Tên Tiếng Việt: Bạch mao căn.
Tên khác:
Rễ cỏ tranh; Vạn căn thảo.
Tên khoa học: Imperata cylindrica Beauv, thuộc họ Poaceae (lúa).
Cây Cỏ tranh là một loại sống dai với thân cao khoảng 30 – 90cm, lá hẹp dài 15 – 30cm, rộng 3 – 6mm, gân lá ở giữa phát triển, mép lá sắc, ở mặt trên ráp và mặt dưới nhẵn. Cụm hoa hình chuỳ màu trắng bạc dài khoảng 5 – 20cm, bông nhỏ phủ đầy lông nhỏ mềm, rất dài.
Thân rễ hình trụ, phát triển rất chắc khỏe, dài 30 – 40cm, đường kính 0,2 – 0,4cm. Mặt ngoài có màu từ trắng ngà đến vàng nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc và nhiều đốt, mỗi đốt dài khoảng 1 – 3,5cm, trên các đốt có thể thấy vết tích còn sót lại của lá vẩy và của rễ con.
Dược liệu dai nhưng có thể bẻ gãy ở các đốt, mặt bẻ có sợi. Mặt cắt ngang có hình gần tròn, mặt ngoài lồi lõm không đều, rách nứt ở giữa. Phần tủy có phát quang màu xanh lơ, phần vỏ phát quang màu vàng nhạt dưới ánh sáng đèn tử ngoại 366mn. Dược liệu không mùi, nếm lúc đầu không vị, sau hơi ngọt.
Cây cỏ tranh là loài có sự phân bố rộng rãi khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở châu Á, châu Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương và một số khu vực ở Nam Âu. Ở châu Á, cỏ tranh phân bố ở hầu hết các nước ở Nam Á, Trung Á, Đông Nam Á, Đông Dương và các tỉnh miền Nam Trung Quốc, bao gồm cả đảo Hải Nam.
Ở nước ta, cỏ tranh mọc hoang ở khắp nơi từ các đảo đến vùng đồng bằng, trung du và miền núi đến các độ cao hơn 2000m. Cây sống dai, là loại ưa sáng, mọc được trên nhiều loại đất, khả năng chịu hạn cao nhờ có bộ rễ đặc biệt phát triển. Ở thời kỳ tăng trưởng mạnh nhất, tổng khối lượng chất xanh gần tương đương với phần khối lượng dưới mặt đất.
Mùa ra hoa quả của cỏ tranh là quanh năm, nhưng tập trung nhiều nhất vào mùa đông. Mỗi bông chứa nhiều hạt nhẹ và có lông, phát tán khắp nơi nhờ gió. Theo các nhà sinh thái học Việt Nam, các vùng đồi cỏ tranh ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên là hậu quả cực đoan sau quá trình chuyển đổi đất rừng thành đất nông nghiệp. Cỏ tranh là hiểm họa đối với cây trồng và việc cắt và đốt thường xuyên phần trên mặt đất của cây không thể loại trừ được nó. Nhưng cũng rất khó khăn với việc đào bới thu hái những hết phần thân cỏ tranh dưới mặt đất.
Thu hoạch vào mùa thu hoặc mùa xuân. Khi trời khô ráo, đào lấy thân rễ dưới đất, bỏ phần rễ nổi trên mặt đất, rửa sạch, tuốt bỏ sạch bẹ, bỏ hết lông rễ con, đem phơi khô hoặc sấy khô.
Bạch mao căn: Thân rễ dưới mặt đất của cỏ tranh sau khi đào lên, đem rửa sạch, tẩm nước cho hơi mềm rồi cắt thành đoạn phơi khô, sàng bỏ chất vụn.
Mao căn thán: Lấy những đoạn Bạch mao căn cho vào nồi sao lửa mạnh tới khi dược liệu có màu nâu đen nhưng phải tồn tính, phun nước trong, lấy ra phơi khô.
Thân rễ, thường được gọi là Bạch mao căn. Hoa cũng được dùng.
Cỏ tranh non chứa 6,56% protein; 0,22% P; 0,39% Ca; 1,05% N; 10,7% tinh bột, vitamin A và vitamin C.
Thân rễ chứa 22,05% đường toàn phần, 9,2% đường khử và 12,45% là đường chuyển hóa. Có tài liệu khác nói rõ hơn thân rễ cỏ tranh có chứa fructose, glucose,. Theo một số tài liệu cỏ tranh có chứa 0,001% fernero, 0,1% arundoin. Theo Prosca 12, thân rễ có cả biphenyl ether cylindol A và B, chất sesquiterpen cylindren, các lignan gravinon A và B, các hợp chất phenol imperanen.
Dược liệu Bạch mao căn có vị ngọt tính hàn. Vào ba kinh tâm, tỳ, vị, có tác dụng trừ phục nhiệt, tiêu ứ huyết, lợi tiểu tiện, dùng chữa nội nhiệt phiền khái, tiểu tiện khó khăn, tiểu ra máu, thổ huyết, máu cam.
Tác dụng lợi tiểu:
Thí nghiệm cho thẳng vào dạ dày thỏ nước chiết và nước sắc rễ cỏ tranh có tác dụng lợi tiểu, dùng thuốc 4 – 5 ngày sẽ cho tác dụng lợi tiểu mức tối đa. Về cơ chế tác dụng, có quan điểm cho rằng tác dụng lợi tiểu là do hàm lượng phong phú muối kali trong rễ Cỏ tranh.
Tác dụng cầm máu:
Trong thí nghiệm cho thỏ uống nước sắc hoa Cỏ tranh với liều 0,5g/kg trong 3 ngày, kết quả cho thấy thời gian đông máu và thời gian chảy máu của thỏ đều được rút ngắn. Tác dụng này duy trì liên tục trong vài ngày. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng tăng cường sức đề kháng của mao quản và giảm sức thẩm thấu của thành mạch.
Tác dụng kháng khuẩn:
Thí nghiệm bổ sung nước sắc rễ cỏ tranh vào môi trường nuôi cấy có tác dụng ức chế trực khuẩn Shigella.
Các tác dụng khác:
Chất coixol có trong thân rễ cây cỏ tranh làm cho sự co bóp của cơ vân bị ức chế. Với thí nghiệm trên thỏ, chất cylindol có ảnh hưởng đến hoạt tính của men lipooxygenase và chất imperanene có tác dụng ức chế ngưng kết tập tiểu cầu. Ngoài ra, rễ cỏ tranh còn có tác dụng giải nhiệt, giảm đau và an thần.
Liều dùng 10 – 40g dưới dạng thuốc sắc.
Dùng tươi từ 30g đến 60g.
Chè lợi tiểu
Râu ngô 40g, Xa tiền 25g, Bạch mao căn 30g, Hoa cúc 5g, tất cả thái nhỏ, trộn đều. Mỗi lần lấy 50g hỗn hợp trên pha thành 0,75 lít chia uống trong ngày vào lúc khát. Trẻ em 6 – 14 tuổi, lấy 25g hỗ hợp dược liệu pha với 350ml chia uống trong ngày vào lúc khát.
Ma căn, chữa tiểu ra máu
Bạch mao căn, Khương thán, cho thêm một ít mật ong trắng rồi sắc uống.
Chữa chảy máu mũi
Bạch mao căn, Ngẫu tiết, mỗi vị 15g, Sắc nước để nguội uống.
Chữa ợ hơi, nôn khi ăn
Bạch mao căn, Lô căn, mỗi vị cân 28g, chặt nhỏ rồi đem đun với 800ml nước đến khi còn 400ml, chia làm nhiều lần uống trong ngày.
Những lưu ý khi sử dụng Cỏ tranh:
Nguồn Tham Khảo:
1) Tra cứu dược liệu: //tracuuduoclieu.vn/co-tranh.html
2) Dược điển Việt Nam: //duocdienvietnam.com/co-tranh-than-re/
3) Khoa Dược – Đại học Y Dược TPHCM: //uphcm.edu.vn/caythuoc/index.php?q=node/260
4) Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 1): //drive.google.com/file/d/188I9jkHJDFobKYPcFpfcKtIvpYZLiOo-/view?fbclid=IwAR2vHmO62AA8m8YDSJEAiC9fOdV_S8JjjuhKoxcnIKTvhdqjlOrpfFWe0-M
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.