Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cỏ bấc đèn: Vị thuốc giúp giảm lo âu và an thần cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Cỏ bấc đèn còn có tên gọi khác là đăng tâm thảo, đã được sử dụng từ lâu trong Y học cổ truyền với nhiều công dụng khác nhau. Ngoài các công dụng giúp chống viêm, cỏ bấc đèn còn được sử dụng nhằm mục đích giúp an thần, chữa mất ngủ. Các nghiên cứu cũng chứng minh các tác dụng dược lý của cỏ bấc đèn trong việc chống viêm hay giúp giảm lo âu, an thần ở các mô hình trên chuột.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Cỏ bấc đèn.
Tên khác: Đăng tâm thảo, Tịch thảo, Xích tu, Bích ngọc thảo, Cổ ất tâm.
Tên khoa học: Juncus effusus, thuộc họ Bấc (Juncaceae).
Đặc điểm tự nhiên
Cỏ bấc đèn là loại cỏ sống nhiều năm, thường mọc thành cụm. Thân của cỏ bấc đèn tròn, cứng, nhỏ và cao khoảng 35 – 100 cm. Đường kính của thân cây hình trụ, khoảng 0,1 – 0,3 cm.
Lá của cỏ bấc đèn bị tiêu giảm nhiều, chỉ còn ít bẹ ở gốc thân. Hoa của cỏ bấc đèn có màu nâu vàng, mọc ở ngọn, hoa lưỡng tính. Quả cỏ bấc đèn là dạng quả nang, bên trong có chứa nhiều hạt nhỏ.
Phân bố, thu hái, chế biến
Trên thế giới, cỏ bấc đèn đã được tìm thấy ở các khu vực đầm lầy ở Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và Bắc Mỹ. Cỏ bấc đèn đã được sử dụng phổ biến hơn 1000 năm nay trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, cỏ bấc đèn thường mọc ở những khu vực ẩm ướt, bạn có thể bắt gặp cỏ bấc đèn ở bờ ruộng hoặc bờ sông suối. Cỏ bấc đèn thường mọc hoang ở các tỉnh miền Bắc, như ở Hà Nam và Nam Định.
Cỏ bấc đèn thường được thu hái vào mùa thu, sau khi thu hái, thân được rạch ra để lấy phần ruột (lõi), sau đó phơi khô dùng dần. Dược liệu sau khi phơi có màu vàng nhạt hoặc trắng, không có mùi vị.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận sử dụng làm thuốc của cỏ bấc đèn là ruột phơi khô, dược liệu còn có tên gọi khác là đăng tâm thảo.
Thành phần hoá học
Các nghiên cứu đã cho thấy nhiều hợp chất khác nhau trong chiết xuất của cỏ bấc đèn, bao gồm:
- Dihydrophenanthrene;
- Tetrahydropyrenes;
- Dehydroeffusol;
- Effusol;
- Araban;
- Phlobaphen.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Theo Đông y, cỏ bấc đèn hay dược liệu Đăng tâm thảo có vị ngọt, tính hàn. Quy vào kinh Phế, Tâm, Tiểu trường.
Công dụng của cỏ bấc đèn theo Y học cổ truyền giúp lợi tiểu thông lâm, thanh Phế nhiệt, giáng Tâm hoả. Cỏ bấc đèn được sử dụng trong điều trị các chứng như mất ngủ, đau họng, viêm họng, mụn nhọt, thông lợi tiểu tiện.
Theo y học hiện đại
Trong hiệu quả chống oxy hoá
Một nghiên cứu tại Hàn Quốc vào năm 2012 của tác giả Choi và cộng sự nhằm đánh giá tác dụng chống oxy hoá của chiết xuất từ các bộ phận khác nhau của cỏ bấc đèn. Trong nghiên cứu này, chiết xuất của cỏ bấc đèn được lấy từ ba phần khác nhau bao gồm một phần trên mặt đất và hai phần phía dưới mặt đất. Kết quả cho thấy chiết xuất cỏ bấc đèn có tác dụng chống oxy hoá thông qua hoạt động loại bỏ stress oxy hoá và khả năng chống gốc tự do DPPH.
Tương tự với kết quả nghiên cứu trên, năm 2014, một nghiên cứu khác tại Hàn Quốc của tác giả Kim và cộng sự cũng cho thấy tác dụng chống oxy hoá của chiết xuất cỏ bấc đèn. Các hợp chất được xác định trong chiết xuất cỏ bấc đèn là dehydroeffusol và effusol có tác dụng chống các gốc tự do DPPH và ABTS. Các hợp chất này cũng cho thấy tác dụng ức chế đáng kể các tế bào ung thư ở người.
Trong tác dụng chống viêm
Trong bối cảnh cỏ bấc đèn được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền với nhiều công dụng khác nhau bao gồm trị các bệnh lý viêm như viêm họng, viêm amidan. Các nghiên cứu đã đi sâu vào tìm hiểu tác dụng dược lý giúp chống viêm của cỏ bấc đèn nhằm làm sáng tỏ hiệu quả của chúng.
Theo tác giả Park và cộng sự vào năm 2016, công dụng chống viêm của cỏ bấc đèn được nghiên cứu dựa trên mô hình phù bàn chân chuột. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chiết xuất của cỏ bấc đèn giúp chống viêm thông qua việc giảm giải phóng oxit nitric, prostaglandin E2 và các cytokine gây viêm như IL-1β, IL-6. Chiết xuất cỏ bấc đèn cũng ức chế biểu hiện protein của NO synthase cảm ứng và cyclooxygenase-2 (COX-2). Nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng thoa tại chỗ, hoặc dùng đường uống đều có thể giúp giảm viêm ở mô hình phù chân chuột (tùy thuộc vào liều lượng).
Một nghiên cứu khác vào năm 2016 của tác giả Wei Ma và cộng sự cũng cho thấy tác dụng chống viêm của chiết xuất cỏ bấc đèn. Tác dụng chống viêm được chứng minh là do các hợp chất phenanthrenes chiết xuất từ cỏ bấc đèn. Tương tự với nghiên cứu ở trên, chiết xuất cỏ bấc đèn giúp ức chế sản xuất nitric oxide trong tế bào RAW 264.7 của đại thực bào ở chuột. Nghiên cứu này còn cho thấy chiết xuất cỏ bấc đèn có tác dụng gây độc với các tế bào ung thư ở người.
Trong tác dụng giúp an thần, giảm lo âu
Trong Y học cổ truyền, cỏ bấc đèn từ lâu được sử dụng với tác dụng giúp an thần. Qua các nghiên cứu hiện tại cũng cho thấy tác dụng giúp giảm lo âu và an thần của cỏ bấc đèn nhờ hợp chất phenanthrenes. Theo nghiên cứu của tác giả Wang và cộng sự vào năm 2012, chiết xuất của cỏ bấc đèn được xác định có tám loại phenanthrenes khác nhau, gồm:
- 7-carboxy-2-hydroxy-1-methyl-5-vinyl-phenanthrene;
- 2,7-dihydroxy-1-metyl-5-aldehyde-9,10-dihydrophenanthren;
- Dehydroeffusol;
- Dehydrojuncusol;
- 7-carboxy-2-hydroxy-1-metyl-5-vinyl-9,10-dihydrophenanthren;
- 8-carboxy-2-hydroxy-1-metyl-5-vinyl-9,10-dihydrophenanthren;
- Effusol;
- Juncusol.
Trong đó, hợp chất effusol và juncusol được xác định là hoạt chất giúp giải lo âu và an thần.
Tương tự với kết quả trên, một nghiên cứu khác của Liao và cộng sự năm 2011 cũng cho thấy hợp chất dehydroeffusol, một phenanthrene được phân lập từ cỏ bấc đèn, có hoạt tính giúp giảm lo âu và an thần đặc trưng trong một loạt các thử nghiệm hành vi ở chuột.
Trong tác dụng kháng khuẩn
Một nghiên cứu vào năm 2018 của Wei Zhao và cộng sự đã cho thấy tác dụng kháng khuẩn của chiết xuất cỏ bấc đèn. Nghiên cứu tìm thấy ba phenanthrene mới trong chiết xuất cỏ bấc đèn có hoạt tính giúp kháng khuẩn.
Một nghiên cứu khá tập trung vào công dụng giúp kháng khuẩn của cỏ bấc đèn được thực hiện vào năm 2016 bởi nhóm tác giả Barbara và cộng sự. Nghiên cứu này cho kết quả rằng, chiết xuất của cỏ bấc đèn với các phenanthrene có hoạt tính giúp kháng khuẩn đối với tụ cầu vàng kháng methicillin (Methicillin-Resistant Staphylococcus aureus).
Các phenanthrene được xác định có công dụng giúp kháng khuẩn các chủng MRSA bao gồm:
- Jinflexin B;
- Juncusol;
- Juncuenin D;
- Dehydrojuncuenin B.
Liều dùng & cách dùng
Cỏ bấc đèn được sử dụng dạng sắc uống hoặc dạng tán bột, liều dùng tham khảo có thể từ 1 đến 2g mỗi ngày.
Bài thuốc kinh nghiệm
Trị tâm phiền, miệng khát
Chuẩn bị: Cỏ bấc đèn 4g, Mạch môn 12g, Trúc diệp 12g.
Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia làm 2 đến 3 lần uống.
Trị tiểu tiện không thông, phù thũng, ăn ngủ kém
Chuẩn bị: Cỏ bấc đèn 8g.
Thực hiện: Lấy dược liệu (lõi của cỏ bấc đèn) sắc với 250ml nước sôi trong 15 phút, sau đó chia làm 3 lần uống mỗi ngày.
Trị tiểu gắt, tiểu đỏ
Chuẩn bị: Cỏ bấc đèn 9g, Hoàng bá 9g, Xa tiền tử 9g, Biển súc 9g, Mộc thông 6g, Hoạt thạch 6g.
Thực hiện: Mỗi thang thuốc đem sắc với 800ml đến khi còn khoảng 250ml. Chia nước sắc thuốc ra làm 3 phần, uống trong ngày.
Trị chứng lậu gây tiểu đục, tiểu buốt
Chuẩn bị: Cỏ bấc đèn 8g, Rễ cỏ tranh 8g.
Thực hiện: Sắc với nước, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Trị khó ngủ
Chuẩn bị: Cỏ bấc đèn 3g, Đạm trúc diệp 9g.
Thực hiện: Hãm lấy nước, uống như trà hằng ngày. Hoặc có thể sử dụng 2g cỏ bấc đèn sắc với nước uống mỗi ngày, trong 15 ngày, có thể thực hiện từ 2 đến 4 liệu trình cho đến khi ngủ khá hơn.
Trị viêm họng, viêm amidan mạn tính
Chuẩn bị: Cỏ bấc đèn 3g, Phèn chua 2,5g, Mai hoa phiến 1g, Hoàng bá 2g.
Thực hiện: Tán bột mịn các vị thuốc, mỗi lần dùng khoảng 3 đến 4g thổi vào họng.
Trị thấp nhiệt bàng quang
Chuẩn bị: Cỏ bấc đèn, Xuyên tâm liên, Xa tiền tử, Bạch mao căn.
Thực hiện: Mỗi thang thuốc dùng theo liều lượng của bác sĩ chỉ định tuỳ trường hợp, sắc uống mỗi ngày một thang.
Lưu ý
Một số lưu ý khi sử dụng cỏ bấc đèn bao gồm:
- Không dùng trong thời gian dài.
- Không sử dụng ở người trúng hàn, tiểu tiện không tự chủ hay thể trạng hư hàn.
Cỏ bấc đèn là một vị thuốc an toàn, có thể sử dụng cho người già trẻ nhỏ và cả phụ nữ mang thai. Tuy nhiên đây là dược liệu có tính hàn, bạn cần sử dụng với liều lượng và tần suất thích hợp. Do đó, hãy sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Y học cổ truyền, thay vì tự ý sử dụng không đúng chỉ định của thuốc.
Nguồn Tham Khảo:
- Cycloartane triterpenes from Juncus effusus: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0031942200906599
- Antioxidative Effect of Extracts from Different Parts of Juncus effusus L.: https://koreascience.kr/article/JAKO201229665548147.page
- Anti-inflammatory effects of Juncus effusus extract (JEE) on LPS-stimulated RAW 264.7 cells and edema models: https://www.tandfonline.com/doi/full/10.3109/13880209.2015.1029053
- Cytotoxic and anti-inflammatory activities of phenanthrenes from the medullae of Juncus effusus L.: https://link.springer.com/article/10.1007/s12272-015-0680-x
- Phenanthrenes from Juncus effusus with anxiolytic and sedative activities: https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/14786419.2011.561491
- Anxiolytic and Sedative Effects of Dehydroeffusol from Juncus effusus in Mice: https://www.thieme-connect.com/products/ejournals/abstract/10.1055/s-0030-1250517
- Cỏ bấc đèn: https://suckhoedoisong.vn/co-bac-den-16948033.htm
- Three new phenanthrenes with antimicrobial activities from the aerial parts of Juncus effusus: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0367326X18311705
- Phenanthrenes from Juncus inflexus with Antimicrobial Activity against Methicillin-Resistant Staphylococcus aureus: https://pubs.acs.org/doi/abs/10.1021/acs.jnatprod.6b00581
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.