Tên Việt Nam: Dạ cẩm.
Tên gọi khác: Loét mồm, Ngón lợn, Dây ngón cúi, Đất lượt, Đứt lướt, Chạ khẩu cẩm (dân tộc Tày), Sán công mía (dân tộc Dao).
Tên khoa học:Herba Hedyotiscapitellata, thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).
Dạ cẩm là một loại cây bụi, leo bằng thân quấn, toàn thân có lông mịn, dài tới 1 – 2m. Cành non hình bốn cạnh, khi già có hình tròn, phình to ở các đốt. Lá đơn nguyên, mọc đối, hình bầu dục hoặc hình trứng, đầu nhọn, dài 5 – 1 cm, rộng 3 – 5cm, mặt trên màu xanh sẫm bóng, mặt dưới màu nhạt, gân lá nổi rõ, lá kèm chia 4 – 5 thùy hình sợi, cuống ngắn.
Cụm hoa gồm nhiều hoa hình ống nhỏ, màu trắng hoặc trắng vàng, mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành thành hình xim phân đôi.
Quả nang chứa nhiều hạt rất nhỏ, xếp thành hình cầu.
Trên thực tế, có 4 loại cây Dạ cẩm được sử dụng hiện nay. Đây có thể là các dạng của loài mô tả trên, bao gồm: Cây Dạ cẩm thân tím có đốt cách thưa nhau và cây Dạ cẩm thân xanh (hay thân trắng) có đốt mọc khít nhau hơn. Khi quan sát lông trên thân lại thấy mỗi loại chia thành loại nhiều lông và loại ít lông.
Phân bố
Dạ cẩm phân bố rộng rãi khắp các tỉnh miền núi và trung du như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Hà Tây… Do đặc tính ưa ẩm, ưa sáng và có thể chịu được bóng râm nên cây thường mọc hoang ở đồi, ven rừng, bờ nương rẫy, đặc biệt trong các khóm cây bụi và dây leo nhỏ.
Thu hái và chế biến
Dạ cẩm được thu hái gần như quanh năm, có thể dùng toàn bộ phần thân cây trên mặt đất, chủ yếu là lá và ngọn non. Phần rễ không được sử dụng do có tác dụng kém hơn. Phần thân và rễ sau khi bị thu hái có khả năng tái sinh rất mạnh.
Dạ cẩm sau khi hái về được rửa sạch, đem phơi hay sấy khô, sau đó nấu thành cao hoặc để nơi khô ráo dùng dần.
Có thể dùng toàn cây trên mặt đất, nhất là lá và ngọn non.
Rễ Dạ cẩm có chứa tanin, alcaloid, saponin.
Ngoài ra, nghiên cứu của Ngô Văn Thu (Bộ môn dược liệu – Trường đại học Dược khoa) còn phát hiện thấy rễ một loại Dạ cẩm có anthra-glucosid.
Theo Đông y, Dạ cẩm có vị ngọt, tính bình, quy vào hai kinh tỳ, vị, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, làm dịu cơn đau, tiêu viêm, lợi tiểu.
Cây Dạ cẩm được sử dụng trong các bệnh viêm loét dạ dày, lở miệng lưỡi, viêm họng, lở loét ngoài da, chữa vết thương do nhanh lên da non.
Trong điều trị bệnh đau dạ dày
Dựa trên kinh nghiệm sử dụng trong dân gian, Dạ cẩm có tác dụng làm giảm đau, trung hòa acid trong dạ dày, bớt ợ chua, vết loét se lại, giúp bệnh nhân có cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng nên được sử dụng để điều trị bệnh đau dạ dày. Từ năm 1962, Bệnh viện Lạng Sơn, cũng là bệnh viện đầu tiên, đưa cây Dạ cẩm vào điều trị bệnh đau dạ dày.
Có thể dùng Dạ cẩm dưới hình thức thuốc sắc, thuốc cao, bột hay cốm để làm thuốc chữa bệnh đau dạ dày.
Ngày nay cao Dạ cẩm đã được dùng rộng rãi tại nhiều tỉnh khác. Năm 1967, Khoa dược liệu – Trường đại học dược khoa đã chế tạo thành công cao mềm Dạ cẩm không chứa chất bảo quản nhưng không bị mốc khi sử dụng lâu.
Trong điều trị lở loét miệng lưỡi
Dạ cẩm được được dùng để điều trị viêm lưỡi, loét lưỡi và họng. Trẻ con dùng nước vắt của lá uống hoặc ngậm. Kết quả chống loét rất tốt.
Cao lỏng Dạ cẩm trộn mật ong bôi chữa lở loét miệng lưỡi.
Dạng thuốc sắc: Sắc 10 – 25g lá và ngọn khô với nước, có thể thêm đường cho đủ ngọt, chia 2 hay 3 lần uống trong ngày. Uống vào lúc đau hoặc trước khi ăn.
Chữa loét miệng, lưỡi, loét họng
Chuẩn bị: Lá và ngọn non Dạ cẩm.
Thực hiện: Rửa sạch lá và ngọn non, giã nát, vắt lấy nước để uống hoặc bôi vào vết lở loét; hoặc sắc 12 – 25g lá Dạ cẩm, chia 2 – 3 lần uống trong ngày, trước bữa ăn, hoặc đem Dạ cẩm nấu thành cao lỏng 1:1, thêm chút mật ong, bôi vào nơi bị lở loét.
Chữa viêm loét dạ dày
Dạng thuốc sắc
Sắc 10 – 25g lá và ngọn khô với nước, có thể thêm đường cho đủ ngọt, chia 2 hay 3 lần uống trong ngày. Uống vào lúc đau hoặc trước khi ăn.
Dạng cao Dạ cẩm
Chuẩn bị: Lá Dạ cẩm khô 7kg, Đường kính 2kg, Mật ong 1kg.
Thực hiện: Nấu lá Dạ cẩm với nước thành 8kg cao, sau đó cho vào 2kg đường, đánh tan rồi cô lại còn 9 kg, cuối cùng thêm 1kg mật ong. Đóng thành chai 250ml. Uống 1 thìa to (khoảng 10 -15 g) x 2 – 3 lần/ngày, trước khi ăn hoặc khi đau.
Dạng cốm Dạ cẩm
Chuẩn bị: Bột Dạ cẩm 7kg, Cam thảo 1kg, Đường kính 2kg, tá dược vừa đủ dính (hồ nếp) thêm đường và saccarin vừa đủ ngọt.
Cách dùng: Ngày uống 2 lần trước khi ăn hoặc khi đang đau; mỗi lần dùng 10 – 15g, trẻ em dưới 18 tuổi từ 5 – 10g.
Làm nhanh lên da non
Lá Dạ cẩm tươi giã với muối, đắp nơi đau.
Dạ cẩm là vị thuốc nam được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, cần chú ý về liều lượng và cách dùng để tránh tác dụng không mong muốn khi sử dụng.
Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng Dạ cẩm để điều trị bệnh cho phụ nữ mang thai.
Nguồn Tham Khảo:
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam -Tập 1 (Tr. 595-596)
Dược điển Việt Nam V – Tập 2 (Tr. 1131).
Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Tr. 482).
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.