Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cây tu hú: Dược liệu có nhiều công dụng trong y học cổ truyền cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Cây tu hú được biết đến với các tên gọi khác như Găng trâu, Mây nghiêng pa, là một loại dược liệu có nhiều tác dụng và ứng dụng trong y học cổ truyền. Cây tu hú có thể được sử dụng để kháng viêm, giảm đau và bảo vệ gan. Ngoài ra, nó còn được biết đến với khả năng hỗ trợ lợi tiêu hóa và điều trị các vấn đề liên quan đến tiêu chảy, kiết lỵ.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Cây tu hú.
Tên khác: Găng tu hú, Găng trâu, Găng tía, Găng gai, Mây nghiêng pa.
Tên khoa học: Catunaregam spinosa hay Randia dumetorum, họ Cà phê (Rubiaceae).
Đặc điểm tự nhiên
Cây tu hú là một loài cây thân gỗ nhỏ. Cây có thể phát triển lên đến chiều cao tối đa 8 mét và phân nhánh nhiều. Thân cây có màu nâu và trên thân mọc nhiều gai to sắc nhọn, thường mọc tại những nơi chồi cành. Chiều dài của gai có thể từ 5 đến 15mm.
Lá của cây tu hú có hình xoan ngược, đầu lá có thể là tù hoặc gần nhọn. Phía dưới gốc lá thường có hình nhọn. Bề mặt lá nhẵn, cả hai mặt đều có lông mềm. Chiều rộng của lá khoảng từ 1,5 đến 3cm, chiều dài của lá dao động từ 2,5 đến 7cm.
Cây tu hú thường ra hoa vào tháng 3 đến tháng 9 hàng năm. Hoa của cây có màu trắng hoặc màu vàng nhạt, có hình dạng giống cái chuông và phía trên có 6 cánh màu trắng. Cuống hoa rất ngắn, gần như không thấy được.
Mùa quả của cây kéo dài từ tháng 3 đến tháng 11. Quả của cây tu hú là quả mọng, có hình trứng hoặc hình cầu, có kích thước tương đương quả chanh, đường kính khoảng từ 2,5 – 5cm. Đầu quả có các lá đài đồng trưởng. Quả non có màu trắng, khi chín quả chuyển sang màu xanh đậm và sau đó chuyển sang màu vàng. Bên trong quả chứa nhiều hạt xen lẫn với một lớp mỡ của quả. Hạt có màu đen.
Cây tu hú là cây ưa sáng và chịu hạn tốt, thường mọc trong các trảng cây bụi ở đồi, đất sau nương rẫy. Cây có thể phải triển được trên nhiều loại đất, kể cả nơi đã bị bào mòn nhiều, trơ tầng đá ong cằn cỗi. Bộ rễ khỏe của cây có thể dài hơn 1m. Cây rụng lá vào mùa đông. Ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Ở vùng núi, người ta thường trồng cây tu hú vào bờ rào để bảo vệ nương rẫy.
Phân bố, thu hái, chế biến
Phân bố: Cây tu hú được tìm thấy ở nhiều quốc gia nhiệt đới trên thế giới, bao gồm khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Đông Phi. Ở Việt Nam, cây mọc tự nhiên và cũng được trồng phổ biến để làm hàng rào ở khắp các tỉnh trong cả nước do có nhiều gai. Cây tu hú đặc biệt phổ biến ở các tỉnh vùng núi thấp và trung du, đặc biệt là từ Quảng Trị trở đi. Thông thường, cây thường mọc ở độ cao dưới 500m.
Thu hái: Các bộ phận của cây tu hú, bao gồm rễ, lá và vỏ thân, có thể thu hái suốt cả năm. Riêng đối với quả, thì thường được thu hoạch vào mùa đông.
Chế biến: Cây tu hú có thể được sử dụng tươi hoặc được phơi/sấy khô để lưu trữ và sử dụng dần.
Bộ phận sử dụng
Quả của cây tu hú được thu hoạch vào mùa đông và thường được sử dụng tươi. Trong khi đó, rễ và vỏ cây có thể thu hái quanh năm và có thể được sử dụng tươi hoặc phơi khô.
Thành phần hoá học
Quả cây tu hú còn xanh chứa nước 74,1%, cao eter 0,2%, protein 0,9%, đường 5,5%, các carbohydrate 17,7%, sợi 4,43%, các acid (acid citric) 0,3%, tanin 1,6%. Ngoài ra, còn có pectin, chất nhầy và acid tartric. Các saponin triterpen trong quả tươi với hàm lượng 2 – 3% và quả khô 10%. Khi thủy phân saponin được acid oleanolic và phần đường là glucose, fructose, xylose và acid glucuronic. Ngoài ra còn 1-ceto-3α-hydroxyolean (II) β và α amyrin, β sitosterol và acid oleanolic.
Hạt cây tu hú chứa chất béo 1,5%, protein 14,2%, chất nhầy, chất nhựa, acid hữu cơ 1,4% và một lượng nhỏ alkaloid chưa được xác định tên.
Vỏ cây tu hú chứa scopoletin, D-manitol và một hỗn hợp saponin khi thủy phân cho phần đường là glucose, xylose, rhamnose, và hai sapogenin là acid randialic A và randialic B.
Rễ cũng chứa scopoletin, D-manitol.
Công dụng
Theo Y học cổ truyền
Cây tu hú vị cay, tính ấm, mùi thơm.
Công năng: Khu phong, tán hàn, hành khí, hoạt huyết, tiêu độc, cầm máu, giảm đau.
Theo Y học hiện đại
Tác dụng chống viêm, chống oxy hóa
Ghante và cộng sự đã báo cáo vào năm 2012 rằng dịch chiết từ quả cây tu hú giúp làm giảm tình trạng viêm do thực nghiệm trên mô hình carrageenan, giảm giải phóng histamin, chống oxy hóa và có tác dụng giãn phế quản.
Một nghiên cứu mới đây vào năm 2023 của Narota và cộng sự cũng cho thấy dịch chiết từ ethanol của quả cây tu hú có hoạt tính chống viêm mạnh chống lại tổn thương phổi cấp tính ở chuột thông qua hợp chất D-mannitol và acid oleanolic.
Tác dụng bảo vệ gan
Nghiên cứu của Noorani và cộng sự năm 2012 báo cáo rằng dịch chiết từ quả cây tu hú làm giảm đáng kể nồng độ ALT, AST, triglyceride, bilirubin trực tiếp, bilirubin toàn phần và peroxy hóa lipid trong huyết thanh tăng cao; tăng đáng kể tổng lượng protein và giảm glutathione trên chuột gây mô hình tổn thương gan do rượu.
Một nghiên cứu khác năm 2016 của Kandimalla và cộng sự cũng cho thấy dịch chiết lá và vỏ cây của cây tu hú làm giảm AST, ALT, phosphatase kiềm, LDH, bilirubin, TNF-α, IL-1β và làm tăng tổng lượng protein trên mô hình tổn thương gan do carbon tetrachloride (CCl4) gây ra ở chuột. Ngoài ra, kết quả mô bệnh học còn thấy được dịch chiết của lá và vỏ cây của cây tu hú còn bảo vệ gan khỏi tổn thương do CCl4 gây ra.
Liều dùng & cách dùng
Mỗi ngày sử dụng từ 5 đến 20g cây tu hú qua đường uống. Cây tu hú có thể được dùng dưới dạng viên uống hoặc bột, tùy thuộc vào mục đích điều trị.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa mụn nhọt, lở loét
Quả cây tu hú được bổ đôi và bỏ hạt bên trong. Sau đó, quả được trộn với vôi và được bọc bên ngoài bằng đất sét và mang đi đốt tồn tính. Đất sau đó được bỏ đi và quả được nghiền thành bột để rắc quanh nơi bị loét.
Chữa vết đốt côn trùng, rắn rết cắn
Hái một nắm lá cây tu hú tươi và rửa sạch, ngâm lá trong nước muối khoảng 15 phút. Sau đó, để lá ráo và cho vào cối để giã nát, pha thêm một ít nước đun sôi vào cối để nguội. Chắt lấy nước cốt từ lá đã giã và uống. Còn bã lá sau khi chắt nước cốt có thể giữ lại và đắp trực tiếp lên vết đốt để giúp giảm sưng và ngứa.
Chữa đái buốt, đái đỏ, đái nhắt
Lá cây tu hú tươi 20 – 30g vò hoặc giã. Vắt lấy nước cốt để uống hoặc mang đi sắc uống.
Thuốc giải độc
Lá cây tu hú, rễ cỏ lá tre, lá thường sơn, lá đơn răng cưa tất cả mang đi giã nhỏ cho thêm nước rồi gạn lấy nước cốt uống.
Chữayếu sức, mệt mỏi ở phụ nữ sau sinh
Lá cây tu hú được thu hái số lượng lớn và phơi khô để sử dụng dần. Mỗi ngày, lấy 20 – 30g lá cây tu hú đã phơi khô đun với 4 bát nước cho đến khi cạn xuống còn 1 bát. Chia thành 2 phần, uống sáng và chiều. Tiếp tục sử dụng hàng ngày trong vòng 1 tháng cho đến khi cảm thấy sức khỏe cải thiện.
Điều trị cho trẻ mọc răng bị sốt, khó chịu trong người
Rửa sạch quả cây tu hú và đem phơi hoặc sấy khô hoàn toàn. Nghiền dược liệu đã khô thành bột mịn để dành và sử dụng nhiều lần. Khi trẻ bị sốt hoặc khó chịu do mọc răng, mẹ có thể lấy 3 – 5g bột và rắc lên lưỡi của trẻ hoặc đắp vào vòm miệng của bé.
Tùy theo tình trạng sốt, bạn có thể sử dụng thuốc này 1 – 2 lần trong ngày. Thông thường, sau khoảng 3 ngày sử dụng thuốc, bạn sẽ thấy tình trạng của trẻ giảm dần và trở nên thoải mái hơn.
Chữa đau nhức cho các trường hợp đang bị sốt
Cách 1: Rửa sạch vỏ quả cây tu hú và cho vào nồi cùng với nước. Đun cho đến khi thuốc sôi mạnh, sau đó giảm lửa nhỏ và để nồi tiếp tục sôi nhẹ cho đến khi còn lại khoảng 100ml thuốc. Chờ cho thuốc nguội và chắt lấy nước cốt. Có thể uống hết một lần hoặc chia làm hai lần uống vào buổi sáng và buổi chiều.
Cách 2: Thu hái lượng lớn vỏ quả cây tu hú và phơi khô cho đến khi hoàn toàn khô.
Nghiền vỏ quả đã khô thành bột nhuyễn mịn. Bảo quản bột thuốc trong một hũ có nắp đậy, ở nơi khô ráo để kéo dài thời gian sử dụng. Mỗi lần sử dụng, lấy một lượng bột thuốc và pha với một lượng nước vừa đủ để tạo thành một hỗn hợp đặc sệt.
Đắp hỗn hợp thuốc lên vùng xương bị đau nhức và để trong khoảng 2 – 3 tiếng. Để tránh thuốc rơi ra, bạn có thể sử dụng băng gạc để bó cố định. Lặp lại việc đắp thuốc 1 – 2 lần mỗi ngày trong vài ngày liên tục. Bạn sẽ cảm nhận rõ rệt sự giảm đau nhức của xương và khớp.
Cây tu hú chữa đau bụng
15g vỏ quả cây tu hú và 400ml nước, rửa sạch vỏ quả và cho vào nồi. Đổ nước vào nồi với vỏ quả và đun nhỏ lửa khoảng 20 phút để thuốc cô đặc. Sau khi thuốc cô đặc lại, gạn thuốc uống khi thuốc còn ấm. Uống thuốc mỗi ngày trong vòng 1 tháng. Dùng liên tục trong 3 – 5 ngày để thấy hiệu quả.
Lấy dằm, gai đâm ra khỏi da
Cách 1: Hái mầm và cành non của cây tu hú, rửa kỹ với nước muối để khử khuẩn. Giã nát mầm và cành cho đến khi thành dạng bột. Đắp bột thuốc đã giã nát lên vùng da bị gai đâm sâu. Băng cố định lại vùng đắp thuốc bằng băng hoặc gạc. Để thuốc và băng cố định trong vài tiếng để thuốc có thời gian tác động. Sau vài tiếng, gai sẽ từ trồi lên và thuốc có thể giúp giảm đau và ngăn chặn nhiễm trùng.
Cách 2: Lấy cành non và mầm của cây tu hú và phơi khô chúng. Sau khi khô, nghiền thành bột. Khi bị gai đâm, lấy một lượng bột thuốc và pha với một ít nước để tạo ra một hỗn hợp đắp thuốc. Đắp hỗn hợp thuốc lên vùng da bị gai đâm, để kích thích gai trồi lên trên bề mặt da. Lúc này, bạn có thể sử dụng một cái nhíp đã được tiệt trùng để gắp gai ra ngoài mà không gây tổn thương cho da xung quanh.
Chữa bệnh lỵ, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày (tiêu chảy)
Lấy 120g vỏ rễ cây tu hú mang đi rửa sạch đất cát, phơi khô vỏ rễ. Để chế thuốc, sắc kỹ 120g vỏ rễ cây tu hú với 500ml nước, lọc lấy nước thuốc khoảng 100ml. Chia lượng nước thuốc thành hai lần uống. Nên uống khi nước thuốc còn ấm, vì điều này có thể giúp đạt hiệu quả tốt hơn trong việc điều trị.
Lưu ý
Khi sử dụng cây tu hú, hãy lưu ý các điều sau:
- Sử dụng dược liệu theo đúng liều lượng được hướng dẫn cho từng loại bệnh cụ thể.
- Thuốc sắc từ cây tu hú nên uống hết trong ngày và hâm nóng lại trước mỗi lần sử dụng. Tránh để qua ngày vì có thể làm mất tác dụng và gây ôi thiu.
- Khi sử dụng thuốc dạng đắp, hãy rửa sạch dược liệu và ngâm trong nước muối trước để đảm bảo không nhiễm trùng tổn thương.
- Không sử dụng cây tu hú liên tục trong thời gian dài mà chưa có sự đồng ý của thầy thuốc hoặc bác sĩ.
- Với bài thuốc rượu ngâm, không sử dụng cho phụ nữ mang thai, trẻ em và chỉ sử dụng đúng liều lượng. Tránh lạm dụng để tránh gây phản tác dụng.
Đặc biệt, cần phải tham khảo ý kiến của Bác sĩ Y học cổ truyền trước khi sử dụng cây tu hú để đảm bảo an toàn.
Nguồn Tham Khảo:
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- Viện dược liệu. Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.
- Catunaregam spinosa (Thunb.) Tirveng: A Review of Traditional Uses, Phytochemistry, Pharmacological Activities, and Toxicological Aspects: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8413030/
- Bronchorelaxant, mast cell stabilizing, anti-inflammatory and antioxidant activity of Randia dumetorum (Retz.) Lamk. extracts: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22594261/
- Isolation & identification of anti-inflammatory constituents of Randia dumetorum lamk. fruit: Potential beneficial effects against acute lung injury: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/36216197/
- Pretreatment of Albino Rats with Methanolic Fruit Extract of Randia Dumetorum (L.) Protects against Alcohol Induced Liver Damage: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22563258/
- Antioxidant and Hepatoprotective Potentiality of Randia dumetorum Lam. Leaf and Bark via Inhibition of Oxidative Stress and Inflammatory Cytokines: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27471465/
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.