Tên tiếng việt: Bạch tiễn bì, Bạch tiền bì.
Tên khác: Bạch tiền bì, Bắc tiên bì, Bạch tiên, Bạch tiển, Bạch thiên, Bạch dương tiên, Kim tước nhi tiêu, Địa dương thiên, Bát khuê ngưu, Dã hoa tiêu, Bát cổ ngưu…
Tên khoa học:Cortex Dictamni radicis. Tên khoa học của cây làm vị thuốc: Dictamnus dasycarpus thuộc họ Cam – Rutaceae.
Cây mọc thẳng đứng, cao 40 – 100 cm. Thân có lông tơ. Trong chùm hoa được bao phủ bởi các tuyến sẫm màu với các nốt ngắn ở đầu.
Lá to, không cuống. Lá chét 3 – 5 cặp, dài 2 – 8 cm, rộng 1 – 4 cm, hình thuôn dài, chóp thuôn nhọn, có khía dọc theo mép, có nhiều hoặc ít lông tơ, hiếm khi có lông tơ ở mặt dưới.
Cụm hoa ở đầu tận cùng, dạng chùm hoặc chuỳ, dài tới 35 cm. Hoa dài đến 4 cm, hơi không đều. Lá đài dài 5 – 6 mm, hình mũi mác, mọng nước. Cánh hoa dài 2 – 3,5 cm, màu hoa cà, hình mác, thuôn nhọn nhiều hay ít, dài. Bao phấn hình sợi dài khoảng 3 cm, có lông, đầu nhẵn bóng, được bao phủ bởi các nốt sần (verrucose).
Quả nang trên thân dày, dài 1 – 4 cm, có 4 hoặc 5 thùy. Các thùy có hình nón mọc thẳng hoặc cong, dài 4 – 7 mm ở đầu trên mặt ngoài; lớp vỏ ở bề mặt bên trong rất ngắn.
Cây Bạch tiễn bì thường mọc trên các đồng cỏ, dọc theo các tầng của thung lũng và khe núi, sườn đồi, đôi khi ở thảo nguyên và rừng ven sông. Cây được tìm thấy nhiều ở các vùng của Trung Quốc như: Đông Bắc, Hà Bắc, Hà Nam, Hồ Bắc, Hắc Long Giang, An Huy, Giang Tô, Giang Tây, Tứ Xuyên, Qúy Châu, Thiểm Tây, Sơn Đông, Cam Túc, Nội Mông Cổ. Ngoài ra, Bạch tiễn bì cũng được tìm thấy ở Triều Tiên, Hàn Quốc, Nga.
Chế biến: Rễ cây sau khi đào lên, rửa sạch đất, bỏ rễ râu và vỏ thô đem phơi khô.
Bộ phận sử dụng của cây Bạch tiễn bì: Rễ.
Rễ cây chứa nhiều thành phần có hoạt tính sinh học như: Flavanone, limonoids, furoquinoline alkaloids, quinoline alkaloids, pyrrolidine alkaloids, sesquiterpenes, coumarin và phenolic glycoside.
Một số hợp chất đã được phân lập từ rễ cây D. Dasycarpus bao gồm: Rutaevin, obacunone, fraxinellone, limonin, dictamnine, beta-sitosterol, 5-hydroxylmethylfuraldehyde, daucosterol, 3-beta-hydroxy-cholesta-5-ene, fraxinellonone, rutin, quercetin và scopoletin.
Là một vị thuốc cổ truyền của Trung Quốc, Bạch tiễn bì được sử dụng để điều trị các bệnh ho, thấp khớp và một số bệnh ngoài da như: Vàng da, chàm, mẩn ngứa, mày đay, viêm da dị ứng.
Chiết xuất từ cây Bạch tiễn bì có nhiều tác dụng:
Điều trị nhiều bệnh về da như: Vàng da, cải thiện các tổn thương da, hỗ trợ điều trị bệnh vẩy nến, có khả năng điều trị các bệnh viêm da như một loại thuốc bổ sung hoặc thay thế cho corticosteroid.
Điều trị thấp khớp và ho.
Có hoạt tính chống viêm, kháng nấm, chống xơ vữa động mạch, cầm máu, chống ung thư, bảo vệ thần kinh cũng như các tác dụng chống oxy hóa.
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với liều và cách dùng khác nhau.
Điều trị chàm thể cấp tính
Bài 1: Thanh nhiệt hóa thấp thang gia giảm:
Bạch tiễn bì 12 g, hoàng cầm 12 g, hoàng bá 12 g, phục linh bì 12 g, hoạt thạch 20 g, khổ sâm 12 g, sinh địa 20 g, kim ngân hoa 20 g, đạm trúc diệp 16 g.
Bài 2: Vị linh thang gia giảm:
Bạch tiễn bì 12 g, hậu phác 12 g, trần bì 8 g, phục linh 12 g, nhân trần 20 g, trạch tả 16 g, trư linh 12 g.
Bài 3: Tiêu phong đạo xích thang:
Bạch tiễn bì 8 g, ngưu bàng tử 12 g, bạc hà 4 g, mộc thông 12 g, hoàng liên 12 g, sa tiền 16 g, khổ sâm 12 g, sinh địa 16 g, hoàng bá 12 g, phục linh 8 g, thương truật 8 g.
Điều trị chàm thể mạn tính (do phong và huyết táo gây nên bệnh)
Bài 1: Tứ vật tiêu phong ẩm gia giảm:
Bạch tiễn bì 8 g, thục địa 16 g, sinh địa 16 g, đương quy 12 g, bạch thược 12 g, khổ sâm 8 g, thuyền thoái 6 g, thương truật 12 g, kinh giới 16 g, phòng phong 12 g, bạch tật lê 8 g, địa phụ tử 12 g.
Bài 2: Nhị diệu thang gia giảm:
Bạch tiễn bì 12 g, hoàng bá 12 g, ké đầu ngựa 12 g, thương truật 8 g, phòng phong 8 g, hy thiêm thảo 12 g, phù bình 12 g.
Nước sắc cây Bạch tiễn bì có thể gây tổn thương gan cấp tính khi sử dụng.
Bạch tiễn bì là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng và kiểm soát rủi ro, tác dụng không mong muốn của dược liệu đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ.
Nguồn Tham Khảo:
- Trường Đại học Y Hà Nội, Khoa Y học cổ truyền (2005). Bài giảng Y học Cổ truyền, tập II (tái bản lần thứ IV). Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- Peschkova, G.A. (ed.) (2006). Flora of Siberia 10: 1-314. Scientific Publishers, Inc., Enfield, Plymouth.
- Yang J-L, Liu L-L, Shi Y-P. Limonoids and Quinoline alkaloids from Dictamnus dasycarpus. Planta Med. 2011;77(03):271–6.
- Bai YY, Tang WZ, Wang XJ. Bai YY, et al. Chemical constituents from root bark of Dictamnus dasycarpus, Zhong Yao Cai. 2014 Feb;37(2):263-5. PMID: 25095348 Chinese.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.