Tên Tiếng Việt: Bạch Truật.
Tên khác: Truật; Truật sơn kế; Sơn khương; Sơn giới; Sơn liên; Dương phu; Phu kế; Mã kế; Thiên đao; Sơn tinh; Ngật lực già; Triết truật; Bạch đại thọ; Sa ấp điều căn; Ư truật; Sinh bạch truật; Sao bạch truật; Thổ sao bạch truật; Mễ cam thủy chế bạch truật; Tiêu bạch truật; Ư tiềm truật; Dã ư truật; Đông truật.
Tên khoa học: Atractylodes macrocephala Koidz. Thuộc họ Asteraceae (Cúc).
Bạch truật là cây lâu năm.
Lá mọc so le, cuống lá dài, phiến lá chia làm 3 thùy. Các lá gần ngọn thì không chia thùy và có cuống ngắn hơn. Mép lá có răng cưa.
Hoa màu trắng mọc thành cụm và có bao tổng bên ngoài. Bao tổng gồm có 7 lớp nhìn như ngói lợp nhà. Cánh hoa màu trắng phía dưới và tím đỏ ở phía trên.
Rễ Bạch truật phát triển thành củ to và được dùng làm thuốc.
Bạch truật phân bố nhiều ở Trung Quốc, sau này được trồng rộng rãi tại Việt Nam. Bạch truật có thể thích nghi ở vùng khí hậu núi cao và cả vùng đồng bằng nóng ẩm.
Bạch truật được trồng ở nơi khí hậu núi cao lạnh chủ yếu để nhân giống, có thể thu hoạch sau 2 – 3 năm. Khi trồng ở vùng đồng bằng thì thời gian thu hoạch ngắn hơn, chỉ khoảng 10 – 12 tháng.
Thu hái Bạch truật vào mùa tháng 10 âm lịch. Khi quan sát thấy lá ở phần gốc cây úa vàng thì có thể đào lấy củ.
Củ Bạch truật sau khi đào được rửa sạch, loại bỏ rễ con. Bạch truật có thể được phơi khô nguyên củ hoặc thái lát mỏng rồi phơi khô (sinh sái thuật hoặc gọi là đông truật), nếu sấy khô thì gọi là hồng truật.
Bộ phận dùng của Bạch truật là thân rễ.
Bạch truật có thành phần chính là tinh dầu (1,4%), atractylola C15H16O, atractylon C14H18O, vitamin A.
Ngoài ra, nghiên cứu đã tìm ra hơn 79 hợp chất được phân lập từ Bạch truật bao gồm:
Sesquiterpenoids;
Triterpenoids;
Polyacetylenes;
Coumarin;
Phenylpropanoids;
Flavonoid, steroid, benzoquinones, polysaccharide…
Tính vị: Vị ngọt, đắng, tính hơi ôn. Vào các kinh tỳ, vị.
Công năng: Kiện tỳ ích khí, táo thấp, lợi thủy, cố biểu liễm hãn, an thai.
Chủ trị: Hỗ trợ tiêu hóa, trị phù thũng, sốt rét.
Chữa suy nhược, hỗ trợ tiêu hóa
Theo nghiên cứu của Đại học y khoa Chiết giang (công bố trên Tạp chí Ethnopharmacology và nghiên cứu của Đại học Kyung Hee năm 2018 cho thấy:
Bạch truật giúp hỗ trợ tiêu hóa, trị chứng ra mồ hôi trộm, mệt mỏi, chán ăn ở bệnh nhân bị suy nhược cơ thể.
Ức chế viêm, chống khối u, ức chế quá trình oxy hóa, điều hòa miễn dịch, hỗ trợ cải thiện bệnh Alzheimer, và béo phì.
Dịch chiết Bạch truật giúp tăng biệt hóa bạch cầu đơn nhân do thioglycollate trong phúc mạc và ức chế nồng độ TNF- α và IL-6 do LPS có trong máu vì vậy có khả năng kháng viêm đường tiêu hóa hiệu quả.
Kháng viêm, kháng virus, ức chế khối u
Theo nghiên cứu của Đại học Y học cổ truyền Thượng Hải, thành phần chính của Bạch truật là atractylon có tác dụng tốt trong điều trị một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày, ruột, gan:
Kháng ung thư hiệu quả (đối với tế bào HepG2, MCG803, HCT-116).
Kháng virus H3N2.
Kháng viêm (ức chế sản xuất nitric oxide (NO) do lipopolysaccharide (LPS) tạo ra trong tế bào ANA-1).
An thai
Nghiên cứu của Đại học y khoa Chiết giang (công bố trên Tạp chí Ethnopharmacology năm 2018 cho thấy:
Hỗ trợ giảm triệu chứng ốm nghén ở phụ nữ mang thai khi dùng Bạch truật cùng với các loại thảo dược khác.
Bên cạnh đó, Đại học Y khoa Hắc Long Giang và đại học Toho – NB, trường khoa học đời sống Quảng Châu đều đã nghiên cứu và kết luận thành phần dầu dễ bay hơi của Bạch truật có chứa atractylon có tác dụng ức chế chuyển động tự phát của tử cung, làm giảm lực co bóp của tử cung từ đó ức chế chuyển dạ sớm, hạn chế sinh non. Ngoài ra bạch truật còn chứa inulin hỗ trợ điều trị táo bón, hạn chế nguy cơ sinh non ở các tháng cuối thai kỳ.
An thần, điều hòa tâm lý
Đại học Vienna – Áo đã nghiên cứu về tác dụng an thần của Bạch truật, kết quả đăng trên tạp chí quốc tế về sinh học thần kinh cho kết luận rằng thành phần atractylenolide II và III có tác dụng như một loại thuốc an thần và thôi miên.
Cải thiện da sẫm màu
Theo thông tin từ sách Lý thuyết về bản chất y học của Trung Quốc, Bạch truật có thể cải thiện làn da sẫm màu.
Liều lượng: 6g đến 12g một ngày, có thể dùng dạng thuốc sắc hoặc bột.
Cách dùng Bạch truật:
Sao với cám để bổ tỳ: 6kg Bạch truật thì dùng 400g cám.
Sao với rượu đến khi có màu vàng thì rây bỏ cám.
Trộn với đất thổ màu vàng rồi sao (sao hoàng thổ) để chỉ tả chữa tiêu chảy.
Kiện tỳ, cầm tiêu chảy
Bài 1: Thang lý trung – Trị chứng tỳ hư thấp trệ, đại tiện lỏng, người mệt, kém ăn
Chuẩn bị: Đảng sâm 12g, Sinh khương 8g, Bạch truật 12g, Cam thảo 4g.
Thực hiện: Sắc uống.
Bài 2: Bột sâm truật – Trị các chứng tỳ hư thấp trệ, đại tiện lỏng, người mệt, ăn uống không tiêu, bụng đầy hơi
Chuẩn bị: Đảng sâm 12g, Bạch truật 12g, Phục linh 12g, Ý dĩ 12g, Liên nhục 12g, Nhục đậu khấu 12g, Kha tử 12g, Trần bì 12g, Sơn tra 8g, Thần khúc 8g, Mộc hương 4g, Sa nhân 4g, Cam thảo 4g.
Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang hoặc tán bột.
Kiện vị tiêu thực (hỗ trợ tiêu hoá)
Thang chỉ truật – Trị tỳ, vị đều hư nhược, tiêu hoá không tốt, không muốn ăn uống
Chuẩn bị: Bạch truật (sao) 12g, Chỉ thực 6g.
Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang hoặc tán bột làm viên hoàn. Mỗi lần uống 8g, chia làm 2 – 3 lần uống với nước cơm.
Cố biểu, chỉ hãn
Bài 1: Thuốc sắc Bạch truật – Trị chứng tim hồi hộp, lo âu, tự ra mồ hôi
Chuẩn bị: Bạch truật 12g, Hoàng kỳ 12g, Phù tiểu mạch 20g.
Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Thuốc bột Bạch truật – Trị chứng tỳ hư, tự ra mồ hôi, người mỏi mệt, hơi thở ngắn
Chuẩn bị: Bạch truật 12g, Phòng phong 12g, Mẫu lệ 24g.
Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang hoặc tán thành bột, mỗi lần uống 12g, chiêu với nước đun sôi nguội.
Lợi niệu tiêu thũng
Bài 1: Thang linh quế truật cam – Trị các chứng tỳ hư, ho hen có đờm, tim đập nhanh, mắt mờ
Chuẩn bị: Phục linh 12g, Quế chi 8g, Bạch truật 8g, Cam thảo 8g.
Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Bột toàn sinh Bạch truật – Trị phù nề toàn thân, phụ nữ có thai bị phù.
Chuẩn bị: Bạch truật 12g, Đại phúc bì 12g, Gừng tươi 12g, Ngũ gia bì 12g, Địa cốt bì 12g, Phục linh bì 20g.
Thực hiện: Sắc uống.
Thuốc an thai
Bài 1: Đương quy tán – Dùng cho phụ nữ có thai mà huyết kém, thai nhiệt không yên
Chuẩn bị: Bạch truật 32g, Đương quy 64g, Hoàng cầm 64g, Bạch thược 64g, Xuyên khung 64g.
Thực hiện: Các vị sấy khô, tán bột. Ngày uống khoảng 8 – 12g với rượu loãng.
Bài 2: Thái sơn bàn thạch thang – Ích khí kiện tỳ, dưỡng huyết an thai
Chuẩn bị: Nhân sâm 5g, Đương quy 8g, Hoàng cầm 5g, Xuyên khung 4g, Thục địa 10g, Chích thảo 4g, Hoàng kỳ 15g, Tục đoạn 5g, Bạch truật 10g, Thược dược 6g, Sa nhân 4g, Nhu mễ 5g.
Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang.
Bài thuốc Lục vị cầm truật (Lục vị gia hoàng cầm, Bạch truật) là bài thuốc đầu tay trong y học cổ truyền dùng để an thai nhất là trong các trường hợp phụ nữ mang thai bị nhiệt.
Món ăn thuốc có Bạch truật
Trị phụ nữ đau bụng đầy tức trướng hơi từng cơn: Cháo lòng lợn Bạch truật
Chuẩn bị: Bạch truật 40g, Cau 1 quả, Gừng nướng 40g, Ruột lợn 1 đoạn, Gạo tẻ 60g.
Thực hiện: Ruột lợn làm sạch, thái đoạn; các dược liệu thái lát, đập giập sắc lấy nước, bỏ bã. Gạo vo sạch nấu cháo với lòng lợn, khi cháo chín nhừ cho nước sắc thuốc vào, thêm gia vị đun sôi. Ăn khi đói.
Trị hội chứng lỵ mạn tính: Cao lỏng Bạch truật
Chuẩn bị: Bạch truật 300g.
Thực hiện: Sắc lấy nước, bỏ bã, cô đặc thành cao lỏng (tỷ lệ 1/1). Mỗi ăn khoảng 2 – 3 muỗng, ngày uống 2 lần với nước sôi để nguội (có thêm chút đường).
Trị tiêu chảy, đầy bụng chán ăn: Cháo Bạch truật vỏ quất
Chuẩn bị: Bạch truật 24g, Vỏ quất 14g, Gạo tẻ 100g.
Thực hiện: Bạch truật, vỏ quất sắc lấy nước bỏ bã. Cháo khi nấu chín thêm vào nước sắc thuốc, đun sôi và thêm gia vị vừa ăn.
Dùng cho phụ nữ bị suy nhược, có thai dọa sảy: Cháo nếp sâm kỳ truật táo
Chuẩn bị: Bạch truật 12g, Đảng sâm 12g, Hoàng kỳ 30g, Đại táo 14g, Gạo nếp 50g.
Thực hiện: Sắc 4 vị thuốc lấy nước bỏ bã. Cháo khi nấu chín thêm vào nước sắc thuốc, đun sôi trong vài phút. Ăn ngày 2 lần sáng, chiều.
Dùng cho trẻ em hay bị chảy bọt dãi: Nước hồ Bạch truật
Chuẩn bị: Sinh Bạch truật 10g.
Thực hiện: Giã nhỏ Sinh Bạch truật, cho ít nước cơm, thêm nước vừa đủ, chưng nhỏ lửa trên bếp. Ngày ăn 3 lần.
Món ăn cho người cao tuổi, người suy nhược, trẻ nhỏ bị ăn kém, tiêu chảy mạn tính: Bánh khảo Bạch truật
Chuẩn bị: Sinh Bạch truật 250g, Đại táo 250g, Bột gạo 500g.
Thực hiện: Nghiền nhỏ Sinh Bạch truật, rang chín, Đại táo (đồ chín bỏ hạt), bột gạo (hoặc bột mì), thêm nước giã trộn thành 10 cái bánh, hấp chín. Ăn sáng ngày 1 – 2 cái.
Những người không nên dùng Bạch truật:
Hen suyễn;
Âm hư táo khát: Táo bón, miệng khô họng khát;
Tiểu dắt;
Cơ thể mọc mụn mủ;
Viêm ruột cấp do nhiễm trùng.
Để sử dụng Bạch truật an toàn và hiệu quả, trước khi sử dụng bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Nguồn Tham Khảo:
1. Dược điển Việt Nam V.
2. Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi).
3. Tra cứu dược liệu: //tracuuduoclieu.vn/
4. Viện Dược liệu //vienduoclieu.org.vn/
5. Sức khỏe đời sống: //suckhoedoisong.vn/
6. Thầy thuốc Việt Nam: //thaythuocvietnam.vn/
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.