Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây Đỏ ngọn – vị thuốc thanh nhiệt hiệu quả cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Đỏ ngọn là một loài cây mọc hoang khắp các tỉnh trung du ở nước ta. Ngọn cây được bao phủ bởi những chùm lông tơ màu hồng đỏ, nên cây có tên gọi là Đỏ ngọn. Đây là một cây dược liệu có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và hỗ trợ tiêu hóa, tuy nhiên, việc ứng dụng cây trong điều trị còn trong phạm vi dân gian, chưa có nhiều bằng chứng khoa học. Do đó, người dân không nên tự ý sử dụng cây làm thuốc mà phải có sự tư vấn từ các chuyên gia về Y học cổ truyền.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Cây Đỏ ngọn còn có các tên gọi khác là Lành ngạnh, Thành ngạnh, Ngành ngạnh, cây Vàng la hay Cúc lương. Cây có tên khoa học là Cratoxylon cochinchinensis (Lour.) Blume thuộc họ Nọc sởi Hypericaceae.
Đặc điểm tự nhiên
Cây Đỏ ngọn là loại cây nhỡ (có thể phát triển cao to để cho nếu sống tự nhiên), cao đến 12m, có gai ở gốc. Cành non cây Đỏ ngọn có lông tơ màu vàng nhạt, cành già thì nhẵn và có màu xám tro. Thân phía ngọn cây có màu đỏ, do màu đỏ của lông tơ (vì vậy nên cây có tên gọi là cây Đỏ ngọn). Lá mọc đối, hình mác hay bầu dục, gốc lá thuôn, đầu nhọn, lá dài 12 – 13 cm, rộng 3,5 – 4 cm, mặt trên lá có lông nhỏ, dày hơn ở mặt dưới. Lá non, gân lá có màu hồng đỏ, có lông tơ, cuống lá ngắn.
Hoa màu hồng nhạt mọc riêng lẻ hoặc thành chùm ở nách lá trên những cành ngắn có lông màu tía, mỗi chùm có 4 – 6 hoa. Quả nang, dài 1,5cm, rộng 7 – 8mm, bên trong có chứa hạt hình trứng, dài 6mm, rộng 3mm.
Phân bố, thu hái, chế biến
Cây Đỏ ngọn có vùng phân bố rất rộng, bao gồm hầu hết các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Myanma), Ấn Độ và các tỉnh miền nam Trung Quốc. Tại Việt Nam, cây mọc khắp các tỉnh có địa hình thấp (dưới 600m) và vùng trung du.
Cây Đỏ ngọn là loại cây ưa sáng và có khả năng chịu hạn cao. Ở nước ta, cây Đỏ ngọn thường mọc lẫn với nhiều loại cây bụi khác ở đồi, ven rừng thưa hoặc bờ nương ở nhiều nơi thuộc tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Tây… Cây mọc tập trung gần như thuần loài trên các đồi cây bụi. Cây Đỏ ngọn có bộ rễ cọc khỏe, cắm sâu xuống đất dài tới hơn 1m, nên cây vẫn sống và phát triển được trên những vùng đất khô cằn, nghèo dinh dưỡng. Cây ra hoa kết quả nhiều hàng năm, cây tái sinh chủ yếu bằng hạt. Do khả năng tái sinh mạnh, cây có thể sinh ra cây chồi khỏe kể cả khi bị chặt phá nhiều lần.
Để dùng làm thuốc, có thể thu hái lá, vỏ thân và rễ cây quanh năm, có thể dùng tươi hay ủ rồi phơi khô.
Bộ phận sử dụng
Lá, vỏ thân và rễ cây được sử dụng làm thuốc.
Thành phần hoá học
Toàn cây chứa các hợp chất thuộc các nhóm carbohydrat, lipid, terpenoid, polyphenol, alkaloid, và các chất chuyển hóa có chứa nitrogen khác. Trong lá cây có sự hiện diện của tannin, flavonoid và tinh dầu.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền, Đỏ ngọn có vị đắng chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiêu hóa. Cây được sử dụng trong phạm vi dân gian làm thuốc hỗ trợ tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng, bồi bổ sức khỏe cho phụ nữ sau sinh và giúp điều trị các vết thương có mủ. Ở Quảng Tây, Trung Quốc, người ta còn dùng cây Đỏ ngọn trị cảm mạo, cảm nắng, viêm dạ dày ruột cấp tính, vàng da. Tại Ấn Độ, người dân dùng nước sắc từ vỏ cây uống chữa đau bụng và dùng nhựa cây bôi ngoài da để trị ngứa.
Theo y học hiện đại
Tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm
Hiện nay, bệnh lý nhiễm trùng và vấn đề kháng kháng sinh đang ngày càng được chú ý. Các nghiên cứu cho thấy dịch chiết từ cây Đỏ ngọn, với hàm lượng lớn các hợp chất thuộc nhóm polyphenol, làm ức chế sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Trong đó, dịch chiết của cây còn ức chế được chủng Staphyloccocus aureus kháng methicillin – một trong những chủng vi khuẩn đa kháng thường gặp nhất trên thực hành lâm sàng.
Các hợp chất phân lập từ nhựa cây Đỏ ngọn cũng có khả năng ức chế Candida albicans trên thử nghiệm in vitro.
Tác dụng chống oxy hóa
Các flavonoid thuộc nhóm xanthone trong lá cây Đỏ ngọn có khả năng chống oxy hóa rất mạnh, giúp loại bỏ các gốc tự do – các sản phẩm dư thừa từ những phản ứng trao đổi chất trong cơ thể. Các gốc tự do này là nguyên nhân gây tổn thương tế bào và có liên quan mật thiết đến cơ chế sinh bệnh của nhiều bệnh lý như đái tháo đường, xơ vữa động mạch, đột quỵ não và ung thư.
Tác dụng ức chế ký sinh trùng sốt rét
Sốt rét là một bệnh lý nhiễm ký sinh trùng thường gặp, nhất là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Dịch chiết rễ cây Đỏ ngọn, trên các thử nghiệm dược lý, cho thấy khả năng ức chế mạnh ký sinh trùng Plasmodium falciparum, ký sinh trùng gây bệnh sốt rét phổ biến nhất với khả năng kháng các thuốc chống sốt rét hiện hành.
Tác dụng chống ung thư
Ung thư hiện nay vẫn còn là một bệnh lý có tỉ lệ tử vong cao. Các phương pháp điều trị ung thư vẫn còn gây ra nhiều tác dụng phụ bất lợi làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Do đó, nhu cầu tìm kiếm các phương pháp điều trị thay thế, mức độ hiệu quả cao với tác dụng phụ tối thiểu đang ngày càng tăng.
Các nghiên cứu dược lý in vitro cho thấy các hợp chất xanthone phân lập từ cây Đỏ ngọn có tác dụng gây độc tế bào, giúp tiêu diệt tế bào ung thư trên nhiều dòng tế bào ung thư như gan, vú, tử cung, ruột kết với hoạt tính gây độc mạnh. Các kết quả này cho thấy tiềm năng của cây trong việc nghiên cứu bào chế các thuốc hỗ trợ điều trị ung thư trong tương lai.
Tác dụng chống đái tháo đường
Dịch chiết rễ cây Đỏ ngọn có khả năng ức chế các enzym tyrosine phosphatase 1B (PTP1B) và α-glucosidase, là các enzym quan trọng trong cơ chế điều hòa nồng độ đường huyết trong máu. Đây cũng là đích tác động chính của nhiều loại thuốc điều trị đái tháo đường hiện nay. Khả năng ức chế enzym của cây Đỏ ngọn, dựa trên các thử nghiệm dược lý, cũng là do tác dụng của các hợp chất xanthone trong cây. Ngoài ra, với khả năng chống oxy hóa mạnh, dược liệu này cũng có tiềm năng trong hạn chế và hỗ trợ điều trị các biến chứng của bệnh đái tháo đường như xơ vữa mạch máu, đột quỵ và bàn chân đái tháo đường.
Liều dùng & cách dùng
Ngày dùng 15 – 30g dạng thuốc sắc hoặc hãm trà uống. Dùng ngoài liều lượng thích hợp.
Bài thuốc kinh nghiệm
Trị cảm sốt, mồ hôi trộm, chân tay mỏi
Lá cây Đỏ ngọn 15g, Thanh cao hoa vàng 15g sắc với 500ml nước còn 250ml, chia 2 lần uống lúc còn nóng. Hiệu quả sẽ tăng khi kết hợp với ăn cháo giải cảm.
Trị đau đầu, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ (dùng cho bệnh nhân tăng huyết áp)
Lá cây Đỏ ngọn 30g, Hoa hòe 15g hãm với nước như trà uống thay nước hàng ngày.
Dùng cho hỗ trợ tiêu hóa, giúp ăn ngon (dùng cho phụ nữ sau sinh)
Lá cây Đỏ ngọn 15 – 30g, lá Vối lượng thích hợp rửa sạch hãm với nước thành trà uống hàng ngày.
Trị bệnh xơ vữa động mạch
Lá cây Đỏ ngọn 30g, Hà thủ ô, Lạc tiên mỗi thứ 15g, sắc uống.
Hỗ trợ tăng cường trí nhớ
Lá cây Đỏ ngọn, Tầm gửi cây Đỏ ngọn mỗi vị 30g, Núc nác 10g, sắc uống.
Trị bí tiểu tiện
Lá Đỏ ngọn 20g, thân rễ Mía dò 10g, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày.
Trị vết thương có mủ
Ngọn non cây Đỏ ngọn 60g, Cỏ nhọ nồi 50g, hạt Cau già 30g, vôi bột 40g. Các vị thuốc rửa sạch, phơi khô, tán bột mịn, rắc bột (lượng thích hợp) lên vết thương có phủ một lớp gạc mỏng. Lượng bột rắc lên vết thương tùy thuộc vào lượng mủ mà vết thương tiết ra. Bài thuốc có giúp hút mủ, làm vết thương khô, sạch, nhanh lên da non, gây cảm giác mát, dễ chịu.
Trị bỏng
Lá cây Đỏ ngọn lượng phù hợp giã nát, trộn với nước vo gạo đặc, đắp lên vị trí tổn thương.
Lưu ý
Một số lưu ý khi sử dụng cây Đỏ ngọn:
- Cần lựa chọn nguồn nguyên liệu chất lượng trước khi sử dụng.
- Không được sử dụng với liều cao trong thời gian dài.
- Thận trọng khi sử dụng cho người có tiền sử dị ứng với thuốc và thức ăn.
Đỏ ngọn là một loài cây mọc hoang dại dễ dàng bắt gặp ở các tỉnh trung du của nước ta. Do dược liệu có tính mát nên việc sử dụng lâu dài cây Đỏ ngọn với liều cao có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa với các biểu hiện đau lạnh bụng, đầy bụng, buồn nôn, nôn, tiêu lỏng, tiêu phân sống,… Hơn nữa, do có khả năng hạ đường huyết, quý đọc giả và người thân, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao bị hạ đường huyết, không nên tự ý sử dụng cây trong điều trị bệnh mà phải có sự tư vấn kỹ càng từ các bác sĩ Y học cổ truyền. Vui lòng chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được những phản hồi cũng như sự quan tâm của quý đọc giả ở các bài viết khác.
Nguồn Tham Khảo:
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
- Từ điển cây thuốc Việt Nam – tập 1 – Võ Văn Chi
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – tập 1 – Viện dược liệu
- Bok, Chui Yin & Low, Eric & Augundhooa, Digsha & Ariffin, Hani’ & Mok, Yen & Lim, Kai & Chew, Shen & Salvamani, Shamala & Loh, Khye & Loke, Chui & Gunasekaran, Baskaran & Tan, Sheri-Ann. (2023). Comprehensive Review of Cratoxylum Genus: Ethnomedical Uses, Phytochemistry, and Pharmacological Properties. Pertanika Journal of Tropical Agricultural Science. 46. 10.47836/pjtas.46.1.12.
- Dai, Do & Thang, Tran & Ogunwande, Isiaka. (2014). Volatile Constituents of the Leaf Oil of Cratoxylum cochinchinense from Vietnam. Chemistry of Natural Compounds. 50. 158-160. 10.1007/s10600-014-0899-7.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.