đại
Chất lupulin được dùng như thuốc giảm đau và dịu dục, nhưng đối với liều cao sẽ gây choáng váng và nôn. Các chất đắng humulon và lupulon có tính chất sát trùng.
Hoa bia đã được dùng từ lâu làm men bia. Người ta cho vào nước và rắc lên lúa mạch trước khi lên men, nó sẽ cho mùi thơm và có vị đắng của bia. Ngoài ra, hoa bia được dùng làm thuốc chữa ăn uống không tiêu, ăn không ngon, trướng bụng, mất ngủ, lao phổi, viêm màng phổi, tràng nhạc, bạch đới, bệnh ngoài da.
Liều dùng & cách dùng
Hoa bia dùng ngoài trị thấp khớp, thống phong, áp xe nguội, ung thư. Người ta dùng 30g nón Hoa bia cho vào 1 lít nước đun sôi. Hãm trong 10 phút. Ngày dùng 3 lần, mỗi lần một chén, trước các bữa ăn. Có thể dùng các nón hoa nghiền ra, mỗi lần lấy bằng đầu mũi dao, 1 – 3 lần trong ngày.
Ngoài ra, hoa bia còn được dùng dưới dạng cao nước, dạng viên lupulin (0,25g), dạng cồn thuốc hay cao.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chưa có thông tin.
Lưu ý
Một số lưu ý khi dùng Hoa bia:
- Hoa bia nếu sử dụng liều cao vượt ngưỡng chỉ định sẽ có hiện tượng buồn nôn, nôn, chóng mắt.
- Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng hoa bia có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
Nguồn Tham Khảo:
- Từ điển cây thuốc Việt nam – Võ Văn Chi.
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Tập 1).
- Hellobacsi.com: https://hellobacsi.com/duoc-lieu/thao-duoc/hoa-bia/.
- Wikipedia.org: https://vi.wikipedia.org/wiki/Hoa_bia.
- Suckhoedoisong.vn: https://suckhoedoisong.vn/
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.