Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Bồ đào: Loại cây có nhiều tác dụng chữa bệnh cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Bồ đào được dùng trong bổ, an thần, lợi tiểu; chữa thận hư, đau lưng, váng đầu, viêm dạ dày mạn tính, động thai (Quả khô). Quả tươi chữa đái buốt, đái dắt, đái ra máu. Lá chữa ỉa chảy.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên tiếng việt: Bồ đào.
Tên khác: Nho, Ít (Tày).
Tên khoa học:Vitis vinifera L.. Thuộc họ Nho (Vitaceae).
Đặc điểm tự nhiên
Cây Bồ đào là cây leo bằng tua cuốn. Lớp vỏ có màu lục khi hóa bần màu xám tro, bong ra thành dải. Lá mọc so le, có lá kèm rụng sớm; phiến lá chia 5 – 7 thùy, mép có răng không đều; cuống lá dài. Tua cuốn đối diện với lá, rẽ đôi một hai lần, ở chỗ rẽ có một lá giảm. Hoa mọc thành chùm xim hai ngả; hoa đầu, tạp tính khác gốc, màu xanh xanh. Quả dạng hình trứng, mọng nước, khi non màu xanh, khi chín có màu vàng, đỏ hoặc đen; có chứa 4 hạt.
Phân bố, thu hái, chế biến
Cây nhập trồng chủ yếu để lấy quả ngọt làm rượu chát. Có nhiều giống trồng khác nhau. Cây có thể trồng bằng phương pháp giâm cành, nên chọn cành một năm tuổi.
Cây Bồ đào được trồng ở Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm đồng, thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ phận sử dụng
Quả, rễ, dây, lá.
Thành phần hoá học
Quả chứa 0,2% protein, 0,1% chất béo, 0,1% glucid, 0,2% tro. Trong 100ml dịch quả có 0,05mg As. Trong quả chín có acid oxalic, acid malic, acid tartaric và acid racemic, còn một lượng nhỏ vitamin B1 và B2. Hạt chứa 2% dầu nửa khô. Lá của thứ bồ đào đỏ chứa tannin, levulose, saccharose, dextrose, choline, inositol, vitamin C, các chất màu, anthocyan.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Quả Bồ đào vị ngọt, chua, tính bình; có tác dụng bổ khí huyết, mạnh gân cốt, hỗ trợ tiêu hóa (lợi tiểu, nhuận tràng).
Rễ Bồ đào có vị ngọt, chát, tính bình; có tác dụng: Khử phong thấp, nối gân, lợi niệu.
Dây lá Bồ đào có vị ngọt, chát, tính bình; có tác dụng: Giải độc, lợi niệu.
Lá của loài Bồ đào đỏ có tác dụng: Bổ thần kinh và mạch máu, điều hoà huyết, làm săn da, lợi tiểu và làm mát.
Rễ Bồ đào có tác dụng chữa viêm khớp, đau nhức xương, gân cốt.
Rễ và cành bên dùng làm thuốc cầm nôn, an thai.
Nhựa các cành non dùng làm thuốc trị các bệnh ngoài da.
Bồ đào khô được dùng ở Trung Quốc trị: Thận hư đau lưng, choáng đầu, viêm dạ dày mạn tính, hư nhiệt phiền khát, thai động không yên.
Bồ đào tươi trị: Đái buốt, đái dắt, đái ra máu.
Tại Ấn Độ: Dịch quả tươi có vị chát có tác dụng chữa đau họng, lá chữa tiêu chảy.
Ở châu Âu, người ta dùng chữa bệnh: Đau tim thận, chứng béo phì, táo bón. Ngoài ra, lá của loài Bồ đào đỏ có nhiều tác dụng chữa nhiều bệnh khác nhau như: Rối loạn tuần hoàn, rối loạn tiền mãn kinh, đau bụng kinh, trĩ, tiêu chảy và giảm niệu, đỏ mũi, giãn tĩnh mạch.
Theo y học hiện đại
Rượu vang chế biến từ Bồ đào đỏ có tác dụng ức chế sự phát triển của một số chủng vi khuẩn và có tác dụng diệt khuẩn đối với Escherichia coli do chứa polyphenol. Các flavonoid là các anthocyanin cyaniding 3 – 0 – β – D – glucosid và petunidin – 3 – O – β – D – glucosid chứa trong cây Bồ đào có tác dụng làm giảm tính thấm của mao mạch trong điều kiện viêm mạch máu, chống viêm làm giảm phù do caragenin chân chuột cống trắng, và giảm mức độ tăng tính thấm da gây bởi chloroform ở thỏ. Tác dụng này mạnh gấp 2 lần so với rượu.
Lá cây Bồ đào đỏ dưới những dạng bào chế khác nhau, có tác dụng chống siêu vi khuẩn bệnh ecpet HSV – 1 in vitro. Những khác nhau về hoạt tính giữa các cao chiết của cùng một dạng bào chế và giữa 2 dạng bào chế cho thấy tầm quan trọng của sự chiết xuất bằng nước và xử lý ở nhiệt độ thấp. Procyanidin chiết xuất từ hạt Bồ đào, được nghiên cứu in vitro về tác dụng chống đột biến, đã thể hiện là những tác nhân có hoạt tính mạnh chống lại sự đột biến tự nhiên của Saccharomyces cerevisiae ở mức độ ty lạp thể và nhân tế bào. Hoạt tính này một phần có thể do tác dụng chống oxy hóa của procyanidin và là cơ sở hợp lý để dùng chất này trong hóa trị liệu dự phòng nhiều chứng bệnh. Lá Bồ đào có tác dụng chống viêm phụ thuộc vào liều.
Liều dùng & cách dùng
Liều dùng, cách dùng của dược liệu tùy thuộc vào từng bài thuốc cụ thể.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa đau lưng, mỏi gối, thũng đầy, nôn oẹ, buồn nôn hay thai động trồi lên
Uống nước sắc gồm lá, dây và rễ của cây Bồ đào. Mỗi lần sắc dùng khoảng 20 – 40 g dược liệu.
An thai, trị nôn khi nghén
Lấy quả Bồ đào đem sắc nước uống hoặc ăn. Tốt nhất là nên ăn vì giữ đầy đủ thành phần của quả.
Tiểu dắt, buốt hoặc ra máu
Lấy nước ép của Bồ đào tươi, Ngó sen, Sinh địa hoàng lượng vừa đủ 1000 ml, thêm 150 g mật ong vào trộn đều sau đó đem sắc dùng uống hàng ngày. Chiêu thuốc bằng nước ấm, uống trước bữa ăn khoảng 30 phút, mỗi lần 100 ml, 3 lần một ngày.
Lưu ý
Ở Việt Nam, loài Vitis labrusca L. cũng có các công dụng tương tự như Bồ đào.
Nguồn Tham Khảo:
- Võ Văn Chi (2012). Từ điển cây thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- Viện Dược Liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
- Tra cứu dược liệu: Nho, https://tracuuduoclieu.vn/nho.html.
- https://powo.science.kew.org/taxon/urn:lsid:ipni.org:names:30478388-2 Truy xuất 12/02/2022.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.