Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Đại phù bình: Vị thuốc Đông Y trị mẩn ngứa, mề đay cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Đại phù bình có tên khoa học là Pistia stratiotes L., thuộc họ Araceae (Ráy). Đại phù bình là loài thực vật thủy sinh sống trên bề mặt nước, có vị cay, tính lạnh, tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc và lợi tiểu. Công dụng: Thông kinh, lợi tiểu, ngứa, mụn nhọt, Eczema, ho, hen xuyễn, đái buốt, đái dắt (Lá).
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Đại phù bình
Tên khác: Bèo tai tượng, Bèo tía, Bèo cái, Bèo ván, Tử phù bình, Tropical duckweed, water lettuce (Anh)
Tên khoa học: Pistia stratiotes L. Họ: Ráy (danh pháp khoa học: Araceae)
Tên dược:Herba Pistiae
Đặc điểm tự nhiên
Đại phù bình là một loài cây thảo mọc nổi trên mặt nước, có bồ nhưng không có thân. Rễ chùm chìm ngập trong nước.
Lá mọc từ rễ, mọc thành hoa thị ở gốc, gốc lá thuôn hẹp thành bẹ, đầu lá tròn loe rộng, phiến lá hình trứng dài độ 2 đến 10 cm. Mặt trên lá nhẵn và sẫm màu; mặt dưới lá có lông mịn, màu trắng xám hoặc đỏ tía, những lá ở giữa nhỏ hơn. Gân lá xếp thành hình quạt.
Cụm hoa là một mo hình lá, nhỏ, mọc từ giữa các lá, màu trắng nhạt gồm phần ống hình trứng không đều và phần phiến hình trái xoan nhọn. Trong phiến hoa, mặt trong thì nhẵn, mặt ngoài có lông, trục hoa ngắn, có 2 đến 8 hoa đực ở trên, một hoa cái ở dưới; hoa trần; hoa đực có hai nhị ngắn dính nhau, bao phấn có hai ô, hoa cái có bầu hình trứng chứa nhiều noãn.
Quả hình trứng, quả mọng có nhiều hạt xù xì. Mùa hoa quả từ tháng 5 đến 10.
Phân bố, thu hái, chế biến
Chi Pistia L. có một loài là bèo cái với 3 – 4 thứ (var.), phân bố khá rộng rãi ở nhiều nước nhiệt đới và ôn đới khác như miền Trung Quốc, Malaixia, Philipin, Lào, Campuchia.
Ở Việt Nam, loài đại phù bình còn có thêm một dưới loài lá rất to. Chúng sống trôi nổi trên mặt nước, nhưng thường tụ tập thành đám lớn ở chỗ nước lặng, như ao hồ, ruộng nước và đầm lầy. Đại phù bình có ở hầu hết các địa phương. Ngoài ra, cây còn được trồng thêm để làm rau cho lợn hoặc làm nơi trú nắng và đẻ trứng của một số loài cá nuôi. Đại phù bình ra hoa quả hàng năm. Người ta dùng toàn cây, có thể hái quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa hạ là mùa cây có hoa. Người ta thường dùng tươi, không phải chế biến gì đặc biệt, có khi phơi khô.
Hạt giống phát tán ra mắc vào rễ các cây mẹ hoặc trôi dạt vào chỗ đất bùn, mới có điều kiện nảy mầm. Tuy nhiên, cách tái sinh cây con mạnh nhất vẫn là đẻ nhánh từ phần gốc của thân.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận sử dụng được là toàn cây – Herba Pistiae, chủ yếu là lá. Thứ có mặt dưới lá màu tía thì tốt hơn.
Thu hái toàn cây quanh năm, thường dùng tươi.
Thành phần hoá học
Đại phù bình chứa nước 93,13%, chất khô 6,87%, chất hữu cơ 5,09%, chất protit thô 0,63%, chất béo thô 0,29%, xenluloza 1,24%, chất không chứa nitơ 2,93%, tro 1,78%, phospho 0,185%.
Lá và thân đại phù bình chứa protein 1,4%, chất béo 0,3%, carbohydrat 2,6%, calici (CaO) 0,2%, phosphor 0,06% protein dễ tiêu 1,2%. Ngoài ra còn có nhiều vitamin A, C. Tro chứa nhiều clorua kali và sulfat kali.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Đại phù bình có vị nhạt, hơi cay, tính mát; có tác dụng chỉ phong giải độc, khư thấp chỉ dương, lương huyết, hoạt huyết, lợi niệu, tiêu thũng.
Quy vào kinh Đại trường, Can và Phế.
Tác dụng: Tiêu mụn nhọt, trị mẩn ngứa, giải biểu, lợi tiểu, thanh nhiệt.
Chủ trị: Thoát giang, tả lỵ lâu ngày, trừ giun sán, mẩn ngứa ngoài da, ho suyễn, mụn nhọt, thống kinh và khó tiểu tiện.
Theo y học hiện đại
Đại phù bình là một vị thuốc còn được dùng trong phạm vi nhân dân để chữa ngoại cảm phong nhiệt, sốt không ra mồ hôi, chữa mụn nhọt, mày đay, mẩn ngứa, đơn độc sưng tấy, phù thũng, ho, hen suyễn, thống kinh nguyệt, lợi tiểu tiện, khát nhiều. Ngoài công dụng trên, đại phù bình còn được dùng phối hợp với xà phòng để tẩy các vết trên vải, quần áo, chai, nồi có dầu mỡ, ngâm đại phù bình vài ngày sẽ rửa rất chóng sạch.
Đại phù bình tươi (50 – 100 g) hoặc khô (6 – 8 g), sắc lấy nước uống lúc thuốc còn ấm, có thể dùng để xông. Người tự ra mồ hôi nhiều không nên dùng. Đại phù bình cũng được dùng ngoài dưới dạng nước sắc để rửa mụn nhọt, chỗ mẩn ngứa, hoặc rửa sạch, giã với ít muối để đắp.
Theo tài liệu Ấn Độ, trong y học dân gian, người ta dùng cả cây, đặc biệt là lá. Đại phù bình được coi là có tác dụng sát trùng, chống lao và chống lỵ, làm thuốc rửa mắt để giảm đau. Dịch ép cây chữa đau tai, dùng tro của cây để chữa bệnh nấm da đầu. Lá đại phù bình chữa chàm, phong hủi, loét, trĩ và giang mai. Đại phù bình với nước hoa hồng và đường trị ho và hen. Lá đại phù bình còn được coi là có tác dụng trị giun. Dịch ép lá đại phù bình đun sôi với dầu dừa để dùng ngoài trong điều trị bệnh da mạn tính.
Liều dùng & cách dùng
Dùng ngoài không kể liều lượng. Dùng trong: Ngày có thể dùng 50 – 100 g đại phù bình tươi. Có thể tăng lên tới 200 g tươi.
Bèo khô dùng hun trừ muỗi. Thường dùng đại phù bình phơi khô, sao, sắc nước uống, mỗi ngày 10 – 20 g. Dùng ngoài nấu nước rữa.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa chàm (eczema)
Lượng dược liệu dùng tùy theo vùng da bị chàm to hay nhỏ, rửa sạch bằng nước thường 3 – 4 lần, thêm ít muối giã nát, đắp lên chỗ bị chàm. Thường chỉ đắp một hai lần, chỗ bị chàm không chảy nước nữa và điều trị trong vòng 7 đến 10 ngày là khỏi hẳn. Đồng thời với việc đắp ngoài, có thể uống những thang thuốc giải độc có hoa kim ngân, bồ công anh ,…
Chữa mẩn ngứa
Đại phù bình (50g) rửa sạch, sao vàng, sắc với nước uống hằng ngày. Điều trị liên tục trong 2 đến 3 ngày, cho đến khi cải thiện triệu chứng.
Chữa hen suyễn
Đại phù bình (100g) cắt bỏ rễ, bỏ lá vàng, rửa nước nhiều lần cho thật sạch; cuối cùng rửa bằng nước muối. Để ráo nước, giã nhỏ vắt lấy nước, thêm nước lọc vào và sirô chanh cho vừa ngọt và đủ 100ml, uống làm một lần, ngày uống 2 lần. Điều trị liên tục 10 ngày hoặc đến khi cơn hen suyễn đã bớt, có khi tới 3 tháng. Khi mới uống có thể thấy ngứa họng trong vòng 10 phút, nhưng sau quen dần và hết ngứa (Y học thực hành 5-1952: 32).
Chữa mụn rộp (herpes) loang vòng
Rửa sạch nơi bị mụn rộp bằng nước sắc đại phù bình, rắc lên nơi mụn rộp bằng đại phù bình đã đốt thành tro.
Chữa phong nhiệt, đầu mặt sưng ngứa, đau mắt, khắp mình nổi mẩn ngứa hoặc sưng phù
Đại phù bình (bỏ rễ) 30g, Bạc hà 30g, Kinh giới 30g. Rửa sạch dược liệu, sau đó sắc uống và xông rửa.
Chữa phù thũng mới phát (dượng thủy: phù nhẹ toàn thân ấn không lõm)
Đại phù bình một nắm sắc uống (Nam dược thần hiệu).
Chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ, giảm trí nhớ, di tính:
Chuẩn bị đại phù binh, sâm voi, cám gạo, vừng đen (mỗi vị 1.000g) mật ong vừa đủ. Đem rửa sạch dược liệu, đại phù binh cắt bỏ rễ phơi khô; sâm voi cạo bỏ vỏ ngoài, thái mỏng phơi khô tẩm nước gừng sao vàng; vừng đen sao qua, giã và rây kỹ, sau đó tẩm nước hơi ướt sao vàng. Tán nhỏ dược liệu luyện với mật thành hoàn 12g. Mỗi lần uống một hoàn, ngày 3 lần, dùng liên tục trong 15 ngày.
Chữa viêm thận cấp
-
Đại phù binh, ích mẫu, mao căn mỗi vị 10g, ngải diệp 12g. Đem dược liệu rửa sạch, sắc uống hoặc pha chế sirô từ cao nước.
-
Nếu kèm theo triệu chứng sốt, tiểu khó: Mộc tặc thảo 12g, bèo ván khô 10g, đông qua bì 16g, xích tiểu đậu 20g, ma hoàng 4g, liên kiều 12g, tây qua bì 12g và cam thảo 4g. Rửa sạch dược liệu, sắc uống. Ngoài cách trên, người ta có thể tán dược liệu thành bột mịn, mỗi lần pha 4g với nước sôi để nguội, ngày dùng 2 lần.
-
Nếu kèm theo triệu chứng tăng huyết áp kết hợp: Đại phù binh, ích mẫu, mao căn mỗi vị 10g, ngải diệp 12g, gia thêm hoa cúc, hoa hòe, hạ khô thảo. Đem dược liệu rửa sạch, sắc uống hoặc pha chế sirô từ cao nước.
Chữa tâm thần phiền táo, sốt và khát
Dùng đại phù binh tán thành bột mịn, hòa chung với sữa trâu làm thành viên to bằng hạt ngô đồng. Dùng 30 viên/ngày, ngày dùng 3 đến 4 lần.
Chữa viêm mũi dị ứng
Dùng 250g đại phù bình tươi, giã nát và lọc lấy nước pha loãng, dùng uống hàng ngày đến khi cải thiện triệu chứng dị ứng.
Chữa viêm xoang mũi mãn tính
Dùng hoàng cầm và bạch chỉ mỗi vị 5g, đại phù bình khô 10g, cam thảo 4g, kim ngân hoa 8g. Sắc uống thay trà hằng ngày, dùng liên tục đến khi cải thiện triệu chứng.
Chữa bệnh trĩ ngoại, đơn độc mới phát, lang ngứa do mồ hôi ứ đọng hay trẻ em lòi dom
Dùng đại phù bình nấu nước xông rửa, và giã lá đắp vào chỗ bị tổn thương.
Chữa sốt phát ban
Dùng củ sắn dây và đại phù bình (bỏ rễ) đem sắc với nước, cô đặc lại đến khi còn 1 bát nước, dùng uống nóng và đắp chăn cho ra mồ hôi.
Chữa mày đay mẩn ngứa thể nhiệt
Triệu chứng: Da đỏ, các nốt ban đỏ, nóng rát, miệng khát, phiền táo; khi gặp gió, nóng, bệnh phát ra hoặc tăng thêm; mạch phù sắc, lưỡi đỏ, có rêu vàng hoặc trắng.
-
Bài thuốc 1: Mã đề, thuyền thoái (ve sầu khô) và cam thảo đất mỗi vị 8g, hà thủ ô, đại phù bình, vỏ quả lựu tươi, thổ phục linh, ké đầu ngựa và bồ công anh mỗi vị 12g.
-
Bài thuốc 2: Đại phù binh 8g, kim ngân hoa, ké đầu ngựa, kinh giới, lá dâu, thổ phục linh, xa tiền mỗi vị 16g, bồ công anh và sinh địa mỗi vị 12g, thuyền thoái 6g.
-
Bài thuốc 3: Đại phù binh 8g, kim ngân hoa và ké đầu ngựa mỗi vị 16g, liên kiều, ngưu bàng tử, lô can, trúc diệp, kinh giới, bạc hà, xa tiền tử mỗi vị 12g, cam thảo 4g.
Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang, dùng liên tục đến khi cải thiện triệu chứng.
Chữa nhiệt tích khiến sởi không mọc được hoặc sởi mới phát
Dùng sanh liễu và đại phù bình mỗi vị 8g, sắc uống 1 thang/ngày và dùng đại phù bình 150 – 250g sắc lấy nước lau rửa toàn thân. Dùng liên tục cho đến khi cải thiện triệu chứng sởi.
Chữa viêm cầu thận cấp, có mụn nhọt kết hợp với chốc lở
Sinh địa, sài đất, ngải diệp và huyền sâm mỗi vị 12g, kim ngân hoa, đại phù bình, bồ công anh, ích mẫu và bạch mao căn mỗi vị 10g. Đem các vị sắc uống hoặc pha chế sirô từ cao nước, ngày dùng 1 thang.
Chữa mề đay
Thuyền thoái và cam thảo mỗi vị 2 – 4g, đại phù bình, nhân trần, phòng phong, kinh giới mỗi vị 8 – 12g. Rửa sạch dược liệu và sắc uống.
Chữa phù do cước khí và viêm cầu thận cấp
Dùng hồng táo 5 quả, đậu đỏ 100g, mộc tặc thảo 15g và đại phù binh 10g. Đem sắc với 600ml nước còn lại 200ml, chia thành nhiều lần uống.
Chữa phù thận cấp tính
Tán nhỏ ngưu bàng tử và đại phù bình, mỗi lần dùng 5g, ngày sử dụng 3 lần.
Chữa bệnh tổ đỉa
Dùng khổ sâm, đại phù bình, hoàng cầm, thương nhĩ và thương truật mỗi vị 12g, hương phụ 10g. Rửa sạch dược liệu, sắc lấy nước ngâm rửa vùng bị tổn thương trước khi đi ngủ. Dùng liên tục đến khi cải thiện triệu chứng.
Chữa hội chứng thận hư
Đại phù binh và ích mẫu mỗi loại 10g, ngải diệp 16g, mao căn 12g. Rửa sạch dược liệu và sắc uống.
Lưu ý
Thân thể hư nhược và hay bị ra mồ hôi không nên dùng.
Nguồn Tham Khảo:
https://tracuuduoclieu.vn/beo-cai.html
Từ điển cây thuốc Việt Nam – Võ Văn Chi.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
https://www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/beo-cai.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Tập 1).
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.