Tên Tiếng Việt: Cà na, Côm cánh ướt, Côm háo ẩm, Cảm lãnh, Bạch lãm.
Tên khác: Elaeocarpus.
Tên khoa học: Elaeocarpus hygrophilus Kurz (E. madopetalus Pierre). Họ Côm – Elaeocarpaceae.
Tên đồng nghĩa: Elaeocarpus glamdulosus Wall. Ex Merr; Elaeocarpus madopetalus Pierre.
Cà na là cây gỗ cao từ 10 đến 25 m; thân gỗ có màu trắng, trên phủ nhiều lông nhỏ. Lá Cà na mọc cách, có phiến lá hình trái xoan ngược, mọc so le, dài 7 – 9 cm, rộng 2,5 – 3 cm, đầu tù, thót lại ở trên cuống. Mép lá có răng thưa, rất nhẵn, gần như dai, mặt trên màu xanh bóng, mặt dưới lá có nhiều lông, màu nhạt hơn. Gân lá bên nổi hơi rõ ràng, có 6 đôi, cuống lá dài 1cm, không có lông.
Cụm hoa Cà na thường mọc ở ngọn cành thành chùm, ở nách những lá đã rụng, dài 4 – 7cm, có lông mềm màu bạc. Hoa có cuống dài 3 – 5 mm. Đài hoa có lông, bên ngoài nhẵn, hình mũi mác, dài 5 – 7mm, rộng 2mm; lá đài có lông mềm ngắn màu bạc phủ bên ngoài. Cánh hoa hình bầu dục, dài 5 – 8mm, rộng 3 – 4 mm, nhẵn, không có tuyến, màu trắng đục; cánh hoa xẻ tua thành 18 – 20 dải hình sợi. Hoa có 20 nhị, chỉ nhị ngắn. Bầu nhị hình trứng có phủ một lớp lông màu nâu, có 3 ô. Vòi nhụy có lông ở phần nửa phía dưới, đĩa 5 thùy. Quả hạch hình bầu dục, nhọn ở 2 đầu, dài khoảng 3 – 3,5cm, rộng 1,5 – 2 cm; thịt quả nhẵn, bên trong có 1 hạch cứng.
Sinh thái: Cây mọc dọc theo các rạch suối trong rừng ẩm. Mùa hoa vào tháng 9 đến tháng 3 năm sau, mùa quả từ tháng 7 đến tháng 9. Cà na tái sinh bằng hạt.
Cà na phân bố từ Madagascar ở phía tây qua Ấn Độ, Đông Nam Á, Malaysia, nam Trung Hoa, và Nhật Bản, qua Australia đến New Zealand, Fiji, và Hawaii ở phía đông. Ngoài ra, cà na còn có ở Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia. Các đảo Borneo và New Guinea có mật độ lớn nhất của các loài này.
Ở nước ta, Cà na phân bố từ Khánh Hòa (Vọng Phu), Lâm Đồng (Đà Lạt), Bình Dương, Đồng Nai (Biên Hòa), Long An (Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa), Tiền Giang (Tân Phước), Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu ra tới Côn Đảo. Quả Cà na được sử dụng làm thực phẩm ở một số nước Đông Nam Á như Thái Lan và Việt Nam. Ở Việt Nam, cây Cà na mọc hoang dại hoặc được trồng ven sông rạch thuộc miền Tây Nam Bộ. Cây Cà na mọc ở dọc các bờ kênh rạch vùng đất phèn Đồng Tháp Mười, chịu được nước ngập mùa nước lũ.
Cà na là cây gỗ đặc trưng của vùng đất phèn Đồng Tháp Mười, chịu được nước ngập 3 – 6 tháng, mùa khô cạn vẫn xanh tốt. Hiện môi trường sống và điều kiện sinh thái thay đổi nên đất trồng cà na đã bị suy giảm. Cây Cà na đang được đưa vào sách đỏ Việt Nam; khung phân hạng (VU). Biện pháp bảo vệ cây là khuyến khích nhân dân vùng Đồng Tháp Mười trồng ở ven kênh mương và quanh nhà để lấy nguyên liệu làm thuốc và lấy gỗ để sử dụng.
Bộ phận sử dụng cây Cà na thường là vỏ – Vortes Elaeocarpi Hygrophylli, rễ, lá và quả Cà na.
Vỏ cây Cà na có tinh dầu và tanin. Ngoài ra, quả Cà ná có chứa các thành phần khác như: Canxi, sắt, photpho, vitamin, thymol,…
Cà na có tính ôn, có vị chua ngọt, không độc. Theo đông y, Cà na có tác dụng thanh nhiệt, tiêu khát, giải độc. Vỏ Cà na có tác dụng bổ và lọc máu.
Quả Cà na có bột và có vị ngọt dùng làm thực phẩm ăn được. Quả Cà na dùng làm mứt, muối dưa, ô mai.
Vỏ Cà na có tác dụng bổ máu, chữa hậu sản. Cà na dùng hãm nước cho phụ nữ mới sinh đẻ uống trong vòng 15 ngày sau khi sinh. Ngoài ra, vỏ cây có tinh dầu và tanin dùng tắm ghẻ, chống dị ứng sơn và hóa chất bảo vệ da.
Dùng rễ, quả, lá sắc nước uống có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sinh tân dịch, lọc máu, bảo vệ gan.
Cà na có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác, dưới dạng thuốc sắc.
Liều dùng: 3 – 10g mỗi ngày.
Chưa có thông tin.
Cà na là loài cây hoang dại mọc trên vùng đất phèn, mặn. Quả cà na được dùng làm thực phẩm ở một số nước vùng Đông Nam Á.
Quả Cà na được dùng để ăn tươi: Quả Cà na có vị chua và chát, được trẻ con trên vùng đất chua phèn dùng làm loại quả để ăn sống. Quả Cà na sống thường được chấm muối ớt.
Quả Cà na dùng trong thực phẩm: Quả Cà na có vị chua và chát, ngoài việc dùng để ăn sống trực tiếp như món ăn chơi, loài quả này còn được dùng để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau: Quả Cà na được dùng để muối dưa, quả Cà na ngâm nước mắm, ngào đường hoặc làm mứt,…
Nguồn Tham Khảo:
Từ điển cây thuốc Việt nam – Võ Văn Chi.
Botanyvn.com: //www.botanyvn.com/cnt.asp?param=edir&v=Elaeocarpus%20hygrophilus&list=species
- Tracuuduoclieu.vn: //tracuuduoclieu.vn/elaeocarpus-hygrophilus-kurz.html.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.