Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Bèo hoa dâu: Loài cây có thể sinh trưởng ngoài vũ trụ cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Bèo hoa dâu gồm những loài dương xỉ sống trên mặt nước, phân bố rộng rãi ở các nước khí hậu nhiệt đới gió mùa. Một điều thú vị là, đây là một trong những loại thực vật đầu tiên được mang lên Mặt trăng với kỳ vọng có thể trở thành nguồn thực phẩm ngoài vũ trụ cho con người trong tương lai.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên tiếng Việt: Bèo hoa dâu.
Tên khác: Bèo dâu, bèo hoa.
Tên khoa học: Các loài dương xỉ thuộc độc chi Azolla của họ Azollaceae. Ở Việt Nam có hai loài thường gặp là Azolla pinnata và Azolla caroliana.
Đặc điểm tự nhiên
Azolla pinnata là loài dương xỉ thủy sinh có tản nổi, màu lục hay hơi đỏ. Phân nhánh đều hai bên (phân nhánh lông chim); thân mang rễ, không có rễ phụ. Lá gần nhau, gắn theo hai hàng kết hợp, có 2 thùy, thùy dưới chìm dưới nước, làm nhiệm vụ sinh sản. Bào tử quả mang đại bào tử nang và tiểu bào tử nang. Loài Azolla caroliana có tản nổi nhỏ hơn, màu lục hay tía khi trưởng thành; nhánh không đều, lá hình xoan rộng, mọc trải trên mặt nước, mặt trên có nốt nhỏ; rễ dài đến 5cm.
Trong tự nhiên, Bèo hoa dâu không sống đơn độc mà thường cộng sinh với một loài vi khuẩn lam thuộc chi Anabaena. Nhờ mối quan hệ cộng sinh này, Bèo hoa dâu có khả năng cố định nitơ trong không khí và do đó, loài cây này có thể trở thành một nguồn phân giàu đạm tự nhiên (phân xanh).
Phân bố, thu hái, chế biến
Gặp từ vùng thấp đến vùng cao 400m. Cây sống ở nơi có nước như ruộng, ao, hồ. Cũng được trồng làm cây phân xanh bón lúa, làm thức ăn cho vật nuôi. Cây sinh sản rất nhanh, tạo thành một thảm màu lục trên mặt nước.
Đây là một loài thực vật phân bố ở khắp nơi trên thế giới, nhất là ở những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới (như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Papua New Guinea). Ở Việt Nam, có thể bắt gặp loài này phát triển mạnh ở hầu hết các bờ kênh, ao, hồ, sông, suối.
Đây là loại cây mọc hoang, sức chịu đựng với các điều kiện môi trường cao nên dễ trồng và gần như không tốn quá nhiều công chăm sóc. Bèo hoa dâu chỉ cần nước và không khí để đồng hóa tạo dinh dưỡng nuôi cây. Nếu trồng ở những môi trường nước giàu khoáng chất, cây sẽ sinh trưởng và phát triển nhanh hơn, lá đều và đẹp hơn.
Bèo hoa dâu có thể phát triển ngay cả dưới điều kiện ánh sáng trung bình. Loại cây này cũng có sức chống chịu tốt với các điều kiện bất lợi của môi trường. Các bào tử của cây có thể tồn tại trong thời gian dài một cách dễ dàng trong những môi trường khắc nghiệt như nhiệt độ quá cao hay quá thấp.
Nhờ tính sinh trưởng và phát triển nhanh và dễ dàng, việc nhân giống loài này khá đơn giản. Chỉ cần đặt một vài cây bèo trên mặt nước, một thời gian sau chúng sẽ nhanh chóng phủ xanh cả mặt nước. Màu sắc của cây có thể thay đổi từ xanh đến đỏ hay tím tùy vào điều kiện ánh sáng.
Bộ phận sử dụng
Toàn cây Bèo hoa dâu (Herba Azollae) được sử dụng làm thuốc.
Thành phần hoá học
Cây Bèo hoa dâu chứa nhiều nhóm hoạt chất tự nhiên như các hợp chất carotenoid, flavonoid, phytosterol và các hợp chất polyphenol khác. Ngoài ra, trong cây còn chứa nhiều chất xơ, các acid amin thiết yếu (đặc biệt là leucin, lysin, arginin và valin), vitamin và khoáng chất (calci, kẽm, sắt, đồng, magie). Bèo hoa dâu được xem là một nguồn dinh dưỡng đạm chất lượng cao.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, Bèo hoa dâu có vị cay, tính hàn. Các tác dụng chủ yếu của cây như sau:
- Phát hãn thấu chẩn: Dùng trong các trường hợp sởi đậu không mọc.
- Khu phong lợi thấp: Dùng trị các trường hợp đau do phong thấp.
- Thanh nhiệt giải độc: Dùng trong các trường hợp ho, sốt.
- Thúc sản: Dùng khi sinh đẻ nhau thai không xuống.
Theo y học hiện đại
Tác dụng kháng khuẩn
Bèo hoa dâu có tác dụng diệt trừ nhiều loại vi khuẩn gây bệnh cho người như một số loài Staphylococcus, Salmonella typhi, Bacillus, Escherichia coli… Ngoài ra, dược liệu này còn có tác dụng ức chế sự phát triển của nhiều loài vi khuẩn gây bệnh trên thực vật, nhất là các loài vi khuẩn thuộc chi Xanthomonas.
Các thử nghiệm dược lý in vitro cho thấy dịch chiết Bèo hoa dâu có tác dụng ức chế sự phát triển của Staphylococcus aureus kháng 17 loại kháng sinh thuộc các nhóm aminoglycosid, beta-lactam, cephalosporin và fluroquinolon, với kích thước vòng vô khuẩn là 20mm.
Tác dụng kháng nấm
Cao chiết nước, cao chiết ethanol và cao chiết methanol Bèo hoa dâu trong thử nghiệm in vitro thể hiện tác dụng ức chế sự phát triển của một số loại nấm có ý nghĩa về mặt lâm sàng như các chủng Candida albicans, Candida glabrata và một số loài Aspergillus.
Tác dụng kháng viêm
Trên mô hình chuột gây viêm gan bằng dung dịch chì acetat, dịch chiết Bèo hoa dâu thể hiện tác dụng kháng viêm thông qua cơ chế làm giảm nồng độ các cytokin viêm như IL-1, IL-6, IL-8, IL-10 và TNF-α.
Tác dụng chống oxy hóa
Dịch chiết nước và các dung môi hữu cơ của Bèo hoa dâu đều thể hiện khả năng chống oxy hóa trên các thử nghiệm dược lý. Cụ thể, trên mô hình thử nghiệm chống oxy hóa bằng phương pháp loại bỏ gốc tự do DPPH, dịch chiết methanol của loài Azolla microphylla thể hiện khả năng ức chế với giá trị IC50 là 59,8 mg/ml, trong khi đó, dịch chiết Azolla pinnata có giá trị IC50 là 7,32 mg/ml. Ngoài ra, thử nghiệm so sánh khả năng chống oxy hóa của các loại dung môi chiết xuất cho thấy dịch chiết ethanol của Bèo hoa dâu thể hiện khả năng chống oxy hóa cao hơn dịch chiết methnol của dược liệu này.
Tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư
Bèo hoa dâu có tác dụng ức chế sự phát triển khối u, đồng thời kích thích quá trình tự thực bào giúp tiêu diệt các tế bào u. Một chế phẩm của Bèo hoa dâu được thử nghiệm trên lâm sàng cho các bệnh nhân ung thư vòm họng và ung thư hạch cho thấy Bèo hoa dâu có tác dụng làm tăng cân, tăng số lượng tế bào lympho, nâng cao sức đề kháng của cơ thể và kéo dài tỉ lệ sống 5 năm của các bệnh nhân ung thư.
Tác dụng chống muỗi
Bèo hoa dâu có khả năng ức chế sự sinh trưởng và phát triển của các loài muỗi Culex (là vector mang virus gây bệnh viêm não Nhật Bản) và Aedes (vector mang virus gây bệnh sốt xuất huyết).
Bèo hoa dâu sinh trưởng mạnh trên mặt nước, làm giảm lượng oxy trong nước, khiến cho ấu trùng muỗi không thở được và làm giảm sự sinh trưởng của chúng. Ngoài ra, nhiều hợp chất thiên nhiên trong Bèo hoa dâu có khả năng trực tiếp diệt trứng muỗi và ấu trùng muỗi trên các thử nghiệm dược lý.
Liều dùng & cách dùng
Liều dùng thông thường là 6 – 15g toàn cây, sắc uống. Dùng dạng tươi, liều tối đa có thể lên đến 60g.
Ngoài ra, Bèo hoa dâu còn được sử dụng làm phân bón (phân xanh) cho nông nghiệp và làm thức ăn cho vật nuôi.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa hen phế quản
Dùng 100g bèo hoa dâu (bỏ rễ và lá vàng). Rửa sạch, ngâm với nước muối loãng lượng vừa đủ trong 5 – 10 phút, vớt ra để ráo nước, xay lấy nước, bỏ bã, rồi hòa nước này với nước lọc và xiro chanh cho đủ 100ml, ngày uống 2 – 3 lần mỗi ngày trong khoảng 10 ngày, các triệu chứng sẽ được cải thiện. Lưu ý, trong vòng 10 phút đầu sau khi uống hỗn hợp này có thể cảm thấy ngứa cổ, nhưng sau đó cảm giác này sẽ giảm dần.
Chữa viêm da cơ địa
Bèo hoa dâu (liều lượng tùy vào diện tích vùng tổn thương) cắt bỏ rễ và lá vàng, rửa sạch, giã nát, thêm ít muối rồi đắp hỗn hợp này lên vùng da tổn thương. Ngoài ra, kết hợp uống thang thuốc Bèo hoa dâu khô 30g, Kim ngâm hoa 20g, Bồ công anh 20g, Thổ phục linh 15g, Ké đầu ngựa 15g, Kinh giới 10g, ngày 1 thang liên tục trong 7 – 10 ngày.
Chữa viêm xoang mạn tính
Bèo hoa dâu khô 10g, Bạch chỉ 5g, Hoàng cầm 5g, Kim ngân hoa 8g, Cam thảo 4g sắc uống hàng ngày, ngày 1 thang có thể cải thiện được các triệu chứng của bệnh viêm xoang.
Chữa tiểu buốt, tiểu gắt
Bèo hoa dâu khô 20g, Mã đề 20g, lá cây Cối xay 20g, Râu ngô 20g, Kim ngâm hoa 10g, Kim tiền thảo 20g, Tỳ giải 10g sắc uống, ngày 1 thang.
Chữa viêm thận cấp tính
Bèo hoa dâu khô 60 – 70g, đậu đen (sao) 30 – 40g, pha với nước nóng làm trà uống hàng ngày.
Chữa cảm nóng (cảm phải khí nóng), đầu, mặt sưng, ngứa, mắt đau, khắp mình nổi mẩn ngứa, sưng phù
Bèo hoa dâu khô, Bạc hà, Kinh giới, mỗi thứ 30g sắc nước uống kèm xông.
Làm trắng sáng da
Bài 1: Bèo hoa dâu bỏ hết rễ và lá vàng, rửa sạch, phơi khô trong bóng mát rồi tán cho mịn. Sau đó trộn bột bèo hoa dâu với mật ong lượng vừa đủ, dùng làm mặt nạ đắp qua đêm.
Bài 2: Dùng bột bèo cái trộn với chút giấm (nồng độ vừa phải), đắp hỗn hợp này lên mặt để làm trắng, mịn da.
Chữa mụn trứng cá
Bèo hoa dâu (liều lượng tùy vùng tổn thương) bỏ rễ và lá vàng rửa sạch, ngâm với nước muối loãng rồi giã nát, thêm một ít muối và đắp vào vùng mụn trứng cá, ngày 1 lần trước khi đi ngủ.
Lưu ý
Một số lưu ý khi sử dụng cây Bèo hoa dâu:
- Phải chọn nguồn dược liệu sạch, an toàn để phòng tránh nhiễm vi khuẩn lam sống cộng sinh với Bèo hoa dâu.
- Không được sử dụng với liều cao trong thời gian dài để tránh tổn thương hệ tiêu hóa.
Bèo hoa dâu là một loài thực vật mọc hoang có thể gặp ở hầu như mọi nơi ở nước ta. Mặc dù là một vị thuốc từ thực vật, do tính hàn của dược liệu, việc sử dụng lâu dài Bèo hoa dâu với liều cao có thể gây tổn thương cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm, nhất là với những người có vấn đề về hệ tiêu hóa như đầy trướng bụng, tiêu lỏng. Cần có sự tham vấn của Bác sĩ Y học cổ truyền trước khi sử dụng Bèo hoa dâu làm thuốc. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
Nguồn Tham Khảo:
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
- Từ điển cây thuốc Việt Nam – tập 1 – Võ Văn Chi
- Gupta, S.K., Chandra, R., Dey, D.K., Mondal, G., & Shinde, K.P. Study of chemical composition and mineral content of sun dried Azolla pinnata. Journal of Pharmacognosy and Phytochemistry. 2018, 7(16):1214-1216.
- O.A. Alalade, E.A. Iyayi. Chemical Composition and the Feeding Value of Azolla (Azolla pinnata) Meal for Egg-Type Chicks . International Journal of Poultry Science. 2006, 5:137-141. doi: 10.3923/ijps.2006.137.141
- Rahman SMA, Kamel MA, Ali MA, Alotaibi BS, Aharthy OM, Shukry M, Abd El-Bary HM. Comparative Study on the Phytochemical Characterization and Biological Activities of Azolla caroliniana and Azolla filiculoides: In Vitro Study. Plants. 2023; 12(18):3229. https://doi.org/10.3390/plants12183229
- T. Ramesh, F. Anibriteena, R. Eswaralakshmi. A brief review on pharmacological activities of Azolla. International Advanced Research Journal in Science, Engineering and Technology. 2021, 8(2):144-146. https://doi.org/10.17148/IARJSET.2021.8219
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.