Tên tiếng Việt: Dạ minh sa.
Tên gọi khác: Phân con dơi, Thiên thử phẩn, Biên bức phần, Hắc tinh sa, Thạch can…
Tên khoa học:Excrementum Vespertilii hay Faeces Vespertiliorum.
Vào ban đêm, phân con dơi nhìn sáng lấp lánh như cát nên được gọi là Dạ minh sa (dạ là đêm, minh là sáng, sa là cát).
Phân bố
Phân của nhiều loài dơi khác nhau đã được sử dụng. Ở Việt Nam, người ta thường dùng phân dơi của loài Vespertilio superans Thomas có lỗ mũi hình bán nguyệt và chi Kerevoula có lỗ mũi hình tròn, hoặc loài dơi nhà Pachyotus kuhli thuộc họ dơi tai to Vespertilionidae, hoặc loài dơi Rhinolophus ferrumequinum Scherber thuộc họ dơi Rhinophidae. Ở Trung Quốc, người ta còn dùng phân của loài dơi tai to Plecotus auritus L. thuộc họ dơi tai to.
Dạ minh sa có ở nhiều vùng miền trên khắp cả nước, đặc biệt nhiều ở những hang động nơi dơi trú ngụ. Tại những vùng không có hang dơi thiên nhiên người ta có thể “nuôi dơi lấy phân”, nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Người ta làm các “dàn dơi” hoặc “chuồng dơi”, sau đó bắt vài con dơi chúa thả lồng treo trong chuồng để kêu gọi đàn dơi đến sinh sống và thu hoạch phân dơi. “Dàn dơi” hay “chuồng dơi” được làm bằng một số cọc tre chôn chặt xuống đất theo hai hàng, trên khép lại hình núi, cao 5 – 7m. Trên đỉnh các cọc tre phải lợp và treo đầy lá cây thốt nốt được xếp đủ dày, nhưng phải đủ thoáng và hợp vệ sinh để rắn lục và rệp khỏi hại dơi.
Thu hái và chế biến
Dạ minh sa được khai thác quanh năm. Người ta mang đèn pin (hoặc đuốc) vào những hang núi nơi dơi trú ngụ để cào phân dơi mang về.
Dạ minh sa sau khi thu hoạch, được loại bỏ tạp chất, phơi khô. Khi dùng người ta thường sao cho thơm. Trong Dạ minh sa, ngoài phân người ta còn tìm thấy những bộ phận hoặc sâu bọ dơi ăn mà chưa tiêu hóa được như mắt muỗi, cánh, mảnh thân, mảnh chân, răng những sâu bọ v.v…
Bộ phận sử dụng được của dơi là phân con dơi đã loại bỏ tạp chất.
Các chất như urê, acid uric và một lượng nhỏ vitamin A đã được tìm thấy trong Dạ minh sa.
Theo Đông y, Dạ minh sa có vị cay, tính hàn, không có độc, quy kinh can, có tác dụng hoạt huyết. Khi người ta đau mắt là do gan (kinh can) có tính huyết xông lên mắt cho nên dùng Dạ minh sa để chữa gan. Dạ minh sa còn được dùng để:
Chữa những bệnh về mắt (thong manh, suy giảm thị lực), quáng gà.
Chữa cam tích ở trẻ em.
Kinh phong.
Đẩy thai chết trong bụng ra ngoài (đốt lên cho uống).
Chưa có tài liệu.
Dạ minh sa được dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc viên, dùng 3 – 6g/ngày.
Chữa thong manh, quáng gà, mờ mắt, khô mắt,…
Cách 1
Dạ minh sa đãi sạch, lấy nước lắng dưới, dồn vào gan heo nấu chín để ăn.
Cách 2
Dạ minh sa đãi sạch, sao với gạo nếp cho vàng 100g, Trắc bá diệp 100g. Cùng tán nhỏ hòa với mật bò làm viên bằng hạt bắp, mỗi lần uống 20 viên khi đi ngủ, sắc nước lá tre làm thang, uống lúc canh 5 thì uống với nước cơm, uống đến khi khỏi thì thôi.
Cách 3
Dạ minh sa 5g (bọc vào lụa hay vải), Cốc tinh thảo 6g, Quyết minh tử 10g, Mật mông hoa 6g, Cam thảo 3g, nước 600ml. Sắc hỗn hợp trên đến khi còn 200ml, lọc bỏ bả chia 3 lần uống trong mỗi ngày.
Chữa quáng gà ở trẻ nhỏ
Chuẩn bị: Dạ minh sa, mật lợn.
Thực hiện: Sao vàng Dạ minh sa, nghiền nhỏ và hòa với mật lợn, sao đó, vo viên bằng hạt đậu xanh. Trẻ con quáng gà uống 4 – 6 viên/ ngày, dùng nước cơm hay nước cháo để chiêu thuốc.
Một số lưu ý khi sử dụng Dạ minh sa: Những trường hợp hư hàn không dùng được.
Nguồn Tham Khảo:
Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Tr. 969)
Tuệ Tĩnh toàn tập (Tr. 166 – 167).
//tracuuduoclieu.vn/da-minh-sa.html
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.