Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây cà phê chè: Những công dụng có thể bạn chưa biết cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Cà phê Arabica có nguồn gốc ở cao nguyên Jimma ở tây nam Etiopia và cao nguyên Boma ở đông nam Sudan. Tên Cà phê chè xuất phát từ hình dáng tỉa thấp giống cây chè, lá nhỏ. Cà phê thường được sử dụng như một loại gia vị thức uống yêu thích của người Việt Nam đồng thời còn có tác dụng chữa bệnh.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Cà phê chè.
Tên khác: Cà phê Arabica.
Tên khoa học: Coffea arabica L.. Đây là một loài thực vật có hoa trong họ Rubiaceae (Cà phê).
Đặc điểm tự nhiên
Cây Cà phê chè thường thấp, nhỏ, mọc sum suê, màu xanh, cao từ 6 – 10. Cây có cành thon dài, đối xứng. Thân cành hình trụ hoặc hình vuông, phân nhánh nhiều. Lá mọc đối, cuống ngắn 0,4 – 1,2cm, hình oval, nhọn ở hai đầu, rìa lá quăn, mềm và rũ xuống. Mặt lá nhẵn, mặt trên màu xanh thẫm, mặt dưới xanh nhạt hơn.
Hoa mọc nở rộ khoảng từ cuối tháng 2 đến hết tháng 4. Hoa mọc ở kẽ lá, nở tròn bung cánh, màu trắng, nhìn giống hoa cúc. Mùi thơm dịu, thoang thoảng.
Quả hình bầu dục, hơi dẹt, lúc còn non màu xanh, sau chuyển thành vàng với màu đỏ, chứa 2 nhân, có hàm lượng caffein trong hạt là 1 – 2%. Mùa hoa quả kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4.
Phân bố, thu hái, chế biến
Chi Coffea L có khoảng gần 100 loài và dưới loài, phân bố rải rác khắp vùng nhiệt đới, nhưng tập trung nhiều nhất ở vùng nhiệt đới của châu Phi.
Hiện nay, có 3 loại giống Cà phê được trồng rộng rãi trên thế giới. Về nguồn gốc phát nguyên của chúng cụ thể như sau:
-
Cà phê chè (Coffea arabica) từ vùng cao nguyên phía tây – nam, thân và tán nhỏ, lá giống lá chè xanh. Cà phê chè có hai loại: Cà phê moka và Cà phê catimor.
-
Cà phê vối (Coffea robusta) có nguồn gốc từ vùng xích đạo châu phi từ Guinea đến Uganda, thân gỗ cao đến 10m, lá có nhiều nét giống lá cây vối.
-
Cà phê mít (Coffea liberica) thân lớn, lá lớn, nhìn từ xa trông như cây mít.
Cà phê chè là cây ưa sáng, sống ở các vùng núi cao ở độ cao từ 1000 – 1500 m. Cà phê chè có thể sinh trưởng phát triển tốt trên nhiều loại đất nhưng tốt nhất vẫn là các loại đất đỏ nâu thuộc nhóm bazan hoặc đất đã được phong hóa từ nham thạch núi lửa.
Cà phê chè thu hoạch sau khi trồng khoảng 3 đến 4 năm. Sau thời gian này cây bắt đầu có hoa, càng về sau lượng hoa quả càng nhiều. Ở Việt Nam những vùng chuyên canh Cà phê tiêu biểu như Đắk Lắk, Lâm Đồng…
Hoa Cà phê chè nở rộ trong khoảng 15 – 20 ngày, thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng, tỷ lệ tự thụ phấn chỉ chiếm khoảng 10%. Hạt cà phê có tỷ lệ nảy mầm cao (đến 95%); khả năng nảy mầm này sẽ giảm đảm sau 3 – 6 tháng. Tuy nhiên, nếu được bảo quản ở nhiệt độ 15°C, tỷ lệ nảy mầm cao có thể duy trì được trong thời gian 15 – 30 tháng sau.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận sử dụng được của Cà phê chè là hạt, ngoài ra còn dùng lá.
Thành phần hoá học
Cà phê sống chứa các thành phần bao gồm glucid, lipid, acid hữu cơ, acid phenol, acid clorogenic,… trong đó glucid có nhiều chiếm hơn một nửa so với dược liệu khô kiệt. Có 5 – 8% đường khử saccharose, ít mannitol, polysaccharide, galactomanan, xylan,… không có tinh bột trong hạt già.
Cà phê rang có nhiều thay đổi về hóa học như lượng nước giảm khoảng 5%, chất vô cơ không thay đổi, cafein có phần bị thăng hoa, glucide thay đổi nhiều (saccharose có phần chuyển hóa, nhiều chất hòa tan xuất hiện do các polysaccharide không hòa tan chuyển hóa).
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Cà phê được dùng làm đồ uống dưới dạng chiết hãm bằng nước sôi từ bột hạt Cà phê rang, hoặc dưới dạng Cà phê tan.
Uống Cà phê giúp tinh thần tỉnh táo, giảm cảm giác mệt mỏi. Ngoài ra còn dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa phù thũng, giúp tiêu hóa.
Tuy nhiên, uống nhiều đồ uống có Cà phê gây rối loạn tiêu hóa do trong quá trình rang Cà phê hình thành chất cafeotoxin, chỉ có một phần độc bay hơi được.
Alkaloid cafein và các dạng muối như cafein citrat và cafein natri benzoat được dùng trong trường hợp cấp cứu ngộ độc opioid và các thuốc gây ngủ khác.
Trong dân gian, người ta giã hạt Cà phê sống ngâm với rượu uống để trị phong tê thấp, sốt rét. Cà phê rang có tác dụng giảm mỡ, giải rượu và thuốc phiện. Người khó ngủ tuyệt đối không nên dùng Cà phê. Lá Cà phê sắc uống giúp nhanh chóng tiêu thức ăn, tiêu nước chữa phù thũng.
Theo y học hiện đại
Trong điều trị phục hồi sau nhồi máu cơ tim, sau đột quỵ não
Đột quỵ não là do sự gián đoạn lưu thông máu trong não, tắc nghẽn (thiếu máu cục bộ) hoặc do mạch bị vỡ (đột quỵ xuất huyết). Tuy nhiên, cả hai đều gây ra hậu quả không thể phục hồi cho vùng tổn thương và ảnh hưởng đến hoạt động cá nhân hằng ngày.
Một số nghiên cứu đã chứng minh chiết xuất Cà phê chè bằng dung môi hydroethanolic giúp cải thiện chức năng tâm trương, phì đại cơ tim, chức năng và hình thái tim so với động vật chỉ được điều trị thông thường. Do đó, việc sử dụng loại cây này cũng là biện pháp bổ sung cho quá trình phục hồi tim sau nhồi máu.
Trong điều trị rối loạn lipid máu
Cafeine là một trong số ít các chất tự nhiên được chứng minh có khả năng đốt cháy chất béo hiệu quả. Dịch chiết nước Cà phê chè cho động vật bị rối loạn lipid máu giúp ức chế tăng cân, giảm sự tích tụ chất béo.
Trong điều trị giảm đau, giảm lo âu
Sau khi uống cafe, lượng cafeine được hấp thu trực tiếp vào máu rồi di chuyển lên não. Tại đây, cafeine ngăn chặn sự xuất hiện của adenosine – một loại chất ức chế dẫn truyền thần kinh. Khi adenosine bị ngăn chặn, nồng độ các chất hỗ trợ dẫn truyền thần kinh là norepinephrine (còn gọi là noradrenalin) và dopamine tăng lên khiến cho các tế bào thần kinh tăng cường khả năng dẫn truyền xung thần kinh đi khắp cơ thể.
Các loại thuốc chống lo âu và trầm cảm hiện nay thường gây ra các phản ứng phụ như hạ huyết áp, loạn nhịp tim và nghiện. Cà phê chè đã được nghiên cứu do có tác dụng chống lo âu và có thể trở thành liệu pháp thay thế cho các loại thuốc trên.
Làm giảm nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2
Đái tháo đường túyp 2 là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể tiết insulin nhưng không điều hoà được lượng đường trong máu hoặc đề kháng với insulin. Một vài nghiên cứu được thực hiện đã cho thấy những người uống nhiều Cafe có nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 thấp hơn từ 23 – 50% so với những người không sử dụng cafe.
Trong dự phòng nhiễm độc chì ở cộng đồng
Chiết xuất Cà phê chè bằng cồn đã được chứng minh là một chất bảo vệ gan và thận, chống lại tác dụng độc hại do chì. Việc sử dụng Cà phê chè có thể là một cách để các cộng đồng này ngăn chặn tác hại của chì.
Liều dùng & cách dùng
Cách ngâm rượu:
Dùng 200g lá Cà phê chè khô ngâm với 1 lít rượu trắng trên 40°, đựng trong chai thủy tinh đã được khử trùng, cất nơi khô ráo, tránh ánh nắng.
Cách sử dụng: Ngày uống 2 lần, mỗi lần 2ml rượu thuốc pha với nước sôi để nguội, giúp tăng cường sức khỏe, chữa căng thẳng thần kinh, tiêu hóa kém.
Cách hãm thuốc:
Dùng 2 – 3g lá Cà phê chè khô hãm trong một tách nước sôi làm một liều. Ngày uống 4 – 5 liều. Có thể dùng 20g lá khô (30g lá tươi) hãm với 500ml nước sôi, chia 4 – 5 lần để uống trong ngày giúp giảm nhức đầu, tăng tuần hoàn máu, tăng huyết áp, giúp tăng tiết mật và lợi tiểu.
Ngoài ra có thể xoa nhẹ nước hãm thuốc này lên da đầu để tăng cường sự mọc tóc.
Lá tươi hay lá khô đều được dùng làm gia vị trong ẩm thực.
Lưu ý
-
Không dùng Cà phê chè cho các đối tượng sau: Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.
-
Ngoài ra, người có cơn động kinh, quá nhạy cảm với tinh dầu Cà phê chè cũng không nên sử dụng.
Nguồn Tham Khảo:
Cây thuốc và Động vật làm thuốc Việt Nam (tập 1).
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
Võ Văn Chi (1997), Từ điển cây thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.
https://tracuuduoclieu.vn/ca-phe.html
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.