Tên Tiếng Việt: Nhãn lồng.
Tên khác: Cây lạc tiên, Lồng đèn, Hồng tiên, Long châu quả, Tây phiên liên, Chùm bao, Mắc mát…
Tên khoa học: Passiflora foetida L., Họ Lạc tiên (Passifloraceae).
Tên dược liệu:Herba Passiflorae foetidae.
Nhãn lồng là cây thân leo, mềm, tròn, bên trong rỗng và được phủ bởi lông mềm thưa. Cây có các tua cuốn quấn quanh và thường mọc ra từ kẽ lá.
Lá của cây nhãn lồng mọc so le và đơn lẻ. Chúng có chiều dài khoảng 6 – 8cm và rộng khoảng 10cm, chia thành 3 thùy và thùy giữa lớn hơn 2 thùy bên. Phiến lá có hình dạng trái tim và được bao phủ bởi lông mềm, gân lá có hình chân vịt, hai mặt có lông mịn, mặt dưới của lá thường xanh nhạt hơn mặt trên. Cuống lá có chiều dài khoảng 4 – 5cm.
Hoa có kích thước lớn, mọc riêng lẻ ở kẽ lá và màu trắng. Hoa là loại hoa lưỡng tính và có hình dạng đều. Bao hoa bao gồm 3 lá bắc, chúng tách rời và chia thành nhiều dải sợi nhỏ. Bao hoa còn bao gồm 5 lá đài màu xanh lục, mép viền trắng. Mỗi lá đài của cây lạc tiên có một phần phụ hình sừng nhọn ở mặt ngoài. Hoa 5 cánh rời, xếp xen kẽ với các lá đài, với phần giữa hoa có màu trắng pha tím. Lá đài màu trắng với gân xanh phía dưới và 3 gân chín. Một vòng tua bao gồm nhiều phần phụ của cánh hoa, có hình dạng như sợi chỉ và có màu tím. Ở giữa hoa có một cuống hình trụ mang 5 nhị, có bao phấn màu vàng đính lưng. Bầu nhụy bao gồm 3 lá noãn và bầu trên có 1 ô.
Quả của cây có hình dạng giống như “quả tương” và được bao bọc bởi lá bắc mạng lưới. Quả có dạng hình trứng, vỏ ngoài mỏng. Khi chưa chín, quả có màu xanh và vị chua, khi chín, quả chuyển sang màu vàng và có vị ngọt dịu. Bên trong quả có các hạt nhỏ và chất dịch. Quả dễ vỡ và nát, vì vậy cần cẩn thận khi thu hái và nhanh chóng sấy khô quả.
Mùa hoa của cây thường là từ tháng 5 đến tháng 7, và mùa quả từ tháng 8 đến tháng 10.
Nhãn lồng là cây ưa ẩm và ưa sáng, thường mọc trùm lên các cây ở bụi ở ven rừng, đồi, nhất là ở các cây bụi tái sinh sau nương rẫy. Cây lạc tiên có sự sinh trưởng mạnh từ khoảng giữa tháng 3 đến tháng 8. Cây cho hoa và quả hàng năm. Trong mùa đông, cây thường có hiện tượng rụng lá. Tái sinh tự nhiên từ hạt. Sau khi chặt, phần còn lại tái sinh cây chồi khỏe.
Phân bố
Nhãn lồng là một loài cây mọc tự nhiên có phạm vi phân bố rộng. Cây được tìm thấy ở khắp các tỉnh trung du, vùng núi thấp (dưới 1000m) và đôi khi cả vùng đồng bằng. Việt Nam là một quốc gia có nguồn nhãn lồng dồi dào, đặc biệt ở các tỉnh như Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và một số tỉnh ở phía đông của dãy Trường Sơn. Ngoài Việt Nam, nhãn lồng cũng được tìm thấy ở Nam Trung Quốc, Lào, Campuchia và các nước Đông Nam Á khác.
Mặc dù nhãn lồng được khai thác hàng năm để sử dụng trong thuốc, nhưng lượng khai thác không ảnh hưởng đáng kể đến nguồn dự trữ tự nhiên của cây. Tuy nhiên, cây bị đe dọa chủ yếu do nạn phá rừng để lấy đất canh tác.
Thu hái
Nhãn lồng là một loại cây dễ trồng và có thể thu hoạch vào bất kỳ thời điểm trong năm, nhưng thường tốt nhất là vào mùa xuân.
Chế biến
Sau khi thu hoạch, để thu được dược liệu chất lượng, ta nên loại bỏ các tạp chất, rửa sạch nhãn lồng và cắt thành từng đoạn nhỏ. Sau đó, nhãn lồng được phơi khô hoặc sấy khô để bảo quản trong thời gian dài.
Toàn bộ phần trên mặt đất của cây nhãn lồng thu hái vào mùa xuân – hạ, phơi hay sấy khô.
Nhãn lồng chứa pachypodol, 4’,7 – O – dimethyl – apigenin, ermanin – 4’,7 – O – dimethyl – naringenin, 3,5 – dihydroxy – 4,7 – dimethyloxyflavanon, chrysocrpol, 2” – xylosylvitexin.
Hàm lượng flavonoid toàn phần là 0,074%. Ngoài ra, cây còn chứa alkaloid 0,033%, trong đó có harman.
Tính vị, quy kinh
Toàn cây nhãn lồng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát; Quả có vị ngọt, chua, tính bình, mùi thơm.
Quy kinh Tâm, Can.
Công năng, chủ trị
An thần, giải nhiệt, mát gan.
Chủ trị: Suy nhược thần kinh, tim hồi hộp, mất ngủ, ngủ mơ.
Tác dụng chống viêm
Nghiên cứu của Sasikala và cộng sự năm 2011 cho thấy chiết xuất ethanol của lá nhãn lồng có tác dụng giảm đau và chống viêm đáng kể trên mô hình chuột thực nghiệm.
Một nghiên cứu khác của Park và cộng sự (2018) đã báo cáo dịch chiết nhãn lồng giúp ngăn chặn việc sản xuất prostaglandin E2 (PGE2) và sự biểu hiện của cyclooxygenase-2 (COX-2), làm giảm sự giải phóng các cytokine gây viêm từ đó ức chế các phản ứng viêm và oxy hóa.
Ngoài ra, nghiên cứu của Han và cộng sự năm 2023 cũng cho thấy flavonoid có trong nhãn lồng làm giảm rõ rệt sản xuất oxit nitric (NO), yếu tố hoại tử khối u α (TNF-α) và interleukin 6 (IL-6) – là các chất gây viêm, từ đó làm giảm các triệu chứng của phản ứng viêm. Ngoài ra hoạt chất này còn thúc đẩy tăng trưởng của một số vi khuẩn có lợi, bao gồm Bifidobacteria, Enterococcus, Lactobacillus và Roseburia từ đó giúp điều hòa hệ vi sinh vật đường ruột.
Chống loãng xương
Ahmad và cộng sự tiến hành nghiên cứu năm 2017 nhằm đánh giá tác động lên xương của phần butanolic từ nhãn lồng trên mô hình chuột mất xương do thiếu estrogen. Kết quả cho thấy có các thông số vi cấu trúc tốt hơn ở các vị trí giải phẫu khác nhau, độ bền cơ sinh học của xương tốt hơn và nhiều tế bào tiền thân loãng xương hơn trong tủy xương. Tác dụng này được cho là do nhãn lồng có khả năng kích thích chức năng nguyên bào xương và ức chế chức năng hủy cốt bào.
Tác dụng chống loét và oxy hóa
Sathish và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu vào năm 2011 về của tác dụng dịch chiết lá nhãn lồng. Kết quả cho thấy dịch chiết từ lá nhãn lồng làm giảm đáng kể chỉ số loét và làm tăng đáng kể độ pH dạ dày của cả hai mô hình chuột bị loét do ethanol và aspirin. giảm peroxy hóa lipid (phản ứng phân hủy oxy hóa khử của lipid) đáng kể và tăng nồng độ L-glutathione (một chất chống oxy hóa).
Tăng cường miễn dịch
Đại thực bào là tế bào miễn dịch quan trọng nhất trong các phản ứng miễn dịch; chúng bắt đầu và điều chỉnh các quá trình viêm bằng cách tiết ra hóa chất trung gian gây viêm như NO, cũng như các cytokine gây viêm như TNF-α và IL-6. Những chất này phản ứng tạm thời với nhiễm trùng và tổn thương mô, góp phần vào việc bảo vệ cơ thể bằng cách kích thích phản ứng cấp tính, tạo máu và miễn dịch.
Song và cộng sự năm 2019 đã báo cáo rằng polysaccharide PFP1 được phân lập từ quả cây nhãn lồng có thể thúc đẩy sản xuất NO và bài tiết các cytokine (TNF-α và IL-6) của đại thực bào từ đó có thể giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
Mỗi ngày dùng 20 – 40g nhãn lồng dưới dạng thuốc sắc. Ngoài ra có thể sử dụng cao lỏng, rượu thuốc, siro với liều lượng tương tự. Nên sử dụng trước khi đi ngủ.
Ngọn non của cây nhãn lồng thường được mang đi luộc ăn vào buổi chiều hoặc trước khi ngủ vài giờ.
Trường hợp mất ngủ, tim hồi hộp, loạn nhịp, lo âu, choáng váng, đau đầu
Nhãn lồng nấu thành cao lỏng với tỷ lệ 1:1, pha thêm chút đường cho dễ uống, chia mỗi ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 50 – 100ml, uống sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ.
Hoặc có thể kết hợp nhãn lồng với tâm sen, lá vông, lá dâu nấu thành cao lỏng. Mỗi ngày dùng khoảng 4 – 5g cao để uống, sử dụng trước khi đi ngủ.
Trị chứng ghẻ ngứa, viêm da
Dùng khoảng 100g nhãn lồng tươi hoặc khô nấu cùng với 2 lít nước. Để nước nguội sau đó dùng tắm hoặc rửa lên vùng da bị viêm ngứa.
Trị chứng bệnh lỵ
Dùng khoảng 60g quả nhãn lồng đem rửa sạch, sắc lấy nước. Pha thêm chút đường cho dễ uống, chia thành 2 phần uống trước bữa ăn.
Điều trị chứng mất ngủ, thư giãn thần kinh, trợ tim
Chuẩn bị 20g nhãn lồng, 12g hạt sen, 12g lá vông nem, 15g cỏ mọc, 10g cỏ tre, 10g lá dâu, 10g táo nhân sao, 6g cam thảo, 6g xương bồ. Cho các dược liệu vào sắc với 600ml nước với lửa nhỏ. Khi nước cô lại còn khoảng 200ml thì chia thành 2 phần uống trong ngày. Kiên trì sử dụng trong vòng 1 tháng.
Thanh nhiệt cơ thể và giải độc gan
Chuẩn bị khoảng 500g quả nhãn lồng chín đem bổ đôi, nạo lấy phần ruột và đem ép lọc lấy dịch quả. Hòa 250g đường với 200ml nước sôi để nguội. Cho phần nước ép quả lạc tiên vào hỗn hợp và trộn đều.
Hiện chưa có bằng chứng cụ thể về việc sử dụng lạc tiên đối với những trường hợp sau:
Lạc tiên có thể tương tác với một số loại thuốc như thuốc an thần (phenobarbital, lorazepam…), thuốc chống đông (aspirin, clopidogrel)…
Một số lưu ý quan trọng khi sử dụng nhãn lồng:
Khi sử dụng dược liệu nhãn lồng, bạn có thể xảy ra một số tác dụng phụ như rối loạn chức năng vận động, mệt mỏi, lo lắng, bồn chồn, không tỉnh táo, buồn nôn, nhịp tim nhanh bất thường và buồn ngủ. Nếu bạn trải qua bất kỳ tác dụng phụ nào sau khi sử dụng nhãn lồng, hãy ngừng sử dụng ngay lập tức và liên hệ với bác sĩ điều trị để được tư vấn và xử lý đúng cách.
Nguồn Tham Khảo:
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- Viện dược liệu. Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.
- Anti-inflammatory effects of Passiflora foetida L. in LPS-stimulated RAW264.7 macrophages: //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29532853/
- Analgesic and anti-inflammatory activities of Passiflora foetida L: //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21914535/
- Antiulcer and antioxidant activity of ethanolic extract of Passiflora foetida L: //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21713043/
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.