Tên Tiếng Việt: Bèo cái.
Tên khác: Bèo tai tượng, Bèo tía, Đại phù bình, Bèo ván, Tử phù bình, Tropical duckweed, water lettuce (Anh).
Tên khoa học: Pistia stratiotes L.Họ: Ráy (danh pháp khoa học: Araceae).
Tên dược: Herba Pistiae.
Bèo cái là một loài cây thảo, mọc nổi trên mặt nước, có bồ không có thân. Rễ chùm chìm ngập trong nước.
Cây phát triển lá từ rễ, mọc thành hoa thị ở gốc, gốc lá thuôn hẹp thành bẹ, đầu lá tròn loe rộng, phiến lá hình trứng dài độ 2 – 10cm, màu xanh lục tươi, mặt trên nhẵn mịn như nhung và không thấm nước, mặt dưới có lông mịn, những lá ở giữa nhỏ hơn. Thứ mặt trên xanh, dưới hơi tía là tốt. Lá có thể dài tới 14cm và không có cuống, có màu xanh lục nhạt, với các gân lá song song, các mép lá gợn sóng và được che phủ bằng các sợi lông tơ nhỏ và ngắn.
Cụm hoa nhỏ mọc từ giữa các lá, có mo màu trắng nhạt, hình ống hoặc hình trứng không đều. Phần phiến có hình trái xoan nhọn, mặt trong nhẵn, mặt ngoài có lông. Hoa Bèo cái có trục ngắn, có 2 – 8 hoa đực ở trên, một hoa cái ở dưới; hoa trần; hoa đực có hai nhị ngắn dính nhau, bao phấn có hai ô, hoa cái có bầu hình trứng chứa nhiều noãn.
Bèo cái là một loài thực vật đơn tính, có các hoa nhỏ ẩn ở đoạn giữa của cây trong các đám lá, các quả mọng màu lục có kích thước nhỏ được tạo ra sau khi hoa được thụ phấn, có nhiều hạt xù xì. Mùa hoa quả từ tháng 5 đến tháng 10.
Bèo cái được trồng ở khắp các nơi có hồ ao ở nước ta, ở nông thôn cũng như ở thành phố vì toàn cây được dùng để nuôi lợn, còn mọc ở nhiều nước nhiệt đới và ôn đới khác như miền Hoa Nam, Hoa đông (Trung Quốc), Malaixia, Philipin, Lào, Campuchia.
Ở Việt Nam, loài Bèo cái còn có thêm một dưới loài lá rất to. Chúng sống trôi nổi trên mặt nước, nhưng thường tụ tập thành đám lớn ở chỗ nước lang, như ao hồ, ruộng nước và đầm lầy. Bèo cái có ở hầu hết các địa phương. Ngoài ra, cây còn được trồng thêm để làm rau cho lợn hoặc làm nơi trú nắng và đẻ trứng của một số loài cá nuôi. Bèo cái ra hoa quả hàng năm. Người ta dùng toàn cây, có thể hái quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa hạ là mùa cây có hoa. Thường dùng tuơi. Không phải chế biến gì đặc biệt, có khi phơi khô.
Hạt giống phát tán ra mắc vào rễ các cây mẹ hoặc trôi dạt vào chỗ đất bùn, mới có điều kiện nảy mầm. Tuy nhiên, cách tái sinh cây con mạnh nhất vẫn là đẻ nhánh từ phần gốc của thân.
Toàn cây – Herba Pistiae, chủ yếu là lá. Thứ có mặt dưới lá màu tía thì tốt hơn.
Bèo cái được thu hái toàn cây quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa hè, có thể dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.
Bèo cái đã được nhiều người nghiên cứu. Theo báo cáo của Sở nghiên cứu khoa học nông nghiệp Hoa Trung thì trong Bèo cái có nước 93,13%, chất khô 6,87%, chất hữu cơ 5,09%, chất protid thô 0,63%, chất béo thô 0,29%, xenlulozo 1,24%, chất không chứa nitơ 2,93%, tro 1,78%, phospho 0,185%. Lá và thân bèo cái chứa protein 1,4%, chất béo 0,3%, carbohydrate 2,6%, calici (CaO) 0,2%, phosphor 0,06% protein dễ tiêu 1,2%. Ngoài ra còn có nhiều vitamin A, C. Tro chứa nhiều clorua kali và sulfat kali.
Bèo cái có vị cay, tính lạnh; có tác dụng chỉ phong giải độc, khư thấp chỉ dương, lương huyết, hoạt huyết, lợi niệu, tiêu thũng.
Tác dụng: Tiêu mụn nhọt, trị mẩn ngứa, giải biểu, lợi tiểu, thanh nhiệt.
Chủ trị: Thoát giang, tả lỵ lâu ngày, trừ giun sán, mẩn ngứa ngoài da, ho suyễn, mụn nhọt, thống kinh và khó tiểu tiện.
Bèo cái là một vị thuốc còn được dùng trong phạm vi nhân dân. Thường dùng ngoài (nước sắc) để rửa mụn nhọt nơi mẩn ngứa, dùng uống trong chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, ho, hen, suyễn, thông kinh nguyệt, lợi tiểu tiện. Ngoài công dụng trên, Bèo cái còn được dùng phối hợp với xà phòng để tẩy các vết trên vải, quần áo, chai, nồi có dầu mỡ, ngâm Bèo cái vài ngày sẽ rửa rất chóng sạch. Bèo cái tươi (50 – 100g) hoặc khô (6 – 8g), sắc lấy nước uống lúc thuốc còn ấm, có thể dùng để xông. Người tự ra mồ hôi nhiều không nên dùng. Bèo cái cũng được dùng ngoài dưới dạng nước sắc để rửa mụn nhọt, chỗ mẩn ngứa, hoặc rửa sạch, giã với ít muối để đắp.
Theo tài liệu Ấn Độ, trong y học dân gian, người ta dùng cả cây, đặc biệt là lá: Bèo cái được coi là có tác dụng sát trùng, chống lao và chống lỵ, làm thuốc rửa mát để giảm đau. Dịch ép cây chữa đau tai, dùng tro của cây để chữa bệnh nấm da đầu. Lá Bèo cái chữa chàm, phong hủi, loét, trĩ và giang mai. Bèo cái với nước hoa hồng và đường trị ho và hen. Lá Bèo cái còn được coi là có tác dụng trị giun. Dịch ép lá Bèo cái đun sôi với dầu dừa để dùng ngoài trong điều trị bệnh da mạn tính. Ngoài công dụng làm thuốc, Bèo cái còn được dùng phối hợp với xà phòng để tẩy các vết bẩn trên vải, quần áo, chai lọ, nồi có dầu mỡ.
Dùng ngoài nấu nước rữa, chữa eczema, trĩ ngoại, lang ben,… không kể liều lượng.
Bèo khô dùng hun trừ muỗi. Hoặc dùng Bèo cái phơi khô, đem sao, sắc nước uống, mỗi ngày 10 – 20 g.
Dùng trong: Ngày có thể dùng 50 – 100 g Bèo cái tươi. Có thể tăng lên tới 200 g tươi.
Dùng tươi giã nát vắt lấy nước, pha với siro uống chữa hen. Hoặc có thể nấu với cơm nếp làm thuốc trị hen.
Dùng chữa eczema
Giã nát Bèo cái với muối, đắp cả nước lẫn cái lên chỗ bị eczema, đồng thời uống những thuốc giải độc có hoa Kim ngân, Bồ công anh. Thường chỉ đắp một hai lần chỗ mẩn không chảy nước nữa và điều trị trong vòng 7 – 10 hôm là khỏi hẳn.
Chữa mẩn ngứa, mụn nhọt
Bèo cái 50g rửa sạch, sao vàng, sắc với nước uống hằng ngày. Dùng trong 2 – 3 ngày.
Bồ công anh 40 g, Bèo cái 50 g, Sài đất 20 g. Sắc uống ngày một thang.
Bạch hoa xà thiệt thảo 60 g, Bồ công anh 20 g, Bèo cái 20 g. Sắc uống ngày một thang, chia uống 2 – 3 lần trong ngày.
Chữa hen suyễn
Bèo cái 100g giã nhỏ trong cối, vắt lấy nước, thêm nước lọc vào và xirô chanh cho vừa đủ ngọt và đủ 100ml. Ngày có thể uống 2 lần, mỗi lần một liều như trên. Uống liên tục trong vòng 2 tháng có khi tới 3 tháng. Khi mới uống có thể thấy ngứa cổ trong vòng 10 phút, nhưng sau quen dần và hết ngứa (Y học thực hành 5-1952: 32).
Chữa mụn rộp loang vòng
Rửa sạch vết loét bằng nước sắc Bèo cái, rắc lên nơi mụn rộp bằng bèo cái đã đốt thành tro.
Chữa đầu mặt sưng ngứa, đau mắt, khắp mình nổi mẩn ngứa hoặc sưng phù.
Dùng Bèo cái bỏ rễ, Bạc hà, Kinh giới (mỗi vị 30g) sắc uống và xông rửa.
Bài thuốc trị viêm thận cấp tính gây sốt, tiểu tiện khó
Mộc tặc thảo 12g, Bèo ván khô 10g, Đông qua bì 16g, Xích tiểu đậu 20g, Ma hoàng 4g, Liên kiều 12g, Tây qua bì 12g và Cam thảo 4g. Đem tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 4g, ngày dùng 2 lần.
Bài thuốc trị viêm mũi dị ứng
Giã nát Bèo cái tươi 250g và lọc lấy nước pha loãng, dùng uống hàng ngày.
Bài thuốc trị chứng viêm xoang mũi mãn tính
Hoàng cầm và Bạch chỉ mỗi vị 5g, Bèo cái khô 10g, Cam thảo 4g, Kim ngân hoa 8g. Sắc uống ngày một thang.
Bài thuốc trị nổi mề đay mẩn ngứa do nhiệt
Mã đề, Thuyền thoái (ve sầu khô) và Cam thảo đất mỗi vị 8g, Hà thủ ô, Bèo cái, vỏ quả lựu tươi, Thổ phục linh, Ké đầu ngựa và Bồ công anh mỗi vị 12g. Đem sắc uống 2 lần/ ngày.
Bài thuốc trị viêm cầu thận cấp kết hợp với mụn nhọt chốc lở
Sinh địa, Sài đất, ngải diệp và Huyền sâm mỗi vị 12g, Kim ngân hoa, Bèo cái, Bồ công anh, Ích mẫu và Bạch mao căn mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang.
Bài thuốc trị mề đay
Thuyền thoái 2 – 4g, Bèo cái 8 – 12g, Nhân trần 12g, Phòng phong 8g, Kinh giới 8 – 12g và Cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.
Bài thuốc trị phù do cước khí và viêm cầu thận cấp
Hồng táo 5 quả, Đậu đỏ 100g, Mộc tặc thảo 15g và Bèo tai tượng 10g. Sắc dược liệu với 600ml nước còn lại 200ml, chia thành nhiều lần uống.
Bài thuốc trị mề đay thể nhiệt
Xa tiền tử, Bạc hà, Kinh giới, Liên kiều, Trúc diệp, Ngưu bàng tử và Lô căn mỗi vị 12g, Ké đầu ngựa, Kim ngân hoa mỗi vị 16g, Phù bình 8g, Cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.
Thân thể hư nhược và hay bị ra mồ hôi không nên dùng.
Nguồn Tham Khảo:
- //tracuuduoclieu.vn/beo-cai.html
- Từ điển cây thuốc Việt Nam – Võ Văn Chi.
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
- //www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/beo-cai.
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Tập 1).
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.