Tên tiếng Việt: Cỏ lào.
Tên khác:
Cây bớp bớp; Bù xích; Yên bạch; Cây Cộng sản.
Tên khoa học:Eupatorium odoratum L.
Tên đồng nghĩa: Chromolaena odorata (L.) R. King & H. Robins. Họ: Asteraceae (Cúc).
Cây nhỏ, cao 1 – 2m, mọc thành bụi, phân nhiều cành nằm ngang. Thân tròn, màu rất nhạt, có rãnh và lông nhỏ mịn.
Lá mọc đối, hình gần tam giác, dài 6 – 9cm, rộng 2 – 4cm, gốc thuôn vát, đầu nhọn, mép có răng cưa to, vò ra có mùi hăng hắc, hai mặt lá cùng màu có lông mịn, dày hơn mặt dưới, gân chính 3; cuống lá dài 1 – 2cm.
Cụm hoa mọc ở đầu cành thành ngù kép, gồm nhiều hoa có mùi thơm, tụ hợp thành hình đầu dài khoảng 1cm, màu vàng lục, lá bắc xếp thành 3 – 4 hàng, hơi có lông; tràng hoa loe dần từ gốc.
Quả bế hình thoi, có lông ở 5 cạnh.
Mùa hoa quả: Tháng 1 – 3.
Cây có nguồn gốc ở đảo Angti, được truyền bá vào nước ta, gặp nhiều ở các vùng đồi núi khắp nơi. Cỏ lào mọc rất khỏe, phát triển nhanh trong mùa mưa. Nó có khả năng tái sinh rất mạnh, cho năng suất cao 20 – 30 tấn/ha. Có thể thu hái lá và toàn cây quanh năm. Thường dùng tươi.
Toàn cây, chủ yếu là lá – Herba seu Folium Chromolaenae.
Cỏ lào chứa 2,65% đạm; 0,5% phosphor và 2,48% kalium. Các bộ phận của cây đều chứa tinh dầu, alcaloid, tanin.
Thông thường ta hay dùng lá tươi cầm máu vết thương, các vết cắn chảy máu không cầm. Cũng được dùng chữa bệnh lỵ cấp tính và bệnh ỉa chảy của trẻ em; chữa viêm đại tràng đau nhức xương, viêm răng lợi, chữa ghẻ, lở, nhọt độc.
Ở Trung Quốc, người ta dùng lá xát hoặc lấy nước bôi vào chân phòng vết cắn, bỏ lá xuống ruộng ngâm nát 1 – 2 ngày để trừ ấu trùng ký sinh trùng (thể xoắn ốc có móc câu ở đầu) phòng khi xuống ruộng khỏi bị lây. Cỏ lào dùng làm phân xanh có tác dụng diệt cỏ và làm giảm tuyến trùng ở trong đất.
Cỏ lào có vị hơi cay, tính ấm, có tác dụng sát trùng, cầm máu, chống viêm. Nước sắc Cỏ lào có tác dụng kháng khuẩn, ức chế được vi khuẩn gây mủ trên vết thương và trực trùng lỵ Shigella.
Chống viêm, kháng khuẩn, chống độc. Lá, thân và rễ cây đều có tác dụng nhưng lá có tác dụng mạnh nhất.
Kháng vi khuẩn gây mủ trên các vết thương và ức chế trực khuẩn lỵ Shigella.
Dùng tươi hoặc khô, uống hay đắp ngoài đều được.
Lá pha dưới dạng sirô từ nước hãm (lá non rửa sạch, vò nát, hãm trong nước nóng với tỉ lệ 5g lá lấy 15ml nước hãm, sau đó đem kết hợp với đường theo tỉ lệ 500ml nước hãm hòa với nước pha 900g đường đã đun sôi) dùng chữa lỵ và tiêu chảy.
Nước sắc dùng đường uống để trị đau nhức xương. Trị ghẻ bằng cách lấy lá cỏ lào non nấu nước tắm, khi tắm dùng bã chà xát vào mụn ghẻ khoảng 5 đến 6 ngày là khỏi. Vò hay giã lá tươi đắp lên vết thương để cầm máu.
Phòng đỉa cắn
Giã lá Cỏ lào xoa khắp chân đùi trước khi lội xuống nước.
Chữa đỉa cắn
Vò lá Cỏ lào đắp vào vết đĩa cắn để cầm máu.
Chữa xương đau nhức
Dùng 8g tươi, 12g Khoan cân đằng.
Sao vàng sau đó sắc lấy nước uống.
Điều trị bệnh tiêu chảy và lỵ trực trùng
Dùng 12g Cỏ lào sắc lấy nước, thêm đường, chia làm ba lần để uống trong ngày.
Điều trị viêm loét dạ dày
Dùng 20g Cỏ Lào, 30g Lá khôi, 20g Dạ cẩm, 5g Tam thất nam. Sắc lấy nước uống hàng ngày.
Trị tiêu chảy, viêm nhiễm đường ruột
Hãm 150g lá tươi (nếu lá khô thì 50g) với nước sôi để uống hàng ngày.
Điều trị viêm đại tràng
Dùng 20g Cỏ lào, Bạch truật 25g, Khổ sâm 10g. Tất cả sắc lấy nước, uống hàng ngày.
Hỗ trợ điều trị bong gân
Giã nát Cỏ lào và bó vào chỗ bị bong gân.
Cỏ lào là loại cây có độc, dùng quá liều có thể có các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
Nguồn Tham Khảo:
1. //tracuuduoclieu.vn/co-lao.html
2. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi: //drive.google.com/file/d/11HYLqPu7eW-p5LePwUl4L2z18YnIRfQH/view?usp=sharing
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.