Tên tiếng Việt: Húng quế.
Tên khác: Húng chó; Húng giổi; Rau é; É tía; Hương thái; Rau quế.
Tên khoa học: Ocimum basilicum, họ hoa môi Lamiaceae.
Húng quếlà cây thuộc thảo, sống hằng năm, thân nhẵn hay có lông, thường phân cành ngay từ dưới gốc, cao 50 – 60cm.
Lá Húng quế có phiến lá thuôn dài, có cây sẽ có lá màu xanh lục hoặc có loại có lá màu tím đen nhạt, lá mọc đối có cuống. Hoa Húng quế màu trắng hoặc hơi tía, hoa nhỏ, hoa phân nhánh hoặc mọc thành chùm. Quả Húng quế màu đen, khi ngâm vào nước sẽ trương nở có chất nhầy màu trắng bao xung quanh hạt.
Húng quế theo như các nhà khoa học thì nó là loài thực vật có nguồn gốc ở Trung Quốc, Ấn Độ, tuy nhiên hiện nay loài cây này cũng được trồng rất phổ biến ở các nước nhiệt đới và ôn đới thuốc châu Á, Châu Âu (như Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, các nước thuộc Liên Xô cũ…). Húng quế ở các nước này chủ yếu trồng để sử dụng lá và cất tinh dầu làm thuốc hay sử dụng trong công nghiệp.
Ở Việt Nam, Húng quế trước đây được trồng chủ yếu để lấy lá và ngọn làm gia vị. Sau năm 1975, được trồng ở quy mô lớn tại một số tỉnh miền bắc để cất lấy tinh dầu Húng quế sử dụng trong công nghiệp trong nước và xuất khẩu.
Ở miền nam Việt Nam, Húng quế được trồng để làm gia vị và ngoài ra người ta còn thu hoạch quả để ăn giải nhiệt hay còn gọi với tên là hạt é.
Lá và ngọn có hoa (Herba Ocimi) được phơi hay sấy khô để sử dụng làm thuốc, hoặc có thể cất lấy tinh dầu toàn cây.
Các bộ phận khác nhau của Húng quế sẽ được sử dụng tùy theo nhu cầu và mục đích:
Điều trị bệnh hoặc làm gia vị: Bộ phận sử dụng là toàn cây, ngọn có hoa và lá được sử dụng nhiều nhất.
Thu tinh dầu: Toàn cây, sử dụng cây tươi hoặc để héo.
Thức uống giải nhiệt: Quả của Húng quế (hạt é) được sử dụng ngâm vào nước để uống như một dạng thức uống phổ biến.
Húng quế chứa khoảng 0,4 đến 0,8% tinh dầu, tinh dầu Húng quế mùi khá dễ chịu, thơm nhẹ, vàng nhạt.
Trong cây Húng quế có từ 0,4 đến 0,8% tinh dầu. Tinh dầu màu vàng nhạt, thơm nhẹ, dễ chịu. Chất lượng, thành phần và các chỉ số hóa lý của tinh dầu Húng quế sẽ thay đổi tùy thuộc vào vị trí địa lý, nơi trồng, thổ nhưỡng… Tinh dầu Húng quế thu hoạch tại Việt Nam chứa lên đến 80 – 90% methylchavicol.
Tinh dầu các loài Ocimum khác như Ocimum sanctum có thành phần chủ yếu là linalola hoặc xineola (14 – 15%), Ocimum viride có thành phần chủ yếu là xinamat metyl, 35 đến 65% tymola, các phenola (7 – 22%) chủ yếu là chavibetola và các tecpen không xác định, Ocimum canum hay Ocimum americanum có thành phần chủ yếu hoặc camphora mà không có tymola hoặc chủ yếu tymola và không có camphora hoặc nữa chủ yếu là xitral với một ít xitronelola, mycxen và oxymen; Ocimum gratissimum có thành phần chủ yếu hoặc là eugenola hoặc là tymola, Ocimum pilosum có thành phần chủ yếu là xitral.
Theo y học cổ truyền Húng quế có tính vị cay, thơm dịu, nóng.
Công dụng:
Vì Húng quế có vị cay, nóng nên được dùng để giải cảm, tán ứ máu, giảm đau, ra mồ hôi, giảm tình trạng đầy bụng khó tiêu, giúp thông đường hô hấp.
Hạt Húng quế được sử dụng có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, ra mồ hôi.
Hoa Húng quế nhiều tác dụng giúp tiêu tiểu thông lợi hơn, giúp hỗ trợ thần kinh.
Chủ trị: Tính nóng và vị cay nên Húng quế được sử dụng để chữa sổ mũi, cảm cúm, viêm họng, khàn tiếng, đau đầu, ho, đau nhức răng, dị ứng mẩn ngứa, rối loạn tiêu hóa, bồn chồn, lo lắng…
Các ứng dụng Húng quế trong y học hiện đại:
Trong các thử nghiệm in vitro Húng quế có khả năng ức chế vi khuẩn gram âm yếu hơn so với vi khuẩn gram dương.
Tinh dầu Húng quế được sử dụng để chống ruồi, muỗi và xua đuổi côn trùng.
Trong y học, Húng quế được sử dụng khangs histamin trên cơ trơn và giảm co thắt ruột.
Nhờ vai trò ức chế trung tâm ho, nên Húng quế có tác dụng giảm ho, làm loãng đờm, hạn chế các cơn ho.
Các thành phần hợp chất như camphene, eugenol và cineol trong tinh dầu có tác dụng làm dịu tình trạng sung huyết.
Đặc tính giảm stress, chống căng thẳng: Tại quốc gia Ấn Độ, có một số nghiên cứu nhận thấy Húng quế giúp duy trì nồng độ bình thường của cortisol trong máu, một hormon có vai trò làm dịu thần kinh, điều chỉnh khả năng tuần hoàn máu.
Tinh dầu Húng quế có đặc tính chống oxy hóa cao phòng ngừa ung thư, ngăn ngừa tình trạng lão hóa da.
Húng quế còn có khả năng giảm lượng acid uric trong máu đặc biệt là ở những người có nồng độ acid uric trong máu cao nhờ đặc tính lợi tiểu.
Tác dụng phòng viêm khớp và các tế bào ung thư nhờ thành phần giàu beta caroten.
Giảm viêm và sưng: Trong Húng quế tìm thấy hoạt chất Beta-Caryophyllene có tác dụng chống viêm và giảm sưng đau sau 24 giờ sử dụng lên đến 73%.
Trước đây Húng quế được sử dụng làm gia vị. Ngoài ra còn thu hoạch hạt để làm thức uống giúp giải khát và hỗ trợ giảm tình trạng táo bón.
Chống táo bón: Hạt Húng quế từ 6 – 12g, cho vào nước, đợi khoảng 5 phút cho hạt nở ra chất nhầy rồi uống.
Một số nước khác trên thế giới trồng Húng quế để điều chế và thu hồi tinh dầu, hoặc có thể sử dụng để làm thuốc, chữa bệnh đau dạ dày, ăn khó tiêu, chữa đau và sâu răng, nấu nước để súc miệng, hoặc dùng để xông cho ra mồ hôi chữa cảm. Liều dùng: Từ 10 đến 25g mỗi ngày, dùng dưới dạng sắc hoặc thuốc pha.
Chữa ho
Kết hợp Húng quế, xương sông, húng chanh giã với muối sau đó ngậm; hỗn hợp dược liệu trên có tác dụng giảm cơn ho, dịu cổ họng.
Chữa đau đầu, ho, bồn chồn, lo lắng nhiều
Đun nước sôi hãm khoảng 20 nhúm lá và hoa Húng quế trong 1 lít nước sôi. Mỗi ngày uống tử 2 – 3 ly.
Sổ mũi, tiêu chảy, khó tiêu
Sắc nước Húng quế khoảng 15g, dùng nước sắc uống hàng ngày đến khi hết triệu chứng sổ mũi, tiêu chảy, khó tiêu thì ngưng.
Chữa dị ứng, mẩn ngứa
Giã nhỏ lá Húng quế (có thể giã luôn cả hoa và hạt), sau đó vắt lấy nước uống, phần bã còn lại có thể xát lên vị trí bị dị ứng hoặc mẩn ngứa.
Lưu ý khi sử dụng Húng quế để tránh phát sinh một số tác dụng phụ:
Sử dụng quá liều hoặc ăn quá nhiều lá Húng quế sẽ dẫn đến tình trạng quá liều eugenol (đây là thành phần chính có trong húng quế). Việc quá liều với eugenol làm cho cơ thể bị ngộ độc với các triệu chứng như thở gấp, ho, nước tiểu lẫn máu…
Liều cao tinh dầu Húng quế sẽ kích hoạt các phản ứng gây loãng máu hay làm hạ đường huyết, gây ra hiện tượng co thắt tử cung ở phụ nữ mang thai.
Các tác dụng phụ khi dùng quá liều Húng quế nên cần lưu ý khi sử dụng Húng quế cho người mắc bệnh máu khó đông, phụ nữ mang thai hay bệnh nhân bị hạ đường huyết. Lưu ý khi sử dụng Húng quế cho trẻ em, nên dùng với liều thấp và cần theo dõi các biểu hiện của trẻ khi sử dụng.
Nguồn Tham Khảo:
Tra cứu dược liệu: //tracuuduoclieu.vn/hung-que.htm.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.