Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Củ đậu: Loại thực phẩm có nhiều tác dụng chữa bệnh cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Củ đậu có nguồn gốc từ Mexico và vùng Trung Mỹ, sau được trồng rộng rãi khắp các vùng nhiệt đới ở Nam và Bắc bán cầu. Ở Việt Nam, cây củ đậu được trồng khắp nơi ở vùng đồng bằng cũng như miền núi. Củ đậu có công dụng: Sát trùng, ghẻ, hắc lào (Hạt giã với dầu vừng bôi). Củ tươi dùng xát vào mặt chống nẻ và làm săn da.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Củ đậu
Tên khác: Củ sắn
Tên khoa học: Pachyrhizus erosus (L.) Urb, (Dolichos erosus L.) thuộc họ Fabaceae (Đậu)
Đặc điểm tự nhiên
Cây thảo mọc leo, sống một năm. Rễ củ mập, hình con quay, có khi hơi dẹt, vỏ ngoài màu vàng bẩn. Thân hóa gỗ, cành có lông thưa và rụng sớm. Lá kép gồm 3 lá chét rộng, nhẵn, dài 4 – 8 cm, rộng 4 – 12 cm, lá chét bên lệch, gân gốc 3, gân phụ thành mạng, mép hơi khía trăng; cuống lá kép dài 7 -15 cm, lá kèm rụng sớm.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm; lá bắc nhỏ; hoa mọc dày đặc ở ngọn, màu đỏ tía hoặc tím nhạt; dài , hoa hình chuông, có long, có 4 răng; cánh hoa có móng dài, cánh cờ hình mắt chim, có 2 tai nhỏ, cánh môi gần hình liềm; nhị 2 bó; bầu có lông.
Quả hơi có lông, không cuống, dài 12 cm, rộng 12 mm, ở khe các hạt hơi lõm xuống. Trong quả có tới 9 hạt, đường kính chừng 7 mm, hình thấu kính. Hạt cứng khó giã nhỏ.
Mùa hoa: Tháng 6 – 8; mùa quả: Tháng 9 – 11.
Phân bố, thu hái, chế biến
Củ đậu có nguồn gốc ở Mexico và vùng Trung Mỹ, sau được trồng rộng rãi khắp các vùng nhiệt đới ở Nam và Bắc bán cầu. Ở Châu Á, cây trồng nhiều nhất ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Philippin, Ấn Độ và Trung Quốc.
Củ đậu thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm. Cây ra hoa quả nhiều ngay trong năm đầu tiên, rụng lá và tàn lụi vào mùa đông. Tuy nhiên phần củ (rễ củ) dưới mặt đất có thể sẽ mọc chồi vào mùa xuân năm sau.
Mùa thu hoạch hạt: Tháng 11 – 12.
Bộ phận sử dụng
Củ, hạt và lá.
Thành phần hoá học
Trong rễ củ (củ đậu) sau khi đã bóc vỏ có tới 90% nước; 2.4% tinh bột; 4,51% đường toàn bộ (biểu thị bằng glucose), 1,46% protid, 0,39% chất vô cơ, không thấy có chất béo, không thấy có tannin, không có axit xyanhydric. Có men peroxydase, amylase và photphatase
Trong hạt củ đậu có 12,27% độ ẩm; 20,13% chất béo; 30,61% chất protid; 4,8% tannin; 5,85% tinh bột; 3,25% đường toàn bộ (biểu thị bằng đường glucose). Trong hạt củ đậu có một chất độc gọi là rotenone C23H22O6 và tephrosin C23H22O7.
Ngoài ra, còn chiết được một hỗn hợp chất vô định hình mà chủ yếu là các retinoid và pachyrrhizin.
Tỷ lệ rotenone trong hạt củ đậu khoảng từ 0,56 – 1,01%. Trong lá cũng có các chất: rotenoid, pachyrrhizin và các steroid tự do như trong hạt.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Củ đậu có vị ngọt, nhạt, tính mát, quy kinh Phế và Vị, ăn sống thì giải khát, nấu chín thì bổ ích tràng vị.
Rễ củ đậu không độc, được dùng ăn sống hoặc xào nấu chín. Có khi người ta ép củ lấy nước bôi mặt để làm cho da mịn màng và khỏi nẻ.
Lá độc đối với cá và các loài nhai lại nhưng không độc đối với ngựa.
Hạt độc đối với cá và sâu bọ, tại Trung quốc, người ta dùng nó để trị các loại sâu hại rau, rệp bông, rầy bông (một kg hạt giã nhỏ, thêm nước xà phòng và 200ml nước).
Nhân dân ta vẫn dùng hạt củ đậu giã nhỏ trộn với dầu để chữa một số bệnh ngoài da.
Tuy nhiên có độc, cần chú ý để tránh ngộ độc.
Theo y học hiện đại
Chống u và độc tế bào: Nghiên cứu ở Indonesia thấy hạt cây củ đậu có tác dụng chống u.
Cao của hạt chiết bằng chloroform có tác dụng độc hại tế bào rất mạnh khi thử trên một số loại tế bào ung thư như tế bào bạch cầu dòng lympho P-388, tế bào ung thư mũi hầu, tế bào ung thư của người lấy từ các mô sacom sợi, phổi, ruột, u, hắc sắc tố, ung thư vú.
Hai chất có tác dụng mạnh là rotenone và hydroxyrotenone, có nồng độ có hiệu quả rất thấp ED50 = 0,01 – 0,3 µg/ml. Các thành phần khác có tác dụng yếu hơn ED50 = 8 – 50 µg/ml.
Tác dụng diệt côn trùng: Dịch chiết nước hạt Củ đậu, hoạt chất rotenone và các dẫn chất có tác dụng diệt côn trùng mạnh.
Liều dùng & cách dùng
Rễ củ đậu không có độc nên có thể dùng với liều lượng lớn.
Bài thuốc kinh nghiệm
Thuốc phun trừ sâu hại cây (sâu rau, sâu tơ, rệp rau, rệp thuốc lá, rệp bông, rầy bông, rầy lúa, bọ nhảy):
Làm thuốc phun trừ rệp rau và rệp thuốc lá. Hạt củ đậu ngâm nước một đêm, sau giã nhỏ, thêm nước với tỷ lệ 1,5% – 2% hoặc 4% trộn đều, phun lên những cây bông, cây rau ấy thuốc lá ở ngoài ruộng. Sau 24 giờ đến 36 giờ rệp và nhện đỏ chết hết hay gần hết (90 – 100%).
Chữa ghẻ, lở loét da lâu ngày:
Hạt củ đậu giã nhỏ, nấu với dầu vừng, để nguội, bôi hằng ngày. Có thể phối hợp với quả bồ hòn, hạt máu chó, lượng tùy ý, dùng lá củ đậu giã nát, xát vài chỗ ghẻ cũng có tác dụng.
Lưu ý
Khi dùng hạt và lá Củ đậu để chế thuốc trừ sâu hoặc thuốc dùng ngoài cho người, phải thận trọng, tránh nhiễm độc.
Nguồn Tham Khảo:
https://tracuuduoclieu.vn/cu-dau.html
Đỗ Huy Bích và cộng sự (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I, Trang 548 – 550.
Đỗ Tất Lợi (2014) Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam. Trang 316 – 317.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.