Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây lá dong: Những tác dụng tuyệt vời không ngờ đến cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Cây lá dong thuộc họ Hoàng tinh (Marantacea), cây lá dong gần đây được một vài nghiên cứu khoa học chứng minh có tác dụng chống oxy hóa tốt. Phải chăng chính nhờ điều ấy mà ông bà ta bằng kinh nghiệm của mình đã lựa chọn lá dong để gói bánh chưng? Ngoài tạo ra được hương thơm dễ chịu cho bánh, những chiếc bánh được gói bằng lá dong có thể giữ được cho bánh lâu bị ôi thiu hơn chăng?
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Cây dong
Tên khác: Cây dong, cây lùn, toong chinh (tiếng Thái).
Tên khoa học: Phrynium parviflorum Roxb; Họ: Hoàng tinh (hoặc họ Dong) Marantacea.
Đặc điểm tự nhiên
Theo tác giả Đỗ Tất Lợi, cây dong là cây cỏ cao khoảng 1 mét. Lá dong to có hình trứng, lá dạng thuôn dài và đầu nhọn, nhẵn, kích thước là dài đến 35cm, rộng 12cm, cuống dài đến 22cm, trong đó 2 – 3 cm phía trên cuống nhẵn. Cụm hoa hình đầu, không cuống, nằm trong bẹ của lá, đường kính khoảng 4 – 5cm, có khoảng 4 – 5 hoa. Cánh hoa màu trắng hay đỏ. Quả từ cây dong cũng có hình trứng dài 11mm, có một phía cong nhiều hơn phía còn lại. Hạt thuôn dài, lớp áo hạt gồm 2 phiến. Mùa hoa của cây từ tháng 4 đến tháng 6 trong năm.
Theo sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, cây Dong là cây thân thảo, sống lâu năm, cao từ 0,5 đến 1,2m. Lá to, mọc từ gốc – không có thân, hình trái xoan – mũi mác hoặc mác thuôn, dài 30 – 40cm, rộng 10 – 15cm, gốc tù, đầu nhọn, mép nguyên lượn sóng, hai mặt nhẵn nhưng mặt trên sẫm bóng, cuống lá dài khoảng 20cm, có bẹ nhẵn. Cụm hoa mọc ở giữa cuống lá thành hình chùy hoặc đầu tròn có đường kính khoảng 4 – 5 cm, không cuống.
Hoa nhiều màu đỏ, lá bắc thuôn hình vảy, đài có 3 răng nhỏ, đều. Tràng hoa có 3 cánh, thuôn nhọn. Nhị có thùy dạng cánh hoa. Nhụy lép, có dạng môi hoặc bản mỏng màu trắng, bầu có lông. Quả hình trứng thuôn, hạt có áo mỏng. Tổng hợp thông tin từ 2 nguồn trên ta có thông tin chi tiết về loại cây này.
Cây dong được trồng bằng thân rễ, giống như sả. Đất trồng thường được tận dụng là đất ở gần bờ ao, hay góc vườn ẩm ướt được che bóng mát. Chỉ cần cuốc xới đủ để thân rễ đứng vững. Cứ khoảng từ 40 đến 50cm trồng một cá thể cây. Cây không cần chăm sóc nhiều, ít có sâu bệnh, đẻ nhánh rất nhanh. Chỉ một thời gian ngắn, các nhánh của thân rễ đã xuất hiện và lan nhanh phủ kín đất. Khi trồng ít cần phải bón phân. Muốn cho lá to, dài, cần bón thêm phân, chất hữu cơ dinh dưỡng.
Ở Việt Nam, cây Dong là một loại cây quen thuộc chủ yếu là bánh chưng. Vào mùa tết, lá dong có thể được khai thác đến hàng ngàn tấn. Lá còn có thể được dùng làm thuốc, có thể thu hái quanh năm, dùng tươi.
Phân bố, thu hái, chế biến
Phân bố: Phrynium là một chi nhỏ, ở Châu Á có khoảng 10 loài, cụ thể ở Việt Nam có 5 loài. Cây lá dong phân bố rộng rãi ở các nước vùng Đông Nam Á. Ngoài ra còn thấy mọc ở Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc. Cây mọc hoang ở nhiều nơi ẩm ướt và trong rừng. Tuy nhiên, cây chỉ phân bố ở các tỉnh miền núi, gần đây đã có nhiều người mang xuống trồng ở vùng đồng bằng hoặc trung du. Lá dong là cây đặc biệt ưa bóng và ưa ẩm. Cây thường mọc thành quần thể dày đặc dọc theo bờ các khe suối, dưới tán rừng kín thường xanh. Độ cao phân bố từ vài trăm đến 1100m. Cây có hệ thống thân rễ ngầm phát triển. Hằng năm, từ thân rễ mọc ra nhiều chồi nhánh, đan xen chằng chịt dưới mặt đất, lấn át các loài cây cỏ khác.
Thu hái: Thu hái lá dong tươi quanh năm
Chế biến: Lá dong non nhúng vào rượu hoặc ngâm trong nước đường (một phần đường, ba phần nước).
Bộ phận sử dụng
Lá tươi cây dong là bộ phận dùng làm thuốc.
Thành phần hoá học
Thành phần hóa học của cây lá dong chưa được nghiên cứu nhiều. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của tác giả Hoàng Thị Phương Liên chiết xuất được dịch chiết nước của cây lá dong như sau: Lá cây Lá Dong dược rửa sạch, loại bỏ phần cuống cứng, sấy khô dược liệu ở nhiệt độ 80 độ C, trong vòng 8 giờ rồi xay nhỏ. Dược liệu được chiết xuất toàn phần với các dung môi nước, cồn 50%, cồn 70%, cồn 96% bằng phương pháp chiết nóng ở nhiệt độ 90 độ C.
Thực hiện chiết 2 lần, tỉ lệ dược liệu/dung môi mỗi lần chiết là 1g /10ml. Cô dịch chiết ở nhiệt độ 70 độ C tới khi đạt thể chất cao đặc, sau đó cho vào bình hút ẩm đến khi khối lượng không đổi để xác định hàm lượng chất chiết được. Cuối cùng, từ 6kg lá cây lá dong tươi, loại bỏ phần cuống thu được 5,3 kg bẹ lá. Sấy ở 80 độ C trong 8h, thu được 0,72 kg dược liệu khô, độ ẩm 6,50%.
Thân rễ cây lá dong chứa khoảng 10% tinh bột, 0,45% protid, 0,1% lipid. Theo tài liệu khác của tác giả Võ Văn Chi, thân rễ cây lá dong chứa 85,95% carbohydrate.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Tính vị: Lá dong vị ngọt, nhạt, tính hơi hàn.
Công năng: Vì vậy có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, lợi niệu.
Chủ trị:Lá dong được dùng làm thuốc chữa say rượu, thuốc giải độc, chữa rắn cắn. Ngoài ra, do bột củ dong rất mịn, dễ tiêu hoá nên được dùng làm thức ăn cho trẻ em và người yêu mệt, tiêu hóa kém. Khi có bệnh đường tiết niệu (như đái rắt, khó đái, nước đái đỏ hoặc bất thường).
Theo y học hiện đại
Chống Oxy hóa In vitro của cây lá dong
Đề tài của nhóm tác giả từ trường đại học Nguyễn Tất Thành được tiến hành nhằm khảo sát sự ảnh hưởng của dung môi chiết (nước, cồn 50%, cồn 70%, cồn 96%) lên hoạt tính chống oxy hóa in vitro của lá cây lá dong thông qua khả năng đánh bắt gốc tự do DPPH.
Kết quả cho thấy so với các dịch chiết từ dung môi khác, dịch chiết nước của lá cây lá dong cho hoạt tính chống oxy hóa cao nhất tại giá trị IC50 thấp nhất (419,61μg/ml), chất đối chứng được sử dụng là acid ascorbic (Vitamin C), IC50 của acid ascorbic là 7,34 μg/ml.
Như vậy, dịch chiết nước từ lá cây lá dong là chất tiềm năng để làm chất chống oxy hóa tự nhiên. Trong đó, dung môi nước làm dịch chiết cho hàm lượng chất chiết được và hoạt tính chống oxy hóa in vitro cao hơn so với các dung môi cồn (bao gồm cồn 50, cồn 70 và cồn 96).
Tác dụng bù nước và điện giải trong tiêu chảy cấp
Nước sắc củ dong có nhiều chất điện giải, có thể bù lại chất điện giải của cơ thể như Na, K, Cl,… bị mất đi (rối loạn điện giải) qua tiêu chảy. Do đó, nước sắc củ dong có thể dùng thay thế cho dung dịch orezol. Ngoài ra, tinh bột củ dong sẽ được thủy phân dần thành glucose khi vào cơ thể, bổ sung lượng đường huyết, giúp duy trì hệ thống vận chuyển kênh glucose – natri, nhờ vậy ít chịu ảnh hưởng của cơ chế thẩm thấu của glucose.
Từ đó có thể có căn cứ về việc dùng nước củ dong có tác dụng chống tiêu chảy tốt. Cơ chế tác dụng chính là nước sắc củ dong dường như tạo thành một lớp màng bọc bên trong thành ruột, làm tăng sự hấp thu nước và điện giải qua ruột vào tuần hoàn và ức chế tác nhân kích thích gây tăng tiết ở ruột.
Liều dùng & cách dùng
Liều dùng: Liều dùng thông thường khoảng 100 – 200g/ ngày (dược liệu tươi).
Cách dùng: Lá dong sử dụng để chữa bệnh bằng cách giã nát đắp ngoài, vắt lấy nước hoặc sắc uống.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa rắn cắn
Lá dong dùng khoảng 100 đến 200 gram nhai nát, nuốt nước, lấy bã đắp lên vết thương nơi rắn cắn.
Giải rượu, giải độc
Dùng 100 đến 200 gram lá dong giã nát, vắt lấy nước cho uống.
Bệnh đường tiết niệu (tiểu rát, tiểu khó, tiểu buốt)
Bột củ dong lấy khoảng 7-10g đem đun sôi với nửa lít nước hoặc sữa đến khi bột chín, rồi uống giúp thông đường tiểu.
Kiết lỵ
Lấy 15g bột củ dong hòa tan trong 250ml nước lọc rồi uống.
Lưu ý
Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng lá dong:
- Tham khảo ý kiến chuyên gia: Luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ, nhà thực vật học hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có trình độ trước khi sử dụng bất kỳ loại cây nào cho mục đích làm thuốc. Họ có thể cung cấp lời khuyên cá nhân dựa trên nhu cầu cụ thể và tình trạng sức khỏe của bạn.
- Nhận dạng đúng dược liệu: Đảm bảo bạn xác định chính xác cây lá dong để tránh nhầm lẫn với các loại cây có hình dáng tương tự khác. Việc xác định sai có thể dẫn tới những hậu quả không lường trước được.
- Liều dùng: Thực hiện theo hướng dẫn liều lượng khuyến cáo một cách cẩn thận. Liều lượng có thể thay đổi tùy theo bộ phận của cây được sử dụng (lá, rễ,…) và mục đích sử dụng (dùng trong ăn uống, làm thuốc). Khi sử dụng quá liều lượng cho phép sẽ gây ra các tác dụng không mong muốn.
- Dị ứng: một số người với cơ địa dị ứng nhạy cảm nên chú ý. Nhiều người có thể bị dị ứng với một số loại cây, bao gồm cả cây lá dong. Nếu bạn gặp bất kỳ phản ứng dị ứng nào, chẳng hạn như ngứa, nổi mẩn,… hãy ngừng sử dụng ngay lập tức.
- Mang thai và cho con bú: Những người mang thai hoặc cho con bú nên tránh sử dụng các loài thảo dược mà không có hướng dẫn chuyên môn. Một số loại cây có thể có tác dụng đối với việc mang thai hoặc cho con bú.
- Tác dụng phụ: Mặc dù cây lá dong thường được coi là an toàn nhưng các phản ứng của cơ thể từng cá nhân có thể khác nhau. Các tác dụng phụ thường gặp có thể bao gồm khó chịu ở đường tiêu hóa hoặc kích ứng da.
- Tương tác: Hãy thận trọng nếu bạn đang dùng các loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung khác. Thảo dược có thể tương tác với thuốc dược phẩm, ảnh hưởng đến hiệu quả của chúng hoặc gây ra tác dụng phụ.
Hãy nhớ rằng các phương pháp điều trị bằng thảo dược không thể thay thế cho điều trị y tế khẩn cấp khác. Luôn tuân thủ hướng dẫn từ bác sĩ về thảo dược trước khi sử dụng bất kỳ loại cây nào cho mục đích chữa bệnh.
Nguồn Tham Khảo:
- Cây Dong (Lá Dong) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi Cây Dong (Lá Dong) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi – Vietnam Regulatory Affairs Society – Luật Dược Việt Nam (vnras.com)
- Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam
- Khảo sát tác động chống oxy hóa in vitrocủa lá cây lá dong (Phrynium parviflorum Roxb, Marantaceae) View of Khảo sát tác động chống oxy hóa in vitro của lá cây lá dong (Phrynium parviflorum Roxb, Marantaceae) (ntt.edu.vn)
- Food-based solutions are a viable alternative to glucose-electrolyte solutions for oral hydration in acute diarrhoea—studies in a rat model of secretory diarrhoea Food-based solutions are a viable alternative to glucose-electrolyte solutions for oral hydration in acute diarrhoea—studies in a rat model of secretory diarrhoea – ScienceDirect
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.