Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Chuối hột rừng: Loại cây ăn quả có nhiều tác dụng chữa bệnh cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Chuối hột rừng là một vị thuốc cổ truyền quý. Tùy thuộc vào bộ phận và cách dùng của Chuối hột rừng mà có tác dụng chữa bệnh khác nhau như: Lõi thân đắp lên vết thương để cầm máu; rễ cây giúp an thai; vỏ quả sắc uống chữa đau dạ dày, ỉa chảy; quả chữa sỏi đường tiết niệu; …
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên tiếng việt: Chuối hột rừng.
Tên khác: Chuối rừng, Chuối hoang nhọn, Cuổi đông, Mạy duốc (Tày), Co phí vẹc (Thái), Prít (Kdong).
Tên khoa học:Musa acuminata Colla. Thuộc họ chuối: Musaceae.
Đặc điểm tự nhiên
Chuối hột rừng có thân giả cao tới 3 – 4 m; trên thân có những đám vết nâu đen. Phiến lá dài, mặt trên màu xanh, mặt dưới màu xanh hoặc màu tía, cuống lá có sọc đỏ. Buồng mọc ngang hay thông, cuống buồng ngắn, số nải ít hơn 10, bẹ nải Chuối cuốn ngược lên, hình bẹ nải hẹp, đầu bẹ nải nhọn. Quả có xu hướng vểnh lên trên, vỏ quả vàng, thịt trắng hay vàng vàng, có thể có hột tròn dẹp dẹp, dài 6 – 7mm, rộng 3mm.
Phân bố, thu hái, chế biến
Cây phân bố ở nhiều nước nhiệt đới ở Châu Á, châu Đại Dương. Cây thường mọc thành bụi và rải rác ở ven rừng, suối, sông, trong thung lũng, sườn đồi, núi. Ở Việt Nam, cây có mặt hầu như ở khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam.
Thời điểm thu hoạch tùy bộ phận cần dùng: Rễ thu hái quanh năm, quả khi chín.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận sử dụng của cây Chuối hột rừng là: Quả, rễ, vỏ quả, lõi thân.
Thành phần hoá học
Năm 2016, trong một nghiên cứu, đã xác định được một hợp chất trong dịch chiết methanol thịt quả chưa chín của Chuối hột rừng gồm: 1,2,3 – propanetriol; 5 – (hydroxymethyl) – 2 – furaldehyde; diphenyl sulfone; hexadecanoic acid; methyl ester; n – Hexadecanoic acid; 1 – heptatriacotanol; methyl 16 – oxo – cleroda – 3, 13 (14) – E – dien – 15 – oate; 1H – pyrrole – 2, 4 – dicarboxylic acid; 3, 5 – dimethyl – diethyl ester; 19, 21 – tetracontadiyne; dihydro – neotigogenin dibenzoate; allopregnane 3β, 7α, 11α – triol – 20 – one; n – propyl 9, 12, 15 – octadecatrienoate; trilinolein; 1, 2 – Epoxy – 5, 9 -cyclododecadiene.
Phần ăn được của Chuối hột rừng cung cấp năng lượng, vitamin và khoáng chất.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Gần như tất cả các bộ phận của cây Chuối rừng đều có tác dụng như: Rễ giúp an thai; Vỏ quả trị tiêu chảy, Lõi thân giã nát đắp nên vết thương giúp cầm máu; Thân chuối, bắp chuối, củ chuối khi loại bỏ lớp ngoài, lấy phần non bên trong, thái mỏng có thể làm thành rau ăn với lẩu hoặc làm gỏi, muối dưa ăn rất ngon.
Theo y học hiện đại
Năm 2017, một số nghiên cứu đã cho thấy, Chuối hột rừng có khả năng chống oxy hóa, chống đái tháo đường, điều hòa miễn dịch, giảm lipid máu, chống ung thư, và kháng khuẩn đặc biệt là hoạt động chống HIV. Tuy nhiên, các thành phần có hoạt tính sinh học từ các bộ phận khác nhau của cây cần được nghiên cứu thêm.
Liều dùng & cách dùng
Thường dùng 10 – 20g rễ sắc nước uống, có thể phối hợp với rễ móc.
Vỏ quả 4 – 8g sắc nước uống.
Bài thuốc kinh nghiệm
Quả chuối hột rừng
Chuối hột rừng có hai loại quả to và quả nhỏ nhưng nhìn chung kích thước cũng chỉ khoảng ngón tay cái. Quả khi chín có màu vàng, vị ngọt, có nhiều hạt cứng nên ít khi dùng để ăn. Quả Chuối hột có nhiều tác dụng chữa bệnh như:
-
Quả Chuối hột còn non dùng chế biến như một loại rau ăn gỏi, vừa giúp khử vị tanh của hải sản (cá, sứa, tôm,…), vừa phòng ngừa tiêu chảy.
-
Chữa đái tháo đường, viêm thận, tăng huyết áp.
-
Trị trẻ em táo bón: Cho trẻ bị táo bón ăn 1 – 2 trái Chuối hột rừng chín đã nướng mềm thì chỉ khoảng chục phút sau là trẻ đi đại tiện được.
-
Trị sỏi bàng quang: Lấy quả Chuối xanh dùng làm trà uống ngày 2 lần sau khi ăn no. Cách làm: Cắt qủa chuối thành các lát mỏng, đem phơi khô, sao vàng, hạ thổ. Liều lượng: Lấy 50 – 100 g sắc với 400 ml nước dùng uống trong một ngày.
-
Trị bệnh thống phong (bệnh gout): Đem phối tất cả các nguyên liệu đã phơi khô, sao vàng hạ thổ làm thành các túi lọc với liều lượng như sau: Quả Chuối hột rừng 3g, khổ qua 1g, củ ráy rừng 4g, tỳ giải 2g. Mỗi ngày dùng từ 2 – 3 gói pha trà uống, không uống chung với đường.
-
Trị hắc lào: Lấy nhựa quả Chuối hột rừng xanh đem bôi vào chỗ bị hắc lào cho kết quả chữa bệnh rất tốt.
-
Xổ giun: Khi đói, ăn quả Chuối hột rừng chín giúp tẩy xổ giun.
-
Rượu Chuối hột rừng: Đây là sản phẩm được sử dụng rộng rãi và nhiều người biết đến nhờ các lợi ích quý giá: Hỗ trợ tiêu hóa, bổ thận, tráng dương, đau xương khớp, ổn định đường huyết, bồi bổ cơ thể,… Cách làm như sau: Quả chuối hột thật chín, đem phơi khô. 1kg chuối hột rừng ngâm với khoảng 2 – 2,5 lít rượu ngon 40 – 45 độ. Cho chuối vào ⅓ lọ thủy tinh, đổ rượu ngập khoảng ⅔ lọ, để trống ⅓ khoảng trên để cho chuối nở. Đậy nắp kín, ngâm càng lâu càng tốt, ít nhất là 100 ngày. Mỗi ngày uống khoảng nửa tách trà (10 – 20 ml) rượu này giúp hỗ trợ điều trị sạn thận.
Hạt Chuối hột
Hạt Chuối rừng lấy từ quả chín có vỏ màu đen, bên trong bột màu trắng có nhiều tác dụng chữa bệnh.
-
Giảm đau, tiêu sưng, chữa đau lưng, chân tay nhức mỏi, thấp khớp: Rượu ngâm với liều lượng: 200g hạt chuốt rừng giã nát với 1000ml rượu 40 độ. Thời gian ngâm rượu càng lâu càng tốt, ít nhất là 10 ngày, thỉnh thoảng nên lắc đều. Rượu này uống vào lúc đói hoặc trước khi đi ngủ, 15ml/ lần, 2 lần/ ngày. Rượu có thể cho thêm đường để uống.
-
Trị sỏi thận, sỏi bàng quang: Hạt Chuối rừng chín, phơi khô, rang giòn, xay thành bột mịn. Mỗi ngày lấy khoảng 2 thìa bột đem pha với nước sôi uống. Uống liên tục trong 30 ngày sẽ thấy hiệu quả rất tốt.
Vỏ quả huối hột
-
Trị đau bụng kinh niên: Viên hoàn gồm 40g bột vỏ Chuối hột đã sao hơi vàng, 4g bột Quế chi, 2g bột Cam thảo và mật ong. Mỗi ngày uống 2 – 3 lần với nước ấm.
-
Trị đau bụng, tiêu chảy: Dùng 4 – 8g vỏ quả Chuối rừng đã cắt nhỏ, phơi khô hãm thành trà uống ngày 2 lần.
-
Trị kiết lỵ: Mỗi thứ sau lấy 20g: Rễ cây gai tầm xong, rễ tầm xuân, vỏ quả lựu, vỏ quả chuối hột kết hợp với 10 g búp ổi đem phơi khô, sau đó sắc với nước để uống.
Hoa Chuối hột
Hoa chuối có vị hơi chát và ngon ngọt. Hoa Chuối hột giàu chất xơ nên có tác dụng chống táo bón rất tốt. Nhân dân thường dùng hoa Chuối hột làm gỏi, luộc, nấu canh ăn thay cho các loại rau khác vừa cung cấp chất xơ, vừa có tác dụng làm nước tiểu trong, tránh tạo sỏi thận, sỏi bàng quang nhờ giúp thận hòa tan các acid dễ đóng cặn. Ngoài ra, phụ nữ mới sinh con ăn rau từ hoa Chuối rừng hột còn giúp tăng tiết sữa cho con bú.
Lá Chuối hột
- Trị băng huyết, nôn ra máu: Lá Chuối hột phơi khô 10g, mốc cây cau 20g, Tinh tre 20g. Tất cả đem sao cháy, rồi tán thành bột mịn và hòa với nước uống.
- Mát phổi, bổ phổi, tiêu độc: Lấy lá màu đỏ bao bọc buồng Chuối (lá bắc) kết hợp với hoa Chuối đem sắc với nước uống.
Thân Chuối hột
-
Trị đau nhức răng: Lấy nước từ cây thân Chuối còn non đã đem nướng thêm một ít muối để ngậm.
-
Cầm máu vết thương: Lấy lõi non của thân cây Chuối giã nát đắp vào vết thương có tác dụng cầm máu.
-
Giảm khát nước: Thân cây Chuối chứa rất nhiều nước. Đây là nguồn nước sạch, tinh khiết. Những người đi rừng thường ăn sống lõi cây non hoặc ép lấy nước để uống để cung cấp nước cho cơ thể, giảm khát.
-
Hỗ trợ ổn định đường huyết: Lấy nước từ thân cây Chuối hột có bắp đang nhú uống thường xuyên sẽ giúp ổn định đường huyết. Cách làm: Cắt ngang thân cây cách mặt đất khoảng 20 – 25 cm, khoét một lỗ rỗng to ở thân cây, để qua đêm cho nước từ thân cây tiết vào lỗ rỗng đó. Lấy nước đó dùng.
-
Theo tài liệu nước ngoài, lấy thân và lá Chuối hột đem sắc nước uống giúp lợi tiểu, hỗ trợ điều trị chữa phù thũng.
Củ Chuối hột
-
Trị cảm nóng, sốt cao, háo khát, mê sảng: Lấy nước ép từ củ Chuối hột rừng uống. Lưu ý, củ Chuối trước khi ép lấy nước cần loại bỏ lớp vỏ ngoài, rửa sạch.
-
Trị ho ra máu: Củ Chuối hột phối hợp với tầm gửi cây dâu, rễ cỏ tranh, thài lài tía, mỗi thứ 12g, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
-
Trị kiết lỵ ra máu: Lấy mỗi thứ 4 g các nguyên liệu sau: Củ Chuối hột, củ Sả, Tầm gửi, cây Táo hoặc vỏ cây Táo đem sao vàng, sắc uống.
-
Trị khó ngủ, hay mơ, tim hồi hộp: Lấy 1 quả tim heo khoảng 200 – 300g đen hầm chung với 20g củ Chuối hột lấy nước uống và ăn tim.
-
Hỗ trợ ổn định đường huyết: Nước ép từ củ Chuối hột cũng có tác dụng ổn định đường huyết ở người bị đái tháo đường tuýp 2 như nước lấy từ thân cây Chuối hột.
-
An thai: Theo kinh nghiệm của người Thái ở Tây Bắc, khi dùng nước sắc của củ Chuối hột rừng, củ huối rừng và rễ cây móc (mỗi thứ 10 – 12g) có tác dụng an thai.
-
Làm mát, giải độc, kích thích tiêu hóa: Uống nước hãm củ Chuối rừng.
-
Bồi bổ cơ thể: Lấy thân và củ Chuối đem hầm với cá lóc, lươn đồng là món ăn giàu protein và các chất dinh dưỡng khác. Bên cạnh đó, củ Chuối còn giúp tăng cảm giác ăn ngon miệng, kích thích tiêu hóa, tăng hấp thụ.
Lưu ý
Còn loài Chuối sợi – Musa textilis Née, có thân giả cao 4 – 6 cm, có thớ rất chắc, có chồi; lá có phiến to, dày, cứng; quả có 3 cạnh, chứa đầy hạt. Ta thường trồng ở vùng đồng bằng để lấy sợi ở các thân giả. Quả của nó không ăn được. Rễ cũng được sử dụng làm thuốc trị giun.
Quả Chuối hột rừng xanh chứa nhiều tanin nên không được tự ý ăn để tránh ngộ độc hoặc táo bón.
Rượu Chuối hột: Đây là một loại rượu thuốc do đó không nên uống xỉn và tự tiện dùng để chữa bệnh khi chưa có sự hướng dẫn của thầy thuốc để tránh tác dụng không mong muốn.
Nguồn Tham Khảo:
Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/chuoi-rung.html, ngày truy xuất: 12/11/2021.
Võ Văn Chi (2012). Từ điển cây thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/chuoi-hot-rung-mon-an-bai-thuoc-nhieu-cong-dung?inheritRedirect=false&fbclid=IwAR1CytpxxXuodx3yK-elGAREVEYN0JTWL-0U-sTHqOPkGcTvEgKkFgAFueA , ngày truy xuất 12/11/2021.
Nimisha SarahMathew, Pradeep Singh Negi, Traditional uses, phytochemistry and pharmacology of wild banana (Musa acuminata Colla): A review, Journal of Ethnopharmacology, 2017, volume 196, pages 124 – 140.
Sreejith, P. E., Linu N. K., Sasikumar P., Radhakrishnan K. V. and M. Sabu, Phytochemical studies of an endemic and critically endangered hill banana, Musa acuminata Colla (AA) ‘Karivazhai’ fruit by GC-MS, Journal of Chemical and Pharmaceutical Research, 2016, 8(5):164 – 168.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.