Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Chanh: Cây dược liệu quý giá dễ trồng cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Chanh là một loại cây ăn trái được trồng khắp nước ta. Chanh được dùng là làm gia vị, pha nước giải khát và còn là một vị thuốc chữa và phòng bệnh rất hiệu quả.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên tiếng việt: Chanh.
Tên khác: Tại Việt Nam, chanh được gọi với nhiều tên khác nhau tùy vào dân tộc: Chanh, Chanh ta, Mạy sló, Mác cheng (Tày), Má điêu (Thái), Chứ hở câu (Hmông), Piều sui (Dao),…
Tên khoa học: Citrus aurantifolia (Christm. et Panzer) Swingle, thuộc họ Rutaceae (Cam).
Đặc điểm tự nhiên
Cây nhỏ nhẵn hay có gai, gai dài 35 mm, búp non có màu đỏ. Lá hình trứng hay hình trứng dài, dài 5,5 – 11 cm, rộng 3,5 – 6 cm, mép có răng cưa. Hoa màu trắng, hơi tím nhạt hay đỏ tím, mọc đơn độc hay từng chùm. Cây có lá bắc hình mũi mác, mặt lá nhẵn hoặc có lông.
Quả có kích thước nhỏ. Vỏ quả mỏng, nhẵn, có khoảng 10 – 12 múi. Trong múi có chứa khoảng 3 hạt, vị rất chua.
Phân bố, thu hái, chế biến
Chanh đã được trồng ở khắp các tỉnh thành trên cả nước để lấy quả ăn, lá làm gia vị. Từ 1956, chanh được trồng để xuất khẩu. Trong y học cổ truyền, các bộ phận của chanh như quả, lá và rễ có thể dùng tươi hay khô để làm vị thuốc chữa bệnh.
Chanh ra hoa vào khoảng tháng 3 – 5, mùa quả khoảng tháng 6 – 9. Ngoài ra, chanh còn có một vụ chiêm vào các tháng 1 – 2.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận sử dụng: Rễ, vỏ, thân, lá, quả và hạt chanh.
Thành phần hoá học
Vỏ quả chanh: Lớp vỏ xanh ngoài chứa tinh dầu, thường 3.000 quả đến 6.000 quả cho 1 lít tinh dầu chanh (theo kiểu vắt tươi) mỗi quả cho khoảng 0,5 ml tinh dầu. Vỏ trắng chứa pectin.
Tinh dầu chanh là một chất lỏng màu vàng nhạt, mùi thơm chanh, tỷ trọng ở 15°C từ 0,857 đến 0,862. Dưới tác dụng của khí trời và ánh sáng, tinh dầu chanh sẽ để lắng một chất đặc, nhầy, tỷ trọng tăng lên, 90 – 95%. Tinh dầu chanh là những hợp chất terpen gồm: D – Limonen, một ít α – Pinen, β – Phelandren, camphen và γ – Terpinen.
Mùi thơm của tinh dầu chanh là do các hợp chất oxy và chiếm từ 3 – 5% gồm xitrala và một ít xitronelala. Ngoài ra người ta còn thấy trong tinh dầu chanh acetat geranyl và acetat linalyla.
Dịch quả chanh: Trong dịch quả chanh có 80 – 82% nước, 5 – 7% axit citric, có khi tới 10% (mùa thu tỷ lệ axit cao hơn mùa hạ), chừng 1 – 2% citrat axit canxi và kali, một ít citrat ethyl và chừng 0,4 – 0,5% axit malic. Ngoài ra còn 0,4 – 0,75% đường interverti, 0,5% sacaroza, 0,75 – 1% protit. Độ tro 0,5%, vitamin C 65 mg trong 100 g dịch tươi, vitamin B1 và riboflavin.
Lá chanh chứa tinh dầu (với hàm lượng từ 0,33 – 0,5%), stachydrin, một dẫn xuất của prolin.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Tùy theo bộ phận dùng, chanh có:
-
Dịch quả chanh: Vào những ngày trời nắng, dịch quả chanh được dùng đề pha nước uống giúp giải khát. Khi dùng 30 – 120 g một ngày pha thành nước ngọt uống có tác dụng thông tiểu tiện, chữa bệnh tê thấp, hay bệnh thiếu vitamin C ở người lớn và trẻ em mới sinh (bệnh Scorbut). Trong công nghiệp, dịch quả chanh được dùng để sản xuất axit citric thiên nhiên. Dịch quả chanh còn giúp làm mượt tóc.
-
Múi chanh: Ngậm chung với muối ăn giúp chữa ho viêm họng.
-
Lá và ngọn chanh: Khi bị cảm cúm, người dân thường lấy lá đem xông chung với các loại thảo dược khác để ra mồ hôi giúp giải cảm; Khi trẻ em bị bí tiểu, chướng bụng, lấy lá và búp non chanh giã nát đắp lên rốn. Trong thực phẩm, lá chanh thái nhỏ làm gia vị ăn với thịt gà, ốc, quả chanh dùng pha nước chấm, tăng hương vị cho phở, làm đậm đà thêm nước rau luộc. Chanh còn là một nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp sản xuất bánh kẹo.
-
Rễ chanh: Hàng ngày, lấy khoảng 6 -12 g rễ chanh đem sắc riêng hoặc phối hợp với rễ cây râu tằm có tác dụng chữa ho.
-
Tinh dầu chanh và tinh dầu lá chanh: Tinh dầu có mùi thơm dễ chịu, được dùng để làm thuốc bột hoặc thuốc ngậm, làm dầu gội đầu, xông phòng.
-
Vỏ thân cây chanh: Được dùng là thuốc bổ đắng kích thích tiêu hoá. Ngày uống 4 – 10 g dưới dạng thuốc sắc.
-
Hạt quả chanh: Có người dùng làm thuốc tẩy giun.
Theo y học hiện đại
Năm 2012, Ahounou JF và cộng sự đã nghiên cứu thấy chiết xuất của hỗn hợp Aframomumum Melegueta (K Schum) và Citrus aurantifolia (Christm et Panzer) có tác dụng trong điều trị bệnh hen suyễn.
Liều dùng & cách dùng
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa ho, nôn ọe
Quả chanh đem rửa sạch cắt lát, lấy từng lát đem ngậm, có thể ngậm thêm vài hạt muối, nuốt lấy nước.
Chữa ho khan, mất tiếng
Dùng 15 g vỏ rễ chanh đã bỏ lớp ngoài đem sắc chung với 15 g lớp trắng của vỏ rễ râu, 15 g rễ bươm bướm, lấy nước uống giúp chữa ho khan, mất tiếng.
Chữa ho gà
Khi bị ho gà, lấy các nguyên liệu sau đem sắc uống: Lá chanh 4 g, lá táo 4 g, rễ cỏ gà 4 g, vỏ quýt 1 g, vỏ quả trứng gà (1 quả).
Chữa cảm cúm
Lấy khoảng 60 – 80 g lá chanh, đem đun nước sôi để xông cho ra mồ hôi. Sau khi xông dùng khăn khô lau mồ hôi, không nên ngồi quạt hay máy lạnh và tắm ngay.
Chữa ho trẻ em
Lấy các nguyên liệu sau gồm: Hạt chanh 20 hạt, hoa đu đủ đực 15 g, lá hẹ 15 g, nước 20 ml. Tất cả đem giã nhỏ, cho thêm mật ong, rồi đem hấp cơm. Ngày dùng 3 lần.
Lưu ý
Chanh là vừa là một loại trái cây, gia vị, vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, khi dùng với mục đích chữa bệnh, để có thể phát huy hết công dụng và kiểm soát các tác dụng không mong muốn của dược liệu với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ.
Nguồn Tham Khảo:
- Tra cứu dược liệu: Chanh, https://tracuuduoclieu.vn/chanh.html , xem 17/10/2021.
- Ahounou JF, Ouedraogo GG, Gbenou JD, et al. Spasmolytic effects of aqueous extract of mixture from Aframomumum melegueta (K Schum) – Citrus aurantifolia (Christm and Panzer) on isolated trachea from rat. Afr J Tradit Complement Altern Med. 2011;9(2):228-233. Published 2011 Dec 29. doi:10.4314/ajtcam.v9i2.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.