Tên Tiếng Việt: Ngải tiên.
Tên khác: Bạch yến, Cỏ tai cọp, Sa nhơn, Bạch điệp.
Tên khoa học:Hedychium coronarium Koenig, thuộc họ Gừng (Zingiberaceae).
Cây thân cỏ cao từ 1 – 2 m. Thân rễ có nhiều ngấn, mập, ít phân nhánh. Thân giả nhẵn. Lá mọc cách, phiến lá hình dải hẹp hoặc mũi mác, dài từ 40 – 50cm, rộng 5 – 10cm, màu xanh đậm, bóng ở mặt trên, ở dưới nhạt hơn và có lông, lưỡi nhỏ dài 2 – 3cm. Cụm hoa dạng chùm, hình trứng, mọc ở ngọn thân, dài 5 – 7cm, do các lá bắc lợp lên nhau. Lá bắc và lá bắc con có màu xanh ở ngọn. Hoa không đều. Đài dính nhau thành ống, trên chia thành 3 răng không rõ, tràng dính ở dưới, 2 cánh chính thức hai bên hình mũi mác, cánh giữa rộng, lõm ở đầu. Chỉ nhị dài, bao phấn có các ô kéo dài thành cựa, chung đới dạng bản mỏng, có nhị lép. Bầu có lông. Quả chín có màu vàng mang các hạt màu đỏ.
Phân bố
Ở Việt Nam, cây phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội.
Ngoài Việt Nam, cây còn có ở Trung Quốc, Nam Mỹ, Nam Phi.
Thu hái và chế biến
Thu hái thân rễ, hoa và quả quanh năm, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô để dùng dần.
Thân rễ, hoa và quả.
Thân rễ Ngải tiên có chứa (E) – labda – 8 (17), 12 – dien – 15, 16 – dial, coronarin B, 7β hydroxyl coronarin B, cononarin D, isocoronarin D, coronarin D ethyl ether, coronarin D methyl ether, labda – 8 (17), 11, 13 – trien – 15 (16) – olid, coronarin E, coronarin F, (+) – 14β – hydroxylabda – 8 (17), 12 – dieno – 16, 15 – lacton (isocoronarin – D), 14, 15, 16 – trinorlabda – 8 (17), 11 – (E) – dien – 13 – al.
Coronarin A, coronaria B, coronarin C, coronarin D và (E) – labda – 8 (17), 12 – dien – 15, 16 – dial là các hợp chất có tác dụng độc với tế bào.
Từ hoa Ngải tiên chiết xuất được một số hợp chất như linalol, methyl benzoat, cis – jasmon, eugenol, (E) – isoeugenol, jasmin lacton, methyl jasmonat, methyl epi – jasmonat, indol, nhiều chất nitril và oxim.
Lá có eucalyptol.
Thân rễ và quả Ngải tiên có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng phong trừ thấp, ôn trung, tán hàn. Tinh dầu gây trung tiện.
Thân rễ và quả Ngải tiên dùng trong các trường hợp đau bụng lạnh, đầy trướng, tiêu hóa kém. Nước sắc thân rễ giúp trị hôi miệng, uống vào giúp hạ sốt, chữa cảm, đau mình, phong thấp, nhức mỏi gân cốt.
Giã nát thân rễ, đắp ngoài chữa rắn cắn, tổn thương do té ngã.
Phần thân giả, thái nhỏ, sắc lấy nước ngậm chữa viêm lợi, viêm amidan.
Tinh dầu hoa Ngải tiên được chiết xuất để làm hương liệu.
Tác dụng kháng vi sinh vật:
Tinh dầu hoa Ngải tiên có ức chế sự phát triển của men bia, rượu cũng như nấm bệnh cho cây và động vật, nhưng tác dụng yếu trên một số vi khuẩn đã thử. Tinh dầu của cành non và chồi nồng độ 1000 ppm ức chế sự phát triển của sợi nấm Aspergillus flavus và gây độc cho nấm ở nồng độ 3000 ppm.
Tác dụng trên động vật thân mềm:
Tinh dầu của thân rễ Ngải tiên có tác dụng trên sán lợn Taenia solium,Bunostomum trigonocephalum và Oesophagostomum columbianum. Cao chiết từ hạt Ngải tiên có tác dụng diệt Lymnaea cubensis và L. columella. Cao cũng có tác dụng diệt rệp Macrosiphumrosae.
Tác dụng lợi niệu và chống tăng huyết áp:
Cao lá Ngải tiên chiết bằng ethanol 50% có tác dụng lợi niệu và chống tăng huyết áp cả ở chuột cống trắng bình thường lẫn chuột cống trắng được gây tăng huyết áp.
Tác dụng trên cơ trơn ruột:
Tinh dầu chiết từ thân rễ Ngải tiên có tác dụng ức chế sự co bóp ruột mèo tại chỗ.
Eucalyptol trong lá Ngải tiên có tác dụng hạ sốt, kháng viêm, kháng khuẩn, làm giãn phế quản và giảm đau.
Ngày dùng 6 – 12g thân rễ (khô) sắc hay tán bột uống.
Bài thuốc chữa sốt
Thân rễ Bạch diệp, Hành, Thì là (đồng lượng) tất cả đều tươi, đem giã nát, đắp.
Chưa có lưu ý.
Nguồn Tham Khảo:
Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (Tập 1), trang 141 – 143.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.