Tên Tiếng Việt:
Biển súc.
Tên khác: Càng tôm; rau đắng; cây xương cá; biển trúc; biển biện; biển nam; phấn tiết thảo; đạo sinh thảo; biển trúc; vương sô; bách tiết thảo; trư nha thảo; thiết miên thảo; tàn trúc thảo.
Tên khoa học:Polygonum aviculare L. Họ: Polygonaceae (Rau răm).
Rau đắng là loại cây cỏ nhỏ, mọc bò trên mặt đất.
Thân cây có màu đỏ tím, có khi cây mọc cao khoảng 10 đến 30cm.
Lá rau đắng nhỏ, mọc so le và có bẹ chìa. Phiến lá rộng 0,4cm, chiều dài lá 1,5 – 2cm. Hoa màu hồng tím hoặc trắng, mọc thường 3 – 4 hoa ở kẽ lá. Quả ở cạnh, chứa một hạt đầu đen. Mùa hoa kéo dài suốt mùa hè.
Rau đắng phân bố rộng rãi tại Việt Nam, nhiều nhất ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội.
Rau đắng được trồng bằng hạt hoặc cây con và thường được thu hái toàn cây (cả rễ) vào mùa xuân, hạ.
Rau đắng có thể dùng tươi hay phơi khô để dành dùng dần.
Bộ phận dùng của rau đắng là toàn bộ cây (cả rễ).
Thành phần hóa học của rau đắng gồm có tannin, vitamin C, carotin, flavonoid, avicularin, quexetin và arabinoza, đường, tinh dầu, nhựa, sáp.
Tính vị: Theo tài liệu cổ, rau đắng có vị đắng, tính bình, không độc. Vào hai kinh vị và bàng quang.
Công năng: Kháng viêm, kháng khuẩn, lợi tiểu, chữa đái buốt, sỏi thận, thuốc giải độc, chữa rắn cắn, mụn nhọt, vàng da.
Ngoài ra còn được dùng làm thực phẩm.
Hạ huyết áp, tăng cường hô hấp
Theo nghiên cứu của A.D.Turova và một số tác giả Liên Xô cũ, rau đắng (ở vùng miền nam Liên Xô cũ) có tác dụng hạ huyết áp và hỗ trợ tăng hô hấp.
Tăng co bóp tử cung, tăng thời gian đông máu, tăng lượng nước tiểu
Theo nghiên cứu từ Liên xô cũ, dịch chiết nước của rau đắng có thể tăng co bóp tử cung, làm tăng thời gian đông máu, tăng lượng nước tiểu.
Nghiên cứu thuốc từ rau đắng cho sản phẩm thuốc avicularen (là hỗn hợp dịch chiết rau đắng từ cồn 70 độ và bã sau khi chiết với tỷ lệ 1:1). Avicularen làm tăng thời gian đông máu nhưng không ảnh hưởng tới độ nhớt máu của động vật nghiên cứu.
Chống viêm và chống oxy hóa
Theo thông tin công bố trên tạp chí Fitoterapia, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm 11 hoạt chất flavonol glucuronides được chiết từ rau đắng đều cho kết quả chống oxy hóa và kháng viêm.
Hỗ trợ trong điều trị viêm nướu
Thí nghiệm khảo sát từ tạp chí Journal of Ethnopharmacolocy trên 60 nam giới (độ tuổi từ 18 – 25 tuổi) dùng nước súc miệng chiết xuất từ rau đắng 02 lần mỗi ngày, dùng liên tục trong 02 tuần cho kết quả tình trạng viêm nướu được cải thiện tốt.
Điều trị ung thư vú
Theo thông tin từ tạp chí Journal of Phamarceautical Sciences, chiết xuất cồn của rau đắng giúp ức chế tế bào ung thư vú dòng MCF – 7. Nghiên cứu ở Iran cũng cho kết quả tỷ lệ khá cao khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Rau đắng có tác dụng chống lại quá trình oxy hóa, khử các gốc tự do dẫn đến ngăn ức chế phát triển tế bào ung thư, có lợi cho các bệnh nhân mắc bệnh Parkinson, Alzheimer, tim mạch.
Ức chế xơ vữa động mạch
Nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất từ rau đắng giúp làm giảm cân, giảm mỡ trong máu, hạ huyết áp và ức chế các mảng xơ vữa động mạch. Đây được xem là tiềm năng ngăn chặn xơ vữa động mạch (theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology).
Giúp giảm mệt mỏi
Theo tạp chí Phytomedicine, thí nghiệm trên chuột bị căng thẳng trong 15 ngày liên tiếp dùng chiết xuất rau đắng quan sát thấy giảm mệt mỏi rõ rệt.
Ngoài ra, rau đắng có vitamin C với lượng khá cao có tác dụng giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, làm bền thành mạch.
Bên cạnh đó, một số thành phần tốt cho sức khỏe như: Tanin, saponin, flavonoid, alkaloid và sesquiterpene có khả năng kháng khuẩn rất tốt ở một số vi khuẩn gram âm và gram dương.
Rau đắng còn có công dụng hỗ trợ chữa cảm cúm, mụn nhọt, nhiễm trùng đường tiết niệu hay tiêu hóa.
Liều lượng: 6 – 12g/ ngày.
Có thể dùng tươi sao khô hoặc phơi khô rồi sắc uống.
Nếu dùng giã nát để đắp ngoài thì không kể liều lượng.
Chữa tiểu khó, tiểu buốt, sỏi thận
Bài 1: Độc vị rau đắng
Chuẩn bị: Rau đắng 12g.
Thực hiện: Rau đắng phơi hoặc sấy khô, đem sắc thành nước uống.
Bài 2: Đơn thuốc phối hợp nhiều vị
Chuẩn bị: Rau đắng khô 12g, Hoạt thạch 10g.
Thực hiện: Sắc các vị trên với 3 chén nước, sắc còn một, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Độc tính
Thí nghiệm trên thỏ và mèo cho thấy Biển súc có thể gây ra độc tính (liều gây chết khi uống là 20mg/kg thể trọng).
Đối tượng
Biển súc có vị đắng, tính hàn nên không lạm dụng vì nguy cơ tăng độc tính.
Bệnh nhân có thể trạng khỏe mạnh, không bị thấp nhiệt thì không nên dùng biển súc.
Nguồn Tham Khảo:
1. Tra cứu dược liệu: //tracuuduoclieu.vn/rau-dang.html
2. Cây thuốc: //caythuoc.org/cay-bien-suc.html
3. Sức khỏe đời sống: //suckhoedoisong.vn/
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.