Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Cốc tinh thảo: Loại cỏ có nhiều công dụng chữa bệnh cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Cốc tinh thảo, có tên khoa học là Eriocaulon sexangulare L., thuộc họ Cốc tinh thảo (Eriocaulaceae) đã được sử dụng làm thuốc trong hơn 1000 năm ở các quốc gia vì có hoạt tính kháng khuẩn cao. Theo Y học cổ truyền, cốc tinh thảo có vị cay, ngọt, tính mát. Vào 2 kinh Can và Vị, có tác dụng khu phong, tán nhiệt, minh mục (làm sáng mắt). Cốc tinh thảo có công dụng chữa phong nhiệt tích tụ, mắt có màng, quáng gà, đau mắt, đau răng, đau đầu, đau cổ họng, chảy máu mũi.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Cốc tinh thảo.
Tên khác: Cỏ dùi trống, cây cốc tinh, đầu đinh, cỏ đuôi công, pipewort flower (Anh).
Tên khoa học:Eriocaulon sexangulare L.. Thuộc họ Cốc tinh thảo Eriocaulaceae.
Đặc điểm tự nhiên
Cốc tinh thảo, có tên khoa học là Eriocaulon sexangulare L., thuộc họ Cốc tinh thảo (Eriocaulaceae). Đây là một loại cây thảo nhỏ, sống hàng năm. Thân cây rất ngắn.
Các lá của cây mọc tập trung thành cụm dày, có kích thước dao động từ 5 đến 16cm chiều dài và từ 0.3 đến 1cm chiều rộng. Chúng có hình thon dài, gốc có bẹ mọc ốp vào nhau và đầu thuôn nhọn. Lá còn có nhiều gân dọc song song, tạo nên một cấu trúc bền chắc.
Cụm hoa của cốc tinh thảo mọc thành các đầu hoa trên một cán dài khoảng 10 đến 20cm, có thể hơn, thẳng đứng và cứng. Đầu hoa có hình cầu hoặc hình trứng, được phủ bởi một lớp lông rải rác. Lá bắc của hoa trải rộng, có kích thước khoảng 2 đến 3mm chiều dài và 2 đến 2.5mm chiều rộng, có hình dạng bầu dục hoặc tròn, lá cứng, nhẵn, màu vàng và lớp lá này lợp lên nhau và bao bọc các hoa.
Hoa của cốc tinh thảo có đường kính từ 4 đến 7mm và có hình dạng tròn, có thể có màu trắng hoặc xám. Nụ hoa có hình dạng trứng và được phủ bởi một lớp lông mỏng rải rác. Với hoa đực, đài hoa có kích thước khoảng 2 x 1.5mm, có hình dạng bầu dục và hai lá đài hợp lại thành một ống. Hai cánh hoa dính liền với nhau và bao phấn màu đen. Hoa cái có ba lá đài tách rời, ba cánh hoa ngắn hơn lá đài và có lông rải rác.
Quả nang, chứa một hạt.
Mùa hoa quả của cốc tinh thảo thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 7.
Phân bố, thu hái, chế biến
Phân bố
Họ Eriocaulaceae là một họ thực vật thân thảo thuộc bộ Poales, phân bố rộng rãi ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới trên khắp thế giới. Các loài trong họ này thích môi trường có nhiều bùn và sống trong môi trường thủy sinh, chẳnghạn như đầm lầy, ruộng lúa và ao. Họ Eriocaulaceae được biết đến với sự đa dạng về hình thái và sinh thái của các loài.Một số loài thuộc họ Eriocaulaceae, đặc biệt là những loài thuộc chi Eriocaulon L., đã được sử dụng làm thuốc trong Y học cổ truyền trong hơn 1000 năm, trong đó có Cốc tinh thảo.
Ở Việt Nam, chi Eriocaulon L. có khoảng 30 loài được xác định, trong đó có 2 loài được sử dụng trong lĩnh vực y học. Một trong số đó là cốc tinh thảo, một loài có phân bố rải rác trên khắp các tỉnh vùng ven biển, từ Quảng Ninh và Hải Phòng trên miền Bắc vào đến Khánh Hoà và Ninh Thuận ở miền Trung. Tuy nhiên, chi Eriocaulon L. cũng được phát hiện trên toàn Thế Giới, bao gồm Ấn Độ, Malaysia, Bangladesh, Borneo, Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Philippines, Sri Lanka, Sumatra, Đài Loan và Thái Lan. Trong khu vực Ấn Độ và Malaysia, chi Eriocaulon L. được coi là có sự đa dạng và phong phú nhất về chủng loại, với hơn 60 loài đã được ghi nhận.
Cốc tinh thảo ưa sáng và thường mọc thành đám trên các bãi đất ẩm hoặc bị ngập nước trong thời gian ngắn, dưới chân núi hay ruộng thấp ở vùng ven biển. Tuy nhiên, ở một số tỉnh nằm sâu trong đất liền như Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên,… cũng gặp cốc tinh thảo mọc ở ruộng hoặc bãi đất thấp trong thung lũng, gần khe suối. Cây có thể mọc trên nhiều loại đất, nhưng thuộc loại đất chua. Cốc tinh thảo ra hoa quả hàng năm.
Trong những năm 1980, cốc tinh thảo thường xuyên được khai thác thu mua, dùng cho nhu cầu trong nước, thậm chí đã từng được xuất khẩu.
Thu hái và chế biến
Mùa thu hái khoảng tháng 6 – 9. Cắt lấy các hoa từ cây cốc tinh thảo, loại nếp và loại tẻ để riêng, đem về phơi nắng hoặc sấy nhẹ lửa (50 – 60 độ C) đến khô. Cắt cuống ngắn dưới 50cm. Nếu cắt bỏ cán hoa thì gọi là cốc tinh châu.
Cốc tinh thảo không mùi, vị nhạt.
Loại cốc tinh thảo khô, màu trắng, hay hơi xám, không sâu mốc, không lẫn tạp chất là tốt.
Cốc tinh thảo nếp: To hơn, đầu hơi lõm, màu trắng, có tuyết óng ánh, đường kính từ 5mm trở lên, cuống cắt ngắn dưới 50cm.
Cốc tinh thảo tẻ: Nhỏ hơn, đầu không lõm, màu hơi xám, đường kính từ 4mm trở lên.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận sử dụng được của cây cốc tinh thảo là cụm hoa mang cuống.
Thành phần hoá học
Hiện nay chưa có công trình nghiên cứu về thành phần hoá học có trong cây cốc tinh thảo.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng những loài thuộc chi Eriocaulon L. đã được sử dụng làm thuốc Y học cổ truyền vì chúng chứa phenol có hoạt tính kháng khuẩn cao nằm trong các chùm hoa của chúng.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Theo Đông y, cốc tinh thảo có vị cay, ngọt, tính mát. Vào 2 kinh Can và Vị, có tác dụng khu phong, tán nhiệt, minh mục (làm sáng mắt).
Cốc tinh thảo có công dụng chữa phong nhiệt tích tụ, mắt có màng, quáng gà, đau mắt, đau răng, đau đầu, đau cổ họng, chảy máu mũi. Còn được chữa sốt, tiểu tiện khó. Ngày dùng 9 – 12g, sắc nước uống.
Theo tài liệu nước ngoài, cốc tinh thảo 30g giã nhỏ, dùng vài gạc bọc kín rồi nấu với gan dê 150g thái lát và nước thành món ăn – vị thuốc chữa suy gan, mắt mờ, quáng gà.
Theo y học hiện đại
Hiện nay chưa có nhiều công trình nghiên cứu về công dụng chữa bệnh của cốc tinh thảo.
Dịch chiết nước từ lá cốc tinh thảo thí nghiệm trên ống kính có tác dụng ức chế một số nấm gây bệnh ngoài da.
Theo tài liệu nước ngoài, cốc tinh thảo có tác dụng an thần, hạ sốt và lợi tiểu.
Liều dùng & cách dùng
Dùng 10 – 12g cốc tinh thảo, tán bột hay sắc uống.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa viêm kết mạc, viêm giác mạc
Để điều trị viêm kết mạc và viêm giác mạc, một phương pháp kinh nghiệm là sử dụng cốc tinh thảo và phòng phong. Để chuẩn bị bài thuốc này, lấy cốc tinh thảo và phòng phong với lượng bằng nhau, sau đó nghiền nhỏ chúng. Khi bắt đầu điều trị, uống thuốc ba lần mỗi ngày, mỗi lần 1 – 2g. Việc duy trì liều lượng và tần suất uống thuốc này có thể giúp giảm triệu chứng và tác động tích cực đến việc điều trị viêm kết mạc và viêm giác mạc của bạn.
Chữa mắt đỏ kéo màng, nhức đầu
Cốc tinh thảo 10g, ngưu bàng 4g, long đởm thảo 5g, kinh giới 4g, phục linh 4g, cam thảo 4g, sinh địa 6g, hồng hoa 4g, xích thược 4g và mộc thông 4g. Sao nhẹ các vị thuốc trên, tán thành bột uống, mỗi ngày 3 lần, mỗi lần từ 3 đến 6g.
Chữa phong nhiệt gây nhức đầu, đau mắt, đau họng
Để chữa trị triệu chứng nhức đầu, hoa mắt, đau họng của phong nhiệt gây ra, có thể sử dụng bài thuốc là kết hợp của các thành phần thảo dược. Trong đó, cốc tinh thảo có lượng 20g, kinh giới, mộc thông và dành dành mỗi vị với lượng 12g, huyền sâm với lượng 16g và thanh ngâm với lượng 8g.
Sắc nước từ các loại thảo dược trên và uống. Phương pháp này có tác dụng làm dịu triệu chứng của phong nhiệt, giảm đau và kháng viêm.
Chữa quáng gà
Bệnh quáng gà, còn được gọi là chứng mù đêm, là một tình trạng bệnh lý phổ biến được biết đến với tên gọi thông thường là thoái hóa sắc tố võng mạc mắt. Bệnh này đặc trưng bởi sự suy giảm thị lực và khả năng nhìn trong điều kiện thiếu ánh sáng, đặc biệt là vào ban đêm hoặc trong môi trường thiếu sáng. Bệnh quáng gà gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày và công việc của người mắc bệnh. Với khả năng nhìn bị suy giảm, người bệnh gặp khó khăn trong việc tham gia các hoạt động thường ngày và thậm chí có thể gây nguy hiểm trong môi trường không đủ ánh sáng. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng làm việc, tương tác xã hội và chất lượng cuộc sống của họ.
Trong dân gian, một bài thuốc kinh nghiệm dùng để điều trị bệnh này là cốc tinh thảo 20g, vỏ hến nung trắng 20g, hạt muồng 10g, cúc hoa 10g, khởi tử 8g. Phơi khô tán thành bột. Người lớn uống 12g một ngày, trẻ em tuỳ tuổi uống 4 – 5g một ngày.
Chữa thiên đầu thống
Cốc tinh thảo 10g, tán nhỏ trộn với hồ dán vào hơi đau.
Chữa nhức đầu, nhức lông mày
Cốc tinh thảo 8g, nhũ hương 4g, địa long (giun đất) 12g. Các vị tán nhỏ mỗi lần lấy 4g đốt lấy khói hun vào lỗ mũi bên đau.
Chữa tạng Can Thận đều hư gây đau mắt
Cốc tinh thảo 12g, thảo quyết minh 12g, mộc tặc 12g, sài hồ 8g. Sắc uống.
Lưu ý
Một số lưu ý khi sử dụng vị thuốc cốc tinh thảo:
- Những người không phải chứng phong nhiệt (cảm có sốt nóng) không được dùng.
- Bảo quản vị thuốc cốc tinh thảo nơi khô mát, tránh làm vụn nát.
- Hiện nay các công trình nghiên cứu về thành phần hoá học và tác dụng chữa bệnh của cốc tinh thảo còn hạn chế, do đó bạn không nên tự ý sử dụng vị thuốc này, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Nguồn Tham Khảo:
- Han B, Tan G, Hu Z, et al. The complete chloroplast genome of Eriocaulon sexangulare (Eriocaulaceae). Mitochondrial DNA Part B. 2019;4(1):666-667. doi:10.1080/23802359.2019.1572475.
- Đỗ Huy Bích; Đặng Quang Chung. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập I. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội; 2006.
- Đỗ Tất Lợi. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học. Hà Nội; 2006.
- Eriocaulon sexangulare: https://powo.science.kew.org/taxon/urn:lsid:ipni.org:names:335726-1#publications
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.