Tên Tiếng Việt: Bèo đất.
Tên khác: Cỏ tỹ gà, Cỏ bắt ruồi, Bắt ruồi, Cỏ trói gà, Trường lệ Burmann, Mao cao thất, Fly – catcher sundrew, Burman’s sundew, dew – plan (Anh); droséra, rossolie en boucher (Pháp).
Tên khoa học:Drosera burmannii Vahl, thuộc họ Gọng vó – Droseraceae.
Bèo đất là một loài cây thảo nhỏ, sống lâu năm, chiều cao từ 5 đến 30 cm. Thân cây nhẵn và gầy, không mang lá nhưng mang hoa ở ngọn, trên thân có lông tuyến.
Lá dẹp, mọc lan tỏa ra xung quanh, xếp thành hình hoa thị ở gốc sát đất. Gốc thuôn nhỏ dài như hình thìa. Phiến lá hình tròn hoặc bầu dục, có chiều dài 10 – 12mm, chiều rộng 4mm, mặt lá phủ đầy lông tuyến có chiều dài tương đương với chiều rộng của lá. Cây Bèo đất là một dạng sống đặc biệt trong giới thực vật. Lá cây còn có chức năng hấp thụ chất hữu cơ khi bẫy được các con côn trùng nhỏ. Lông tuyến tiết ra một chất lỏng, dính, óng ánh để bắt sâu bọ. Ngọn lá cuộn thành hình xoắn ốc.
Hoa Bèo đất mọc đều, lưỡng tính, nhỏ, màu trắng, hồng hay tím nhạt. Cụm hoa mọc thành xim bọ cạp trên một cán dài, mảnh, xuất phát từ giữa túm lá, mang 15 – 20 hoa đều. Đế hoa phẳng hoặc hơi lồi; đài hoa gồm 5 phiến có tiền khai nanh sấu, mặt ngoài có lông dài; tràng có 5 cánh kếp lợp hoặc hình van. Nhị 5, xếp xen kẽ với cánh hoa, bao phấn nứt dọc, lúc đầu quay ra ngoài, sau hướng vào trong, bầu thượng 1 ô. Nhụy và noãn hoa nằm ở vị trí cao giúp thụ phấn dễ dàng hơn. Quả bầu đất thuộc dạng quả nang mở bằng 3 – 5 mảnh vỏ, bên trong có nhiều hạt xốp.
Sinh thái: Cây mọc trên đất chua vùng đồng bằng. Mùa ra hoa từ tháng 3 đến tháng 4. Mùa hoa quả từ tháng 5 đến tháng 7.
Chi Drosera L. có 85 loài trên thế giới, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới Nam bán cầu, đặc biệt ở Australia và New Zealand có 53 loài, Nam Phi: 9 loài, Nam Mỹ: 15 loài, Việt Nam: 3 loài. Ở Châu Âu chỉ có 3 loài. Ở Việt Nam, trong số 3 loài đã biết, chỉ có Bèo đất phân bố tương đối phổ biến hơn cả. Cây Bèo đất được tìm thấy ở nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Xri Lanca, Trung Quốc, Campuchia, Malaixia, Australia.
Ở nước ta, loại cây này mọc hoang trên các gò đất ẩm, đầm lầy và cả những khu ruộng bạc màu. Cây ưa phát triển ở những nơi có ánh sáng và thường mọc trên đất chua, bạc màu. Cây Bèo đất có nhiều ở nước ta, thường gặp từ Vĩnh Phúc, Quảng Ninh vào Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương, Bến Tre,… Cây Bèo đất phát triển và thu hoạch quanh năm. Khi thu hoạch, cây sẽ được nhổ cả rễ, đem rửa sạch tạp chất và phần đất cát bám dính dưới gốc. Cuối cùng phơi khô để làm thuốc.
Toàn cây Bèo đất – Herba Droserae đều được dùng để chữa bệnh.
Cây Drosera burmannii chưa thấy có tài liệu nghiên cứu. Nhưng cây Drosera rotundifolia L., cùng chi khác loại đã được nghiên cứu và sử dụng. Trong lá tươi của cây Drosera rotundifolia L. (chưa thấy ở nước ta) người ta đã lấy được 2 metyl 5 oxy 1-4 naphtoquinon có tính chất gây đỏ, chất droseron một chất màu đỏ có công thức dioxymetylnaphtoquinon. Ngoài ra người ta còn thấy glucoza và một chất màu vàng.
Theo đông y, cây Bèo đất có vị ngọt, hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết giải độc, hóa đàm tiêu tích.
Cây Bèo đất có thành phần có tác dụng giảm co giật nên được sử dụng làm thuốc trấn kinh, trị ho gà và trị ho. Năm 1958 – 1959, bệnh viện Vinh dùng làm thuốc chữa ho gà, chữa ho, dùng dưới dạng rượu thuốc, xirô, thuốc hãm hay thuốc cao.
Người dân Campuchia dùng Bèo đất trị bệnh nấm.
Ở Vân Nam (Trung Quốc) toàn cây được dùng làm thuốc có tên là Cẩm địa la, để chữa viêm ruột, lỵ, sưng đau họng, ho do phổi nóng, khạc ra máu, đổ máu mũi và trẻ em cam tích. Ở Quảng Tây, toàn cây dùng trị đòn ngã tổn thương và bệnh mày đay.
Ghi chú loài Drosera indica L. cũng gọi là cỏ tỹ gà được nhân dân ta ngâm rượu bôi ngoài, để làm mềm các tổ chức sừng hóa, chữa chai chân.
Cách dùng cây Bèo đất làm thuốc trấn kinh, chữa ho gà như sau: Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 giọt (cồn bèo đất tỷ lệ ⅕). Liều lượng có thể thay đổi tùy theo cơ địa của người bệnh. Có thể dùng dưới dạng cao (viên 0,05g).
Cách sử dụng:
Hỗ trợ giảm ho
Có 2 cách:
Dùng Bèo đất ngâm với rượu. Ngày uống ba lần mỗi lần 10 giọt.
Dùng cả cây Bèo đất 15 – 20g, sắc nước, cho thêm chút đường hoặc mật ong để uống trong ngày. Ngày uống 7 – 8 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê.
Hỗ trợ lành các vết chai
Bèo đất ngâm với rượu trắng 40 độ (liều lượng 1 phần dược liệu thì đổ 3 phần rượu). Hàng ngày dùng rượu thuốc bôi vào vết chai trực tiếp để làm mềm da chỗ chai, nếu đáp ứng tốt, sau vài ngày da sẽ bong ra.
Chống co giật, bệnh ho gà
Sắc cô đặc Bèo đất thành siro lỏng. Mỗi lần uống 10 giọt x 3 lần/ngày.
Nguyên liệu này hầu như không có độc tính, tuy nhiên không nên sử dụng thuốc khi:
Nguồn Tham Khảo:
Từ điển cây thuốc Việt Nam – Võ Văn Chi.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
//www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/cay-beo-dat.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1).
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.