Tên Tiếng Việt:
Đại (Hoa)
Tên khác: Miến chi tử; kê đản tử; cây hoa đại; bông sứ; hoa sứ trắng; bông sứ đỏ; bông sứ ma; hoa săm pa
Tên khoa học:Plumeria acutifolia Poir. Thuộc họ Apocynaceae (Trúc đào)
Tên đồng nghĩa: Plumeria rubra L.; P. acuminata Roxb, P.obtusa Lour
Cây đại là cây nhỡ cao 2 – 3m, có khi cao đến 7m. Thân đứng, phân cành sớm, lưỡng phân hoặc tam phân. Cành mập, nhẵn, dễ gãy, màu xám nhạt, mang nhiều vết sẹo lá. Lá to, dày, mọc so le, nhưng thường tụ tập ở đầu cành, hình mác, gốc thuôn, có chóp nhọn; gân hình lông chim; đầu các gân phụ nối với nhau thành đường gân mép rất rõ, dài từ 20 đến 25cm, rộng từ 5 đến 6cm; mặt trên xanh sẫm, mặt dưới nhạt.
Cụm hoa ngù, mọc ở ngọn cành trên một can mặp thành xim, phân nhánh 2 – 3 lần. Hoa màu trắng ở phần ngoài, phần trong có màu vàng nhạt rất thơm, cũng có khi trộn với hồng, mùi thông, rụng sớm. Nụ hoa xoắn vặn. Đài hoa nhỏ: Tràng 5 cánh, ống tràng hẹp loe ở họng, có lông ở mặt trong; nhị 5, dính vào ống tràng, chỉ nhị rất ngắn; bầu có hai lá noãn riêng biệt.
Quả đại dài 10 – 15 cm; hạt có cánh mỏng, khi chín màu đen nâu. Lại có một số dạng khác, P. rubra L. f. tricolor (R. et P.) Woods., có hoa trắng nhưng mép hồng và tâm vàng cũng thường trồng. Còn có loài hoa đỏ (Plumeria rubra L.). Toàn cây có nhựa mủ trắng.
Sinh thái: Cây gốc ở Mexico, được đưa vào trồng ở nhiều nước nhiệt đới. Có thể trồng bằng cành vào mùa xuân (tháng 2 – 3) hoặc đầu mùa mưa.
Ở nước ta, đại được trồng từ lâu đời ở các đình chùa và ở nhiều nơi vùng đồng bằng và miền núi vì dáng đẹp, hoa thơm. Cây ưa sáng, chịu hạn tốt và gần như ít phải chăm sóc, có khi gặp phát tán hoang dại. Tuy nhiên, vốn là cây gốc nhiệt đới nên không trồng được ở vùng núi cao lạnh, như Sa Pa, Lào Cai,.. Đại có khả năng tái sinh vô tính khỏe. Cây trồng bằng cành thường có hoa ngay trong năm đầu tiên. Cây càng lớn càng có nhiều hoa. Một số bộ phận được dùng làm thuốc.
Bộ phận sử dụng được là vỏ, hoa, lá và nhựa.
Người ta thu hái hoa từ tháng 5 – 11, đem phơi hoặc sấy nhẹ ở 40 – 500C đến khô. Vỏ lấy ở những cây già, tách từng mảng nhỏ đem phơi hoặc sấy nhẹ đến khô. Bảo quản nơi khô ráo, tránh mốc, giập nát. Lá và nhựa có thể thu hái quanh năm.
Trong vỏ thân cây đại chứa các chất sau:
Agoniadin C10H14O6 là một glucozit,có tinh thể hình kim mềm, chảy ở 155oC, ít tan trong nước, trong rượu, trong sunfua cacbon, ête và bena, tan trong axit nitric và sunfuric, được tìm thấy bởi Peckolt và Geuther. Dung dịch màu vàng tươi, nhưng dần dần ngả màu xanh lục.
Các hợp chất triterpen kiểu ursen và olcanen.
Các hợp chất iridoid: Fulvoplumierin, allancin, allarnandin, plimerin, 15 demethyl plumerid,…
Các flavan-3-ol-glucosid.
Năm 1952, Grumbach A., Schmiđ H. và Bencze w. nghiên cứu một chất kháng sinh mới đặt tên là funvoplumierin, chiết từ hoa đại có tác dụng ức chế sự lớn lên của một số giống Mycobacterium tuberculosis.
Tinh dầu chiết, cất từ hoa đại có hàm lượng 0,04 – 0,07%; trong tinh dầu có geraniol, citronellal, farnesol, linalol, phenylacetaldehyd, fulvoplumierin, chất nhựa quercetin, vết kaempferol và cyanidin, diglycosid.
Nhiều tài liệu khác còn ghi trong đại chứa các chất lupeol, stigmasterol, scopletin và agoniadin.
Hoa đại có vị ngọt, tính bình, thơm, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, hòa vị, nhuận tràng, tiêu đờm, trừ ho, bổ phổi, trừ thấp, lương huyết. Có tác dụng hạ huyết áp rất rõ, ở hoa khô mạnh hơn ở những hoa tươi.
Vỏ thân và rễ cây đại có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, tả hạ, tiêu thũng, sát trùng. Lá có tác dụng hành huyết, tiêu viêm. Nhựa mủ có tác dụng làm mềm những tổ chức rắn như chai chân.
Tác dụng kháng khuẩn
G. H. Mahran (1974, Planta Medica, 5: 226) đã lấy từ rễ, lá và vỏ đại một chất đắng gọi là plumierit, một glucozit không có trong hoa. Plumierit là một chất bột trắng, có tinh thể, không mùi, vị đắng, độ chảy 155 – 156oC tan trong nước, trong cồn etylic, metylic, etylaxetat. ít tan trong ête, clorofoc, không tan trong ête dầu hoả. Trong hoa có một ít tinh dầu mùi thơm mát.
Viện Vệ sinh dịch tễ và Viện Y học dân tộc trung ương đã xác định lá, hoa và rễ cây đại đều có tác dụng kháng khuẩn. Nước ép từ lá đại tươi có tác dụng đối với các chủng Staphylococcus anreus, Shigella flexneri, Shigella dysenteriae và Bacillus subtilis. Chất kháng khuẩn bền vững đối với nhiệt độ cao và nước sắc từ dược liệu cũng có tác dụng tương tự. Theo tài liệu nước ngoài, dịch chiết nước từ cây đại có tác dụng ức chế sự phát triển một số vi khuẩn.
Tác dụng hạ huyết áp và giãn mạch
Năm 1962, khoa dược lý trường Sĩ quan quân y Việt Nam có nghiên cứu tác dụng của hoa đại (dạng nước sắc 10 – 20%, 100%) đã đi đến một số kết luận sau đây:
Dịch chiết hoa đại (1:1) tiêm tĩnh mạch trên chuột cống trắng, mèo, chó và thỏ đều có tác dụng hạ huyết áp. Hoa khô có tác dụng mạnh hơn hoa tươi.
Với liều lượng 0,5g/kg thận trọng, tác dụng hạ huyết áp xuất hiện sau khi dùng thuốc nửa phút và kéo dài trong vòng 5 phút, mức hạ huyết áp đạt 28 + 8% so với đối chứng. Dịch chiết hoa đại còn có tác dụng làm giảm sự co bóp cơ tim ếch cô lập ở nồng độ 5%, sau đó làm tim ngừng đập ở thời kỳ tâm trương, ngoài ra còn có tác dụng làm giãn mạch ngoại vi.
Tác dụng hạ huyết áp xuất hiện nhanh và tương đối bền vững. So với tác dụng của ba gạc (Rauvoifia verticiliata) thì ba gạc tác dụng chậm hơn hoa đại. Độ độc của hoa đại cũng ít hơn ba gạc. Qua thí nghiệm liều dùng cho người có thể tới 60g một ngày, chia làm 2 lần uống.
Tác dụng của hoa đại
Hoa dùng trong các trường hợp:
Dự phòng say nắng.
Viêm ruột, lỵ.
Khó tiêu, kém hấp thu, kém dinh dưỡng ở trẻ em.
Nhiễm khuẩn, viêm gan.
Viêm phế khí quản, ho.
Người ta dùng hoa đại làm thuốc chữa bệnh ưa chảy máu có kết quả tốt.
Tinh dầu hoa đại có tác dụng chống nấm. Ở Ấn Độ, nụ hoa đại nhai với lá trầu không là thuốc hạ sốt.
Các tác dụng khác
Vỏ thân cây đại có tác dụng kích thích, dạng nước sắc có tác dụng nhuận tràng, tẩy xổ, hạ sốt. Vỏ đại còn có tác dụng hạ đường huyết.
Rễ cây đại có tác dụng tẩy mạnh và độc đối với súc vật.
Nhựa mủ của cây có tác dụng gây xung huyết da, thường gây ngộ độc nếu dùng liều lớn.
Vỏ thân và vỏ rễ dùng dưới hình thức thuốc nhuận tràng, tẩy mạnh, còn có tác dụng thủy thũng, bí đại tiểu tiện. Dùng vỏ thái mỏng sao thơm 5 – 10g sắc trong 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày để tẩy và 4 – 5g để nhuận tràng. Có thể, dùng nhựa mủ của thân với liều 0,50 – 0,80g dưới dạng nhũ dịch.
Ở Papua Niu Ghinê dịch lá dùng đắp vết thương rắn cắn hoặc dùng nhựa cây đắp lên chỗ đau.
Hoa đại khô dùng dưới dạng nước sắc để điều trị một số trường hợp rối loạn mạch và cao huyết áp. Tác dụng hạ huyết áp của hoa đại xuất hiện nhanh và tương đối bền vững. Ngày dùng 10 – 15g dạng thuốc sắc. Dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều vị thuốc khác theo công thức “chè giảm áp” của Viện Quân y 108. Nước sắc hoa đại còn chữa cảm sốt, ho đờm, kiết lỵ, bệnh ưa chảy máu. Ở Lào đã dùng thuốc sắc hoa đại chữa một số trường hợp viêm tắc động mạch đạt kết quả tốt. Nhân dân Campuchia dùng hoa đại chữa bệnh hắc lào.
Vỏ dùng chữa thủy thũng, tiểu tiện ít hoặc táo bón lâu ngày, viêm chân răng. Ngày dùng 4 – 8 g để nhuận tràng, 8 – 20g để tẩy, 12 – 20g ngâm rượu ngậm chữa viêm chân răng. Ở Ấn Độ, người ta còn dùng vỏ trị ỉa chảy và dùng vỏ rễ để trị bệnh lậu và loét đường sinh dục. Nhựa dùng như vỏ thân, nhưng với liều thấp hơn, còn dùng chữa chai chân và vết loét. Ở Ấn Độ, người ta dùng như chất gây sung huyết để trị thấp khớp và còn dùng xổ.
Những người làm thuốc ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình dùng vỏ đại sắc hoặc hãm uống 3 – 4 lần trong ngày chữa phù thận đạt kết quả tốt.
Chè giảm áp an thần (Viện Quân y 108)
Hoa đại khô (thái nhỏ) 100g, hoa cúc vàng khô (thái nhỏ) 50g, hoa hòe (sao vàng) 50g, hạt quyết minh (sao đen) 50g. Tất cả tán thành bột, chia thành gói 10gam, mỗi ngày dùng 1 – 2 gói, hãm uống thay nước chè trong ngày. Có tác dụng hạ huyết áp, bảo vệ mao mạch, an thần gây ngủ.
Chữa táo bón
Vỏ đại 50g sao vàng cùng với cám gạo 50g. Tán nhỏ 2 thứ, rây thành bột mịn, trộn với hồ làm viên 0,5g. Người lớn dùng 15 viên một ngày; trẻ em 5 – 9 tuổi 5 viên; từ 10 – 15 tuổi 10 viên chia làm 2 lần uống trong ngày với nước đun sôi để nguội (không dùng nước chè).
Kinh nghiệm này đã được áp dụng phổ biến ở trạm y tế xã Phượng Hoàng, huyện Tiêu Yên, tỉnh Hà Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Có thể nấu vỏ thân đã chế biến với nhiều lần nước, rồi cô lại thành cao mềm với tỷ lệ 1:1 và dùng với liều 0,2 – 0,5g mỗi ngày, có thể tăng dần đến 1 – 2g/ngày.
Kiêng kỵ: Người đang bị tiêu chảy hoặc có mang không được dùng.
Không dùng cho người suy nhược toàn thân, tiêu chảy và phụ nữ có thai.
Nguồn Tham Khảo:
Từ điển cây thuốc Việt nam – Võ Văn Chi.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Tập 1).
//tracuuduoclieu.vn/dai.html
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.