
Trường hợp: Lý Mỗ, nam, 35 tuổi, người Thập Yển.
Lý do khám: Đau sưng tê cứng khớp tay hai bên tái diễn 6 năm, nặng hơn 1 năm.
Tiền sử bệnh: Nơi ở của bệnh nhân khá ẩm thấp, anh ấy thường xuyên vận động khi còn trẻ, thích chơi cầu lông, đá bóng, có tiền sử chấn thương khớp cổ tay. Sau khi vận động thường cảm thấy nóng và đổ nhiều mồ hôi, ngay sau đó uống nước lạnh, tắm nước lạnh. Trước đây ăn nhiều hải sản và trái cây. Năm 2008, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng cứng sưng khớp tay, đau kèm theo cảm giác tê, triệu chứng rõ rệt vào buổi sáng. Đã từng đến bệnh viện Tây y, được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, điều trị bằng thuốc Tây, triệu chứng thuyên giảm nhưng dừng thuốc thì tái phát. Trong 1 năm trở lại đây, triệu chứng nặng hơn, ngày 22 tháng 4 năm 2014 đến phòng khám Nhâm Chi Đường để điều trị.
Triệu chứng: Khớp tay hai bên sưng to, cứng, tê, khó nắm tay, kèm theo đau, không ngứa da. Triệu chứng nặng vào buổi sáng, giảm dần sau buổi trưa. Ăn uống bình thường, dạ dày không khó chịu, đi tiêu mỗi ngày một lần, thông suốt, tiểu nhiều lần. Thường sợ gió lạnh, khi gặp gió triệu chứng nặng hơn. Lòng bàn tay dễ đổ mồ hôi, bàn chân ẩm ướt nặng. Giấc ngủ trung bình, thường thức dậy lúc 4 giờ sáng.
Lưỡi : Lưỡi đạm hồng, rêu lưỡi trắng.
Mạch: Hai mạch thượng việt. Thốn quan mạch 2 bên phù huyền đại, có lực khi lấy, yếu khi ấn; mạch xích 2 bên trầm tế nhược
Chuẩn đoán tay: Màu móng tay mười ngón nhạt trắng, vầng trăng nhỏ và ít. Trên mu bàn tay có thể thấy gân xanh tím.
Đơn thuốc:
Xuyên ngưu tất 30g Xa tiền tử 12g Thục phụ tử 10g Nhục quế 5g (sau khi sắc) Thục địa hoàng 30g Hoài sơn 20g Sơn thù du 15g Phục linh 10g Chỉ xác 10g Cát cánh 10g Mộc hương 20g Ô tiêu xà 40g Ngũ vị tử 5g Trạch tả 10g Mẫu đơn bì 10g Kê thi đằng 40g
2 thang
Phân tích: Căn bệnh này do thận hư khí nghịch không giáng, thuỷ thấp trong thận lan ra ngoài, bàng quang kinh có hàn, Đốc mạch không thông.
Hai mạch thượng việt, gợi ý khí cơ kháng nghịch lên trên; Xích mạch trầm tế nhược, mười ngón ít vầng trăng, cho thấy thận hư khí hóa không đủ, Đốc mạch dương khí không đủ; mu bàn tay tương ứng với lưng, là nơi kinh bàng quang và mạch Đốc đi qua, mười mũ ngón tay đều có gân xanh tím, cho thấy kinh bàng quang có hàn, mạch Đốc không thông; thận hư thuỷ khí không hóa, thuỷ trọc trong thận theo khí nghịch mà bốc lên kinh bàng quang, do đó thấy thốn quan mạch 2 bên phù tụ huyền đại, yếu khi ấn. Bệnh nhân thích ăn hải sản và trái cây, hải sản mặn tổn thương thận, trái cây thấp nặng thương dương, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh. Thường vận động ra mồ hôi nóng sau đó uống ngay nước lạnh, tắm nước lạnh là nguyên nhân chính gây bệnh. Vì khi vận động ra mồ hôi nóng, các kinh mạch mở rộng, đường hướng ra bên ngoài của cơ thể mở to, dương khí do vận động mà tiết ra mồ hôi. Nhưng cũng phải biết rằng, lúc này đường hướng vào cũng mở rộng, uống nước lạnh, tắm nước lạnh, khí của hàn thuỷ trực tiếp thấu vào tủy xương, lâu ngày thận dương tổn thương, không có sức để khắc chế hàn thuỷ, dẫn tới khí hàn thuỷ lưu lại ở thận, chảy vào tủy xương, gây ra các bệnh phong thấp, đau xương, viêm nhiễm mãn tính. “Kim Quỹ Yếu Lược. Biện khái thấu thủy ẩm hoàng hãn lịch tiết bệnh mạch chứng tịnh trị” có ghi: “Thốn khẩu mạch trầm nhi nhược, trầm tức chủ cốt, nhược tức chủ can, trầm tức vi thận, nhược tức vi can, hãn xuất nhập thuỷ trung, như thuỷ thương tâm, lịch tiết thống, hoàng hãn xuất, cố viết lịch tiết”. Chỉ ra can thận bất túc, tiếp xúc với nước lạnh ngay sau khi ra mồ hôi, gây sưng đau khớp. Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, sau khi ra mồ hôi nóng, tuyệt đối không nên tắm nước lạnh, uống nước lạnh ngay, tránh gây hậu quả không lường.
Trên truyền hình thường phát sóng quảng cáo đồ uống, đó là vài người trẻ sau khi vận động, ngay lập tức uống một chai đồ uống lạnh, gọi là sảng khoái. Hành vi này trông có vẻ đầy sức sống tuổi trẻ, nhưng thực chất là ngu ngốc và thiếu hiểu biết. Thận chủ cốt, bệnh nhân thận khí hư, không thể ôn hoá hàn thuỷ, thuỷ khí trong thận theo khí nghịch thăng lên, tích tụ ở khớp xương bàn tay, do đó thấy sưng cứng. Cản trở khí huyết kinh lạc, nên thấy tê và đau; bệnh nhân không có triệu chứng mẩn ngứa da, cho thấy hàn thuỷ không ở kinh phế. Không có triệu chứng tiêu chảy hay phân dính, cho thấy hàn thuỷ không ở kinh tỳ; buổi sáng, khí hóa của cơ thể chuyển từ âm sang dương, thuỷ khí theo đó phát ra ngoài, do đó triệu chứng nặng hơn. Buổi chiều, khí hóa chuyển từ dương sang âm, thuỷ khí theo đó thu lại, do đó triệu chứng giảm. Đây cũng là một đặc điểm quan trọng của thận hư thuỷ ẩm lan ra ngoài.
Đến đây, có lẽ một số người sẽ hỏi. Nếu đã là thuỷ thấp thượng việt, liệu có thể thuận theo đó, dùng phương pháp phát hãn để thuỷ thấp thoát ra ngoài không?
Câu trả lời là không. Vì thuỷ khí thượng việt này là do hạ tiêu nguyên khí không đủ, không đủ sức thu liễm mà gây ra, khác với khí cơ phù ra ngoài do ngoại tà xâm nhập biểu. Thuỷ này là thuỷ trong thận, nếu lấy thuỷ này, không khác gì lấy thận khí, nên cách đúng đắn là thu lại, đưa về thận, một là thuỷ khí hạ xuống, triệu chứng giảm; hai là thuỷ khí hạ xuống thận, qua phụ tử và nhục quế mà ôn hoá, có thể được tái sử dụng, không bị lãng phí.
Trong “Thương Hàn Luận” có viết: “Dương thịnh âm hư, phát hãn thì chết, hạ thì khỏi”. Trong đó “dương” nghĩa rộng là thượng là biểu là khí thịnh, “âm” nghĩa rộng là hạ là lý là khí hư, ” hãn” chỉ việc khai phát khí cơ, phát việt dương khí, không chỉ riêng việc “phát biểu ra mồ hôi”, “hạ” chỉ việc giáng hạ nghịch khí, dẫn dương nhập âm, không chỉ riêng việc “thông hạ đại tiện”. Rõ ràng chỉ ra khí kháng nghịch lên mà ở dưới không đủ, trị liệu không thể phát việt dương khí, mà nên liễm hạ nghịch khí. Đây cũng là tư tưởng chính trong việc sử dụng phương pháp điều trị trong trường hợp này.
Vì vậy, điều trị bằng cách dùng “Tế sinh thận khí hoàn” để giáng nghịch khí, ôn dưỡng thận khí. “Tế sinh thận khí hoàn” gồm xuyên ngưu tất, xa tiền tử, phụ tử, nhục quế, phục linh, trạch tả, mẫu đơn bì, hoài sơn dược, thục địa hoàng, sơn thù du. Phương này xuất từ “Tế sinh phương” thời Tống, là phương đại diện để trị tiểu tiện bất thường hoặc phù thũng do thận khí hư thuỷ khí không hóa.
Thầy đã tăng liều xuyên ngưu tất trong phương, dẫn nghịch khí hạ về thận; trong đó trạch tả, xa tiền tử tả trọc, thục địa hoàng, hoài sơn dược, sơn thù du bổ tinh, nhục quế, thục phụ tử làm ấm thận ôn dương, chưng thuỷ khí. Sau đó dùng ô tiêu xà thông hành mạch Đốc, dẫn thanh khí từ mạch Đốc đi lên trên. Mạch Đốc là trục chính của dương khí trong cơ thể, hai bên có các huyệt của ngũ tạng lục phủ, đại diện cho dương khí rót vào cơ thể. Khi dương khí mạch Đốc thông suốt, tạng phủ và tứ chi của cơ thể đều được ấm dưỡng. Vì vậy, ôn thông mạch Đốc là một trong những phương pháp quan trọng để điều trị các bệnh phong thấp và đau xương; phương thêm ngũ vị tử để tăng cường sức liễm giáng; thêm cát cánh, chỉ xác, mộc hương để khai thông trung và thượng tiêu, mở đường cho khí cơ hạ hành; thêm lượng lớn kê thi đằng, vì là loại dây leo, có thể thông kinh lạc khớp, và chuyên điều trị trường tích, giúp tả trọc.
Ngày 25 tháng 4, bệnh nhân tái khám, cho biết sưng khớp ngón tay cơ bản đã giảm, tay có thể nắm, buổi sáng cũng không còn cứng tay, tay cũng không còn tê.
Đánh giá: Điểm then chốt của trường hợp này ngoài việc sử dụng tư tưởng thông mạch Đốc, còn dựa vào ở chẩn đoán qua mạch để phân biệt hội chứng. Từ mạch hai tay thương việt, hai xích mạch bất túc, có thể biết bệnh cơ là tinh hao tổn ở dưới, trọc nổi lên trên, với các bệnh phong thấp đau xương dạng “dương thịnh âm hư” này, nếu điều trị bằng cách dùng nhiều các thuốc như khương hoạt, độc hoạt, xuyên ô, thảo ô, uy linh tiên và các thuốc cay khô đi vào tán phát, có thể là do thấp tuỳ phong trừ, kinh lạc được thông, mà đạt được hiệu quả tạm thời. Nhưng do các thuốc này phát việt khí cơ, hao tổn âm tinh, khiến tinh khuy khí việt càng nghiêm trọng hơn, chắc chắn sẽ dẫn đến bệnh tình tái phát và nặng hơn.
Vì thận và bàng quang biểu lý. Thận khí không đủ, khí hàn thuỷ từ kinh bàng quang thượng việt, sẽ gây ra các bệnh thuỷ khí khác nhau, lúc này, chỉ cần bổ thận khí, thuỷ khí tự nhiên có thể liễm tàng, triệu chứng sẽ giảm. Vì vậy, trong lâm sàng, hễ thấy mạch hai tay thượng việt, hai xích mạch bất túc, cùng lúc có triệu chứng khớp sưng đau do thuỷ khí, cứng đau vai gáy, lưng eo, tiểu tiện bất thường, phù thũng, đều có thể dùng “Tế sinh thận khí hoàn” làm phương chính để điều trị.
Nguồn: 任之堂
——Dịch: Bác sĩ Thu Hương ——