Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Củ dòm: Củ dược liệu quý trị phong thấp, đau bụng cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Củ dòm hay còn gọi là Củ gà ấp thường được sử dụng để điều trị nhức mỏi, phong tê thấp, đau bụng, ung nhọt cứng, áp xe. Ngoài ra, củ dòm sắc nấu nước uống giúp trị chứng lỵ ra máu, bị đau dạ dày.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Củ dòm.
Tên khác: Củ gà ấp; Phấn phòng kỷ; Hán phòng kỷ; Phòng kỷ; Thạch thiềm thử.
Tên khoa học:Stephania dielsiana Y. C. Wu thuộc họ: Menispermaceae (Tiết dê).
Đặc điểm tự nhiên
Củ dòm là loài thực vật sống nhiều năm, có thân dây leo với chiều dài khoảng từ 2 đến 3 m. Củ dòm có phần rễ củ to, vỏ bên ngoài thì nhăn nheo, thịt bên trong màu vàng nâu cứng rắn, hình dáng đa dạng nhưng thường gặp ở dạng thuôn dài.
Lá có dạng hình tam giác gần tròn, mọc so le, với kích thước chiều dài khoảng 9 – 13cm, chiều rộng khoảng 8 – 12cm. Phiến lá bề mặt mỏng nhẵn, mép hơi lượn sóng, mép nguyên, ở phía đầu lá nhọn, có ít răng cưa, còn phần gốc lá bằng hoặc hơi lõm. Khi bấm lá thấy xuất hiện nhựa màu tím hồng tràn ra ngoài, gân lá mặt sau và nửa cuống lá phía trên có màu tím hoặc hồng, gân lá xếp dạng chân vịt, cuống lá có chiều dài khoảng 4.5 – 8,5cm, đính vào khoảng 2/3 phiến lá.
Hoa nhỏ li ti, khác gốc đơn tính. Trong đó hoa đực tụ lại tạo thành tán giả, 6 lá đài xếp thành hai vòng màu tím, nhị đính trên môi trụ ngắn, ba cánh hoa phía trên có màu vàng cam. Còn hoa cái thành dạng đầu, gồm hai cánh hoa màu vàng cam có xen kẽ vân màu tím, một lá đài có màu tím, đầu nhụy được chia thùy.
Quả có dạng trứng dẹt, hạt gồm 4 hàng gai cong nhọn với chiều dài khoảng 0,8 – 0,9cm, và có lỗ ở giữa.
Mùa hoa: Tháng 4 – 5; mùa quả: Tháng 6 – 7.
Bạn cần phân biệt rõ củ dòm với các loại bình vôi khác mà dân địa phương cũng có tên gọi là củ gà ấp. Tuy nhiên điểm khác biệt rõ rệt nhất đó là bình vôi có củ khá ngắn dạng tròn, lá mặt sau chỉ có màu xanh lục nhạt mà không có màu tím hồng.
Phân bố, thu hái, chế biến
Củ dòm có chi Stephania Lour, gồm các loài thực vật có thân dây leo, có lá rụng vào mùa đông, chủ yếu phân bố ở các khu vực nhiệt đới và á nhiệt đới thuộc châu Á.
Ở Việt Nam được phát hiện có tới khoảng 10 đến 12 loài, trong đó người ta thấy chỉ có khoảng 2 – 3 loài không có rễ phình to tạo thành củ. Củ dòm cũng là loài thực vật được người ta xếp vào loại tương đối hiếm, được liệt kê vào Sách Đỏ Việt Nam để nhằm bảo vệ.
Ở Việt Nam củ dòm thường được tìm thấy ở các khu vực rừng ẩm, trên núi đá vôi hoặc núi đất với độ cao 300 – 800m như Bạch Thông (Bắc Cạn), Ba Vì (Hà Tây), Trà My (Quảng Nam), Kỳ Sơn (Hoà Bình).
Củ dòm sinh trưởng tốt trong môi trường ưa sáng và ưa ẩm và ưa sáng, mọc trùm lên các cây bụi khác. Củ dòm ra hoa quả hàng năm, nhưng cây cái lại hiếm gặp trong tự nhiên. Củ dòm có hạt có khả năng nảy mầm tốt. Sau 4 tháng kể từ khi gieo hạt, phần rễ mầm phình to tạo thành phần rễ củ.
Bộ phận sử dụng
Củ, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.
Thành phần hoá học
Thành phần hóa học của củ dòm chứa nhiều chất như magnoflorin, dehydrostephanin, Stephanin, alcaloid cyclanolin, sinoaculin, xylopinin (CA 98. 212854c, CA 94: 127. 208v), L – tetrahydropalmatin, crebanin.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền củ dòm có có tính hàn, vị đắng, chát, có công năng giải độc, chỉ thống, thanh nhiệt, tán ứ.
Theo kinh nghiệm dân gian người ta thường sử dụng củ dòm để làm thuốc trị đau lưng, đau đầu, chân tay nhức mỏi, đau bụng, phù thũng, sốt rét. Ở các vùng Bắc Thái, Hà Tây người ta sử dụng củ dòm để trị đại tiện ra máu, kiết ly, đau dạ dày, đau bụng kinh niên, trị chứng mất ngủ dai dẳng.
Ngoài ra, nông dân ở một số nơi thường sử dụng nước sắc củ dòm để cho trâu bò uống khi chúng chê cỏ không muốn ăn. Còn ở Trung Quốc, củ dòm có tác dụng trị đau răng, viêm họng, đau dạ dày, viêm dạ dày – ruột…Khi củ dòm được dùng ngoài giúp trị rắn cắn, vết thương, mụn nhọt.
Theo y học hiện đại
L. tetrahydropalmatin (gindarin) được phân lập trong củ dòm được chứng minh là có công dụng giúp hạ sốt, giảm đau, an thần, gây ngủ, giải co thắt cơ trơn.
Liều dùng & cách dùng
Liều dùng mỗi ngày khoảng 4 – 8g củ dòm phơi khô đem sắc với 200ml nước đến khi cạn còn khoảng 50ml. Với liều trên dùng một lần trong ngày. Ngoài ra có thể đem củ dòm ngâm rượu uống với tỷ lệ 1 phần củ dòm 10 phần rượu ngâm.
Bài thuốc kinh nghiệm
Bài thuốc chữa nhọt độc, bắp chuối: Dùng ngoài, củ dòm để tươi, giã nhỏ với ít muối và gừng, đắp tại chỗ.
Lưu ý
Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng:
-
Củ dòm có có tính hàn, vị đắng nếu dùng nhiều dễ làm tổn thương đến phần tỳ vị. Vì vậy với các đối tượng người tỳ vị vốn hư, không có chứng thấp nhiệt, âm khí hư, thì không được dùng củ dòm.
-
Củ dòm hạn chế sử dụng cho đối tượng người âm khí hư, không có nhiệt.
Nguồn Tham Khảo:
Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/cu-dom.html
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Đỗ Huy Bích.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.