Tên Tiếng Việt: Đại tướng quân
Tên khác: Náng hoa trắng, Chuối nước, Tỏi voi, Cây náng, Văn châu lan, Luộc lài, Cáp gụn (Tày), Co lạc quận, Văn thù lại, Lá náng, Thập bát học sĩ (Quảng Châu Trung Quốc)
Tên khoa học:Crinum asiaticum L. thuộc Họ: Amaryllidaceae (Thủy tiên)
Đại tướng quân là một loại cỏ, có hành hình đầu, thân hành to hình cầu hoặc hình trứng thuôn, đường kính đến đạt tới 10 cm hoặc hơn, thắt lại ở đầu thành cổ dài 12 – 15 cm hay hơn.
Lá mọc thẳng từ thân hành, hình bản dài, phiến dày, dài 1m hoặc hơn, rộng 5 – 10 cm, nhiều, mọc ở gốc. Phiến lá hình mác dài, mặt trên hõm thành rãnh, mép nguyên, chiều dài từ 1 – 1,2 m, chiều rộng từ 5 đến 10cm. Góc lá có bẹ rộng, đầu nhọn, mép nguyên uốn lượn, gân song song, gân chính lối rõ ở mặt dưới, hai mặt màu lục nhạt.
Cụm hoa hình tán, mọc ở giữa túm lá. Tán hoa được mang trên một cán mập, dẹt, dài 40 – 60 cm, đường kính bằng ngón tay. Cụm hoa gồm 6 đến 12 hoa màu trắng, to, về chiều có mùi thơm dễ chịu, bao hoa có ống hẹp màu lục dài 8 – 10 cm. Hoa có ống mảnh màu lục, các phiến hoa giống nhau. Lá đài và cánh hoa giống nhau, hình dài thuôn hẹp. Nhị 6, thòi ra ngoài, chỉ nhị màu đỏ tía; bầu dạng thoi.
Quả nang, gần hình cầu, đường kính 3 – 5 cm, chỉ có một ngăn và một hạt.
Sinh thái: Cây mọc hoang dại ở những nơi ẩm mát, dựa rạch; cũng thường trồng làm cảnh; người ta thường tách các hành con để trồng. Mùa hoa quả: tháng 6 – 8.
Chi Crinum L. có khoảng 165 loài trên thế giới, phân bố khá phổ biến ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới (mọc ở Ấn Độ, Inđônêxia). Ở Việt Nam, chi này có 8 loài.
Cây đại tướng quân mọc hoang ở những nơi ẩm ướt trong khắp nước ta, như chân núi đá vôi hoặc các bãi hoang thuộc vùng ven biển,… đôi nơi đem về trồng làm cảnh do một số loài có hoa đẹp và thơm. Màu hoa trắng đẹp, thơm về chiều và đêm.
Đại tướng quân thường được dùng lấy lá và củ để làm thuốc, thường được dùng tươi. Người ta hái về dùng ngay, không phải chế biến gì cả.
Toàn thân. Để làm thuốc người ta thu hái các bộ phận khác nhau của cây, thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Các bộ phận của cây, nhất là hành chứa lycorin. Rễ cây chứa alcaloid, narcissin (lycorin), vitamin và các hợp chất kiềm có mùi hôi của tỏi. Hạt chứa lycorin và crinamin.
Nghiên cứu thành phần hóa học trong cây đại tướng quân ở Việt Nam, chúng tôi thấy ancaloit được phân phối cả lá, hoa, dò và quả (Đỗ Tất Lợi, Ngô Vân Thu và Phạm Xuân Cù, 1963).
Hành của cây đại tướng quân có vị đắng; có tác dụng bổ, nhuận tràng, long đờm. Rễ tươi gây nôn, làm mửa và làm toát mồ hôi. Hạt tẩy, lợi tiểu và điều kinh. Lá làm long đờm.
Trong y học Đông phương, người ta xem đại tướng quân có vị cay, tính mát, có độc, có tác dụng thông huyết, tán ứ, tiêu sưng, giảm đau. Hành của nó có vị đắng, hôi, tính nóng; có tác dụng khư phong tán hàn, giải độc tiêu sưng.
Thân hành náng hoa trắng có tính chất đắng, nhuận tràng và long đờm, được dùng trong đa tiết mật, đái són đau và rối loạn tiết niệu khác. Thân hành tươi gây buồn nôn và nôn mà không gây đau bụng hoặc tẩy. Thân hành còn có tác dụng làm ra mồ hôi.
Lá có tác dụng long đờm và chống viêm. Cao chiết với nước, với methanol và alcaloid toàn phần từ lá, thân và rễ náng hoa trắng có tác dụng ức chế sự phân bào của rễ hành ta, cao methanol có tác dụng mạnh hơn cao nước. Alcaloid toàn phần có tác dụng rất mạnh.
Hạt có tác dụng tẩy và lợi niệu.
Thân hành có độc, khi dùng phải thận trọng.
Toàn cây dùng trị:
Viêm họng, đau răng.
Đinh nhọt, viêm mủ da, loét ở móng, ở bàn chân.
Đòn ngã tổn thương, đau các khớp xương.
Rắn cắn: Ngày dùng 3 – 10 g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, giã cây tươi đắp.
Ở Ấn Độ, người ta còn dùng hành của cây để trị chứng thiếu mật và những rối loạn đường tiết niệu. Lá được dùng đắp trị bệnh ngoài da và làm tan sưng.
Để chữa bong gân, sưng đau do té ngã hoặc gãy xương, người dân dùng cây đại tướng quân hơ nóng đắp và bóp vào những vùng cơ xương bị tổn thương. Ngoài ra, người dân còn dùng xoa bóp khi bị tê thấp, nhức mỏi. Không thấy dùng để uống.
Nhân dân tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc) cũng dùng lá đại tướng quân hơ nóng và bóp vào những nơi sưng đau như ở nước ta, có khi người ta còn sắc với nước để lấy nước sắc rửa và trị trĩ ngoại, có kết quả tốt.
Ở Ấn Độ, người ta hay dùng củ ép lấy nước pha loãng để gây nôn, với liều nhỏ sẽ có tác dụng buồn nôn và ra mồ hôi. Người ta dùng củ tươi giã nát, trộn với 4 phần nước sau đó ép lấy nước, dùng từ 8 đến 16g mỗi lần cho đến khi nôn được, có thể dùng ở người lớn và trẻ nhỏ, lưu ý theo dõi tình trạng ngộ độc. Nếu khó uống thì thêm đường cho dễ uống.
Ở Madagascar, thân hành đắp trị áp xe, mụn nhọt, và dịch ép lá nhỏ vào tai để trị đau tai.
Ngoài cây đại tướng quân, đôi khi cây náng hoa đỏ cũng được dùng với công dụng tương tự.
Chữa sai khớp, bong gân (Hải Thượng Lãn Ông):
Chuẩn bị các dược liệu sau: Lá đại tướng quân, mủ xương rồng bà, lá thầu dầu tía, quế, hồi hương, vỏ núc nác, gừng sống, lá canh châu, lá dây đau xương, đinh hương, vỏ sồi, lá kim cang, lá mua, huyết giác, củ nghệ, hạt trấp, hạt máu chó, lá bưởi bung, lá tầm gửi cây khế (nếu có sưng cơ thì bỏ lá đau xương, thêm giấm). Rửa sạch dược liệu, sau đó giã nát, sao nóng và chườm vào chỗ bị thương. Điều trị liên tục đến khi cải thiện triệu chứng sai khớp, bong gân.
Chữa tụ máu, sưng tấy do bị ngã hay bị đánh, bong gân, bó gãy xương:
Chuẩn bị các dược liệu sau: Lá đại tướng quân từ 10 đến 20g, lá dây đòn gánh 10g, lá bạc thau 8g. Rửa sạch dược liệu, giã nhỏ với rượu. Sau đó nướng lên và đắp nóng vào chỗ bị tổn thương. Ngày làm 1 lần, duy trì đều đặn đến khi cải thiện triệu chứng sưng đau xương khớp.
Chữa thấp khớp, sai gân, bong gân, tụ máu:
Chuẩn bị dược liệu: Đại tướng quân 30g, dạ cẩm 20g, mua thấp 30g. Rửa sạch dược liệu, giã nhuyễn rồi đắp lên chỗ cơ xương bị tổn thương. Ngày làm 1 lần, duy trì đều đặn đến khi cải thiện triệu chứng sưng đau xương khớp.
Chuẩn bị dược liệu: Đại tướng quân 30g, lá sỉ 20g, lá sở 20g. Rửa sạch dược liệu, giã nhuyễn rồi trộn với lòng trắng trứng, đắp lên chỗ cơ xương bị tổn thương rồi băng lại. Hai ngày thay một lần, duy trì đều đặn đến khi cải thiện triệu chứng sưng đau xương khớp.
Gây nôn, toát mồ hôi, long đờm: Dùng hành cây đại tướng quân ép lấy nước, pha loãng uống.
Mụn nhọt, rắn cắn, bệnh ngoài da, trĩ ngoại: Dùng lá đại tướng quân tươi giã nát rồi đắp lên chỗ cơ xương bị tổn thương, hoặc ép lấy nước uống.
Lưu ý có thể xuất hiện các triệu chứng sau như nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy, mạch nhanh, hô hấp không đều, nhiệt độ cơ thể cao nếu ăn phải hành của đại tướng quân, hoặc uống nước ép đặc. Nếu gặp các triệu chứng trên thì có thể giải độc bằng nước trà đặc hoặc dung dịch acid tannic 1 – 2% hoặc uống nước đường, nước muối loãng; ngoài ra có thể dùng giấm với nước gừng (tỷ lệ 2:1) cho uống. Cho người bị ngộ độc uống các loại trên đến khi nào cải thiện được triệu chứng ngộ độc.
Nguồn Tham Khảo:
Từ điển cây thuốc Việt nam – Võ Văn Chi.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Tập 1).
//tracuuduoclieu.vn/nang-hoa-trang.html
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.