Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Bòng bong: Loại cây có nhiều công dụng chữa bệnh cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Bòng bong có tên khoa học Lygodium flexuosum (L.) Sw. là một loài dương xỉ có thể tìm gặp ở hầu hết các tỉnh vùng trung du, miền núi, đôi khi thấy cả ở vùng đồng bằng nước ta. Bòng bong thuộc họ Lygodiaceae và được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh lý như vàng da, đau bụng kinh, chữa lành vết thương và bệnh chàm. Bòng bong là nguồn giàu các hợp chất hoá học có công dụng như alkaloid, flavonoid, saponin và cumarin.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Bòng bong.
Tên khác: Thòng bong, Thạch vĩ đằng, dương vong, thạch vĩ dây, hải kim sa (Trung Quốc).
Tên khoa học:Lygodium flexuosum (L.) Sw.. Thuộc họ Bòng bong (Lygodiaceae).
Đặc điểm tự nhiên
Cây bòng bong luôn xanh, mọc leo. Thân mảnh, cứng, màu nâu nhạt, phân nhiều nhánh, quấn chằng chịt vào nhau (rối như mớ bòng bong). Lá dài, mọc đối, xẻ 2 – 3 lần, hình lông chim, lá chét mọc cách xa nhau ở gần cuống và sít nhau ở ngọn, những lá chét gần cuống hình tam giác nhọn lại chia 2 – 3 đôi lá chét nhỏ hơn và tận cùng bằng một lá chét hình mác, lá chét nhỏ mọc so le, đôi khi còn chia nữa.
Lá chét sinh sản mang túi bào tử ở mép trông như những răng cưa nhọn. Túi màu nâu dài 2 – 8mm trong chứa nhiều bào tử hình 4 mặt, màu trắng xám hay vàng nhạt.
Mùa sinh sản: Tháng 3 đến tháng 7.
Phân bố, thu hái, chế biến
Lygodium Sw. bao gồm một số loài dây leo, là những dạng sống tương đối đặc biệt trong nhóm Quyết thực vật (Polypodiophyta). Ở Việt Nam, chi này có 3 loài được dùng làm thuốc, trong đó có cây bòng bong.
Bòng Bong là loài phân bố phổ biến ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới. Ở Châu Á, bòng bong phân bố ở Trung Quốc, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam. Châu Á nhiệt đới như Tiểu lục địa Ấn Độ (Ấn Độ, Sri Lanka), Đông Dương (Indonesia, Thái Lan), Malaysia (Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea, Philippines). Tại Úc, bòng bong có ở Lãnh thổ phía Bắc, Queensland và Tây Úc.
Ở Việt Nam, bòng bong có thể gặp ở hầu hết các tỉnh vùng trung du, miền núi, đôi khi thấy cả ở vùng đồng bằng. Cây ưa sáng, thường mọc tập trung trên các đồi cây bụi, trảng sau nương rẫy và ven rừng. Bòng bong sinh sản bằng các bào tử. Phần thân rễ nằm sát mặt đất có khả năng đẻ nhánh khoẻ. Cây sinh trưởng, phát triển nhanh, ảnh hưởng mạnh tới các cây trồng trên nương rẫy.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận sử dụng được của bòng bong là dây mang lá, thu hái quanh năm, thái nhỏ dùng tươi hoặc phơi khô.
Thành phần hoá học
Bòng bong chứa một nguồn alkaloid phong phú, ngoài ra nó cũng chứa flavanoid, saponin và cumarin. Một este triterpene mới, anthraquinone đã được tìm thấy trong loại cây này. Lygodinolide được phân lập từ chiết xuất metanol của cây bòng bong. Nó đã được phát hiện có chứa một hợp chất mới được mô tả là O-P-coumaryl dryocrassol, bên cạnh drycrassol chính nó, tectoquinone, kaempferol, kaempferol-3-β-D-glucoside, β-sitosterol và stirysterol.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Theo Đông y, bòng bong có vị hơi ngọt, tính mát, vào các kinh Tiểu trường, Bàng quang, có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, thanh nhiệt, tiêu viêm, giải độc.
Trong dân gian, toàn cây bòng bong được dùng làm thuốc thông tiểu tiện, chữa đái nhắt, đái buốt đau, đái ra máu, ra cát sạn. Còn dùng làm thuốc lợi sữa, chữa táo bón, chấn thương ứ máu sưng đau (uống và bó ngoài).
Theo y học hiện đại
Kháng khuẩn
Dịch chiết từ lá cây bòng bong có hoạt tính kháng khuẩn tốt nhất chống lại 7 chủng vi khuẩn đa kháng thuốc phân lập, so với chiết xuất bằng các dung môi khác. Giá trị vùng ức chế chống lại Staphylococcus aureus kháng methicillin và Proteus mirabilis là cao nhất, 29mm. Các vùng ức chế chống lại Enterococcus faecalis kháng vancomycin và Pseudomonas aeruginosa là 25mm, trong khi đó là 23mm đối với Enterobacter aerogenes và Escherichia coli.
Kích thước vùng ức chế nhỏ nhất là 19mm được ghi nhận đối với Klebsiella pneumoniae. Giá trị nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) và nồng độ diệt khuẩn tối thiểu (MBC) của dịch chiết từ lá cây bòng bong với nước, cloroform, metanol và petroleum ether đã được ghi lại.
Đối với dịch chiết nước, giá trị MIC 1.562mg/mL đối với Staphylococcus aureuskháng methicillin và Proteus mirabilis, nhưng giá trị 3.25mg/mL đối với Enterococcus faecalis kháng vancomycin, Enterobacter aerogenes và Pseudomonas aeruginosa, trong khi giá trị 12.5mg/mL đối với Klebsiella pneumoniae. Giá trị MBC là thấp nhất với chiết xuất chloroform, với phạm vi 12.5 đối với 6 vi khuẩn, ngoại trừ Pseudomonas aeruginosa, giá trị 25mg/mL được ghi là MBC.
Bảo vệ gan
Chuột được tạo mô hình tổn thương gan do carbon tetrachloride, sau đó nuôi bằng chiết xuất bòng bòng cho thấy khả năng bảo vệ gan đáng kể được chứng minh bằng các mức AST, ALT, LDH và MDA. Nghiên cứu hóa thực vật đã ghi nhận các chất saponin, triterpenes, sterol và bitter principles có thể giải thích các tác dụng bảo vệ gan có thể có. Nồng độ glutathione trong gan tăng lên đáng kể khi điều trị bằng chiết xuất ở cả hai nhóm thử nghiệm.
Những thay đổi mô bệnh học do CCl4 gây ra cũng giảm đáng kể khi sử dụng chiết xuất bòng bong. Điều trị bằng chiết xuất n-hexane làm giảm nồng độ mRNA của các cytokine tiền viêm, yếu tố tăng trưởng và các phân tử tín hiệu khác có liên quan đến xơ hóa gan. Mức độ biểu hiện của yếu tố hoại tử khối u, interleukin, yếu tố tăng trưởng biến đổi, Procollagen-I, Procollagen-III và chất ức chế mô metallicoproteinase-I đã tăng lên trong quá trình sử dụng CCl4 và giảm mức độ xuống mức bình thường bằng cách điều trị bằng chiết xuất bòng bong.
Tổn thương gan do D-galactosamine gây ra cho thấy sự bảo vệ gan hoàn toàn được chứng minh bằng nồng độ AST, ALT và LDH bình thường, nồng độ GSH và MDA ở gan cũng như chỉ số mô học bình thường ở gan của chuột được điều trị. Chuột được điều trị trước bằng bòng bong giúp ngăn ngừa sự gia tăng nồng độ AST, ALT, LDH trong huyết thanh và peroxit lipid gan ở chuột được gây bệnh bằng CCl4 cho thấy nó có tác dụng bảo vệ gan.
Chống ung thư
Chiết xuất từ bòng bong có hoạt tính chống tăng sinh và chết theo chương trình trong tế bào ung thư và có vai trò ức chế TNF-α gây ra sự kích hoạt NF-α B trong các tế bào PLC/PRF/5, chứng tỏ rằng bòng bong có tiềm năng là một loại thuốc có tác dụng chống ung thư.
Chiết xuất từ bòng bong đã ức chế khả năng sống sót của tế bào và gây ra hiện tượng chết theo chương trình trong tế bào ung thư gan theo cách phụ thuộc vào nồng độ được chứng minh bằng những thay đổi theo chương trình như sự thay đổi của phosphatidly serine, sự phân cắt PARP. Phân tích chu kỳ tế bào cho thấy quần thể apoptotic phụ G1 trong các tế bào được xử lý với nồng độ chiết xuất cao hơn.
Khi được kích hoạt bằng TNF-α ngoại sinh trong các tế bào ung thư gan được chuyển hóa, người ta quan sát thấy rằng biểu hiện gen phụ thuộc NF-κB bị ức chế khi điều trị bằng chiết xuất từ bòng bong trong tế bào PCL/PRF/5 phụ thuộc vào liều lượng.
Chống sinh sản
Chiết xuất cồn từ cây bòng bong được người dân bộ lạc ở Maharashtra sử dụng cho thấy tác dụng chống sinh sản ở chuột và thỏ.
Liều dùng & cách dùng
Liều dùng uống: Mỗi ngày 12 – 30g dưới dạng thuốc sắc.
Dùng ngoài không kể liều lượng, giã nát đắp các vết thương, vết loét, ecpet loang vòng.
Trong y học dân gian Ấn Độ, cây bòng bong là thuốc uống để long đờm. Rễ tươi được dùng ngoài chữa thấp khớp, bong gân, ghẻ, eczema, và vết thương do bị cắt đứt, đặc biệt để chữa nhọt độc. Sắc liều lá cây dùng trong một ngày với hai lít nước trong nửa giờ, và uống nước sắc chia 3 – 4 lần trong ngày làm thuốc long đờm. Rễ tươi giã nhỏ làm thành bột nhão dùng đắp ngoài để điều trị thấp khớp.
Trong y học dân gian Nepal, cây bòng bong được đốt cháy, tán bột, trộn với nước và dùng bôi để điều trị ecpet.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa đái rắt, đái nhớt, đau buốt
Bòng bong 30g, hoạt thạch 30g, ngọn cành cam thảo 9g. Đem tán bột, mỗi lần uống 6g. Lấy mạch môn sắc lấy nước uống cùng với bột trên.
Chữa viêm tuyến vú
Lấy 1 phần rượu với 1 phần nước, sắc với 20g bòng bong, uống.
Chữa bỏng
Bòng bong sao tồn tính, tán bột, trộn với dầu vừng (dầu mè) bôi lên chỗ bị bỏng.
Chữa mụn sởi lở loét
Bòng bong tươi lượng vừa đủ. Rửa sạch, giã nát, đắp chỗ đau, ngày 2 lần.
Chữa vết thương phần mềm
Lá bòng bong, lá mỏ quạ tươi, lá hàn the lượng bằng nhau, giã nát, đắp lên vết thương đã được rửa sạch với nước sắc lá trầu không có thêm phèn phi. Mỗi ngày thay thuốc một lần, sau 3 – 5 ngày thấy đỡ thì thay thuốc 2 ngày một lần.
Chữa chín mé, quai bị
Lá bòng bong, giã nát, đem chưng với giấm, đắp.
Làm tiêu tan sỏi niệu
Bòng bong 40g, kim tiền thảo 40 – 80g, ý dĩ 20 – 40g, hoạt thạch 20 – 40g, miết giáp 12 – 40g, thương truật 12 – 20g, hạ khô thảo 12 – 20g, bạch chỉ 12 – 20g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
Lưu ý
Một số lưu ý khi sử dụng bòng bong:
- Người thể âm hư, không bị thấp không được uống.
- Tránh nhầm lẫn bòng bong với một số loài khác như Lygodium japonicum (Thunb.) Sw. cũng được gọi là hải kim sa, scandens Sw. (bòng bong lá nhỏ), L. conforme C. Chr. (bòng bong lá to).
- Bảo quản vị thuốc bòng bong nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nát vụn.
- Bạn không nên tự ý sử dụng bòng bong để chữa bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nguồn Tham Khảo:
- Yadav E, Mani M, Chandra P, et al. A review on therapeutic potential of Lygodium flexuosum Linn. Pharmacogn Rev. 2012;6(12):107-14. doi:10.4103/0973-7847.99944.
- Nayak N, Rath S, Mishra MP, et al. Antibacterial activity of the terrestrial fern Lygodium flexuosum (L.) Sw. against multidrug resistant enteric- and uro-pathogenic bacteria. Journal of Acute Disease. 2013;2(4):270-276. doi:https://doi.org/10.1016/S2221-6189(13)60142-0.
- Wills PJ, Asha VV. Protective effect of Lygodium flexuosum (L.) Sw. extract against carbon tetrachloride-induced acute liver injury in rats. Journal of Ethnopharmacology. 2006;108(3):320-326. doi:https://doi.org/10.1016/j.jep.2006.05.032.
- Đỗ Huy Bích; Đặng Quang Chung. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập I. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội; 2006.
- Đỗ Tất Lợi. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học. Hà Nội; 2006.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.