Tên Tiếng Việt: Cây chỉ thiên.
Tên khác: Cây thổi lửa, Cỏ lưỡi mèo, Khổ địa đảm, Chân voi nhám, Tiền hồ nam, Co tát nai (Thái), Nhả đản (Tày), R’nếp lạy (Kho).
Tên khoa học: Elephantopus scaber L., họ Cúc (Asteraceae).
Cây chỉ thiên có thể bị nhầm lẫn với cây chỉ thiên dại (Elephantopus spicatus Aubl.) có cùng họ nhưng lá hẹp hơn và cụm hoa ở dạng bông.
Cây chỉ thiên là một loại cây nhỏ, thân thảo, cao khoảng từ 20 đến 50cm. Thân cây có dạng hình trụ, cứng và bề mặt có lớp lông thô. Khi cây có hoa, thân cây sẽ phân nhiều nhánh.
Cây chỉ thiên có lá mọc từ gốc cây hình mác, cụm hoa mọc thành hình giống hoa thị. Chiều dài của lá khoảng từ 6 đến 12cm và chiều rộng từ 3 đến 5cm. Phiến lá có hình dạng uốn lượn và men theo cuống, ôm sát vào thân cây. Đầu lá của cây là đầu tù. Cả hai mặt lá đều có lớp lông trắng, đặc biệt là ở các gân lá. Lá phía trên của cây nhỏ hơn dần.
Cụm hoa của cây chỉ thiên mọc thành xim hoặc ngù và chứa nhiều đầu già. Mỗi đầu hoa có 4 bông hoa màu tím hoặc tím hồng. Tràng hoa có hình ống với 5 thùy. Mào lông của hoa gồm 5 – 6 sợi và bao phấn có hình tai.
Quả của cây chỉ thiên có hình thoi và có 10 cạnh lồi.
Cây chỉ thiên thường có mùa hoa quả từ tháng 1 đến tháng 8.
Chỉ thiên là một loại cây thích ánh sáng và có khả năng chịu hạn tốt. Thường được thấy mọc thành đám hoặc xen kẽ với các loại cỏ khác. Cây chỉ thiên thích hợp cho vùng đồi, các ruộng nương hoặc bãi hoang, cũng như ở các bờ ruộng cao. Chúng có khả năng sinh tồn trên nhiều loại đất khác nhau.
Cây chỉ thiên phát triển từ hạt vào cuối mùa Xuân. Chúng có tốc độ sinh trưởng nhanh trong mùa mưa ẩm. Sau khi hoa kết quả, cây chỉ thiên thường tàn lụi vào giữa mùa Thu. Tuy nhiên, đôi khi có những cây chỉ thiên mọc trên đất ẩm, và phần gốc của chúng có thể tồn tại qua mùa Đông để mọc lại vào mùa Xuân của năm sau.
Chỉ thiên thường được coi là loại cỏ dại, có khả năng phát tán nhanh và lan rộng, ảnh hưởng đến cây trồng khác trong khu vực.
Phân bố: Cây chỉ thiên có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi, từ vùng núi cao khoảng 1500m trở xuống đến các khu vực trung du, đồng bằng và cả trên các đảo. Ngoài ra, loại cây này cũng được phân bố rộng rãi trên toàn thế giới, xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trong vùng có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Thu hái: Thu hoạch quanh năm, nhất là vào lúc đang nở hoa, phơi khô.
Chế biến: Dùng tươi hoặc phơi khô đều được.
Toàn bộ cây chỉ thiên đều được sử dụng làm thuốc.
Cây chỉ thiên chứa nhiều hợp chất đặc biệt như elephantine, elephantopin, deoxyelephantopin, isodeoxyelephantopin, 11 – 13 dihydrodeoxyelephantopin, lupeol acetat, epifriedelinol và dotriacontan – 1 – ol. Đài hoa của cây chứa luteolin – 7 – glucosid.
Đáng chú ý, chất elephantin với liều 100mg/kg có khả năng ức chế tế bào sarcom 256 trên chuột cống. Ngoài ra, chất deoxyelephantopin với liều 2,5mg/kg cũng có hiệu quả đáng kể trong việc ức chế tế bào u báng trên chuột cống trắng.
Tính vị, quy kinh
Chỉ thiên có vị đắng, tính mát.
Quy vào 2 kinh Phế và Tỳ.
Công năng, chủ trị
Thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, thông tiểu, tiêu thũng.
Chủ trị: Cảm mạo, sốt cao, ho, sưng họng, chảy máu cam, nôn ra máu, viêm thận cấp, phù thũng, viêm gan do virus, tiểu tiện khó khăn, khí hư bạch đới, mụn nhọt lở ngứa, rắn cắn.
Tác dụng chống ung thư
Tác giả Huang và cộng sự năm 2010 đã báo cáo deoxyelephantopin lây từ cây chỉ thiên giúp ức chế đáng kể sự hình thành khuẩn lạc, tăng sinh tế bào, di chuyển và xâm lấn của khối u và quá trình chết theo chương trình. Điều trị trước bằng deoxyelephantopin có hiệu quả hơn paclitaxel, trong việc ức chế sự phát triển của khối u và sự di căn phổi của các tế bào, thời gian sống sót trung bình kéo dài ở chuột.
Nghiên cứu của Bai và cộng sự năm 2020 báo cáo scabertopinolide G được phân lập từ câu chỉ thiên có thể gây chết tế bào ung thư thông qua cảm ứng quá trình apoptosis trên ba dòng tế bào ung thư ở người là HepG2, Hep3B (dòng tế bào ung thư biểu mô tế bào gan ở người) và MCF-7 (dòng tế bào ung thư biểu mô tuyến vú ở người).
Một nghiên cứu khác của Gao và cộng sự năm 2022 cũng báo cáo rằng Scabertopin phân lập từ cây chỉ thiên gây hoại tử tế bào ung thư, ức chế khả năng di chuyển và xâm lấn của tế bào ung thư bàng quang.
Tác dụng chống viêm
Nghiên cứu năm 2024 của Wang và cộng sự cho thấy khi sử dụng liều thấp polysaccharide được phân lập từ cây chỉ thiên làm giảm đáng kể nồng độ cytokine (TNF-α, IL-1β, IL-6) và lipopolysaccharide, phục hồi thành phần hệ vi sinh vật đường ruột, làm giảm đáng kể nồng độ axit valeric và axit glutamic trên chuột bị stress do nhiệt.
Một nghiên cứu năm 2017 của Chan và cộng sự đánh giá tác dụng chống viêm thần kinh của cây chỉ thiên cho kết quả rằng hợp chất ethyl acetate phân lập từ lá của cây chỉ thiên được chứng minh là có hoạt tính chống oxy hóa, giảm đáng kể sản xuất NO, iNOS, COX-2, PGE 2 , IL-1β và TNF-α trên mô hình in vivo.
Tác dụng chống hen suyễn
Nghiên cứu của Sagar và cộng sự (2012) cho thấy chiết xuất ethanol của lá chỉ thiên chứa các chất steroid, saponin, flavonoid và các hợp chất phenolic làm giảm đáng kể tình trạng co thắt phế quản do histamin, acetylcholine và sự thoái hóa tế bào mast, làm giảm sự co thắt do histamin gây ra trên khí quản chuột.
Tác dụng trên bệnh đái tháo đường
Nghiên cứu của Daisy và cộng sự năm 2009 chứng minh được hợp chất axeton của cây chỉ thiên làm giảm đáng kể lượng đường trong máu bằng cách giảm mức đường huyết tăng cao và phục hồi nồng độ insulin ở chuột mắc bệnh đái tháo đường do streptozotocin gây ra.
Chỉ thiên được dùng mỗi ngày 16 – 20g dưới dạng cây khô hoặc thuốc sắc. Hoặc 50g cây tươi sao vàng, sắc uống làm chia thành 2 lần sử dụng trong ngày. Hoặc có thể giã nát để dùng ngoài, đắp lên mụn nhọt.
Chữa cảm sốt thể phong nhiệt (sốt cao, đau đầu, hơi sợ gió, tự ra mồ hôi, chảy nước mũi đặc, khát nước, nước tiểu vàng, mạch nhanh, rêu lưỡi vàng mỏng)
Chỉ thiên 40g, Cam thảo đất 20g, Lá cối xay 40g, Bạc hà 20g, 3 lát gừng. Tất cả sử dụng dược liệu tươi, cho vào sắc chung.
Chữa cảm nắng, sốt đơn thuần (sốt, ưa mát, đau đầu, không sợ lạnh, có ra mồ hôi, khát nước, nôn ọe)
Chỉ thiên 30g, Sắn dây 30g, Rau má 30g, Lá chanh 30g, Cam thảo đất 30g. Nếu bạn muốn tăng hiệu quả ra mồ hôi, có thể thêm một nắm lá tre. Sắc các nguyên liệu trong nước và để nguội trước khi uống.
Chữa ho do viêm amidan cấp hoặc viêm họng đỏ
Chuẩn bị 50g Chỉ thiên tươi. Sắc nước và sử dụng trong liên tục 3 ngày. Mỗi ngày uống 1 thang.
Chữa ho
Chỉ thiên một nắm, Cải trời một nắm, Lá bồ bồ một nắm, Cam thảo đất một nắm, Lá bưởi một nắm, Cây ớt một nắm, Rễ tranh một nắm, Đậu xanh một nắm, Húng cây một cây, Vỏ quýt một cái, Chanh quả một quả lùi và Gừng sống 3 lát. Sắc nước và chia thành 2 lần sử dụng trong ngày. Uống khi còn nóng, và khoảng cách giữa hai lần uống là 6 giờ.
Chữa hen suyễn (thuốc xông để hạ cơn)
Lá chỉ thiên 100g, Lá ngải cứu 50g, hoa hoặc lá cà độc dược 100g, diêm tiêu 50g, bông tranh 20g. Phơi khô các vị thuốc sau đó giã nát rồi trộn chung. Dùng giấy bản cuộn lại thành điếu và sấy khô. Khi bạn sắp lên cơn hen, hãy dùng một điếu đốt cháy đến khi ra khói, lấy khăn mặt ướt che mặt hít khói này, cơn hen sẽ chặn được hoặc nếu có lên cơn thì cũng nhẹ.
Chữa suyễn cấp tính
Chỉ thiên 50g, Bạc hà 30g, 1 cục to phèn chua bằng ngón tay cái. Cho tất cả vào nước sắc chung, đun sôi trong khoảng 15 phút. Chia nước sắc thành 3 lần uống trong ngày. Nếu có tác dụng thì uống tiếp thêm 4 đến 5 ngày nữa hoặc hơn, mỗi ngày uống 1 thang.
Chữa viêm phế quản cấp thể phong hàn (giai đoạn đầu của viêm phế quản cấp)
Rễ chỉ thiên 8g, Tía tô 12g, Kinh giới 10g, Lá hẹ 10g, Bạch chỉ 8g, Trần bì 6g, Xuyên khung 6g. Sắc chung uống ngày 1 thang.
Chữa viêm phế quản cấp thể phong nhiệt (viêm phế quản cấp và đợt cấp của viêm phế quản mạn)
Rễ chỉ thiên 8g, Rễ cây dâu 12g, Lá dâu 16g, Rau má 12g, Bạc hà 8g, Rễ cây chanh 8g, Lá hẹ 8g, Cúc hoa 8g, Bán hạ chế 6g, Xạ can 4g. Sắc chung với nhau.
Chữa môi lở sưng đau
Lá chỉ thiên rửa sạch cho thêm một ít muối, đem đi giã nhỏ vắt lấy nước. Đem bôi hoặc đắp.
Chữa rắn cắn
Chỉ thiên tươi mang giã nát, lấy nước uống, bã mang đắp lên vết cắn, phối hợp với lá bồ cu vẽ, lá ớt.
Chữa đinh râu, nhọt độc
Lá tươi giã chung với mẻ và giấm, mang đắp lên vết thương.
Ngoài những lợi ích sức khỏe, việc sử dụng cây chỉ thiên cũng có những chống chỉ định và tác dụng phụ cần lưu ý. Dưới đây là một số vấn đề mà người bệnh cần chú ý khi sử dụng chỉ thiên trong điều trị:
Nguồn Tham Khảo:
- Viện dược liệu. Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.
- Scabertopin Derived from Elephantopus scaber L. Mediates Necroptosis by Inducing Reactive Oxygen Species Production in Bladder Cancer In Vitro: //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/36497458/
- Anti-neuroinflammatory Activity of Elephantopus scaber L. via Activation of Nrf2/HO-1 Signaling and Inhibition of p38 MAPK Pathway in LPS-Induced Microglia BV-2 Cells: //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28680404/
- A novel steroid from Elephantopus scaber L. an ethnomedicinal plant with antidiabetic activity: //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18693100/
- Evaluation of antiasthmatic activity of ethanolic extract of Elephantopus scaber L. leaves: //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22701255/
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.