Tên tiếng Việt:
Cải củ
Tên khác:
Cải củ; Rau lú bú; bặc căn
Tên khoa học: Raphanus sativus L., var. longipinnatus Bail
Cây nhỏ, sống một năm hay hai năm, cao 15 – 45 cm. Rễ phình to thành củ trụ dài, hình trứng hay hình cầu, không phân nhánh, màu trắng. Thân rất ngắn chỉ khi ra hoa mới vượt lên. Lá mọc so le, hình bầu dục hay hình mác, phiến lá men theo cuống đến tận gốc, đôi khi xẻ thành những tai ngắn, đầu tròn, mép lá có răng cưa tù hoặc chia thùy không đều, uốn lượn, gân hình mạng nổi rõ ở mặt dưới.
Cụm hoa mọc thành chùm, trên một cán dài phân nhánh, mỗi nhánh mang nhiều hoa màu trắng, đôi khi pha tím nhạt, dài có 4 răng thuôn hẹp, tràng có 4 cánh mỏng, nhị 6, 2 cái ngắn, bầu hình trụ.
Quả cải, thắt từng quãng nom như chuỗi hạt, đầu nhọn dài, hạt nhỏ, nhiều màu vàng nhạt hoặc nâu đen.
Mùa hoa từ tháng 4 đến tháng 7. Mùa quả từ tháng 6 đến tháng 7.
Cây này được trồng ở khắp nơi trong nước ta để lấy rễ củ ăn, lá để làm dưa, hạt làm thuốc, từ trước đến nay ta ít thu hoạch để làm thuốc.
Đến mùa quả chín, hái cả cây, phơi khô, đập lấy hạt, bỏ hết vỏ và tạp chất, phơi khô.
Hạt cải củ hình trứng dẹt, dài chừng 2,5 – 4mm, rộng 2 – 3mm, mặt ngoài màu nâu đỏ hoặc xám nâu. Vỏ hạt mỏng, dòn, nhìn qua kính lúp sẽ thấy các chỗ lõm hình mạng, ở một đầu có tễ. Không mùi vị, có chất dầu hơi cay. Hạt mẫm, chắc, màu nâu đỏ là tốt.
Hạt cải củ: Lấy hạt cải củ, loại sạch tạp chất, rửa sạch phơi khô, khi dùng giã nát.
Hạt cải củ sao: Lấy hạt cải củ sạch, sao nhỏ lửa đến khi hơi phồng và có mùi thơm, lấy ra để nguội, khi dùng giã nát.
Rễ cải củ thu hái vào mùa đông, loại bó thân, rễ, lá, phơi khô.
Hạt chín phơi khô, có thể sao trước khi dùng.
Lá phơi hay sấy khô.
Rễ cải củ chứa raphanin, glucose, saccharose. Ngoài ra, còn có acid coumaric, acid cafeic, acid ferulic, acid, gentisic, acid hydroxybenzoic, nhiều loại acid amin khác nhau, 4-methyl-thio-30-lutenyl glucosynolat.
Rễ tươi có vitamin C.
Hạt chứa dầu béo, tinh dầu. Dầu béo có acid arucic, glycerol cynapat. Ngoài ra, hạt còn có raphanin có tác dụng kháng khuẩn, β-sitosterol, γ-sitosterol, sinapin bisulfat.
Tiêu thực trừ trướng, giáng khí hóa đờm.
Chủ trị: Ăn uống đình trệ, thượng vị đau trướng, đại tiện bí kết, tiêu chảy, kiết lỵ, đờm nghẽn, ho suyễn.
Theo tài liệu cổ hạt cải củ có vị cay, mùi thơm, ngọt, tính bình vào 2 kinh tỳ và phế. Có tác dụng hạ khí, định suyễn, tiêu tích hoá đờm. Dùng chữa ho, hen suyễn, ngực bụng đầy trướng, khí trệ sinh đau, hạ lỵ hậu thũng.
Củ, lá, hoa và hạt cây cải củ có hoạt tính kháng khuẩn đối với những vi khuẩn gram dương. Trong thử nghiệm về tác dụng lợi niệu trên chuột cống trắng, liều của củ cải khô 1g/kg cho chuột uống dưới dạng cao nước có tác dụng làm tăng hiệu suất tiết niệu 164%, trong khi hiệu suất tiết niệu tăng 36% ở nhóm chuột uống placebo và tăng 286% ở nhóm uống 25mg/kg hydroclorothiazid.
Trong thử nghiệm trên chó, nước ép cải củ làm tăng bài niệu và tăng tiết mật. Những chế phẩm từ cây cải củ làm tăng sự dung nạp của cơ thể đối với carbon hydrat.
Hạt cải củ được dùng chữa ăn không tiêu, sốt, ho, nhiều đờm, hen suyễn, ngực bụng đầy trướng, nôn mửa. Ngày uống 10 – 15g dưới dạng thuốc sắc. Người khí hư không nên dùng.
Củ cải củ hoặc lá cải củ phơi hay sấy khô với liều hàng ngày 10 – 15g được dùng với dạng thuốc sắc để làm thuốc thông tiểu tiện, chữa phù thũng. Củ cải củ còn được dùng chữa nhức đầu và thiên đầu thống (củ cải củ tươi giã, vắt lấy nước cốt, nằm ngửa nhổ vào lỗ mũi) và chữa tiêu chảy (luộc ăn hàng ngày).
Trong y học cố truyền Trung Quốc, nước ép củ cải củ được dùng làm thuốc tăng cường tiêu hóa, làm mạnh dạ dày, lợi mật trong bệnh sỏi mật, long đờm và lợi tiểu. Rượu ngâm hạt và củ cải củ được dùng ngoài nốt tàn nhang. Hạt và củ cải củ dưới dạng thuốc bôi dẻo chữa một số bệnh ngoài da. Liều dùng nước ép củ cải củ uống mỗi lần là 50 – 90g.
Trong y học cổ truyền Ấn Độ, củ cải củ được coi là thuốc làm khỏe khoắn và lọc máu. Những chế phẩm của củ cải củ có tác dụng tốt đối với những rối loạn chức năng gan và túi mật. Trong liệu pháp đồng căn củ cải được dùng trong những bệnh nhức đầu, đau dây thần kinh, mất ngủ và tiêu chảy mãn tính. Củ cải củ cũng được coi là có ích đối với những bệnh về đường tiết niệu, trĩ và đau dạ dày. Một muối chiết từ củ sấy khô và đốt thành tro trắng được dùng trong rối loạn dạ dày.
Củ cải củ có trong thành phần một chế phẩm thuốc trợ tim gồm: Thân rễ gừng, rễ các cây sâm rừng, chè rừng, bạch hoa xà, quả tất bát (Piper longum), quả lựu, táo nhân, dịch ép quả bưởi và một số vị khác. Nước ép lá cải củ tươi dùng để lợi tiểu và nhuận tràng. Hạt cải củ có tác dụng lợi tiêu hóa, long đờm, lợi tiểu và gây trung tiện. Nước sắc hạt được uống trong thời kì kinh nguyệt trong khoảng 5 ngày để tránh thụ thai.
Trong y học dân gian Italia, củ cải củ được dùng chữa ho, giảm đầy hơi và kháng khuẩn. Ở Trung Mỹ, nhân dân dùng củ cải củ làm nước lợi tiểu, hạ sốt, làm ra mồ hôi. Trong y học dân gian Indonesia, lá cải củ vò nát với vôi bột và bôi vào vết đứt để cầm máu.
Bên cạnh công dụng làm thuốc, cải củ được làm rau ăn, thường nấu chín, nhưng cũng có khi ăn sống. Ở một số nước, cải củ được ưa thích vì có vị cay và được coi là có tác dụng làm ăn ngon miệng.
Chữa ho nhiều đờm, hen suyễn, khó thở, tức ngực
Bài thuốc “tam tử dưỡng thân thang”: Hạt cải củ (sao) 10g, tô tử (sao) 10g, bạch giới tử (sao) 3g. Tất cả tán nhỏ cho vào túi vải, thêm 500ml nước, sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày (theo đơn thuốc của Diệp Thiện Sĩ).
Chữa đờm suyễn kéo lên, ngực căng thở gấp
Hạt cải củ sao, hạt bồ kết đốt tồn tính, hai vị bằng nhau, tán bột viên với mật ong, uống mỗi lần 4g, ngày uống 2 – 3 lần.
Chữa đờm suyễn và ho lâu ngày
Hạt cải củ sao, hạnh nhân bỏ vỏ sao. Các vị đều bằng nhau, tán nhỏ, làm thành viên bằng hạt đỗ xanh, mỗi lần uống 3 – 5 viên.
Chữa hen suyễn
Hạt cải củ 200g, sâm đại hành 60g, gừng già 50g, cam thảo dây 20g, trần bì 20g.
Hạt cải củ đồ chín, phơi hay sấy khô, sâm đại hành thái mỏng phơi khô; các vị khác tán nhỏ, dùng chất nhớt dây tơ xanh (Cassytha filiformis) luyện và làm thành hoàn 0,30g, sấy khô. Mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần.
Chữa phù thũng
Hạt cải củ 40g, sắc uống.
Chữa ngạt do khói than
Củ hay lá cây cải củ, giã nhỏ vắt lấy nước cốt, đổ vào miệng.
Chữa bỏng
Củ cải củ, giã nát đắp vào trong chỗ bỏng.
Cơ thể hư nhược, thuộc chân khí hư thì không được dùng.
Nguồn Tham Khảo:
1) Dược điển Việt Nam: //duocdienvietnam.com/cai-cu-hat/
2) Tra cứu dược liệu: //tracuuduoclieu.vn/cai-cu.html
3) Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 1)
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.