Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Bán hạ bắc: Vị thuốc quý có nhiều công dụng chữa bệnh cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Bán hạ bắc có tên khoa học là Pinellia ternata được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, đã được chứng minh là có hiệu quả cao trong điều trị ho, nôn mửa, nhiễm trùng và các bệnh viêm nhiễm. Các nghiên cứu dược lý hiện đại đã chứng minh nhiều tác dụng của bán hạ bắc, chẳng hạn như chống ho, long đờm, chống nôn, chống ung thư, kháng khuẩn và an thần…
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Bán hạ bắc.
Tên khác: Bán hạ Trung Quốc, Dương nhãn, Thuy ngọc, pinellia tuber (Anh).
Tên khoa học:Pinellia ternata (Thunb.) Breiter, Pinellia tuberifera Tenora. Thuộc họ Ráy Araceae.
Đặc điểm tự nhiên
Cây bán hạ bắc (Pinellia ternata) là một loại cây thân thảo sống lâu năm, có chiều cao khoảng từ 15 đến 50cm. Thân rễ của nó có hình dạng cầu hoặc dẹt, có đường kính từ 0.6 đến 2cm, bề mặt có một lớp bột trắng và có nhiều rễ con nhỏ phát triển từ thân chính.
Cây bán hạ bắc có lá mọc từ gốc và có cuống dài khoảng từ 6 đến 20cm. Mỗi cây thường có 1 đến 2 lá, lá có thể có dạng đơn hoặc kép, có chiều dài khoảng 5 đến 8cm và chiều rộng từ 3 đến 4cm. Thường thì lá được chia thành 3 lá chét, không có lông, và có màu xanh lục bóng.
Hoa của cây bán hạ bắc có dạng một bông mo và thường nở vào khoảng từ tháng 5 đến 7. Chúng mọc từ gốc cây ở những cây đã có từ 2 đến 3 năm tuổi, và có cuống dài khoảng 30cm. Màu sắc của hoa có thể là màu vàng lục hoặc có phớt tím. Quả của cây mọng, kích thước nhỏ và có hình dạng trứng.
Cây bán hạ bắc thường khô đi vào mùa hè, và sau đó thân rễ của cây sẽ phình to dưới lòng đất. Vào đầu mùa xuân năm sau, cây sẽ mọc lá mới để bắt đầu một chu kỳ mới.
Phân bố, thu hái, chế biến
Phân bố
Bán hạ bắc có xu hướng phát triển ở những nơi ấm áp và ẩm ướt dưới độ cao 2500m, đặc biệt là ở các rãnh và trên sườn dốc với đất cát tơi xốp và màu mỡ. Hàm lượng nước trong đất thấp có thể dẫn đến cây bị héo, trong khi hàm lượng nước cao có thể gây thối củ hoặc các bệnh khác.
Bán hạ bắc bắt đầu nảy mầm khi nhiệt độ mặt đất cao hơn 8.5 độ C, nhiệt độ thuận lợi nhất là khoảng 20 độ C. Ánh sáng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của bán hạ bắc, mức độ ánh sáng khác nhau có ảnh hưởng đáng kể đến đặc điểm sinh học, chỉ số sinh hoá, thành phần hoạt động và hệ số nhân giống của nó. Mặc dù bán hạ bắc rất nhạy cảm với môi trường bên ngoài nhưng nó cũng thể hiện khả năng thích nghi mạnh mẽ và có thể phát triển ở vùng đất cát nghèo dinh dưỡng.
Bán hạ bắc tự nhiên phân bố ở Đông Á. Ở Trung Quốc, loài này có thể được tìm thấy ở hầu hết các khu vực ngoại trừ Tây Tạng, Tân Cương, Thanh Hải và Nội Mông. Ngoài ra, nó cũng được phân bố ở Nhật Bản và trên bán đảo Triều Tiên. Bán hạ bắc được coi là loài thực vật xâm lấn ở một số khu vực ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Ở Việt Nam, bán bạ bắc đã được tìm thấy ở Lào Cai.
Thu hái và chế biến
Thu hái vào hai mùa hạ và mùa thu, đào lấy thân rễ.
Có rất nhiều cách bào chế bán hạ bắc, chủ yếu làm bớt ngứa, giảm độc.
Theo Trung y:
- Lấy bán hạ bắc 160g, bột bạch giới tử 80g, giấm thanh 80g trộn lẫn để một đêm. Lấy bán hạ ra rửa đi rửa lại cho hết nhớt (Lôi công).
- Xát rửa sạch vỏ, lấy nước sôi dội vào, ngâm 7 ngày, mỗi ngày thay nước sôi một lần. Phơi tái, thái mỏng, tẩm nước gừng, sấy khô dùng (có thể sau khi phơi khô tán bột). Ngâm nước gừng lẫn với nước sôi 3 ngày, rửa lại phơi khô (pháp hạ).
- Ngâm nước 7 ngày, mỗi ngày thay nước một lần.
- Ngâm 7 ngày trong nước vôi trong.
- Ngâm 7 ngày trong nước phèn chua và phác tiêu (cứ 1kg bán hạ cho vào 1/2kg phác tiêu và 0.250kg phèn).
Bộ phận sử dụng
Bộ phận sử dụng được của cây bán hạ bắc là thân rễ.
Thành phần hoá học
Bán hạ bắc chứa nhiều loại thành phần hoá học khác nhau, đặc biệt là trong thân rễ của nó, chẳng hạn như alkaloid, axit amin, carbohydrate, sterol và một số hợp chất phenolic. Các thành phần hoạt động trong thân rễ bán hạ bắc khác nhau đáng kể giữa các quần thể, đặc biệt là tổng số alkaloid và nucleoside.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Theo Đông y, bán hạ bắc có vị cay, ngứa, tính hơi hàn (dùng sống), sau khi bào chế có tính ôn, còn ít cay, ít ngứa. Vào hai kinh Tỳ và Vị. Tác dụng:
- Giáng khí nghịch;
- Trấn thổ (cầm nôn);
- Tiêu đờm, táo thấp.
Theo y học hiện đại
Chống béo phì
Sử dụng chiết xuất nước của bán hạ bắc làm giảm mức chất béo trung tính (triglyceride) và axit béo tự do (p < 0.05) trong máu của chuột béo phì và trọng lượng cơ thể cũng giảm nhẹ.
Người ta cũng quan sát thấy rằng chiết xuất nước của bán hạ bắc làm tăng đáng kể sự biểu hiện của cả UCP1 mRNA trong mô mỡ nâu (p < 0.001) và PPARα và PGC1α mRNA trong mô mỡ nội tạng trắng (p < 0.05 và p < 0.001), có thể làm giảm béo phì. Chiết xuất nước của bán hạ bắc có thể tác động đến việc chống béo phì thông qua quá trình sinh nhiệt và oxy hóa axit béo.
Chống viêm đường hô hấp dị ứng
Bơm chiết xuất nước của bán hạ bắc vào dạ dày chuột làm giảm đáng kể dòng bạch cầu, bạch cầu ái toan, bạch cầu trung tính, đại thực bào và tế bào lympho ở phổi do ovalbumin gây ra, đồng thời làm giảm nồng độ interleukin (IL)-4 , IL-13 và yếu tố hoại tử khối u α (TNF-α), theo cách phụ thuộc vào liều lượng.
Chiết xuất nước của bán hạ bắc cũng làm giảm đáng kể nồng độ globulin miễn dịch toàn phần trong huyết tương và ovalbumin đặc hiệu IgE được giải phóng vào không khí. Các nghiên cứu mô học cho thấy chiết xuất nước của bán hạ bắc ức chế sự tăng bạch cầu ái toan ở mô phổi do ovalbumin gây ra và sự sản xuất chất nhầy đường thở.
Chống ung thư
Chiết xuất polysaccharide từ bán hạ bắc có một số tác dụng chống khối u in vivo, có thể liên quan đến việc tăng cường khả năng loại bỏ các gốc tự do chất dư thừa của cơ thể bằng cách cải thiện hoạt động enzym của cơ thể.
Cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hoá
Bán hạ bắc cung cấp một phương pháp tiềm năng để điều trị rối loạn vận động tiêu hoá và các nhà nghiên cứu cho rằng cơ chế y học của nó có thể được giải thích bằng mối quan hệ giữa 12 thành phần chính của bán hạ bắc, bao gồm axit oleic và 13 gen liên quan đến rối loạn vận động tiêu hoá.
Thúc đẩy giấc ngủ
Năm 2018 Sisi Lin và cộng sự đã thiện hiện nghiên cứu trên mô hình chuột trong 14 ngày cho thấy dùng 0.9g/mL bán hạ bắc làm giảm đáng kể hoạt động vận động. Bán hạ bắc làm giảm sự tỉnh táo và tăng giấc ngủ ở chuột. Hơn nữa, bán hạ bắc còn thúc đẩy giấc ngủ bằng cách tăng số lượng các giai đoạn ngủ REM với thời lượng 64 – 128 giây và tăng số lần chuyển từ giấc ngủ NREM sang giấc ngủ REM và từ giấc ngủ REM sang trạng thái tỉnh táo. Tổng cộng có 17 hợp chất trong bán hạ bắc đã được xác định.
Liều dùng & cách dùng
Dùng bán hạ bắc sống: Trị rắn cắn (giã dập đắp vào chỗ bị thương).
Dùng bán hạ bắc chín:
- Tẩm gừng: Trị ho có đàm, giáng khí nghịch, chỉ ẩu thổ, trị thương hàn.
- Tẩm cam thảo và bồ kết: Trị hen suyễn có đàm.
Ngày dùng 6 – 12g.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa đàm ẩm (đờm đặc như hồ hoặc đờm loãng như nước) nôn mửa, đau tức ngực, không khát
Bán hạ bắc 10g và sinh khương 6g. Đem sắc nước uống.
Chữa tiêu hoá kém, nôn mửa, ho có đờm, nhức đầu
Bán hạ bắc 8g, trần bì 8g, phục linh 6g, cam thảo 4g. Đem sắc uống.
Chữa ho và nôn mửa khi có thai
Bột bán hạ 80g và bột sinh khương 50g, đun sôi cùng với 3 lít nước và sắc cho đến khi cạn còn 1 lít nước, lọc qua bông và pha thêm nước cất vào cho đủ 1 lít. Mỗi lần dùng 100 – 300ml, trung bình mỗi ngày dùng 200 – 600ml tương ứng với 8 đến 24g hoặc 16 đến 18g bán hạ. Lưu ý đơn thuốc chỉ chế khi cần đến.
Chữa phụ nữ có thai, nôn mửa
Bán hạ bắc 8g, sinh khương 3g, phục linh 6g sắc với 300ml nước, sắc còn 100ml. Uống dần trong ngày.
Chữa hen suyễn, nặng mặt, muốn nôn oẹ, không nằm được, bụng dưới nôn nao
Bán hạ chế 40g và sinh khương 20g sắc với 600ml nước, sắc còn 200ml, chia uống nhiều lần trong ngày, uống từ từ, nếu thấy đáp ứng thì uống nữa.
Lưu ý
Một số lưu ý khi sử dụng bán hạ bắc:
- Người có âm huyết hư, tân dịch kém không nên dùng. Đang có thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
- Bảo quản vị thuốc bán hạ bắc bằng cách một tháng phơi sấy lại một lần để tránh mốc, mọt. Nếu phải sấy diêm sinh thì không nên sấy lâu. Bào chế rồi đựng lọ kín.
- Bán hạ bắc có độc tính, do đó khi sử dụng để chữa bệnh phải tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nguồn Tham Khảo:
- Mao R, He Z. Pinellia ternata (Thunb.) Breit: A review of its germplasm resources, genetic diversity and active components. Journal of Ethnopharmacology. 2020;263:113252. doi:https://doi.org/10.1016/j.jep.2020.113252.
- Kim Y-J, Shin Y-O, Ha Y-W, et al. Anti-obesity Effect of <i>Pinellia ternata</i> Extract in Zucker Rats. Biological and Pharmaceutical Bulletin. 2006;29(6):1278-1281. doi:10.1248/bpb.29.1278.
- Lee M-Y, Shin I-S, Jeon W-Y, et al. Pinellia ternata Breitenbach attenuates ovalbumin-induced allergic airway inflammation and mucus secretion in a murine model of asthma. Immunopharmacology and Immunotoxicology. 2013;35(3):410-418. doi:10.3109/08923973.2013.770522.
- Li X, Lu P, Zhang W, et al. Study on anti-ehrlich ascites tumor effect of Pinellia Ternata polysaccharide in vivo. African Journal of Traditional, Complementary and Alternative Medicines. 2013;10(5):380-385.
- Đỗ Tất Lợi. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học. Hà Nội; 2006.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.