Tên Tiếng Việt:
Cà dăm
Tên khác:
Chò nhai; răm; râm; xoi; cà dặm;…
Tên khoa học: Anogeissus acuminata (Roxb. ex DC.) Guillaum. et Perr.
Cây gỗ lớn, cao 10 – 20 m (lên đến 30m). Thân cây thẳng đứng, phía dưới gốc có bạnh nhỏ; cành mảnh, rủ xuống.
Cây có lá đơn, mọc đối hay gần đối; phiến lá hình mác đến hình mác dạng trứng, dài 5 – 8cm, rộng 2 – 5cm, chóp nhọn, gốc hình nêm rộng, mặt trên màu lục, không có hoặc có ít lông, mặt dưới màu lục nhạt, có lông; gân bên 5 – 7 đôi. Cuống lá ngắn, dài 2 – 6mm.
Hoa rất nhỏ, không cuống, hợp thành cụm hoa hình đầu, mọc ở nách lá; đài hình ống, phía trên có 5 răng; không có cánh hoa; 10 nhị xếp thành 2 vòng; bầu hạ 1 ô, chứa 2 noãn. Quả có cánh, màu xanh nước biển sẫm, mang đài tồn tại; bên trong chứa 1 hạt.
Sinh thái: Cây mọc trong các rừng ẩm thường xanh hoặc nửa xanh rụng lá. Cây ưa sáng, thích hợp với đất cát pha. Cây sinh trưởng nhanh, mạnh mẽ ở nhiều loại đất, có thể mọc được trên đất khô xấu nhưng sẽ chỉ có những dạng cây nhỏ 6 – 9m. Ngoài ra, đây là loại thực vật có khả năng tái sinh chồi mạnh. Thông thường mùa hoa vào khoảng tháng 5 – 7 và ra quả vào tháng 8 – 10.
Cây Cà dăm phân bố: Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Bạc Liêu. Ngoài ra, cà dăm còn phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan.
Bộ phận dùng là phần vỏ cây – Cortex Anogeissi, ngoài ra, có một số nơi dùng lá của Cà dăm làm dược liệu.
Cà dăm chứa tanin, nhựa cây giống gôm arabic.
Theo đông y, Cà dăm có vị đắng, tính mát, có tác dụng thu liễm, se và tính mát.
Ở An Giang, một số người dùng vỏ cây để trị bệnh bán thân bất toại (yếu liệt nửa người). Ngoài ra, ở một số nơi, dân gian còn dùng phần vỏ cây để chữa các vết cắn của bọ cạp đốt và rắn, lấy lá để làm se vết thương hoặc có tác dụng giảm đau.
Chưa có thông tin.
Hỗ trợ trị đau lưng, đau dây thần kinh
Dùng 10 -15g vỏ Cà dăm rửa sạch, sắc nước uống mỗi ngày 2 lần. Dùng điều trị liên tục khoảng 2 tháng hoặc đến khi cải thiện, giảm được triệu chứng đau nhức, tê thấp khi thay đổi thời tiết.
Loài Anogeissus latifolia ở Ấn Độ, có vỏ được dùng trị các vết cắn của bò cạp và rắn độc.
Trường hợp mẫn cảm hay dị ứng với bất kỳ thành phần của loài thực vật này cần cẩn thận.
Phụ nữ có thai, đang cho con bú, hoặc trẻ nhỏ không nên sử dụng dược liệu này.
Nguồn Tham Khảo:
Từ điển cây thuốc Việt nam – Võ Văn Chi.
//tracuuduoclieu.vn/anogeissus-acuminata-roxb-ex-dc-guillaum-et-perr.html.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.