Tên Tiếng Việt: Ba đậu.
Tên khác: Ba đậu tàu, Mần để, Mắc vát (Tày), Cóng khói, Mãnh tử nhân, Bã đậu, Giang tử, Lão dương tử, cây Để, cây Đết, Ba nhân phổn (Hòa Bình),…
Tên khoa học: Croton tiglium L.
Ba đậu thuộc loại cây gỗ nhỡ, lúc nhỏ hơi chịu bóng, sau trưởng thành ưa sáng, cao 3 – 6 m, cành và vỏ thân nhẵn, lá mọc so le, nguyên, mép có răng cưa nhỏ, hình trứng, đầu nhọn, dài 6 – 8cm, rộng 4 – 5 cm, cuống nhỏ, dài 1 – 2 cm, lá non có màu nâu đỏ, khi khô có màu vàng. Hoa mọc thành chùm ở ngọn dài 10 – 20 cm, ở đầu cành, hoa cái ở phía dưới, hoa đực ở trên đỉnh; hoa đực có cuống nhỏ mảnh và nhẵn dài 1 – 3 mm. Lá đài 5, hình bầu dục có lông ở đầu, cánh hoa 5, thuôn, có lông mịn ở mép và mặt trong. Nhị 17, bao phấn thuôn; hoa cái có cuống phủ lông tơ hình sao, lá đài 5 thuôn nhọn, cánh hoa 1 – 2 hoặc không có, có lông mịn ở mép, bầu hình cầu, có nhiều lông, vòi nhụy 3 xẻ đôi. Quả nang hình trứng hoặc hình cầu, nhẵn, màu vàng nhạt, cao 2 cm, có 2 mảnh vỏ khi chín tách ra. Hạt hình trứng dài 10 mm, rộng 4 – 6 mm, ngoài vỏ cứng, mờ, màu nâu xám.
Phân bố
Ba đậu mọc hoang và được trồng ở nhiều tỉnh vùng núi thấp và trung du, vùng đồng bằng cũng có khả năng tìm thấy ba đậu. Ở miền Bắc các tỉnh có nhiều ba đậu là Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Sơn La, Cao Bằng, Thanh Hóa, Bắc Kạn. Còn mọc ở Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Hồ Bắc), Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Srilanka, Myanmar…
Thu hái, chế biến
Vào tháng 8 – 9, quả chín nhưng chưa nứt các mảnh vỏ, hái về phơi khô đập lấy hạt, phơi khô thêm lần nữa.
Một cách bảo quản khác đơn giản hơn là quả ba đậu sau khi thu hái, người ta để nguyên cả quả đem phơi khô, khi dùng mới đập lấy hạt.
Bộ phận dùng của Ba đậu là hạt, phơi khô để nguyên quả cho dễ bảo quản. Ngoài ra, các bộ phận khác như lá và rễ đôi khi cũng được sử dụng.
Hạt Ba đậu chứa dầu là một loại chất độc nên khi dùng phải loại bỏ bớt chất độc.
Các cách loại độc tính của Ba đậu:
Ba đậu bỏ vỏ, giã nhỏ nhân hạt, quấn giấy bản rồi ép, giấy sẽ thấm dầu. Thay giấy mới nhiều lần, ép cho đến khi hết kiệt dầu rồi đem sao vàng. Hạt Ba đậu sau khi ép hết dầu đi rồi gọi là “Ba đậu sương”.
Hạt Ba đậu làm khô như trên rồi sao già cho đến khi có màu đen, Ba đậu được chế biến như vậy có độ độc thấp hơn và gọi là “Hắc Ba đậu”.
Trong hạt ba đậu có chứa 30 – 50% dầu (so với toàn bộ hạt) được lấy ra bằng phương pháp ép hoặc chiết xuất bằng dung môi hữu cơ. Dầu Ba đậu có màu vàng sáng đến màu nâu thẫm, tùy thuộc vào phương pháp lấy dầu ra.
Ngoài dầu ra, trong hạt Ba đậu còn có chứa 18% protein, crotin (một albumin có độc tính rất cao), glucosid (crotonosid), alkaloid (giống chất rixinnin trong hạt thầu dầu). Ngoài ra, còn có đường sucrose, enzym lipase, các acid amin như arginin, lysin…Ngoài ra còn có các acid đặc biệt là acid crotonic, tiglic, valerianic, isovaleranic, capronic, laurostearinic…
Đặc điểm của dầu Ba đậu là một chất lỏng sền sệt, hơi có phát huỳnh quang, có vị cay nóng và có độc tính cao. Tỷ trọng ở 25 độ C là 0,935 – 0,950, chỉ số xà phòng hóa là 102 – 108, tan trong cùng một thể tích cồn cao độ, nhưng nếu cho thêm nhiều cồn quá thì hỗn hợp sẽ phân thành hai lớp, thành phần gây đi lỏng sẽ tan trong lớp cồn. Thành phần dầu Ba đậu gồm acid béo thông thường như acid oleic 37%, acid linolic 19%, acid arachidic 1,5%, acid stearic 0,3%, acid palmitic 0,9%, acid myristic 7,5%.
Dầu Ba đậu có tác dụng tẩy là do trong thành phần có chất nhựa croton, được chiết xuất bằng methanol với hiệu suất là 1 – 3%, nhựa croton là ester của một alcol là phorbol với acid tiglic và một số acid khác. Tỷ lệ hoạt chất tẩy xổ này trong dầu ba đậu chiếm từ 2 – 3%. Chất crotin gồm 2 chất là croton globulin và croton albumin. Các chất này gây độc với nguyên sinh chất (protoplasma) và đôi khi có tác dụng làm đông máu. Khi đun nóng, chất độc crotin sẽ được giảm bớt.
Ba đậu có vị cay, tính nóng, rất độc. Có tác dụng chữa hàn tích đình trệ, trục đờm, hành thủy.
Ở một địa phương vùng Đông Bắc Ấn Độ, người ta dùng một bài thuốc trong đó có ba đậu để chữa vàng da.
Tại nhiều tỉnh miền Bắc nước ta và Trung Quốc, hạt ba đậu được sử dụng để thuốc cá.
Dầu Ba đậu được phân loại một loại thuốc tẩy mạnh. Ngay cả với liều nhỏ, nó gây tẩy mạnh và nôn.
Dầu Ba đậu còn là một thuốc gây sung huyết da rất mạnh, khi bôi lên da, người ta thấy da nóng bỏng và phồng lên, mọng nước, sau đó thành mụn và tróc da.
Trong y học Ấn Độ, dầu Ba đậu có trong thành phần của một số thuốc xoa gây sung huyết da, được áp dụng trong những trường hợp viêm phổi, đau dây thần kinh hông và một số bệnh khác, nhưng biện pháp được coi là không an toàn vì có thể gây tróc da. Đôi khi dùng trong thành phần của những thuốc bôi làm rộp da ở thú y, người ta có sử dụng Ba đậu, nhưng ít khi dùng làm thuốc tẩy.
Tây y chỉ dùng dầu Ba đậu trong những trường hợp đau ruột tê thấp, viêm phổi, viêm phế quản. Nếu Ba đậu được sử dụng trên da bụng, người bệnh cần được bảo vệ rốn bằng một miếng thuốc dán. Ba đậu còn làm thuốc tẩy mạnh, dùng trong trường hợp táo khó chữa, sau khi dùng những loại thuốc khác không có tác dụng.
Chữa hàn tích đình trệ, trục đờm, hành thủy
Ngày dùng 0,01 – 0,05g Ba đậu sương, có thể làm viên hoặc chế cao. Để tăng hiệu quả, thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Chữa táo bón
Theo kinh nghiệm của nhân dân Campuchia, hạt Ba đậu được dùng như sau: Lấy một quả chanh, cắt ngang đầu, lấy hết hạt chanh ra, thanh bằng ít hạt Ba đậu, sau đó đun với 300ml nước cho đến khi cạn nước và quả chanh khô thì giã nhỏ cả quả chanh và hạt Ba đậu trong đó, rồi viên thành viên cỡ bằng hạt tiêu. Sấy khô để dành. Liều lượng sử dụng là 1 viên nếu muốn đi ngoài 1 lần và 2 viên nếu muốn đi 2 lần. Với cách chế biến như vậy sẽ ít gây đau bụng hơn khi dùng.
Đơn tam vật bạch thang (của Trương Trọng Cảnh)
Ba đậu sương 1g, Bối mẫu 3g, Cát cánh 3g. Tất cả tán bột, trộn đều. Mỗi lần uống 0,20g, dùng nước ấm mà chiêu. Đây là đơn trị bệnh viêm niêm mạc dạ dày cấp tính, đau bụng.
Bài thuốc trị đau bụng, viêm dạ dày (Diệp Quyết Tuyền)
Ba đậu sương 0,50g, Đinh hương 3g, Trầm hương 2g, Nhục quế 3g. Các vị này đem tán bột mịn, trộn đều. Mỗi lần dùng 0,50g đến 1g, chiêu thuốc với nước.
Chữa thủy thũng
Ba đậu 200mg, Hạnh nhân 3g. Bào chế thành viên (cỡ hạt đậu xanh). Ngày uống 3 – 6 viên. Uống đến khi có tác dụng lợi tiểu và đi ngoài nhuận thì thôi.
Chữa tỳ vị tích tụ, lạnh trệ và đại tiện bí kết bụng căng
Ba đậu sương, Đại hoàng, Can khương với lượng bằng nhau, tán bột mịn làm thành viên với mật, mỗi lần uống 0,50 – 1g.
Chữa trúng phong, sùi đờm dãi, hôn mê, cấm khẩu (Nam dược thần hiệu)
Dùng giấy bản bọc hạt Ba đậu đập dập ép cho dầu thấm vào, cuộn giấy đó đốt lên để xông và thổi khói vào mũi họng thì tỉnh.
Chữa các chứng tích báng
Ba đậu 21 hạt đập dập, gạo cũ (trần mễ) 4 lạng cùng rang, đến khi gạo vàng, bỏ ba đậu lấy gạo, thêm trần bì 4 lạng, tán bột làm viên với hồ làm bằng bột đậu, uống mỗi lần 5 viên. Ngày uống 2 lần, dùng chung với nước gừng.
Chữa cổ trướng, màng bụng đầy nước
Ba đậu sương 12g, Phèn đen 40g, đem nung đỏ, tán bột làm viên, uống mỗi ngày một lần: 1 – 2g.
Diệp thị dưỡng vị thang, chữa vị âm hư, (tình trạng này hay gặp ở những người sau khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn có sốt cao đã khỏi)
Ba đậu sương 0,10g, Mạch môn 12g, Thạch hộc 12g, Tang diệp 12g, Sa sâm 12g, Bạch truật 10g, Ngọc trúc 8g, Ô mai 6g, Ma hoàng 4g.
Viêm trừ đờm
Hắc Ba đậu 4g, Bồ kết chế 20g, Nam tinh chế 20g, Bán hạ chế 20g, Hạnh nhân 4g, Phèn chua phi 20 g. Tán bột, làm viên, mỗi ngày uống 20g, chia làm 2 lần.
Một số lưu ý khi sử dụng ba đậu:
Ba đậu có độc tính mạnh nên không được sử dụng cho người thể trạng yếu, phụ nữ có thai và người đang sốt nóng.
Khi bào chế Ba đậu cần trang bị bảo hộ để bảo vệ mắt và tay vì dầu Ba đậu có thể gây rộp da.
Ba đậu không được sử dụng chung với hạt Bìm bìm biếc (Khiên ngưu tử).
Ba đậu rất độc, nên khi sử dụng cần chú ý dùng đúng liều lượng, không được dùng quá liều. Nếu dùng Ba đậu mà không đi tiểu được, có thể cho người bệng uống nước cháo nóng để dễ đi tiểu hơn. Trong trường hợp uống Ba đậu mà đi tả không dứt, uống ngay nước cháo nguội triệu chứng sẽ cải thiện nhanh chóng.
Khi bị ngộ độc Ba đậu, cho uống Hoàng liên sơn hoặc dùng Đậu đen hoặc Đậu xanh nấu nước uống để giải độc.
Nguồn Tham Khảo:
1) Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi, trang 449-451.
2) Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 2), trang 85-88.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.