Tên tiếng việt: Bầu đất, Kim thất.
Tên khác: Rau lúi, Khảm khon (Thổ), Thiên hắc địa hồng, Dày chua lè, Chi angkam (Campuchia).
Tên khoa học: Gynura procumbens (Lour.) Merr; Gynura sarmentosa DC.
Thuộc họ: Cúc Asteraceae (Compositae).
Bầu đất là một loại cỏ có nhiều cành, thân nhẵn, trong như mọng nước. Lá hình trứng, tù hoặc tròn ở đáy lá, nhọn ở đầu, hơi có răng nhỏ ở mép, dài 3 – 8 cm, rộng 0,5 – 1,5 cm, rất nhẵn, mọng nước, cuống ngắn. Phiến lá có mặt trên màu xanh thẫm trông như đen, mặt dưới màu đỏ tím, do đó có tên: Thiên hắc địa hồng. Thiên hắc nghĩa là trời (ý nói mặt trên) có màu đen, địa hồng nghĩa là mặt dưới màu hồng.
Cụm hoa màu vàng cam hình đầu, mọc thành ngù kép, lá bắc ngoài hình sợi, dài 6 mm, lá bắc phía trong 8 – 12 chiếc, dài 15 mm, hơi khô xác ở mép.
Quả bế nhẵn, hình trụ, có 10 sống.
Mùa hoa quả: Tháng 1 – tháng 4.
Cây bầu đất được trồng và mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta, từ Bắc đến Nam, miền núi cũng như miền xuôi.
Chi Gynura Cass. gồm các loài hầu hết là cây thảo, một vài loài là cây bụi nhỏ, có cành vươn dài, mọc dựa; phân bố rải rác ở các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới ẩm. Ở Việt Nam chi này có khoảng 10 loài, trong đó 4 hoặc 5 loài được dùng làm thuốc. Bầu đất là một loại rau ăn, loại rau này khá thông dụng cho người và gia súc (lợn, bò). Nhiều nơi có kinh nghiệm lâu năm dùng bầu đất làm thuốc.
Cây phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Hòa Bình với độ cao phân bố tới 1600 m, ở các tỉnh phía Nam ít gặp hơn. Bầu đất còn thấy ở một số nước khác như Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Lào, Philippin.
Bầu đất thuộc loại cây ưa sáng, ưa ẩm, thường mọc ở đất còn tương đối màu mỡ, nhất là các vùng núi đá vôi, hoặc xung quanh nương rẫy. Cây có khả năng mọc nhanh, ra chồi khỏe. Chính vì vậy mà trong một vụ xuân hè và cả mùa thu người ta có thể thu hái rau được rất nhiều lần. Tuy nhiên chỉ có những cây ít bị ngắt ngọn mới có hoa quả thường xuyên.
Bầu đất chủ yếu được khai thác từ nguồn hoang dại. Ở một số địa phương, nhân dân có trồng làm rau ăn. Bầu đất được thu hái vào mùa hạ, dùng toàn cây tươi hoặc phơi khô.
Người ta thường sử dụng toàn cây, thường dùng tươi.
Chưa thấy tài liệu nghiên cứu.
Bầu đất có vị ngọt, cay, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thông kinh hoạt lạc, tiêu thũng, chỉ thống, tiêu viêm, giảm ho.
Chỉ mới thấy sử dụng trong phạm vi dân gian. Phối hợp với nhiều vị thuốc khác, bầu đất được dùng làm thuốc hạ sốt trong điều trị các bệnh sởi, phát ban. Một số nơi dùng bầu đất chữa đái són, đái buốt và đái dầm ở trẻ em. Cây còn được dùng chữa kinh nguyệt không đều, khí hư, bạch đới, viêm bàng quang mạn tính ở phụ nữ và một số bệnh thận.
Ngoài ra nhân dân ở một số nơi đã dùng bầu đất nấu canh ăn như rau. Ở Trung Quốc, cây bầu đất sắc thuốc chữa vết thương do hung khí gây nên, viêm khớp thấp, viêm phổi, viêm phế quản. Bầu đất hầm với thịt ăn để điều trị viêm phổi, viêm phế quản.
Chỉ mới thấy sử dụng trong phạm vi dân gian. Nhiều nơi nấu canh ăn như canh rau.
Thân và lá thường được dùng phối hợp với nhiều vị thuốc để chữa sốt trong các bệnh sởi, scaclatin, kinh nguyệt không đều, thiếu máu, lỵ và những bệnh về thận.
Ngày dùng 30 – 40 g hay hơn dưới dạng thuốc chữa đau mắt: Lá rửa sạch, thêm vài hạt muối, sắc giã nhỏ đắp lên mắt đau.
Chữa phụ nữ viêm bàng quang mạn tính, bạch đới, khí hư
Bầu đất, thổ tam thất, ý dĩ sao (mỗi thứ 10 – 15 g) sắc nước uống ngày 2 lần.
Chữa đái són, đái buốt, đái dầm
Bầu đất (40 – 80 g cây tươi) nấu canh ăn hoặc sắc nước uống.
Chữa vết thương phần mềm
Giã nát lá bầu đất tươi, đắp tại chỗ.
Chữa đau mắt
Rửa sạch lá bầu đất tươi, thêm vài hạt muối, giã nhỏ đắp lên mắt.
Bầu đất là loài cây đang phổ biến ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Bầu đất có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Không nên tự ý sử dụng hay nghe theo bài thuốc kinh nghiệm.Nên đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến.
Nguồn Tham Khảo:
- //tracuuduoclieu.vn/bau-dat.html
- Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi).
- Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.