Tên tiếng Việt: Chùm ruột.
Tên gọi khác: Tầm ruột, mác nhôm (Tày).
Tên khoa học: Phyllanthus acidus (L.) Skeels
Tên đồng nghĩa: Averrhoa acida L.
Họ: Euphorbiaceae (Thầu dầu).
Chùm ruột thuộc loại cây nhỏ, cao 3 – 5 m, có thân nhẵn. Cành non có màu lục nhạt, cành già chuyển sang màu xám mang nhiều vết sẹo do lá rụng để lại. Lá kép mọc so le và có cuống dài; lá chét thì mỏng, gốc tròn, chóp nhọn. Hoa nhỏ mọc thành xim, dài khoảng 4 – 7 cm. Hoa có màu đỏ, mọc ở nách lá đã rụng. Quả mọng có khía, khi chín quả có màu vàng nhạt, vị chua, ngọt nhạt. Mùa hoa tháng 3 – tháng 5, mùa quả tháng 6 – tháng 8.
Chùm ruột là cây của Mỹ châu nhiệt đới, được trồng để lấy quả. Có thể thu hái lá, vỏ rễ và vỏ thân quanh năm. Quả được thu hái lúc chưa chín.
Lá, quả, vỏ thân và rễ là những bộ phận được dùng của cây chùm ruột.
Trong quả có nước, chất proitid, glucid, lipid, acid acetic và vitamin C. Vỏ rễ chứa saponin, tanin, acid gallic và một chất kết tinh.
Quả có vị chua và tính mát, có tác dụng giải nhiệt, làm se.
Hạt và rễ có tính tẩy.
Rễ và lá dùng như chất chống độc đối với nọc rắn độc. Rễ và lá có tính nóng, làm tan huyết ứ, tiêu độc, tiêu đờm, sát trùng.
Quả thường được dùng để ăn giải nhiệt, chữa tụ máu gây sưng tấy, đau ở hông, ở háng. Vỏ thân được dùng tiêu hạch độc ung nhọt, ghẻ lở, giang mai, bị thương sứt da chảy máu, đau răng, đau mắt, đau tai có mủ, trừ tích ở phổi, tiêu đờm, đau yết hầu, song dao, độc dao.
Quả thường được dùng để ăn tươi hoặc nấu canh ăn cho mát.
Lá giã nhỏ với hồ tiêu để đắp lên các chỗ bị đau.
Vỏ phơi khô, tán nhỏ, ngâm với rượu trắng (200g trong 1 lít) trong 10 ngày, sau đó đem lọc lấy rượu, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 thìa canh. Rượu này nhỏ vào tai hôi thối có thể làm hết mủ; thấm bông bôi ghẻ, loét, giúp vết thương mau lành.
Bột vỏ chùm ruột đem ngâm giấm, uống hết bệnh trĩ. Ngoài ra, còn có thể nấu cao uống mỗi lần 1/2 thìa cà phê với nước chín trị họng mọc nấm, họng sưng, lỗ mũi lồi thịt. Có thể phối hợp với vỏ Vông đồng lượng gấp đôi, rồi hoà rượu trắng uống mỗi ngày 2 thìa cà phê, để trị các bệnh về tim. Vỏ rễ và rễ có độc, chỉ nên dùng ngoài, không được uống.
Trị phong ngứa, nổi mụn như ghẻ phỏng, chảy nước tới đâu ăn tới đó, hoặc lở cùng mình, ngứa dữ dội
Dùng vỏ chùm ruột, lá me chua, đọt chuối sứ cùi (cây non), đọt ổi. Các vị bằng nhau đem nấu một lần, để vào một cục phèn chua khoảng bằng ngón tay cái, nấu nước sôi vài dạo rồi nhắc xuống để nguội, hoặc tắm hoặc thoa vào chỗ bị ngứa để vậy cho khô, làm nhiều lần đến khi hết ngứa.
Chữa đau lưng (lumbago), đau ở háng
Lá chùm ruột tươi đem giã nhỏ với hồ tiêu, đắp vào chỗ đau.
Chữa suy yếu tim
Lượng vỏ thân chùm ruột và vỏ thân vông đồng theo tỷ lệ 1:2. Sắc rồi cô thành cao đặc. Khi dùng thì hòa với rượu trắng, uống mỗi ngày 2 thìa cà phê.
Chữa lở ngứa, ghẻ, loét, vết thương
Vỏ thân phơi khô, tán bột, sau đó chưng với dầu dừa, bôi.
Khi sử dụng chùm ruột, cần lưu ý: Rễ và vỏ rễ có độc, chỉ nên dùng ngoài, không được uống.
Nguồn Tham Khảo:
- //tracuuduoclieu.vn/chum-ruot.html
- Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.