Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cam hương cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Cam hương là một loại thảo dược có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới ở châu Á. Tinh dầu vỏ và nước ép cam hương được sử dụng trong liệu pháp hương thơm, chất tạo mùi thực phẩm và mỹ phẩm hoặc hỗ trợ điều trị rối loạn nhận thức, rối loạn lipid máu…
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Cam hương.
Tên khác: Aceite de Bergamota, Bergamot, Bergamot Orange, Bergamota, Bergamotier, Bergamoto, Bergamotte, Bergamotto Bigarade Orange, Citrus Bergamia, Huile de Bergamote, Oleum Bergamotte.
Tên khoa học: Citrus aurantium var. bergamiahoặc Citrus bergamia, là một loài lai giữa cây cam đắng và chanh tây (hoặc Citron), thuộc họ Cam (Rutaceace).
Đặc điểm tự nhiên
Cam hương là loài cây thường xanh, cao khoảng 10 – 16 ft (khoảng 3 – 5m). Cây có hoa màu trắng hình ngôi sao; quả tròn, màu vàng; lá lớn, màu xanh đậm, hình bầu dục giống như lá chanh.
Không nên nhầm lẫn Cam hương – C. bergamia với cam bergamot đỏ tươi (Monarda didyma L.) hoặc cam bergamot dại (Monarda fistulosa L.), thuộc họ bạc hà. Vỏ của trái, gần chín là nguồn cung cấp dầu Cam hương, bao gồm các phần dễ bay hơi (93% đến 96%) và không bay hơi (4% đến 7%).
Phân bố, thu hái, chế biến
Cam hương là một loại cây nhỏ có nguồn gốc từ châu Á, được trồng rộng rãi ở Reggio Calabria, một thành phố ven biển ở miền nam nước Ý, và quy mô nhỏ hơn ở Bờ Biển Ngà, Argentina và Brazil.
Ở Việt Nam chưa có loài này.
Thu hái: Chưa có thông tin.
Chế biến: Ép dầu từ vỏ cam hương bằng phương pháp ép lạnh, chưng cất phân đoạn để tinh chế.
Bộ phận sử dụng
Tinh dầu từ vỏ quả và nước ép thịt quả.
Thành phần hoá học
Dầu cam hương là một hỗn hợp phức tạp của hơn 300 hợp chất. Các hợp chất phổ biến nhất là linalyl axetat (31%), linalool (11%) và limonene (36%).
Chất lượng của dầu được xác định theo hàm lượng các hợp chất oxy hóa (tức là linalool, linalyl axetat). Furocoumarins bao gồm bergapten (khoảng 0,4% 5-methoxypsoralen [5-MOP]), bergamottin (5-geranyloxypsoralen), citropten (5,7-dimethoxycoumarin).
Dầu cam hương đã tinh chế nhằm giảm nồng độ tecpen và không có coumarin. Chỉ có 2 flavonoid là sinensetin và tetra-O-methylscutellarein được phát hiện trong thành phần dầu.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Dầu cam hương được sử dụng làm hương liệu trong nước hoa và mỹ phẩm. Dầu còn được sử dụng để tạo hương vị cho trà Earl Grey và halva, một loại bánh kẹo làm từ bột vừng của Trung Đông.
Trong y học cổ truyền tại Ý, dầu cam hương đã được sử dụng để điều trị sốt; bệnh ký sinh trùng; nhiễm trùng miệng, da, đường hô hấp và đường tiết niệu, và nhiễm trùng do lậu cầu; huyết trắng; ngứa âm đạo; viêm amiđan; và đau họng.
Nước ép cam hương có vị đắng, thường được dùng làm rượu mùi và điều trị bệnh sốt rét theo kinh nghiệm dân gian.
Theo y học hiện đại
Tác dụng kháng nấm và kháng khuẩn
Nồng độ dầu cam hương 0,5 – 1% ức chế sự tăng trưởng của loài Fusarium sản sinh độc tố như Fusarium sporotrichioides, Fusarium graminearum và Fusarium langsethiae, gây ô nhiễm ngũ cốc. Ở nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) là 0,3% (tt/tt), dầu cam hương cho thấy tác dụng kháng nấm Candida albicans trong nguyên bào sợi của chuột.
Tác dụng chống Helicobacter pylori của nước ép cam hương đã được chứng minh trên các chủng phân lập lâm sàng.
Tác dụng chống ung thư
Tác dụng chống tăng sinh tế bào của dầu và nước ép cam hương đã được nghiên cứu in vitro bằng cách sử dụng các dòng tế bào ung thư ở người.
Tác dụng đối với tim mạch
Dầu cam hương làm giãn cơ trơn động mạch, có thể thông qua việc kích hoạt các kênh ion kali và/ hoặc ức chế dòng ion canxi, dẫn đến hạ huyết áp và giảm nhịp tim.
Tác dụng chống oxy hoá
Tác dụng chống oxy hóa của các flavonoid trong nước ép thông qua cơ chế: Giảm hoạt hoá phản ứng oxy hoá và peroxy hóa lipid màng, cải thiện chức năng của ty thể và ngăn ngừa tổn thương do oxy hóa DNA.
Tác dụng trên lipid máu
Các hoạt chất trong nước ép cam hương làm tăng cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C) và giảm cholesterol toàn phần, cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C) và triglyceride. Sử dụng nước ép trong quá trình điều trị bằng rosuvastatin (10 mg) đã được chứng minh làm tăng hiệu quả của thuốc.
Tác dụng đối với thần kinh trung ương
Trong các nghiên cứu về sử dụng tinh dầu cam hương để giảm các triệu chứng căng thẳng, người lớn khỏe mạnh sử dụng dung dịch 10% hỗn hợp tinh dầu hoa oải hương và cam hương để xoa bóp, cho biết họ cảm thấy bình tĩnh và thư giãn hơn. Cơ chế có thể là do dầu kích thích não tiết ra serotonin. Tác dụng hiệp đồng của hỗn hợp dầu oải hương và cam hương cho thấy lợi ích trong việc điều trị trầm cảm và lo lắng.
Sử dụng liệu pháp hương thơm bằng dầu cam hương pha loãng nồng độ 2% trong tối thiểu 15 phút giúp thư giãn, giảm bớt các triệu chứng căng thẳng về thể chất và tâm lý.
Tác dụng chống viêm và chống oxy hoá của các chất trong nước ép cũng ảnh hưởng tích cực đối với thần kinh trung ương.
Liều dùng & cách dùng
Hỗ trợ điều trị rối loạn khả năng nhận thức: 500 mg chiết xuất các polyphenolic từ cam hương x 2 lần/ngày trong 8 tuần cho bệnh nhân đang điều trị tâm thần phân liệt.
Điều trị rối loạn lipid máu: 150 mg/ngày flavonoid chiết từ cam hương trong 6 tháng cho bệnh nhân bị tăng cholesterol máu mức độ trung bình.
Dầu massage da: Pha một thìa dầu nền (như dầu thực vật hoặc dầu hạt) với ba giọt tinh dầu cam hương.
Bài thuốc kinh nghiệm
Ở Việt Nam, cam hương chưa được trồng trong môi trường tự nhiên và chỉ mới được nhập về trong những năm gần đây dưới dạng tinh dầu, vì vậy chưa có bài thuốc nào sử dụng dược liệu này.
Lưu ý
Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng cam hương:
-
Không dùng cam hương cho phụ nữ có thai.
-
Cam hương có thể tương tác với các thuốc khác khi sử dụng đồng thời (với cơ chế tương tự bưởi chùm).
-
Một số người gặp phải các tác dụng phụ như chóng mặt, chuột rút cơ và ợ chua khi họ dùng cam hương với thức ăn.
-
Cam hương có thể khiến lượng đường trong máu của bạn giảm xuống. Nếu bị đái tháo đường, lượng đường trong máu có thể giảm đến mức nguy hiểm. Vì vậy, cần thường xuyên theo dõi bệnh nhân đái tháo đường dùng các sản phẩm từ cam hương.
-
Đã có báo cáo về tác dụng phụ nghiêm trọng hơn ở trẻ em khi dùng cam hương, bao gồm co giật và tử vong, đặc biệt với tinh dầu nồng độ cao.
-
Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Dầu cam hương dùng ngoài có thể làm da nhạy cảm hơn với ánh nắng, vì vậy có thể không an toàn cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.
-
Phải pha loãng dầu cam hương trước khi thoa lên da. Đặc biệt thận trọng khi đang dùng thuốc có thể khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như amitriptyline, ciprofloxacin hoặc tetracycline.
Nguồn Tham Khảo:
1. https://www.drugs.com/npp/bergamot-juice.html
2. https://www.drugs.com/npp/bergamot-oil.html
3. https://www.webmd.com/diet/health-benefits-bergamot
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.