Tên Tiếng Việt: Cà độc dược (Lá).
Tên gọi khác: Mạn đà la.
Tên khoa học: Datura metel.
Các loại cây Cà độc dược là loại cỏ nhỏ, mọc hàng năm, cao khoảng 1 – 2m. Thân cây nhẵn, có màu xanh hoặc màu tím tuỳ theo loại. Thân mọc ra nhiều cành non và trên cành có nhiều lông tơ ngắn, thân có nhiều bì khổng. Lá đơn thường mọc cách trừ vị trí lá ở đầu cành có thể mọc đối hay mọc vòng.
Lá có hình trứng, đầu nhọn, đáy hẹp lại và 2 bên đáy lá không đều, kích thước như sau: Dài 9 – 10cm, rộng 4 – 9cm, mặt trên của lá màu xanh xám, mặt dưới xanh nhạt. Mép lá hình dạng lượn sóng hay chẻ 3 – 4 răng cưa, trên phiến lá có gân chính và phụ màu xanh, hoặc tím tùy theo loại cây. Cuống lá dài 4 – 8cm. Mặt lá lúc còn non có nhiều lông, khi lớn lông rụng dần.
Hoa đơn dài khoảng 1 – 2cm, thường mọc ở kẽ lá. Khi hoa héo, phần còn lại phát triển cùng quả giống hình cái mâm. Hoa tím thường có đốm tím ở trên. Quả có hình cầu, nhìn từ bên ngoài có nhiều gai nhọn, kích thước quả khoảng 3cm, quả non có màu xanh, quả chín có màu nâu. Quả khi chín vỏ nứt ngang, dọc làm 4. Hạt nhiều nhăn nheo màu nâu nhạt.
Cây mọc dại hoặc được trồng khắp cả nước, chủ yếu ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc. Thu hái lá vào lúc cây sắp và đang ra hoa (tháng 5 – 6 trở đi), phơi hay sấy khô (thường dùng nhất). Hoa thu hái vào tháng 8 – 10, phơi hay sấy khô. Hạt lấy ở những quả chín ngả màu nâu, phơi hay sấy khô.
Lá (Folium Daturae) và hoa (Flos Daturae). Ngoài ra còn dùng hạt (Semen Daturae).
Lá, hoa, hạt Cà độc dược chứa alkaloid trong đó chủ yếu là scopolamin (hyoscin), ngoài ra còn có hyoscyamin và một số chất khác…
Theo Đông y, Cà độc dược có tính bình suyễn, vị cay, tính ôn có độc, quy kinh phế. Tác dụng:
Trị ho, suyễn, ngực bụng lạnh đau, phong thấp, đau nhức.
Trị say tàu xe, say sóng, nôn mửa khi đi thuyền và máy bay.
Dùng làm tê trong phẫu thuật.
Trị đau cơ, tê thấp, giảm đau nhức ở mụn nhọt.
Gây giãn đồng tử, giãn phế quản, giảm tiết nước bọt, mồ hôi, dịch vị, dịch ruột
Scopolamin (hyoscin) là thuốc độc nhóm A, gây ức chế hệ đối giao cảm ở người.
Tác dụng lên não gây ức chế TKTW
Các alkaloid trong cây có thể tác động lên não gây ức chế TKTW nên có thể dùng để điều trị say tàu xe, nôn mửa khi đi thuyền và máy bay.
Trị hen, say tàu xe, nôn mửa hoặc chống co thắt trong loét dạ dày tá tràng: Liều 1 – 1,5 g/ngày bột lá hoặc bột hoa hoặc dạng lá/hoa phơi khô thái nhỏ cuốn như thuốc lá để hút.
Trị hen
Chuẩn bị: Cà độc dược (hoa hoặc lá).
Thực hiện: Phơi khô thái nhỏ, thêm 1 phần kali nitrat cuốn như thuốc lá để hút (1 – 1,5g/ngày) khi có cơn hen.
Một số lưu ý khi sử dụng cây Cà độc dược:
Người bị tăng nhãn áp (glaucoma) không nên dùng chế phẩm có Cà độc dược vì thành phần hoạt chất scopolamin có thấy gây tăng nhãn áp.
Triệu chứng ngộ độc phụ thuộc nhiều vào liều lượng thuốc, liều thấp có biểu hiện nhẹ như hơi khô miệng, giảm tiết mồ hôi và nhịp chậm, liều cao hơn gây nhịp tim nhanh, giãn đồng tử, da khô nóng đỏ, ảo giác, mê sảng và hôn mê.
Cà độc dược là loài dược liệu đang phổ biến ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Cà độc dược có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
Nguồn Tham Khảo:
- //mplant.ump.edu.vn/index.php/ca-doc-duoc-datura-metel-solanaceae/.
- Đỗ Tất Lợi – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam.
- //suckhoedoisong.vn/khong-tu-y-su-dung-ca-doc-duoc-16981694.htm.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.