Tên Tiếng Việt: Bí kỳ nam.
Tên khác: Kỳ nam kiến, Củ tự nhiên, Ổ kiến, Kỳ nam gai, Kiến kỳ nam.
Tên khoa học:Hydnophytum formicarum Jack. (lá rộng), Myrmecodia armata DC. (lá hẹp). Đây là một loài thực vật thuộc họ Cà Phê (Rubiaceae).
Là loài thực vật sống cộng sinh với kiến. Thân phình thành củ lớn, mặt ngoài xù xì. Lá mọc đối, gốc thuôn, đầu tù, lá dày và bóng. Lá kèm rụng sớm.
Hoa không cuống, có 4 – 5 chùm ở nách lá, màu trắng. Quả nhỏ, hình trụ, hơi thuôn dài, khi chín có màu vàng cam.
Mùa hoa quả: Tháng 12 đến tháng 1.
Cây mọc hoang bám vào các cây gỗ trong rừng thứ sinh ở miền nam Việt Nam. Thu hoạch thân, cắt mỏng, phơi đến gần khô thì phơi tiếp trong bóng râm. Khi sử dụng đem thuốc tẩm qua nước đang sôi rồi sao vàng.
Bộ phận sử dụng được của Bí kỳ nam là thân phình thành củ do kiến đục làm tổ, tạo thành hốc, lỗ (Caulis Hydnophytum).
Nhìn sơ bộ thấy nước ép củ kiến kỳ nam có chứa rất nhiều muối vô cơ (có lẽ do kiến tha về), vết alkaloid (Phân viện dược liệu TPHCM, 1981).
Theo kinh nghiệm dân gian, Bí kỳ nam dùng chữa các bệnh về gan, da vàng xám, ăn uống kém, uể oải, mệt mỏi. Ngoài ra còn có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm, kháng khuẩn, sát trùng.
Bí kỳ nam được sử dụng để điều trị:
Viêm gan, đau gan, vàng da.
Ðau nhức gân xương, thấp khớp, bong gân.
Ðau bụng, tiêu chảy.
Liều dùng 6 – 12g, sắc uống hoặc nấu cao uống.
Viêm gan, đau gan, vàng da
Bí kỳ nam 80g, Chó đẻ, Hạ khô thảo, Hậu phác nam, mỗi vị 20g sắc uống. Hoặc Bí kỳ nam 40 g, Actisô 20g, Thảo quyết minh 10g, Nhân trần 15g cho 500ml nước vào sắc còn 100ml, chia thành 2 lần uống, trước bữa ăn khoảng 1 giờ. Uống liên tục trong 10 – 15 ngày.
Ðau nhức gân xương, bong gân, thấp khớp
Bí kỳ nam 40g, phối hợp với Bổ cốt toái 30g, rễ Trinh nữ, rễ Trứng cuốc, mỗi vị 20g, hoặc Ngũ gia bì 30g, Xuyên tiêu, rễ Vú bò, mỗi vị 20g, sắc uống hoặc ngâm rượu 30 – 40 độ (350g thuốc trong 1 lít rượu), mỗi ngày sử dụng 2 lần trước khi ăn.
Ðau bụng
Sắc 60g thuốc Bí kỳ nam cho thật đậm đặc, lấy nửa chén nước thuốc, chia thành 2 lần uống cách nhau 1 giờ.
Không được tự ý sử dụng cây thuốc để điều trị bệnh.
Nguồn Tham Khảo:
1) Tra cứu dược liệu Bí kỳ nam: //tracuuduoclieu.vn/bi-ky-nam.html.
2) Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi).
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.