Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cúc kim tiền: Loài hoa có tác dụng kháng viêm cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Cúc kim tiền là một loài thực vật thuộc họ Cúc, có danh pháp khoa học là Calendula officinalis. Các sản phẩm chiết xuất từ hoa Cúc kim tiền giúp giảm sưng viêm nhẹ ở da, hỗ trợ phục hồi các vết thương nhỏ.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Cúc kim tiền.
Tên khác:
Cúc vạn thọ; Cúc tâm tư; Hoa xu xi.
Tên khoa học:
Calendula officinalis.
Đặc điểm tự nhiên
Cúc kim tiền thuộc cây thảo, sống hàng năm, có chiều cao khoảng 20 – 30cm. Thân Cúc kim tiền khá mềm, phân nhánh. Lá mọc so le, ở gốc lá thuôn dài hơi hẹp, càng về phía trên lá có dạng hình mác, có lông khá mịn ở cả hai mặt lá.
Cụm hoa có màu vàng, hoặc cam, mọc ở phía ngọn thân tạo thành đầu. Hoa đơn hoặc kép, hoa có dạng hình lưỡi xếp thành nhiều vòng ở phía ngoài, lá hoa có dạng hình ống ở giữa. Tràng hoa gồm 5 cánh, 5 nhị, đính quanh nhị là các bao phấn, nhưng đối với hoa hình lưỡi sẽ không có nhị.
Quả bế, cong, ở lưng có lông dày. Mùa hoa quả rơi vào khoảng tháng 6 đến tháng 10.
Phân bố, thu hái, chế biến
Cúc kim tiền có xuất xứ từ vùng Ðịa Trung Hải, mọc hoang ở các vùng Punjab, Sind thuộc Ấn Độ. Tại nước ta hiện nay, cây được trồng làm cảnh khá phổ biến. Cúc kim tiền thuộc loại cây ôn đới, nên chỉ trồng vào vụ đông – xuân có khí hậu ẩm mát tại các tỉnh phía Bắc nước ta và Đà Lạt. Theo nhu cầu để hoa Cúc kim tiền có thể nở suốt mùa hè sang thu thì hạt giống được gieo vào mùa xuân.
Tuy nhiên, đối với các vùng bị đóng băng vào mùa đông thì hạt giống Cúc kim tiền sẽ được gieo vào mùa thu. Hạt giống này phù hợp nảy mầm ở những vùng có khí hậu nắng dịu nhẹ, đất có dinh dưỡng và thoát nước tốt. Cúc kim tiền từ lúc gieo hạt đến khi nở hoa khá nhanh trong vòng khoảng gần hai tháng.
Bộ phận sử dụng
Thân, hoa, lá.
Thành phần hoá học
Cụm hoa Cúc kim tiền chứa carotenoid gồm caroten 30%, tinh dầu 0,02%, chất nhựa 3%, chất nhày 4%, lycopen và các dẫn chất có oxy như violaxanthin citroxanthin, rubixanthin, flavoxanthin, acid salicylic, một chất đắng là calendin và các flavonid gồm các heterosid của isorhamnetol, các triterpen arnidiol, faradiol, taraxasterol, amyrin.
Phần trên mặt đất chứa 6 saponin. Các chất này khi thủy phân cho acid oleanolic và acid glycuronic. Lá và thân chứa các carotenoid khác, chủ yếu là lutein (80%), zeaxanthin (5%) và beta-caroten. Hạt của Cúc kim tiền chứa dầu béo (glycerid của acid lauric và acid palmitic).
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Cúc kim tiền tính bình, vị nhạt. Hoa giúp lương huyết, chỉ huyết, còn rễ giúp hành khí, hoạt huyết.
Cúc kim tiền có giúp mau ra mồ hôi, điều hòa kinh nguyệt, tăng tiết mật, lợi tiểu, trị viêm loét dạ dày, tiêu chảy có lẫn máu.
Theo y học dân gian ở Bungari, Cúc kim tiền được coi là loài thảo dược chữa bách bệnh như cảm cúm, vàng da, các bệnh về tiêu hóa (loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy ra máu, viêm dạ dày, viêm ruột, ung thư dạ dày ruột), các viêm nhiễm (viêm lợi, viêm miệng, viêm áp xe vú, viêm loét âm đạo viêm phổi, viêm họng, viêm tai), các vấn đề về kinh nguyệt (kinh nguyệt không đều, thống kinh, kinh quá nhiều, vô kinh), phình giãn tĩnh mạch, trĩ, u xơ tử cung, các vấn đề về cơ khớp (đau khớp, sai khớp, bong gân, đau cơ).
Theo y học dân gian ở Trung Đông, Ấn Độ, Hy Lạp, La Mã, Cúc kim tiền sử dụng hoa và lá để chữa nhiều bệnh khác nhau. Hoa Cúc kim tiền giúp giảm sưng viêm (viêm da, viêm hạch, viêm vú), diệt khuẩn, làm lành các vết thương ngoài da (bỏng, lở loét, mụn cóc, nhọt loét, vảy nến), mau ra mồ hôi, điều kinh. Còn đối với lá Cúc kim tiền giã nát đắp lên vết thương có vết cắt nông giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, mau phục hồi hơn.
Theo y học hiện đại
Tác dụng kháng viêm từ dầu Calendula
Dầu Calendula còn được ứng dụng trong y học như một chất kháng viêm, kháng u, phục hồi chữa lành vết thương.
Các chế phẩm chiết xuất từ Calendula có đặc tính kháng virus, chống viêm. Trong ngành thảo dược, Calendula ở dạng thuốc cồn giúp điều trị mụn, giảm sưng viêm, kiểm soát chảy máu, giảm bị kích ứng da. Calendula ở dạng thuốc kem hoặc thuốc mỡ giúp điều trị viêm da bức xạ hiệu quả. Lá Cúc kim tiền được chiết xuất làm thuốc nhỏ mắt.
Tác dụng trị đau bụng và táo bón
Cúc kim tiền được dùng làm thuốc trị đau bụng và táo bón. Trong thí nghiệm với động vật, chiết xuất dung dịch nước-ethanol của hoa Cúc kim tiền được chứng minh giúp chống co thắt hỗng tràng ở thỏ.
Tác động đến khối u
Chiết xuất từ dung dịch nước của Cúc kim tiền đã chứng minh nó giúp kháng u (gây độc tế bào), điều hòa miễn dịch (kích hoạt tế bào lympho), đồng thời giúp chống khối u ở chuột.
Liều dùng & cách dùng
Cúc kim tiền được dùng ngoài da để điều trị eczema, mẩn ngứa, bỏng, mụn trứng cá, mụn cóc, côn trùng đốt, chữa lành các vết thương thâm tím, đụng dập, vết thương lâu lành, lở loét ngoài da. Khi dùng ngoài da thì bất kể liều lượng nào.
Ngoài ra, Cúc kim tiền còn được dùng để sắc uống hoặc hãm uống với liều lượng từ 5 – 10g đến 30 – 40g.
Bài thuốc kinh nghiệm
Trị cảm sốt, ra mồ hôi, lợi tiểu
Hãm khoảng 30 – 40g hoa Cúc kim tiền với 1 lít nước sôi trong 10 – 15 phút, có thể uống thay trà trong ngày giúp trị cảm sốt, ra mồ hôi, lợi tiểu.
Trị vết thương, lở loét, mẩn ngứa
Cúc kim tiền đem thái nhỏ, ngâm trong cồn 70° với tỷ lệ 1:10. Sau 10 ngày, đem lọc lấy dịch. Mỗi ngày dùng khoảng 2 – 3 lần, mỗi lần dùng khoảng 25 giọt đem hòa vào 150ml nước đun sôi để nguội.
Hoa Cúc kim tiền đem nấu thành cao. Sau đó chế thuốc mỡ với thành phần gồm 5g cao, lanolin 10g, bột kẽm oxyd 40g, vaseline vừa đủ 100g. Bôi lên da chỗ vùng bị thương ngày 2 lần.
Hoa Cúc kim tiền, sắc lấy nước, rửa nhiều lần.
Trị mụn cơm trứng cá
Lá Cúc kim tiền đem giã nát hoặc có thể ép lấy dịch bôi ngoài da giúp chữa mụn cơm trứng cá.
Lưu ý
Cây Cúc kim tiền có thể gây các phản ứng dị ứng cho người sử dụng. Vì vậy, đối với các đối tượng quá mẫn với cây thuộc họ Cúc và phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng.
Nguồn Tham Khảo:
Tracuuduoclieu.vn: https://tracuuduoclieu.vn/calendula-officinalis-l.html; https://tracuuduoclieu.vn/cuc-kim-tien.html
Wikipedia.org: https://en.wikipedia.org/wiki/Calendula_officinalis
Sciencedirect.com: https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/calendula-officinalis
Ema.europa.eu: https://www.ema.europa.eu/en/medicines/herbal/calendulae-flos
Hình 1: https://songnguhoathaotra.com/wp-content/uploads/2018/08/hoa-c%C3%BAc-kim-ti%E1%BB%81n-2-1-e1535729809376.jpg
Hình 2: https://caythuoc.org/wp-content/uploads/2021/04/hoa-cuc-kim-tien-phoi-kho.jpg
Hình 3: https://m.media-amazon.com/images/I/91e+I69p6wL._SL1500_.jpg
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.