Tên Tiếng Việt: Bổ cốt chỉ.
Tên khác: Phá cố chi, Phản cố chỉ, Phá cốt tử, Cát cố tử, Hạt đậu miêu.
Tên khoa học: Psoralea Corylifolia L. Cánh bướm – Papilionaceae.
Bổ cốt chỉ hay Phá cố chỉ là cây thân thảo, ít phân nhánh. Cây trưởng thành có thể cao đến 1m. Lá chét mọc đơn độc, hình trái xoan. Mép lá có răng thô, hai bên mặt chứa nhiều tuyến màu đen, hình mắt chim. Bổ cốt chỉ ra hoa màu tím. Quả dài khoảng 5mm, hình trứng thuôn dài, có mủ, màu đen. Hạt một, nhẵn, dính vào vỏ quả, màu nâu đen, dài khoảng 2mm, thuôn dài, dẹt, không mùi nhưng khi nhai có mùi hăng, vị đắng, khó chịu, chát. Cây ra hoa trong mùa mưa và hạt chín vào tháng 11. Nếu được chăm sóc thích hợp, cây có thể tiếp tục phát triển trong 5 – 7 năm.
Phân bố: Loại thảo dược này có nguồn gốc từ Ấn Độ sau đó di thực sang Việt Nam.
Thu hái: Thu hoạch vào mùa thu khoảng tháng 9 hằng năm.
Chế biến: Hái cụm quả đã chín, phơi khô, tách lấy hạt. Hạt sau khi thu hái được rửa sạch, để ráo, sau đó sao qua với một ít muối rồi mang đi phơi nắng. Khi cần dùng, ngâm Bổ cốt chỉ với rượu một đêm rồi lại ngâm với nước một đêm. Kế đến ta đem hạt đi phơi khô, tẩm muối sao trên lửa nhỏ. Tỷ lệ Bổ cốt chỉ và muối là 100g dược liệu: 2.5kg muối.
Bộ phận dùng làm thuốc là phần hạt phơi khô của cây Bổ cốt chỉ.
Quả chứa coumarin (psoralen, isopsoralen, psoralidin, corylifolin, corylifolinin); flavonoid (bavachin, isobavachalcon, neobavaisoflavon, corylifolean, corylifolin, corylifolinin) và tinh dầu.
Coumarin
Một trong những thành phần dược lý chính của dịch chiết Bổ cốt chỉ là coumarin – một chất có nhiều tác dụng dược lý bao gồm chống viêm, chống đông máu, chống ung thư, kháng khuẩn, kháng vi-rút, chống oxy hóa, bảo vệ thần kinh và bảo vệ tim mạch. Các coumarin được nghiên cứu rộng rãi nhất là psoralen và isopsoralen, đây cũng là những thành phần được dùng để đánh giá chất lượng của Bổ cố chỉ và thuốc sắc có Bổ cốt chỉ.
Flavonoid
Flavonoid là một trong những thành phần hoạt chất chính của Bổ cốt chỉ. Cho đến nay, có khoảng 72 flavonoid đã được phân lập và xác định từ dịch chiết Bổ cốt chỉ, chủ yếu bao gồm flavonoid (25–27), flavonol (28, 29), dihydroflavonoid (30–43), isoflavone (44–77) và chalcones (78–96). Theo một số nghiên cứu về dược lý, flavonoid có các tác dụng dược lý bao gồm chống oxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn, chống ung thư và hạ đường huyết.
Tính vị, quy kinh: Bổ cốt chỉ có tính ấm, vị cay, đắng mà ngọt, quy kinh thận.
Công dụng: Công dụng của bổ cốt chỉ là ôn thận, cường dương, cố tinh.
Chủ trị: Bổ cốt chỉ hay phá cố chỉ trị các chứng tiêu chảy, đau lưng, di tinh, ho lao, viêm phế quản, đi tiểu nhiều lần, đái dầm ở trẻ em.
Tim mạch
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng dịch chiết Bổ cốt chỉ với các thành phần hoạt tính của nó có hiệu quả trong việc ngăn ngừa và điều trị các rối loạn tim mạch. Các nghiên cứu sâu hơn cho thấy các thành phần hoạt động tạo nên tác dụng này là bakuchiol, isobavachalcone, isopsoralen và psoralen. Ở nồng độ từ 10 đến 600 μg/mL, các hợp chất từ dịch chiết có thể ức chế kênh TRPC3, làm thay đổi dòng ion qua trung gian TRPC3 và làm giảm tác dụng co mạch của phenylalanine.
Một nghiên cứu khác, cho thấy psoralen và bakuchiol đóng vai trò giãn mạch thông qua con đường NO phụ thuộc vào nội mô. Ngoài ra, bakuchiol có thể mở kênh kali điều này có ý nghĩa lâm sàng quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp và bảo vệ hệ thống tim mạch.
Tiêu hóa
Bột chiết xuất từ hạt Bổ cốt chỉ có thể điều trị nhiễm ký sinh trùng đường ruột, điều trị các triệu chứng táo bón và tăng cảm giác thèm ăn,… Quả Bổ cốt chỉ có thể giúp trị bệnh trĩ và buồn nôn, lá có thể được sử dụng để sản xuất thuốc điều trị tiêu chảy.
Ung thư
Dịch chiết từ Bổ cốt chỉ đã được báo cáo là có tác dụng chống ung thư trong nhiều nghiên cứu. Các cơ chế chống ung thư chính là ngăn chặn chu kỳ phân chia tế bào, gây ra hiện tượng apoptosis của tế bào, ức chế sự di chuyển và xâm lấn của tế bào. Người ta đã phát hiện ra rằng chiết xuất từ hạt Bổ cốt chỉ rất hữu ích trong việc loại bỏ các tế bào ung thư phổi và ung thư xương.
Miễn dịch
Các nghiên cứu hiện đại đã chứng minh rằng dịch chiết Bổ cốt chỉ có thể điều chỉnh chức năng miễn dịch. Chức năng này được phản ánh cụ thể trong việc điều hòa các cơ quan miễn dịch, tế bào miễn dịch, phân tử miễn dịch, phản ứng quá mẫn, khối u và thải ghép cùng nhiều thứ khác. Psoralen có thể đóng vai trò điều hòa miễn dịch bằng cách điều chỉnh cân bằng tế bào Th1/Th2 và ức chế giải phóng TNF-α, IL-6, các yếu tố gây viêm IL-1β và có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp (RA).
Một nghiên cứu khác phát hiện ra rằng imperatorin có thể làm giảm phản ứng dị ứng bằng cách giảm biểu hiện cytokine tiền viêm trong tế bào mast và ức chế sự thoái hóa tế bào mast thông qua một số con đường truyền tín hiệu, bao gồm PI3K/Akt, MAPK, NF-B và Nrf2 /HO-1. Điều này cho thấy imperatorin là một loại thuốc điều trị tiềm năng cho các bệnh dị ứng.
Diệt giun sán
Dịch chiết cồn của hạt Bổ cốt chỉ được đánh giá tác dụng diệt giun đũa Ascaridia galli trên mô não chuột.
Kháng khuẩn
Chất prenyiflavonoid được phân lập từ hạt của hạt Bổ cốt có khả năng kháng khuẩn hoạt động chống lại Staphylococcus vàng và S.eidermidis. Trong một nghiên cứu khác, các hợp chất psoralidin và bakuchicin được chiết xuất từ bổ cốt chỉ có khả năng ức chế đáng kể các vi khuẩn gram âm bao gồm Shigella sonnei và Shigella flexneri, trong khi các hợp chất psoralen và angelicin cho thấy các hoạt động đầy hứa hẹn chống lại vi khuẩn gram dương.
Đặc biệt chiết xuất ethanol thô của hạt Bổ cốt chỉ được phát hiện là có hoạt tính cao chống lại protease giống papain (Một loại enzyme chính có vai trò quan trọng trong quá trình nhân lên của virus SARS) gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng khi mắc bệnh.
Chống oxy hóa
Hợp chất bakuchiol tương tự đã ức chế sự hình thành các loại oxy phản ứng và rối loạn chức năng ty thể gây ra bởi stress oxy hóa trong tế bào gan HepG2. Vì vậy, vai trò chống oxy hóa được coi là giúp làm chậm quá trình lão hóa.
Tác động trên hệ cơ xương
Bổ cốt chỉ cũng cải thiện tình trạng bệnh lý về xương bằng cách tăng nồng độ phosphat vô cơ trong huyết thanh ở liều 30mg/kg. Trước đây người ta đã quan sát thấy rằng chiết xuất này làm giảm đáng kể thể tích xương và cải thiện tình trạng vôi hóa xương. Các flavonoid có hoạt tính kích thích tăng sinh nguyên bào xương trong môi trường ống nghiệm.
Chiết xuất từ Bổ cốt chỉ khi dùng đường uống cho chuột ghi nhận rằng có sự giảm bài tiết canxi qua nước tiểu và Osteocalcin trong huyết thanh ở liều 25 – 50mg/kg. Các thí nghiệm trong nghiên cứu này cho thấy chiết xuất này cũng làm tăng mật độ khoáng xương và sự hình thành xương. Từ các thí nghiệm trên có thể kết luận rằng chiết xuất từ Bổ cốt chỉ có thể được sử dụng ở giai đoạn sau mãn kinh để ngăn ngừa bệnh loãng xương.
Điều trị bệnh Alzheimer
Dịch chiết Bổ cốt chỉ (PCL) và các thành phần hoạt động của nó có thể điều chỉnh hệ thống thần kinh trung ương. Người ta phát hiện ra rằng 70% chiết xuất ethanol của PCL (0,5g/kg) có thể cải thiện đáng kể tình trạng suy giảm trí nhớ học tập về không gian ở chuột. Hai hợp chất được phân lập từ bổ cốt chỉ có tên là IBC và BCN điều chỉnh các peptide amyloid β (Aβ) – chất được cho là nguyên nhân cho sự phát triển của mảng amyloid trong bệnh Alzheimer. IBC ức chế đáng kể cả quá trình oligome hóa và quá trình tạo sợi của Aβ42, trong khi BCN chuyển đổi Aβ42 trong các tế bào u nguyên bào thần kinh. Cả hai hợp chất đều khá hiệu quả trong bệnh Alzheimer.
Bệnh lý da
Bổ cốt chỉ có tác dụng điều trị và ngăn ngừa nhiều loại bệnh về da toàn thân và da đầu bao gồm bệnh chàm, bệnh vẩy nến, rụng tóc từng vùng, bạch biến, nám và chữa lành vết thương. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng bột hạt Bổ cốt chỉ được cho là có hiệu quả trong điều trị bệnh vẩy nến ở liều 6mg.
Ngoài các tác dụng dược lý nêu trên, dịch chiết Bổ cốt chỉ còn có tác dụng tăng cường khả năng sinh sản, cải thiện tình trạng kháng insulin, ức chế hình thành sẹo, giảm sắc tố, chống lão hóa da và chống xơ hóa.
Liều dùng: Lượng Bổ cốt chỉ thường dùng là 6g/ngày.
Cách dùng: Bổ cốt chỉ có thể dùng tươi, phơi khô, tán thành bột, làm viên hoàn, nấu cao hoặc sắc. Bổ cốt chỉ có thể dùng một mình hoặc kết hợp với các vị thuốc khác.
Tiểu nhiều
Dùng Bổ cốt chỉ sao rượu 100g, tiểu hồi sao vàng 100g. Hai vị thuốc trên tán nhỏ, trộn đều, làm thành viên hoàn to bằng hạt ngô. Ngày uống 2 lần mỗi lần khoảng 3 viên.
Tiêu chảy do Tỳ thận hư
Sử dụng Bổ cốt chỉ sao vàng và nhục đậu khấu tỷ lệ 2:1 tán thành bột mịn rồi làm thành viên hoàn to bằng hạt ngô. Ngày uống 2 lần mỗi lần khoảng 20 viên.
Đái dầm, di tinh, liệt dương
Sử dụng Bổ cốt chỉ, Bồ đào nhục, Thỏ ty tử, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 2 lần.
Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng Bổ cốt chỉ:
Nguồn Tham Khảo:
- Phá Cố Chỉ (Bổ Cốt Chỉ, Phá Cốt Tử) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi: //vnras.com/pha-co-chi-bo-cot-chi-pha-cot-tu-nhung-cay-thuoc-va-vi-thuoc-viet-nam-do-tat-loi/
- Dược liệu Việt Nam: //duoclieuvietnam.vn/thuoc-nam/pha-co-chi/
- The Chemical Constituents and Bioactivities of Psoralea corylifolia Linn.: A Review: //www.worldscientific.com/doi/abs/10.1142/S0192415X16500038
- Psoralea corylifolia L: Ethnobotanical, biological, and chemical aspects: A review: //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7167735/
- Babchi oil-induced phytophotodermatitis mimicking burn injury: //www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2352587820300553
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.