Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây Mặt quỷ – cây thuốc có hình thù quái dị cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Cây Mặt quỷ là một loại cây phân bố khắp các tỉnh trung du và đồng bằng ở nước ta. Quả cây có hình dạng dính nhau, bề mặt xù xì tạo thành một cấu trúc có hình dáng kỳ quái, đây cũng chính là lý do cho tên gọi Mặt quỷ của cây. Đây là một dược liệu quý trong điều trị các vết thương mẩn ngứa, tuy nhiên cây có độc tính, nhất là ở quả, người dân không được tự ý sử dụng cây làm thuốc mà phải có sự tư vấn từ các chuyên gia về Y học cổ truyền.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Cây Mặt quỷ còn gọi là cây Đơn mặt quỷ, dây Đất, Nhàu dó, cây Ganh, dây Ngón đất hay Nghễ bà. Cây có tên khoa học là Morinda umbellata L. thuộc họ Cà phê Rubiaceae.
Đặc điểm tự nhiên
Mặt quỷ là một loại cây nhỏ, cao 1 – 1,5m, thân leo có thể dài tới khoảng 10m, cành non có cạnh, phủ lông cứng, màu nâu, thân già nhẵn, màu xám đen. Lá mọc đối, hình trứng rộng hoặc bầu dục, đầu tù hoặc nhọn dài, phía cuống thường hẹp lại. Chiều dài lá khoảng 5 – 11cm, rộng khoảng 2 – 4,5cm. Lá nhẵn, mặt trên màu lục bóng, có ít lông, mặt dưới màu rất nhạt, phủ đầy lông, phần cuống dài khoảng 1cm, mỗi lá thường có 4 – 6 cặp gân phụ. Lá kèm hình ống, có lông.
Hoa màu trắng xếp thành đầu hay thành tán ở ngọn cành với đường kính khoảng 6mm. Đài 4 – 5 thùy bằng nhau, rất ngắn; tràng 4 – 5 thùy cong ra phía ngoài, có ống chứa lông ở vùng cổ; nhị 4 – 5 hơi thò ra ngoài, bầu 2 ô.
Quả hạch gần hình cầu, đầu dẹt, dính nhau, có màu vàng da cam đến đỏ, rộng khoảng 8 – 10mm. Bề mặt quả xù xì, hình thù quái dị, đây cũng là lý do cây có tên Mặt quỷ. Hạch quả dài 4mm, dày 2mm, trong mỗi hạch chứa 1 hạt.
Phân bố, thu hái, chế biến
Cây Mặt quỷ phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt châu Á, như ở các vùng phía nam và đảo Hải Nam, Trung Quốc; Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam, Nhật Bản và một số nước châu Mỹ. Riêng ở Việt Nam, cây mọc rất phổ biến ở những tỉnh trung du và đồng bằng, đến các vùng ven biển và các đảo, nhất là ở các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Tây, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Cây ưa sáng, khả năng chịu hạn tốt, thường mọc trong các quần xã cây bụi trên đồi, bờ nương rẫy và trong các lùm bụi quanh làng. Cây mặt quỷ ra hoa kết quả nhiều hàng năm, thụ phấn nhờ côn trùng. Quả chín thường được các loài chim và động vật gặm nhấm ăn rồi hạt được phát tán theo phân. Cây có khả năng tái sinh khỏe.
Lá và rễ cây có thể thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô. Rễ sau khi đào về đem rửa sạch rồi loại bỏ rễ con, ngâm nước ấm rồi thái mỏng và phơi khô. Thường dùng không cần chế biến gì khác nhưng có thể sao cho hơi vàng hoặc tẩm rượu sao tùy tình trạng bệnh lý.
Bộ phận sử dụng
Người ta thường sử dụng lá và rễ cây, đôi khi dùng toàn cây làm thuốc.
Thành phần hoá học
Lá cây có các hợp chất thuộc các nhóm steroid, carbohydrat, triterpenoid, alkaloid, các hợp chất phenol, saponin, xanthoprotein anthraquinon, tannin và flavonoid. Trong rễ có các hợp chất anthraglycosid.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền, Mặt quỷ có vị hơi đắng, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt tả hỏa, nhuận tràng, giải độc. Cây được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian trong điều trị mụn nhọt, lỵ, mẩn ngứa, ghẻ lở ngoài da, ngoài ra còn dùng để tẩy giun sán. Ở Hoa Kỳ, rễ được dùng như một tác nhân gây xổ mạnh. Ở Ấn Ðộ, lá phối hợp với một số chất thơm sắc nước uống trị tiêu chảy và lỵ. Ở Trung Quốc, toàn cây bỏ rễ chữa sốt, ho, cầm máu, trị viêm dạ dày, viêm gan cấp, ngoại thương chảy máu, còn dùng trị đau lưng, tê thấp. Ở Indonesia dùng chữa đau bụng, tiêu chảy, bệnh về cơ quan tiết niệu, bệnh đái tháo đường, bệnh tê phù, lao phổi, đau ngực, ho, đau vùng gan, chữa các vết thương do rắn rết trùng thú cắn, vết đứt và các vết thương khác.
Theo y học hiện đại
Tác dụng kháng khuẩn
Các bệnh lý nhiễm trùng hiện nay đang trở thành một vấn đề y tế đáng quan tâm, trong bối cảnh hiện tượng kháng kháng sinh ngày càng trở nên phổ biến. Cùng với sự phát triển của kháng sinh, vi khuẩn cũng phát triển nhiều cơ chế để làm giảm tác động của các loại thuốc này. Hơn nữa, việc sử dụng các thuốc kháng sinh hiện có đều có nguy cơ xuất hiện nhiều phản ứng phụ bất lợi. Các nghiên cứu in vitro cho thấy dịch chiết cây Mặt quỷ, với hàm lượng polyphenol cao, có tác dụng ức chế rõ rệt đối với nhiều chủng vi khuẩn gây bệnh như B. megaterium, B. subtilis, E. coli, Klebsiella pneumoniae, Micrococcus luteus, P. aeruginosa, S. typhi, Shigella flexneri, Staphylococcus aureus và S. epidermidis. Đây hứa hẹn là một ứng cử viên tiềm năng cho việc phát triển các kháng sinh có nguồn gốc thực vật trong tương lai.
Tác dụng kháng viêm
Đáp ứng viêm là một phản ứng sinh lý xảy ra do sự tương tác giữa các vật lạ và các tế bào thuộc hệ miễn dịch khi những dị nguyên này xâm nhập vào cơ thể. Cơ chế của phản ứng viêm có liên quan mật thiết đến các hoá chất trung gian gây viêm. Kết quả từ nghiên cứu dược lý cho thấy, thông qua ức chế biểu hiện các gen TNF-α, IL-1β, IL-6, iNOS, COX-2 và NF-κB, dẫn đến giảm nồng độ các cytokin viêm (TNF-α, IL-1β và IL-6), dịch chiết từ cây Mặt quỷ có khả năng làm giảm đáng kể các phản ứng viêm.
Tác dụng chống dị ứng
Dị ứng là một đáp ứng viêm đặc biệt diễn ra khi cơ thể tiếp xúc với các tác nhân có tính gây dị ứng (dị ứng nguyên). Dị ứng nguyên kích thích tế bào mast tiết ra histamin, là cơ chế chính cho các biểu hiện lâm sàng của phản ứng dị ứng. Dịch chiết cây Mặt quỷ có tác dụng cải thiện các triệu chứng dị ứng trên mô hình chuột lang gây dị ứng. Cơ chế chống dị ứng của cây được cho là do hàm lượng các hợp chất polyphenol cao trong cây.
Tác dụng chống oxy hóa
Các gốc tự do (gốc oxy phản ứng và gốc nitrogen phản ứng) các sản phẩm dư thừa từ những phản ứng trao đổi chất trong cơ thể. Sự tích tự các gốc tự do này có thể trực tiếp gây tổn thương tế bào và do đó chúng có liên quan mật thiết đến cơ chế sinh bệnh của nhiều bệnh lý như đái tháo đường, xơ vữa động mạch, đột quỵ não và ung thư. Với hàm lượng flavonoid cao, dịch chiết cây Mặt quỷ là một tác nhân chống oxy hóa mạnh, qua đó có thể làm giảm tổn thương các cấu trúc của tế bào.
Tác dụng chống ung thư
Hiện nay, ung thư là một bệnh lý tương đối phổ biến và tỉ lệ tử vong do bệnh lý này vẫn còn cao. Các phương pháp chính điều trị ung thư (phẫu thuật, hóa trị và xạ trị) còn gây ra nhiều tác dụng phụ bất lợi làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vì vậy, nhu cầu tìm kiếm các phương pháp điều trị thay thế, mức độ hiệu quả cao với ít hoặc không có tác dụng phụ đang ngày càng tăng.
Các nghiên cứu dược lý in vitro cho thấy các hợp chất quinone phân lập từ dịch chiết cây Mặt quỷ có tác dụng gây độc tế bào, giúp tiêu diệt tế bào ung thư trên nhiều dòng tế bào ung thư A431, A2780, NCI-H460, HCT116, HepG2 và MCF-7. Kết quả từ thử nghiệm này cho thấy tiềm năng của cây Mặt quỷ trong việc nghiên cứu bào chế các thuốc điều trị ung thư trong tương lai.
Liều dùng & cách dùng
Ngày dùng 15 – 30g dạng thuốc sắc hoặc hãm trà uống. Dùng ngoài liều lượng thích hợp.
Bài thuốc kinh nghiệm
Trị đau nhức xương khớp
Bài thuốc 1: Cây Mặt quỷ 12 – 20g hãm với nước nóng uống thay trà hàng ngày. Lưu ý: tuyệt đối không sử dụng nước sắc qua ngày.
Bài thuốc 2: Cây Mặt quỷ, vỏ cây Xà cừ mỗi thứ 10g, rễ cây Đơn châu chấu 15g, sắc với 600ml nước trên lửa nhỏ thu lấy 200ml thuốc, chia đều thành 2 lần uống sau bữa trưa và bữa tối. Uống duy trì liên tục trong 10 ngày.
Bài thuốc 3: Cây Mặt quỷ, rễ cây Chổi xuể đồng, rễ Cỏ xước, vỏ cây Xà cừ, mỗi vị 10g, rửa sạch rồi cho vào ấm sắc lấy nước, uống ngày 1 thang.
Trị giun sán, lỵ
Vỏ rễ cây mặt quỷ 10 – 16g, rửa sạch, sắc với 1 thăng nước còn 200ml thuốc, chia đều làm 3 lần uống trong ngày.
Trị mẩn ngứa
Lá Mặt quỷ lượng phù hợp rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vùng da bị tổn thương, có thể kết hợp sắc uống 10 – 15g thân rễ cây Mặt quỷ mỗi ngày.
Lưu ý
Một số lưu ý khi sử dụng cây Mặt quỷ:
- Cây có độc, nhiều nhất là ở quả cây nên không được tự ý sử dụng cây thuốc này.
- Cần lựa chọn nguồn nguyên liệu chất lượng trước khi sử dụng.
- Không được sử dụng với liều cao trong thời gian dài.
- Thận trọng khi sử dụng cho người có tiền sử dị ứng với thuốc và thức ăn.
Mặt quỷ là một loài thực vật phân bố rộng rãi khắp Việt Nam. Tuy nhiên, dược liệu có tính lạnh nên việc sử dụng lâu dài cây Mặt quỷ hoặc dùng với liều quá cao có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa với các biểu hiện đau lạnh bụng, đầy bụng, buồn nôn, nôn, tiêu lỏng, tiêu sống phân… Hơn nữa, dược liệu có độc tính, chất độc tập trung nhiều nhất ở quả, quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng cây trong điều trị bệnh mà phải có sự tư vấn kỹ càng từ các bác sĩ Y học cổ truyền. Vui lòng chia sẻ bài viết nếu thấy thông tin hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được những phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở các bài viết khác.
Nguồn Tham Khảo:
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
- Từ điển cây thuốc Việt Nam – tập 1 – Võ Văn Chi
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – tập 1 – Viện dược liệu
- Singh, B., & Sharma, R. A. (2019). Indian Morinda species: A review. Phytotherapy Research. doi:10.1002/ptr.6579
- Neenthamadathil Mohandas Krishnakumar, Kuttapetty Manikantan, Somasekharan Nair Rajam Suja, Panickamparambil Gopalakrishnan Latha, Stanislaus Antony Ceasar. Morinda umbellata active fraction inhibits lipopolysaccharide induced proinflammatory cytokines by downregulating NF-κB activation, Toxicology Research, 2022, 11(5): 841–851. doi: 10.1093/toxres/tfac063
- Changkang Li, Xianming Su, Fenghua Li, Jia Fu, Hongqing Wang, Baoming Li, Ruoyun Chen, Jie Kang, Cytotoxic quinones from the aerial parts of Morinda umbellata L., Phytochemistry, 2019, 167:112096. doi: 10.1016/j.phytochem.2019.112096.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.