Tên Tiếng Việt: Bầu nâu.
Tên khác: Cây trái nấm, Trái mấm, Golden apple, Holy fruit, Stone apple, Bael tree, Bengal quince (Anh), Marmelos de Bengal (Pháp).
Tên khoa học:Aegle marmelos (L.) Correa, thuộc họ Cam – Rutaceae.
Bầu nâu là loài cây gỗ, thân cao từ 6 đến 15 m. Thân hình trụ, vỏ thơm và màu vàng đen, khi thân già thì có màu đen. Nhánh cây hơi thòng và mảnh, mọc tỏa rộng xung quanh. Ở nách cây có gai to hoặc có khi không có gai. Gai cây mọc xếp theo từng đôi hoặc đơn độc, dài khoảng 2,5 cm, có màu vàng, phần mũi nhọn thì màu đen.
Bầu nâu có lá kép thuôn, hình ngọn giáo, dài khoảng 15 – 16 cm. Mũi lá cứng cong ở đầu, có mép uốn lượn, thường có 3 lá chép, cái cuối cùng lớn hơn. Khi vò là sẽ thấy mùi giống lá cam. Lá của bầu nâu có lóng ở gân, mặt sau thì nhẵn. Lá chét tận cùng có cuống đài, gân lá nổi rõ ở mặt dưới, mép lá có răng. Cuống lá dài từ 4 đến 6 cm và có gốc phình.
Cụm hoa mọc thành chùm kép hoặc đơn ở kẽ lá. Hoa to, từ 4 đến 5 cánh, đặc biết hoa rất thơm và thường xuất hiện cùng lúc với lá. Cánh hoa có màu trắng lục nhạt, hình trái xoan, nhẵn. Lá bắc nhỏ và có vảy. Hoa có từ 4 đến 5 lá đài, hình tam giác, có lông ở mặt ngoài. Số lượng nhị hoa nhiều, chỉ nhị ngắn và nhẵn; bầu hoa nhẵn.
Quả mọng, treo, đường kính 6 – 8 cm, hình cầu dẹp hay dạng trứng, màu lục, to bằng quả cam. Vỏ quả nhẵn và cứng bao phủ một lớp cơm nhầy, chia ra 10 – 15 ô, chứa mỗi ô 6 – 10 hạt thuôn, dẹp, có lông màu trắng.
Sinh thái: Cây mọc ở độ cao 600 m. Cây thường rụng lá theo mùa. Mùa hoa của bầu nâu từ tháng 5, và mùa ra quả từ tháng 12.
Bầu nâu có nguồn gốc ở vùng cận Himalaya thuộc Ấn Độ. Hiện nay, cây mọc tự nhiên và được trồng ở Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan, Bangladesh. Bầu nâu còn được nhập trồng sang một số nước Đông Nam Á như Trung Quốc (Vân Nam), Lào, Campuchia, Thái Lan, phía bắc đảo Luzon (Inđônêxia), Bắc Malaysia, phía đông đảo Java, Việt Nam.
Ở Ấn Độ, cây mọc tự nhiên ở kiểu rừng khô, đến độ cao 1.200 m (ở Punjab). Cây vẫn sinh trưởng tốt khi đem về trồng ở vùng đồng bằng.
Ở Việt Nam, bầu nâu được trồng rải rác ở một số tỉnh thuộc Đông và Tây Nam Bộ. Trồng ở nhiều nơi, từ Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh đến Long An, Cần Thơ,…
Cây thường có trong các vườn cây ăn quả, ưa sáng và rụng lá về mùa khô. Vốn có nguồn gốc ở vùng cận nhiệt đới, sau được trồng ở vùng nhiệt đới nóng và ẩm, bầu nâu dần trở thành cây có biên độ sinh thái rộng. Cây có thể chịu được nhiệt độ đến 49 độ C về mùa hè và -7 độ C về mùa đông (vùng Đông Bắc Ấn Độ).
Cây trồng ở miền Nam Việt Nam sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ không khí trung bình năm từ 23 đến 26 độ C; ra hoa quả nhiều, gieo trồng dễ dàng bằng hạt hay chồi rễ. Cây trồng được 5 năm bắt đầu có nhiều hoa quả; thời gian thu hoạch được nhiều quả kéo dài trong khoảng 15 năm.
Bộ phận dùng được là quả, lá và vỏ – Fructus, Folium et Cortex Aegles.
Cây có hàm lượng tanin cao: Thịt quả (9%), vỏ cây (20%). Nghiên cứu thấy các chất như umbelliferon, coumarin 0,06%, γ-fragrine 0,3%, marmesin 0,6% có trong vỏ thân già cây bầu nâu. Khác với vỏ già, vỏ non chứa hàm lượng chất coumarin thấp hơn (0,03%), ngoài ra còn có alcaloid 0,003% và umbelliferon.
Bên cạnh đó, nghiên cứu tìm thấy trong lõi gỗ bầu nâu chứa các chất, gồm alcaloid ferroquinoline, dictamin, dihydrofurocoumarin, marmesin và β-sitosterol. Lá chứa tinh dầu gồm α và β-phellandren; còn có β-sitosterol. Ngoài ra, thân cây bầu nâu cho một loại gôm tốt như gôm arabic, lá dùng cất tinh dầu, với hàm lượng 0,6%.
Marmalosin là hoạt chất chính trong quả (tương tự như imperatorin), ngoài ra còn có tinh dầu là d-α-phellandren, allo-imperatorin, carbohydratvà β-sitosterol.
Theo đông y, quả bầu nâu có vị hơi chát, chua, tính mát, có tác dụng thu liễm. Công dụng của quả giúp nhuận tràng, giúp tiêu hóa, chỉ tả (ngừng tiêu chảy), trừ lỵ.
Trong việc sử dụng bầu nâu làm thuốc, có nhiều điểm giống nhau ở các nước châu Á như sau:
Tác dụng điều trị sốt rét: Lá được dùng trị sốt rét ở các nước Đông Dương, Ấn Độ, Indonesia. Ở Ấn Độ, vỏ rễ được dùng trị sốt rét gián cách và làm thuốc ruốc cá. Ở Campuchia, quả bầu nâu chữa lao và viêm gan. Nước sắc của rễ cây bầu nâu chữa nôn mửa, dịch hãm từ rễ và vỏ rễ chữa trạng thái hồi hộp đánh trống ngực và làm thuốc hạ sốt trong điều trị bệnh sốt rét cách nhật.
Tác dụng điều trị tiêu chảy, tiêu hóa kém: Ở Vân Nam (Trung Quốc) quả ăn dùng trị ỉa chảy do lỵ, ỉa chảy và sưng đau họng. Liều dùng 3 – 9 g, sắc nước, chia làm 2 – 3 lần uống trong ngày. Tương tự, tại Ấn Độ, Mianma, quả xanh được xác định có tác dụng gây se xoắn, bổ tiêu hóa; đem cắt thành lát phơi khô cũng chữa tiêu chảy và kiết lỵ, đặc biệt là đối với tiêu chảy lâu ngày. Quả chín có vị ngọt mùi thơm chữa tiêu hóa kém. Quả bầu nâu chín có tác dụng nhuận tràng nhẹ, giúp tiêu hóa, chữa viêm trực tràng.
Tác dụng điều trị vết thương: Lá bầu nâu non giã nát đắp tại chỗ chữa vết thương có mủ, mẩn ngứa, rôm sảy, sưng chân, bệnh về miệng. Hoặc có thể phối hợp với trầu không, chanh để trị ghẻ và vết thương.
Tác dụng chữa bệnh về mắt: Ở Mianma, dịch ép từ lá non chữa bệnh về mắt. Người ta rửa sạch dược liệu, giã ra và hơ nóng làm thuốc đắp trị đau mắt.
Ở Mianma, lá non còn được dùng làm rau gia vị ăn và người ta cho rằng lá non có khả năng gây vô sinh hoặc gây sẩy thai. Ở Malabar, nước sắc của lá chữa hen suyễn. Lá giã nát đắp lên đầu chữa sốt mê sảng.
Thịt quả chín thơm, ăn mát, chữa táo bón, lỵ, trị lao và bệnh về gan. Thịt quả có thể ăn tươi hay chế xirô, nước hoa quả và mứt.
Ở Ấn Độ, từ vỏ quả người ta chiết được một chất màu vàng dùng nhuộm vải lụa.
Bầu nâu được sử dụng với liều lượng, cách dùng như sau:
Ở Vân Nam (Trung Quốc) quả ăn dùng trị ỉa chảy do lỵ, ỉa chảy và sưng đau họng. Liều dùng 3 – 9 g, sắc nước, chia làm 2 – 3 lần uống trong ngày.
Chưa có thông tin.
Một số lưu ý khi sử dụng cây bầu nâu:
Lá non ăn được như rau gia vị, nhưng khó tiêu, làm cho phụ nữ khó thụ thai, tuy nhiên các lá này lại gây sẩy thai ở phụ nữ mang thai.
Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Bầu nâu có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến.
Nguồn Tham Khảo:
Từ điển cây thuốc Việt Nam – Võ Văn Chi.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Tập 2).
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.