Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Đậu cọc rào: Vị thuốc trị thấp khớp và độc tính cần lưu ý cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Đậu cọc rào hay ba đậu mè, ba đậu nam, Cốc dầu,… là một loài thực vật trong họ Đậu. Cần chú ý liều cao có thể gây độc, lá Đậu cọc rào chữa thấp khớp. Đậu cọc rào là một cây thuốc có nguồn gốc từ châu Mỹ, rất phổ biến ở Việt Nam, Lào và Campuchia.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên tiếng Việt:
Đậu cọc rào.
Tên khác: Ba đậu mè; dầu lai; ba đậu nam; dầu mè; cốc dầu; vong đâu ngô; đồng thụ lohong; kuang; vao; nhao; grand pignon d’Inde; fève d’efer.
Tên khoa học: Jatropha curcas L.
Đặc điểm tự nhiên
Đậu cọc rào là một cây kích thước nhỏ có chiều cao 1 – 5m, cành to chắc, nhẵn, trên có những vầu nổi lên do sẹo của lá, khi bị thương sẽ chảy ra một thứ nhựa mủ trắng.
Lá đơn và xẻ chân vịt, chia làm 3 – 5 thuỳ nông, dài 10 – 13cm, rộng 8 – 11cm. Hoa màu vàng kích thước nhỏ, cùng gốc, mọc thành chuỳ ở tận cùng hay ở nách lá, hoa đực mọc ở đầu các nhánh với cuống ngắn có khuỷu, hoa cái mọc ở giữa những nhánh, với những cuống không có khuỷu.
Quả nang hình bầu dục, đỏ nhạt hay đen nhạt, lúc đầu chắc sau thành khô và dai nhẵn, mờ theo ba mép. Hạt 3, có áo hạt bên ngoài, hình bầu dục rộng 1cm, dài 2cm, nhẵn và có màu đen nhạt.
Phân bố, thu hái, chế biến
Cây có nguồn gốc từ châu Mỹ, sau được mang đi khắp các vùng nhiệt đới. Loài này rất phổ biến ở Lào, Việt Nam và Campuchia, do rất dễ trồng nên thường trồng làm hàng rào. Chỉ cần giâm cành hay bằng hạt thì cây mọc rất nhanh, nhưng vì năng suất hạt thấp cho nên muốn thu hoạch nhiều hạt phải trồng nhiều cây. Một số nước người dân dùng cây này để trồng trên đồi trọc, vừa nhanh có cây vừa thu hoạch được nhiều hạt để lấy dầu.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận sử dụng được của đậu cọc rào là nhựa mủ, hạt, lá, cành và rễ làm thuốc. Hạt còn dùng ép dầu.
Thành phần hoá học
Trong hạt Đậu cọc rào có 20 – 25% dầu béo, chất nhựa và protein. Theo Falck thì trong hạt Đậu cọc rào còn chứa một phytotoxin gọi là curcin chất này không làm cho các tế bào hồng cầu bị vón cục, nhưng có thể làm hỏng các mạch máu và có khả năng nguy hiểm đến tính mạng.
Dầu Đậu cọc rào có màu hơi vàng hay không màu, không mùi, trong suốt ở nhiệt độ thường. Khi để lạnh ở nhiệt độ 9°C sẽ để lắng đông stearin và ở nhiệt độ O°C sẽ đông đặc hoàn toàn. Tỷ trọng dầu là 0,915 ở 15°C. Dầu được sử dụng thắp sáng rất tốt vì không có khói, rất thích hợp với việc điều chế xà phòng chống kích ứng da.
Công dụng
Liều thấp dầu Đậu cọc rào có tác dụng tẩy mạnh: Từ 6 – 7g có tác dụng tẩy mạnh bằng 45g dầu Thầu dầu.
Ngoài ra, nhân Đậu cọc rào cũng có tác dụng tẩy mạnh tương tự: Khi uống bằng cách trộn ba nhân với sữa cho gây tẩy rất mạnh. Người ta còn đem rang hạt, nghiền thành bột ngâm trong rượu cho uống để tẩy. Nhưng cần chú ý rằng liều cao có thể gây độc, liều độc thay đổi tùy theo từng người nhưng thường có thể làm chết người ở liều 25 – 30 hạt. Khi mới bị ngộ độc, thấy cổ họng rát bỏng, sau đó ở dạ dày, rồi chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy, hôn mê và chết.
Tại châu Mỹ và Malaysia người ta đã có những vụ án đầu độc bằng Đậu cọc rào bằng cách nghiền hạt thành bột rồi rắc lên thức ăn.
Người ta còn dùng dầu để làm ra thai hoặc xoa vào bụng hoặc uống.
Nhựa mủ: Được bôi lên vết loét hay vết thương, khi khô ở đó sẽ tạo thành một màng che như kiểu màng collodion. Có khi người ta dùng để đánh lưỡi những người ốm: Chấm nhựa mủ vào miếng gạc rồi dùng gạc này để đánh lưỡi.
Lá Đậu cọc rào: Giã nát đắp lên bụng để tẩy cho trẻ em, ngoài ra còn được dùng chữa thấp khớp, một số nơi thì dùng nấu nước tắm ghẻ. Từ cành và lá, người ta còn chiết được chất màu dùng nhuộm bóng thành màu nâu rất bền màu.
Rễ có tác dụng trị tê liệt và bại liệt.
Ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác, Đậu cọc rào còn đang được trồng và phát triển với mục đích sản xuất nhiên liệu sinh học.
Liều dùng & cách dùng
Ngày dùng 10 – 20g hạt hoặc rễ dưới dạng sắc uống.
Sử dụng ngoài da.
Bài thuốc kinh nghiệm
Không có thông tin.
Lưu ý
Đậu cọc rào là loài cây phổ biến ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Đậu cọc rào có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
Nguồn Tham Khảo:
Tra cứu dược liệu Đậu cọc rào: https://tracuuduoclieu.vn/dau-coc-rao.html
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.