Tên tiếng Việt: Bách xù.
Tên khác: Viên bách, Tùng xù, Bách tròn, Cối tía, Tử cối.
Tên khoa học: Cây có tên khoa học là Juniperus chinensis L., thuộc họ Bách Cupressaceae.
Cây thân gỗ thường xanh, có thể cao đến 20 – 25m. Thân cây hình trụ, cành nhỏ tròn hoặc có tiết diện hơi vuông. Lá mọc áp sát vào cành, lá hình kim ở cây con và ở cành non của cây trưởng thành. Lá trưởng thành dạng vảy, xếp dày đặc, lợp sít nhau, đầu tù, lồi ở lưng, có tuyến ở gân giữa lá.
Cụm hoa là những nón đực và cái mọc riêng rẽ, nón đực hình trứng dài, nón cái hình cầu.
Nón quả gần hình tròn, đường kính 6 – 8cm, phủ phấn trắng, khi chín màu nâu. Quả có 1 – 4 hạt, thường là 2 – 3, hạt ngắn, bóng với những tuyến ngắn ở gốc.
Bách xù phân bố tự nhiên ở các nước châu Á bao gồm Mông Cổ, Đông Bắc Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật bản. Cây đã được nhập trồng cả một số nước khác ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Tại Việt Nam, không rõ Bách xù được nhập trồng vào thời gian nào, song có những cây được trồng ở Tam Đảo, Hà Nội và một số địa phương lân cận có tuổi đời lên đến 100 tuổi.
Bách xù là cây hơi chịu bóng, có thể trồng được cả những nơi trống trải nhiều nắng (vùng núi cao), cây sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện có khí hậu ẩm mát. Sức chịu đựng của cây với các điều kiện khắc nghiệt cao, cây vẫn tồn tại được trong mùa đông lạnh khắc nghiệt của Trung Quốc và Mông Cổ.
Tại Tam Đảo, Việt Nam, Bách xù bắt đầu xuất hiện nón sinh sản vào khoảng tháng 3 – 4. Chưa thấy cây con mọc từ hạt. Cây có thể được nhân giống từ các cành bánh tẻ bằng cách sử dụng các chất kích thích ra rễ.
Cành, lá và vỏ thân. Quả cây được dùng trong Y học cổ truyền Hàn Quốc. Tinh dầu Bách xù cũng được dùng trong hương liệu pháp.
Quả cây phơi khô còn được dùng làm gia vị ở một số nước châu Âu.
Toàn cây có chứa tinh dầu, với các thành phần chủ yếu của tinh dầu là cedrol, thujosen, α-pinen, β-pinen, γ-elemen, sabinen, elemol và 3-cyclohexen-1-ol.
Lá chứa nhiều hợp chất thuộc nhóm polyphenol. Ngoài ra trong lá Bách xù có chứa deoxypodophylotoxin là một chất có khả năng gây độc tế bào.
Một số hợp chất khác trong cành và lá bao gồm acid sandaracopimaric, isocupressic, 12-hydroxyl-6, 7-secoabieta-8. 11, 13-trien-6, 7-dial.
Quả cây chứa một chất giống geberellin.
Theo Y học cổ truyền, Bách xù có vị đắng, cay, thơm, tính ấm, có ít độc, có tác dụng khu phong, tán hàn, hoạt huyết, tiêu thũng, giải độc, lợi tiểu. Bách xù thường được dùng chữa cảm mạo phong hàn, co quắp, thổ tả, phong thấp, đau nhức xương khớp, vàng da, mày đay, mụn nhọt mới phát.
Ngoài ra, mạt cưa và gỗ thân cây cũng được dùng làm hương thắp.
Tác dụng kháng khuẩn
Các bệnh lý nhiễm trùng và kháng kháng sinh là một vấn đề sức khỏe đang được quan tâm trên quy mô toàn cầu. Vi khuẩn gây bệnh, cùng với sự phát triển của các loại kháng sinh mới, đã và đang phát triển những cơ chế chống lại sự tác động của kháng sinh.
Một trong những chủng vi khuẩn kháng kháng sinh quan trọng đối với y tế là Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA). Các nghiên cứu cho thấy dịch chiết từ cây Bách xù có tác dụng ức chế đáng kể sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn, với ưu thế thể hiện trên các chủng vi khuẩn Gram dương.
Ngoài ra, dịch chiết cây này còn rất hiệu quả trong ngăn ngừa sự sinh trưởng của MRSA trên thử nghiệm in vitro. Trong khi đó, tinh dầu cây Bách xù cũng thể hiện tác dụng kháng khuẩn rất mạnh, không có khác biệt giữa hai chủng vi khuẩn Gram âm hay Gram dương. Kết quả này cho thấy tiềm năng của cây Bách xù trong điều trị bệnh lý nhiễm trùng và kháng kháng sinh.
Tác dụng kháng viêm
Phản ứng viêm là một đáp ứng sinh lý bình thường khi cơ thể tiếp xúc với các vật lạ từ môi trường (vi sinh vật, các yếu tố vật lý như ánh sáng, nhiệt độ,…). Không chỉ chịu trách nhiệm cho các biểu hiện lâm sàng chính của bệnh lý nhiễm trùng, phản ứng viêm cũng có liên quan đến cơ chế sinh lý bệnh của nhiều bệnh lý nguy hiểm như xơ vữa động mạch, đái tháo đường, đột quỵ.
Các phản ứng viêm sinh ra là do sự tương tác của các tế bào hệ miễn dịch với dị nguyên, dẫn đến sự giải phóng các hóa chất trung gian gây viêm, thường gặp nhất là các cytokine, interleukin, yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF-α). Các thử nghiệm dược lý cho thấy dịch chiết cây Bách xù thể hiện tác dụng kháng viêm mạnh, nhờ nồng độ cao các hợp chất polyphenol và tinh dầu trong cây.
Tác dụng trên bệnh lý da
Bệnh lý da là một trong những vấn đề y tế quan trọng do ngoài yếu tố sức khỏe, bệnh còn tác động đến yếu tố thẩm mỹ của bệnh nhân. Nhờ tác dụng kháng khuẩn và kháng viêm mạnh, cây Bách xù có khả năng hỗ trợ trong cải thiện triệu chứng của một số bệnh lý da có viêm như viêm da cơ địa, mày đay, mụn nhọt mới khởi phát. Ngoài ra, cùng với khả năng kháng khuẩn và kháng viêm, việc sử dụng cây thuốc này ngoài da có tác dụng thúc đẩy sự lành vết thương, cải thiện các vết thương ngoài da.
Tác dụng bảo vệ gan
Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể với chức năng chuyển hóa các chất. Tổn thương gan do độc chất và rượu hiện nay là một vấn đề sức khỏe đáng được lưu tâm. Vì mặc dù có thể không có biểu hiện lâm sàng, tổn thương gan lâu dài có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm gan, xơ gan và thậm chí ung thư gan.
Các nghiên cứu dược lý trên động vật thí nghiệm cho thấy dịch chiết cây Bách xù có khả năng cải thiện các thông số cận lâm sàng của gan chuột gây tổn thương bởi độc chất. Tuy nhiên, việc sử dụng Bách xù trong điều trị tổn thương gan ở người còn trong phạm vi dân gian, chưa có nghiên cứu kiểm chứng nên cần có thêm nhiều bằng chứng hơn nữa trong tương lai.
Tác dụng chống ung thư
Như đã đề cập ở trên, deoxypodophyllotoxin trong lá cây Bách xù thể hiện tác dụng gây độc tế bào, và các dẫn chất của chất này có tác dụng ức chế sự phát triển của nhiều dòng tế bào ung thư như ung thư bạch cầu và sarcoma trên chuột nhắt trắng.
Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) là một trong những bệnh lý ung thư thường gặp nhất trên thế giới. Một đặc tính quan trọng của HCC là khả năng tân sinh mạch máu của khối u. Dịch chiết cây Bách xù thể hiện khả năng ức chế sự tân sinh mạch máu khối u, cũng như trực tiếp gây độc các tế bào ung thư. Ngoài ra, do tác dụng bảo vệ tế bào gan, cây Bách xù có thể là một ứng cử viên tiềm năng trong việc nghiên cứu và phát triển một loại thuốc điều trị ung thư gan trong tương lai.
Tác dụng chống béo phì
Trên mô hình chuột gây bệnh béo phì, dịch chiết Bách xù làm giảm trọng lượng cơ thể, giảm tích mỡ nội tạng, giảm cholesterol máu, ngoài ra còn điều hòa các phân tử liên quan đến bệnh sinh của béo phì. Tuy nhiên, các nghiên cứu chống béo phì của Bách xù hiện nay chỉ mới trên động vật, chưa có nghiên cứu trên người, do đó cần có thêm các bằng chứng trước khi ứng dụng cây thuốc này trong điều trị béo phì ở người.
Tác dụng chống đái tháo đường
Tại Hàn Quốc, rượu từ quả cây Bách xù được dùng để trị bệnh đái tháo đường. Các nghiên cứu dược lý cho thấy quả cây Bách xù có tác động tích cực đến cơ chế bệnh sinh của đái tháo đường. Trên mô hình chuột nhắt trắng gây bệnh đái tháo đường, dịch chiết Bách xù giúp làm giảm đường huyết đói phụ thuộc liều thuốc.
Ngày dùng 30 – 40g cành lá, dạng thuốc sắc; hoặc có thể uống tinh dầu, 10 – 15 giọt mỗi ngày. Dùng ngoài liều lượng thích hợp.
Trị cảm mạo phong hàn
Cành lá Bách xù 30 – 40g, sắc uống ngày 1 thang.
Trị phong thấp, xương khớp đau nhức
Bách xù, lõi Thông, Kê huyết đằng, Mộc thông, mỗi vị 10 – 20g, sắc uống.
Trị vàng da do viêm gan mạn
Lõi cây Bách xù 30g (thái miếng mỏng, phơi khô), sắc uống.
Trị mề đay, nhọt độc mới phát
Lá Bách xù tươi lượng thích hợp, giã nát đắp vào vùng tổn thương.
Một số lưu ý khi sử dụng cây Bách xù:
Bách xù là một loại cây thường được trồng làm cảnh. Do dược liệu có tính nóng nên việc sử dụng lâu dài Bách xù với liều cao có thể gây ra các biểu hiện khô miệng, khát nước, táo bón. Hơn nữa, Bách xù có độc tính nhẹ, việc tự ý sử dụng có thể gây ngộ độc với các biểu hiện như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng và thậm chí tử vong.
Ngoài ra, quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Cần có sự tham vấn của Bác sĩ Y học cổ truyền trước khi sử dụng Bách xù làm thuốc. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
Nguồn Tham Khảo:
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
- Từ điển cây thuốc Việt Nam – tập 1 – Võ Văn Chi
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – tập 1 – Viện dược liệu
- Orhan, N. (2019). Juniperus Species: Features, Profile and Applications to Diabetes. Bioactive Food as Dietary Interventions for Diabetes, 447–459. doi:10.1016/b978-0-12-813822-9.00030-8
- Souravh Bais, Naresh Singh Gill, Nitan Rana, Shandeep Shandil, “A Phytopharmacological Review on a Medicinal Plant: Juniperus communis”, International Scholarly Research Notices, vol. 2014, Article ID 634723, 6 pages, 2014. doi: 10.1155/2014/634723
- Al-Dhafri S. Khamis, Lay Ching Chai, “Chemical and Antimicrobial Analyses of Juniperus chinensis and Juniperus seravschanica Essential Oils and Comparison with Their Methanolic Crude Extracts”, International Journal of Analytical Chemistry, vol. 2021, Article ID 9937522, 8 pages, 2021. doi: 10.1155/2021/9937522
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.